Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 13/04/2024
Kích thước chữ

Những trẻ tự kỷ thường khó khăn trong việc diễn đạt những cảm xúc bởi vì trẻ không thể giao tiếp trực tiếp mà thay vào đó là thể hiện qua hành vi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng hiểu được những thông điệp mà trẻ muốn truyền đạt. Điều này có thể dẫn đến tình trạng rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ, nguyên nhân và triệu chứng của tình trạng này. Đồng thời, đưa ra các phương pháp giúp trẻ tự kỷ cải thiện tình trạng rối loạn giác quan và những lời khuyên hữu ích để cha mẹ giúp trẻ hoà nhập vào cuộc sống.

Tìm hiểu về tình trạng rối loạn giác quan

Rối loạn giác quan, hay còn được biết đến với tên gọi “Rối loạn xử lý cảm giác” (SPD - Sensory Processing Disorder). Đây là một trạng thái mà não và hệ thần kinh gặp khó khăn trong việc xử lý hoặc tích hợp các kích thích từ môi trường.

Ví dụ, khi chúng ta chạm vào nước nóng, thông thường chúng ta sẽ tự động rút tay lại vì độ nóng của nước kích thích dây thần kinh cảm giác gửi tín hiệu lên não, não sau đó xử lý và đưa ra phản ứng cho biết "nước nóng có thể gây bỏng", từ đó khiến chúng ta rút tay lại ngay lập tức. Tuy nhiên, ở những người bị rối loạn giác quan, tín hiệu được gửi lên não có thể diễn ra chậm hơn hoặc không gửi đầy đủ tín hiệu đến não, do đó não không thể xử lý hoặc phản hồi đúng cách, dẫn đến việc không rút tay lại kịp thời. Hoặc ngược lại, họ có thể phản ứng quá mạnh, quá nhạy cảm với các kích thích từ môi trường như tiếng ồn của máy hút bụi, dù rất nhỏ nhưng cũng đủ để gây khó chịu.

Một cách dễ hiểu hơn, rối loạn giác quan là tình trạng trong đó não gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và phản hồi đúng cách với thông tin từ các giác quan.

roi-loan-giac-quan-o-tre-tu-ky-la-gi-trieu-chung-va-cach-dieu-tri 1
Rối loạn giác quan khi não gặp khó khăn trong việc tiếp nhận và phản hồi thông tin

Phân loại rối loạn giác quan

Rối loạn giác quan thường được phân thành hai dạng cơ bản là ngưỡng cảm giác cao và ngưỡng cảm giác thấp. Mỗi người sẽ có ngưỡng cảm giác riêng và việc không thể duy trì sự cân bằng trong ngưỡng cảm giác này có thể gây ra những hạn chế trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin từ giác quan.

  • Ngưỡng cảm giác cao: Trong trường hợp này, cần các yếu tố kích thích ở mức độ cao hơn so với trẻ bình thường. Họ có thể gặp khó khăn trong việc cảm nhận môi trường xung quanh hoặc thể hiện sự "trơ", thờ ơ đối với các kích thích. Một cách dễ hiểu hơn, trẻ cần các kích thích với mức độ cao hơn để cảm nhận được.
  • Ngưỡng cảm giác thấp: Ngược lại, khi trẻ rơi vào tình trạng ngưỡng cảm giác thấp quá mức, họ trở nên quá nhạy cảm đối với các kích thích từ giác quan. Điều này có thể khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, lo lắng hoặc thậm chí thể hiện các hành vi mất kiểm soát.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn giác quan

Nguyên nhân chính xác dẫn đến rối loạn vẫn chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, vùng giữa não và thân não của hệ thần kinh trung ương là nơi xuất phát của những phản xạ sớm trong quá trình xử lý thông tin. Những vùng não này tham gia vào các quá trình phối hợp, kích thích, chú ý và chức năng tự chủ. Thông tin cảm giác sau khi đi qua các trung tâm này sẽ được truyền đến các khu vực não chịu trách nhiệm về cảm xúc, trí nhớ và các chức năng nhận thức ở cấp độ cao hơn. Tổn thương tại bất kỳ phần nào của não liên quan đến xử lý đa cấp có thể gây khó khăn trong việc xử lý đầy đủ các kích thích.

roi-loan-giac-quan-o-tre-tu-ky-la-gi-trieu-chung-va-cach-dieu-tri 2
Tổn thương tại não có liên quan đến tình trạng rối loạn giác quan

Rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ là gì?

Triệu chứng rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ

Phần lớn trẻ tự kỷ có nguy cơ cao mắc phải rối loạn giác quan. Đáng chú ý, gần một nửa số trẻ này phải đối mặt với các loại rối loạn giác quan khác nhau, gây ra những ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống hàng ngày của trẻ.

Trẻ tự kỷ thường hạn chế về ngôn ngữ, giao tiếp, tương tác xã hội và những hành vi lặp đi lặp lại, tự giới hạn hoặc không kiểm soát được. Những biểu hiện này bắt đầu từ giai đoạn sớm và kéo dài suốt quãng đời trưởng thành, thậm chí có thể là suốt đời.

Do đó, các trẻ mắc chứng tự kỷ thường gặp phải nhiều rối loạn phức tạp khác, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hoạt động của não bộ và hệ thần kinh dẫn đến rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ.

Khi gặp vấn đề về rối loạn giác quan, trẻ tự kỷ thường khó chịu, hoặc mất kết nối, thậm chí có cảm giác không an toàn với môi trường xung quanh. Rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ có thể dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực, bất thường như liếm bàn ghế, đưa các vật vào miệng, nhạy cảm quá mức với âm thanh, la hét liên tục, hoặc hành vi nghịch ngợm, leo trèo không kiểm soát.

roi-loan-giac-quan-o-tre-tu-ky-la-gi-trieu-chung-va-cach-dieu-tri 3
Trẻ tự kỷ thường có nguy cơ cao bị rối loạn giác quan

Các rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ thường gặp

Trong khi người bình thường sử dụng các giác quan như thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, tiền đình, và cảm giác bản thể để tương tác với môi trường xung quanh, trẻ tự kỷ thường không sử dụng hết các giác quan này do bị rối loạn giác quan. Thay vào đó, trẻ tự kỷ thường thể hiện thông qua các hành vi khác nhau như cắn, nắm, la hét, hoặc không ăn đồ lạ.

Rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ có thể được phân loại dựa trên các giác quan như sau:

  • Rối loạn về xử lý thính giác: Trẻ tự kỷ thường quá nhạy cảm với âm thanh, dù nhỏ nhất cũng có thể làm trẻ cảm thấy không thoải mái và sẽ tránh những âm thanh này bằng cách bịt tai, la hét, hoặc tạo ra âm thanh khác như nghiến răng.
  • Rối loạn về xử lý thị giác: Trẻ tự kỷ thường tránh những kích thích thị giác như làm mờ mắt hoặc che mắt khi thấy ánh sáng. Trẻ cũng có thể có những hành vi tìm kiếm như nhìn đèn, thích bật công tắc đèn, hay xoay bánh xe và nhìn chằm chằm vào đó.
  • Rối loạn về xử lý xúc giác: Trẻ gặp khó khăn trong việc sờ/nắm hoặc động/chạm vào các vùng da trên cơ thể. Trẻ có thể không thích ôm người khác hoặc không ăn đồ ăn có thành phần lạ.
  • Rối loạn về xử lý cảm nhận: Trẻ gặp khó khăn trong việc cảm nhận vị trí của cơ thể hoặc các bộ phận cơ thể.
  • Rối loạn về xử lý tiền đình: Trẻ sẽ khó khăn trong việc duy trì thăng bằng hoặc định hướng không gian và thể hiện bằng cách né tránh chuyển động, nằm ườn 1 chỗ hoặc chạy nhảy liên tục.
roi-loan-giac-quan-o-tre-tu-ky-la-gi-trieu-chung-va-cach-dieu-tri 4
Biểu hiện rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ tuỳ thuộc vào giác quan bị ảnh hưởng

Biện pháp giúp cải thiện tình trạng rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ

Hỗ trợ cải thiện tình trạng rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ đòi hỏi sự can thiệp phù hợp, tùy thuộc vào từng dạng rối loạn giác quan cụ thể. Gia đình cần dành sự quan tâm, chăm sóc và đồng hành cùng trẻ trong quá trình này để giúp trẻ vượt qua các khó khăn, một số cách có thể áp dụng bao gồm:

  • Tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh và phù hợp đối với thị giác của trẻ. Sử dụng kính lọc màu để gia tăng cảm nhận đối với ánh sáng hoặc hạn chế ánh sáng trong phòng ngủ nếu trẻ nhạy cảm với thị giác.
  • Tăng cường thời gian trò chuyện, chia sẻ bằng lời nói để trẻ nhận thức và cảm nhận rõ ràng hơn thông tin qua thính giác. Hạn chế tiếng ồn từ bên ngoài hoặc sử dụng bịt tai nếu cần thiết.
  • Tạo ra thói quen hàng ngày để trẻ cảm nhận rõ hơn về mùi hương quen thuộc, lựa chọn mùi hương phù hợp và tránh các mùi hương tiêu cực đối với trẻ.
  • Thực hiện các bài tập massage nhẹ nhàng để gia tăng xúc giác của trẻ với môi trường xung quanh. Hạn chế các hoạt động có sự va chạm mạnh để trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái.
  • Hỗ trợ trẻ tham gia vào các hoạt động vận động để cải thiện thăng bằng và cảm nhận về không gian.
  • Áp dụng các biện pháp ôm từ phía sau hoặc sử dụng tay để ghì sát cơ thể của trẻ. Hạn chế các vật cản trong không gian sống để trẻ có thể di chuyển dễ dàng hơn.

Hy vọng rằng bạn đã có thông tin hữu ích về rối loạn giác quan ở trẻ tự kỷ. Tình trạng này cần được hỗ trợ và khắc phục ngay từ giai đoạn sớm nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến cuộc sống của trẻ. Tuy nhiên, việc đưa ra các biện pháp hỗ trợ phụ thuộc vào độ tuổi, phản ứng riêng của từng trẻ, vì vậy các bậc phụ huynh cần xem xét kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để tìm ra biện pháp phù hợp.

Xem thêm: Rối loạn phối hợp vận động ở trẻ tự kỷ: Nguyên nhân và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin