Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Chăm sóc cơ thể

Răng gãy còn chân: Nguyên nhân, tác hại và giải pháp can thiệp

Ngày 10/05/2024
Kích thước chữ

Răng gãy còn chân nên nhổ bỏ hay tìm cách để bảo tồn? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp lời giải đáp chi tiết cho câu hỏi này và nhiều thông tin thú vị khác xoay quanh chủ đề nói trên.

Răng gãy còn chân là một sự cố không mong muốn nhưng vì nhiều lý do, thực trạng này vẫn có thể xảy ra. Để can thiệp hiệu quả thì bạn cần làm rõ căn nguyên của vấn đề. Sau đó dựa vào mức độ sang chấn mà lựa chọn phương thức xử lý phù hợp.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng răng gãy còn chân

Răng gãy còn chân có thể phát sinh do những nguyên nhân cơ bản dưới đây:

Răng sâu

Răng sâu là hiện tượng răng bị ăn mòn bởi axit có trong khoang miệng và thường liên quan đến hoạt động của vi khuẩn hoại sinh. Khi răng sâu xuất phát từ phần cổ của chân răng thì hiện tượng đục lỗ, khuyết lõm làm mất dần phần thân răng phía trên. Do đó răng sẽ bị gãy và chỉ còn lại chân răng nằm trong nướu.

Mòn cổ chân răng

Mòn cổ chân răng là hiện tượng vùng cổ của chân răng mất dần đi lớp bảo vệ cứng cáp bên ngoài (men răng và ngà răng). Hai thành phần này không thể tái sinh, khiến kết cấu bên trong của răng bị hủy hoại và có kích thước co ngót dần. Kết quả là gây gãy gập thân răng, chỉ còn sót lại chân răng bên dưới.

Va đập cơ học

Va chạm cơ học là một trong những tác nhân hàng đầu khiến răng bị gãy mà vẫn còn chân. Cụ thể, khi bị té ngã hay tai nạn, nếu điểm va chạm nằm sát nướu thì thân răng sẽ bị nứt gãy, chân răng phía dưới vẫn còn nguyên.

Răng gãy còn chân: Nguyên nhân, tác hại và giải pháp can thiệp 5
Răng gãy còn chân có thể phát sinh do mòn cổ chân răng, sâu răng hoặc va chạm cơ học

Răng gãy còn chân gây hại như thế nào?

Răng gãy còn chân nếu không xử lý kịp thời và đúng cách thì có thể dẫn tới những hệ lụy sau:

  • Ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai: Khi thân răng không còn thì chức năng nhai, cắn, xé thức ăn đương nhiên sẽ gặp hạn chế. Không những vậy, cảm giác đau nhức, ê buốt ở khu vực chân răng bị tổn thương còn khiến người bệnh trở nên nhạy cảm hơn, không thể nhai nuốt như bình thường.
  • Gây hôi miệng: Vùng răng bị thương tổn có kết cấu lõm vào hoặc khấp khểnh nên tạo cơ hội cho mảng bám thức ăn tích tụ ngày một nhiều. Cùng với đó là sự phát triển hoành hành của vi khuẩn hoại sinh. Ngoài ra việc vệ sinh khoang miệng cũng gặp nhiều khó khăn do đau đớn nên hôi miệng là điều khó tránh khỏi.
  • Viêm tủy răng: Khi răng bị gãy, tủy sẽ bị lộ ra nên vi sinh vật rất dễ tiếp cận và gây hại cho tổ chức này. Từ đó dẫn đến tình trạng đau nhức, hình thành ổ mủ. Thậm chí còn có thể dẫn đến áp xe răng và nhiễm trùng máu.

Giải pháp can thiệp

Trong trường hợp răng gãy nhưng vẫn còn chân thì đâu là cách can thiệp hiệu quả nhất?

Nếu chân răng dài, không hư tổn

Trong trường hợp chân răng vẫn còn dài, vẫn duy trì được khả năng chịu lực và không bị hư tổn nặng thì bạn nên áp dụng cách điều trị bảo tồn bằng các phương pháp sau:

  • Trám răng: Sử dụng khi mô răng thật được duy trì ở mức > 50%. Với sự hỗ trợ của vật liệu trám, răng sẽ được phục hình nhanh chóng chỉ sau nửa giờ can thiệp. Không chỉ vậy, phương pháp này còn khắc phục nhanh tình trạng sâu răng.
  • Bọc răng sứ: Thường được chỉ định trong trường hợp mô răng còn khoảng 30 - 50%. Khi tiến hành, bác sĩ sẽ mài nhỏ cùi răng thật để làm thành trụ, sau đó chụp mão răng sứ lên trên để cải thiện tính thẩm mỹ và phục hồi chức năng ăn nhai của người can thiệp.
Răng gãy còn chân: Nguyên nhân, tác hại và giải pháp can thiệp 3
Nếu chân răng còn dài và chắc khỏe thì bọc răng sứ là lựa chọn hàng đầu trong trường hợp này

Nếu chân răng ngắn hoặc hư hỏng nặng

Trong trường hợp chân răng quá ngắn và không còn đảm nhiệm được chức năng vốn có thì nhổ bỏ là phương pháp tối ưu. Hiện nay có 2 phương pháp nhổ chân răng là nhổ bằng cách bóc tách thông thường và nhổ bằng sóng siêu âm. Cách làm đầu tiên sẽ gây đau đớn nhiều hơn cho người bệnh, thời gian phục hồi cũng chậm hơn nhưng chi phí rẻ. Ngược lại nhổ răng bằng sóng siêu âm ít đau, phục hồi nhanh nhưng giá thành sẽ đắt đỏ hơn.

Sau khi nhổ răng, người can thiệp sẽ được điều trị viêm nhiễm, chữa tủy (nếu cần) bằng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm. Một tháng sau, khi vết thương đã se lành hoàn toàn, bác sĩ sẽ tiến hành trồng răng giả. Tùy nhu cầu và ngân sách hiện có mà bạn có thể chọn một trong hai cách sau đây:

  • Làm cầu răng sứ: Nếu những chiếc răng nằm liền sát với răng bị gãy vẫn hoạt động chức năng tốt, không có vấn đề gì bất thường thì bác sĩ sẽ tiến hành làm cầu răng sứ. Khi đó, hai răng lân cận sẽ được mài nhỏ đi đôi chút để chụp mão răng sứ lên trên. Cùng với điều này thì vùng răng gãy sẽ được lấp đầy bằng một răng sứ đặc. Ba đại diện này đi liền với nhau nên giúp khôi phục chức năng ăn nhai ngay lập tức.
  • Trồng răng bằng cách cắm implant: Đây là cách thức can thiệp hiệu quả hơn nhưng cũng sẽ phức tạp hơn so với giải pháp trên. Cụ thể, phần trụ implant sẽ được cắm vào đúng vị trí mà chân răng định vị trong nướu. Sau đó chúng được gắn kết với phần thân răng sứ bên trên thông qua khớp nối abutment. Sau can thiệp, răng có kết cấu rất chắc chắn, tạo hình đẹp, ăn nhai tốt và tuổi thọ có thể kéo dài hàng chục năm.
Răng gãy còn chân: Nguyên nhân, tác hại và giải pháp can thiệp 4
Cắm implant trồng răng giả được khuyến cáo trong trường hợp không thể bảo tồn chân răng

Một số lưu ý khi xử lý răng gãy còn chân

Khi tìm giải pháp khắc phục vấn đề trên, bạn cần lưu ý đến những điều đặc biệt sau:

  • Chọn phòng khám hoặc bệnh viện uy tín, hoạt động công khai, minh bạch và được người dùng phản hồi tích cực để tối ưu hiệu quả can thiệp.
  • Chia sẻ rõ tình trạng răng, các bệnh lý răng miệng đang gặp phải cho bác sĩ nha khoa được biết. Điều này sẽ giúp chuyên gia y tế có thêm căn cứ để làm rõ vấn đề.
  • Tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, đặc biệt là trong khâu chăm sóc, vệ sinh răng miệng sau can thiệp.
  • Trong quá trình xử lý, nếu phát sinh vấn đề bất thường như tụt lợi mạnh, chảy máu, đau nhức liên tục,... thì cần thăm khám ngay.
  • Kiểm tra răng miệng định kỳ sau mỗi 3 - 6 tháng để nếu có vấn đề phát sinh sẽ được ngăn chặn kịp thời.
Răng gãy còn chân: Nguyên nhân, tác hại và giải pháp can thiệp 1
Tìm đến địa chỉ nha khoa uy tín khi răng gãy còn chân để lựa chọn giải pháp can thiệp phù hợp nhất

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về nguyên nhân, tác hại và cách can thiệp đối với tình trạng răng gãy còn chân. Mong rằng qua những thông tin vừa được cung cấp, chúng ta sẽ phát hiện nhanh vấn đề, đánh giá chính xác mức độ thương tổn và can thiệp đúng cách để chặn đứng mọi rủi ro có thể xảy ra! Trân trọng!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin