Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sán bã trầu ký sinh ở đâu? Lây truyền thế nào? Điều trị và phòng ngừa ra sao?

Ngày 30/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các loại sán thường âm thầm xâm nhập và ký sinh trong cơ thể và gây nhiều triệu chứng khó chịu thậm chí “bào mòn” sức khỏe của người nhiễm sán. Ngoài sán lá gan, sán lợn, sán dây, sán bã trầu cũng là một loài sán nguy hiểm ký sinh trong cơ thể con người.

Sán lá phổi, ấu trùng sán lợn, sán lá gan, sán dây và cả sán bã trầu là những loài ký sinh trùng thường gặp ở người. Chúng tưởng chừng như nhỏ bé vô hại nhưng lại có thể gây hại cho con người theo nhiều cách khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về loài sán bã trầu một cách chi tiết nhất về con đường lây truyền, cách điều trị và phòng ngừa lây nhiễm.

Sán bã trầu - Loài sán phổ biến ở Việt Nam

Sán bã trầu được biết đến với tên khoa học là Fasciolopsis buski. Đây là loài ký sinh trùng phổ biến trên cơ thể lợn và người. Nó xuất hiện nhiều tại Đông Nam Á, trong đó có nước ta. Nếu như sán lá gan ký sinh trong ống mật và lá gan của người và động vật bị nhiễm bệnh thì sán bã trầu lại sống trong ruột và chúng xâm chiếm phần trên của ruột non là chủ yếu. Những trường hợp bị nhiễm sán nặng, chúng có thể được tìm thấy trong dạ dày và phần dưới của ruột.

Sán bã trầu ký sinh ở đâu? Lây truyền thế nào? Điều trị và phòng ngừa ra sao 1
Kích thước trung bình của sán bã trầu

Cơ thể sán bã trầu trưởng thành dài từ 2 - 5 cm, chiều rộng từ 8 - 20mm và chiều dày khoảng 0,5 - 3mm. Đối tượng bị nhiễm loại sán này là lợn và người. Sán lây nhiễm qua đường tiêu hóa và vật chủ trung gian là ốc mút, ốc gạo.

Sán bã trầu lây truyền như thế nào?

Sau khi chúng ta ăn phải các vật chủ trung gian mang ấu trùng sán bã trầu, ấu trùng sẽ cư trú ở tá tràng rồi phát triển thành sán trưởng thành. Chúng bám chặt vào thành ruột đến khi con cái đẻ ra trứng chưa trưởng thành vào ruột. Trứng từ ruột được bài tiết ra khỏi cơ thể qua phân. Trong môi trường nước, những quả trứng chưa trưởng thành này dần phát triển thành phôi thai và giải phóng miracidia để xâm nhập vào vật chủ trung gian như ốc.

Ở vật chủ trung gian, chúng sẽ phải trải qua nhiều giai đoạn phát triển từ bào tử, rediae rồi đến cercariae. Các cercariae sau đó được giải phóng khỏi vật chủ trung gian và đóng kén trên các loài thực vật thủy sinh dưới dạng metacercaria. Khi ăn phải ấu trùng bám trên thực vật thủy sinh, người sẽ bị nhiễm sán và trở thành vật chủ. Những người có thói quen ăn rau sống, thực vật thủy sinh chưa nấu chín dễ bị nhiễm sán bã trầu.

Sán bã trầu ký sinh ở đâu? Lây truyền thế nào? Điều trị và phòng ngừa ra sao 2
Sán bã trầu không lây nhiễm và không truyền từ người này sang người khác

Các triệu chứng khi nhiễm sán bã trầu

Tác hại của sán bã trầu có thể gây rối loạn tiêu hóa ở người, đặc trưng bởi các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, sốt, cổ trướng thậm chí là tắc ruột. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp nhiễm loại sán này đều không xuất hiện triệu chứng. Khi xuất hiện các triệu chứng khó chịu có nghĩa là bạn đã bị nhiễm sán khá nghiêm trọng. Một số triệu chứng người nhiễm sán bã trầu có thể gặp phải như:

  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải thường xuyên và chỉ muốn nằm nghỉ.
  • Người xanh xao, sụt cân nhanh và có triệu chứng của thiếu máu bởi nhiễm sán cũng là một trong số những nguyên nhân thiếu máu phổ biến ở người Việt.
  • Tiêu chảy thường xuyên, đau bụng không rõ nguyên nhân.
  • Những người nhiễm sán nặng cũng thường có biểu hiện bụng to bất thường nhưng không phải do tăng cân.
  • Một số người bệnh bị phù mặt, phù chân, bụng.
  • Có những trường hợp nhiễm sán nặng sẽ bị tràn dịch phổi, tràn dịch tim và có thể dẫn đến tử vong.
Sán bã trầu ký sinh ở đâu? Lây truyền thế nào? Điều trị và phòng ngừa ra sao 3
Không phải ai cũng xuất hiện triệu chứng khi nhiễm sán bã trầu

Điều trị và phòng ngừa sán bã trầu như thế nào?

Sán bã trầu âm thầm xâm nhập vào cơ thể người và gây tổn thương ruột, tá tràng. Loại sán này có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe ở các mức độ khác nhau nhưng chúng ta vẫn có cách phòng ngừa để giảm nguy cơ nhiễm sán.

Điều trị nhiễm sán bã trầu như thế nào?

Chúng hút dưỡng chất trong ruột non khiến cơ thể người bệnh bị thiếu hụt dinh dưỡng, hao mòn sức khỏe, cơ thể mệt mỏi. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, các ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ được giảm đáng kể và việc điều trị càng dễ dàng.

Bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm sán qua các triệu chứng ban đầu hoặc chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm liên quan. Sau khi xác định được tình trạng nhiễm sán ở bệnh nhân, bác sĩ mới chỉ định phương pháp điều trị. Bác sĩ có thể cho người nhiễm sán dùng thuốc đặc trị sán bã trầu theo liệu trình sớm nhất có thể. Có trường hợp lượng sán bã trầu lớn có thể gây thủng ruột, tắc ruột bác sĩ sẽ phải phẫu thuật.

Sán bã trầu ký sinh ở đâu? Lây truyền thế nào? Điều trị và phòng ngừa ra sao 4
Chủ động phòng ngừa và tẩy giun sán định kỳ là cách tốt nhất giúp bạn không bị nhiễm sán bã trầu

Cách phòng ngừa nhiễm sán bã trầu

Bất cứ ai ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể bị nhiễm sán lá trầu. Để có thể phòng ngừa nhiễm sán, mọi người có thể áp dụng những cách như:

  • Thực hiện ăn chín, uống sôi hàng ngày, hạn chế tối đa việc ăn rau sống.
  • Tẩy giun, sán cho cả nhà định kỳ mỗi năm ít nhất 2 lần. Khi tẩy giun sán trong gia đình cần tẩy cho cả nhà mới có tác dụng. Nếu không tẩy cho cả nhà có thể làm lây nhiễm sán từ người nọ sang người kia.
  • Các hộ chăn nuôi nên tiến hành tẩy sán cho vật nuôi định kỳ.
  • Chất thải của vật nuôi cần được xử lý sạch sẽ, đúng cách.
  • Hạn chế tiếp xúc với các nguồn chất thải, đất bẩn, nước bẩn.

Những việc làm trên tuy khá đơn giản nhưng lại có hiệu quả phòng ngừa nhiễm giun, nhiễm sán khá hiệu quả. Đặc biệt, những cách phòng ngừa này phù hợp để áp dụng với tất cả mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Vì vậy, mỗi người nên chủ động áp dụng để bảo vệ sức khỏe của chính mình cũng như của người thân trong gia đình. 

Tóm lại, sán bã trầu có thể không gây triệu chứng đặc trưng nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Thực tế đã có không ít trường hợp nhiễm sán nặng khiến người bệnh phải nhập viện trong tình trạng cấp cứu. Nếu có các biểu hiện nghi ngờ nhiễm sán bã trầu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác xem có bị nhiễm sán hay không. Trong trường hợp bị nhiễm sán, bạn cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ để điều trị sán bã trầu càng sớm càng tốt. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm