Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn hệ miễn dịch: Phân loại, dấu hiệu, cách can thiệp

Ngày 05/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn hệ miễn dịch khiến “hàng rào phòng thủ” của cơ thể bị suy giảm chức năng, phản ứng thái quá hoặc quay lại chống trả chính mình. Tất cả những điều này đều dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về mặt sức khoẻ.

Khi bị rối loạn hệ miễn dịch, cơ thể không những không được bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh mà còn có thể tự làm hại chính mình. Vậy nên nắm rõ bản chất được xem là nguyên tắc cơ bản nhất để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm do vấn đề sức khỏe này gây ra.

Thế nào là rối loạn hệ miễn dịch?

Ở trạng thái bình thường, hệ miễn dịch đóng vai trò bảo vệ cơ thể trước các yếu tố nguy cơ như nấm mốc, vi khuẩn, virus, hóa chất độc hại,... Tuy nhiên vì một lý do nào đó, hệ cơ quan này trở nên suy yếu, phản ứng quá phát hoặc chống lại chính các tế bào cùng nguồn gốc. Và giới chuyên khoa gọi tất cả những trường hợp trên là rối loạn hệ miễn dịch.

Rối loạn hệ miễn dịch: Phân loại, dấu hiệu, cách can thiệp 1
Rối loạn hệ miễn dịch gây ra nhiều hệ quả tiêu cực đối với sức khỏe

Rối loạn miễn dịch về bản chất chính là tình trạng rối loạn hoạt động chức năng của hệ miễn dịch. Hiện nay, vấn đề sức khỏe này được phân loại theo nhiều cách: Dựa vào thành phần bị ảnh hưởng, chiều hướng hoạt động mạnh hay yếu hoặc nguồn gốc phát sinh.

Các dạng thường gặp

Hiện nay, bệnh rối loạn miễn dịch bao gồm các dạng thường gặp sau:

Bệnh tự miễn

Bình thường, hệ thống miễn dịch chỉ sinh kháng thể để chống lại các tế bào lạ, yếu tố xâm hại từ bên ngoài. Thế nhưng ở người mắc bệnh tự miễn dịch thì sự rối loạn đã khiến cho hệ miễn dịch sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên của chính mình. Điều đáng nói là hầu hết các bệnh tự miễn đều phát sinh một cách vô căn, không rõ nguyên nhân nên việc can thiệp gặp khá nhiều cản trở.

Có thể liệt kê một số bệnh tự miễn sinh ra do rối loạn miễn dịch như: Viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, viêm đại tràng, bệnh Crohn, tiểu đường tuýp 1, đa xơ cứng,...

Rối loạn hệ miễn dịch: Phân loại, dấu hiệu, cách can thiệp 2
Ở dạng rối loạn này, các thành phần của hệ miễn dịch sẽ chống lại cả chất tiết, tế bào của chính cơ thể mình

Suy giảm miễn dịch

Đây là trường hợp hệ miễn dịch trở nên yếu kém, không hoàn thành tốt vai trò của mình. Dựa vào căn nguyên phát sinh, suy giảm miễn dịch được chia làm 2 loại là dạng bẩm sinh và dạng mắc phải.

Suy giảm miễn dịch bẩm sinh xảy ra do khiếm khuyết về mặt di truyền, không thể ngăn ngừa mà chỉ hỗ trợ điều trị để giảm thiểu các triệu chứng liên quan.

Suy giảm miễn dịch mắc phải phát sinh do các tác nhân bên ngoài như vi sinh vật, thuốc hóa trị, độc tố, căng thẳng, béo phì, thiếu hụt dưỡng chất,... Trong đó, đáng ngại nhất là hội chứng suy giảm miễn dịch do HIV gây ra.

Miễn dịch quá phát

Đây là trường hợp hệ miễn dịch trở nên mẫn cảm thái quá. Trước một kích thích yếu, cơ thể lại phản ứng một cách quá mức cả về cường độ, phạm vị và thời gian. Ngoài ra trong một số trường hợp, đáp ứng miễn dịch còn chống lại những kháng nguyên vốn được xem là vô hại như thức ăn, phấn hoa, lông chó mèo,... Hệ quả là làm phát sinh nhiều vấn đề đáng ngại như sốc phản vệ, hen suyễn, lao, huyết tán, viêm mũi dị ứng, viêm phổi Mycoplasma,...

Dấu hiệu điển hình

Rối loạn hệ miễn dịch biểu hiện ra bên ngoài bằng những dấu hiệu điển hình dưới đây:

  • Viêm nhiễm ở nhiều hệ cơ quan. Hiện tượng này tái diễn nhiều lần và có xu hướng nặng nề hơn qua thời gian.
  • Cơ thể mệt mỏi, người uể oải và thường xuyên bị sốt nhẹ.
  • Đau nhức cơ xương khớp, phát ban, phản ứng chậm hoặc quá nhanh trước các kích thích.
  • Tiêu hóa kém, ăn không ngon miệng, tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Tăng trưởng kém và có dấu hiệu chậm phát triển.
  • Thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim.
  • Thở đuối, ngạt do phù thanh quản hoặc phù nắp thanh quản.
  • Da mẩn đỏ, xuất hiện nhiều nốt mề đay, mẩn ngứa hoặc phù nề.
Rối loạn hệ miễn dịch: Phân loại, dấu hiệu, cách can thiệp 4
Người bị rối loạn miễn dịch biểu hiện ra bên ngoài thông qua nhiều triệu chứng xuất hiện ở nhiều cơ quan khác nhau

Nếu không can thiệp sớm, rối loạn miễn dịch có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Cụ thể như sau:

  • Tan máu, hình thành cục máu đông trong lòng mạch;
  • Co giật, tê liệt hoặc đột quỵ;
  • Cụt chi, tổn thương hệ cơ xương khớp;
  • Tăng khả năng phát sinh bệnh ung thư, đối diện với nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng nặng.

Giải pháp

Rối loạn miễn dịch nguyên phát không thể phòng trước hay chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên nếu bệnh phát sinh do nguyên nhân từ bên ngoài thì điều trị để giảm thiểu là điều nằm trong khả năng của y học hiện đại.

Rối loạn hệ miễn dịch: Phân loại, dấu hiệu, cách can thiệp 5
Khi can thiệp, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ

Hầu hết các phương thức điều trị đều hướng đến việc khắc phục, kiểm soát triệu chứng. Cụ thể, dưới đây là những giải pháp can thiệp được đánh giá là có hiệu quả đối với vấn đề sức khỏe này:

Ức chế miễn dịch

Trong trường hợp hệ miễn dịch hoạt động quá phát thì sử dụng liệu pháp ức chế miễn dịch được xem là lựa chọn hoàn hảo. Khi can thiệp, giới chuyên gia sẽ sử dụng corticoid để tiết chế hoạt động của hệ miễn dịch, từ đó đưa cơ thể về trạng thái ổn định bình thường.

Tuy nhiên phương pháp này cũng gây nhiều tranh cãi vì corticoid không phải là thành phần vô hại. Việc sử dụng chúng với liều lượng cao hoặc trong thời gian dài sẽ gây loãng xương, tăng huyết áp, thừa cân và suy giảm chức năng miễn dịch. Do đó người điều trị cần tuân thủ đúng khuyến cao của bác sĩ chuyên khoa để không phải đối mặt với những tác dụng phụ vừa liệt kê.

Cấp bổ sung các thành phần mà cơ thể thiếu hụt

Thiếu hụt vi khoáng, vitamin và chất tiết trong cơ thể cũng là nguyên nhân gây rối loạn hệ miễn dịch. Vậy nên để cải thiện tình hình, người bệnh hãy cấp bổ sung những thành phần mà cơ thể đang còn thiếu, ví dụ: Insulin, vitamin B12, hormone tiroxin,...

Vật lý trị liệu

Đây là phương thức can thiệp được áp dụng cho trường hợp rối loạn miễn dịch gây ảnh hưởng tiêu cực lên các chức năng của cơ xương khớp. Lưu ý, các bài tập vật lý trị liệu không thể triển khai một cách tùy tiện mà cần có sự định hướng, theo dõi sát sao của bác sĩ chuyên khoa.

Dùng thuốc kháng sinh

Khi chức năng miễn dịch bị suy giảm, vi sinh vật sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể người bệnh và làm phát sinh nhiều bệnh lý nhiễm trùng. Lúc này, việc sử dụng thuốc kháng sinh qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch là thực sự cần thiết. Chúng có thể được chỉ định một cách đơn lẻ hoặc kết hợp cùng việc bổ sung kháng thể, phục hồi chức năng, ghép tế bào gốc tạo máu, liệu pháp enzyme,...

Giảm nguồn kháng nguyên hoặc dùng thuốc chống dị ứng

Đây là phương pháp được áp dụng cho trường hợp hệ miễn dịch quá mẫn cảm. Cụ thể, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh nhằm làm giảm lượng kháng nguyên tồn tại trong cơ thể. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc chống dị ứng, chất ức chế miễn dịch cũng cho hiệu quả tương tự.

Điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt

Trong trường hợp suy giảm miễn dịch phát sinh do lối sống thiếu lành mạnh thì khi bạn điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hằng ngày, sức đề kháng nói riêng và sức khỏe nói chung chắc chắn sẽ có nhiều cải thiện.

Trên đây là những thông tin cần biết về rối loạn hệ miễn dịch. Mong rằng những gì mà Nhà thuốc Long Châu vừa cung cấp thực sự hữu ích đối với bạn và cảm ơn bạn vì đã theo dõi bài viết.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm