Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh sán lá phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh sán lá phổi là một bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng sán lá thuộc chi Paragonimus gây ra. Người bệnh mắc bệnh sán lá phổi thường biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng ở đường hô hấp dưới như ho ra máu, đau ngực, khó thở và dễ chẩn đoán nhầm với bệnh lao phổi và bệnh khác ở phổi. Người nhiễm bệnh do ăn phải tôm, cua chưa được nấu chín và có nhiễm ấu trùng sán lá phổi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh sán lá phổi là gì?

Trên thế giới có hơn 40 loại sán lá phổi thuộc giống Paragonimus đã được báo cáo lây nhiễm cho động vật và người. Trong đó, Paragonimus westermani là loài sán lá phổi phổ biến nhất lây nhiễm sang người và gây bệnh sán lá phổi. Hiện tại ở Việt Nam chỉ mới phát hiện ra loài P. heterotremus gây bệnh trên người. Bệnh sán lá phổi thường gặp ở một số tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nghệ An.

Sán trưởng thành thường có màu nâu đỏ, hình trứng, kích thước từ 7 - 16mm x 4 - 8mm, có kích thước và hình dáng tương tự hạt cà phê. Chúng là loài lưỡng tính, nghĩa là cùng có một buồng trứng và hai tinh hoàn trong cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sán lá phổi

Các triệu chứng của bệnh sán lá phổi rất khác nhau giữa mỗi người, phụ thuộc vào vị trí sán ký sinh và sức khỏe của bạn. Nếu bị nhiễm nhẹ thì bạn sẽ biểu hiện các triệu chứng như ho mãn tính kéo dài, đau ngực, khó thở. Nếu nặng, bạn có thể có triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng như của bệnh viêm phổi, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi. Sán lá phổi có thể gây tử vong nếu bạn suy nhược cơ thể và có những cơn ho ra máu kéo dài.

Trong khoảng tháng đầu tiên sau khi bạn bị nhiễm bệnh, ấu trùng sẽ di chuyển khắp vùng bụng, đôi khi gây ra các triệu chứng cơ thể bao gồm:

Sau đó di chuyển từ bụng vào phổi. Ở đó, chúng có thể gây ra các triệu chứng về hô hấp, chẳng hạn như:

  • Ho;
  • Hụt hơi;
  • Đau ngực.

Triệu chứng bệnh sán lá phổi phổ biến nhất là ho ra máu. Ho kéo dài nhiều tháng, nhiều năm, tiến triển nặng dần.

Có tới 25% số người nhập viện vì sán lá phổi lạc chỗ đến não. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau đầu;
  • Sốt;
  • Nôn mửa;
  • Nhìn đôi;
  • Co giật.
Bệnh sán lá phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Ho ra máu là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh sán lá phổi

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp ​​bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh sán lá phổi. Bác sĩ sẽ thăm khám và xét nghiệm để giúp chẩn đoán bệnh và tư vấn phương pháp phòng ngừa nhiễm sán cho bạn và gia đình bạn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh sán lá phổi

Nguyên nhân của bệnh sán lá phổi là do ký sinh trùng sán lá thuộc chi Paragonimus gây ra. Người nhiễm bệnh do ăn phải tôm hoặc cua chưa nấu chín hẳn có nhiễm ấu trùng sán lá phổi.

Vòng đời phát triển của sán lá phổi:

  • Sán lá phổi đẻ trứng, trứng của chúng theo đờm qua họng ra ngoài hoặc theo phân khi nuốt đờm, trứng rơi vào trong nước.
  • Trứng phát triển và nở ra ấu trùng lông trong môi trường nước.
  • Ấu trùng lông chui vào ốc, phát triển thành ấu trùng đuôi.
  • Ấu trùng đuôi rời ốc bơi tự do trong nước, bám vào tôm cua nước ngọt, rụng đuôi phát triển thành ấu trùng nang ở trong thịt và phủ tạng của tôm, cua.
  • Người (hoặc động vật) ăn phải tôm, cua có ấu trùng nang chưa được nấu chín, sau khi ăn ấu trùng sán vào dạ dày và ruột, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào ổ bụng, tiếp tục xuyên qua cơ hoành vào màng phổi và phế quản để làm tổ ở đó.
  • Thời gian từ khi ăn phải ấu trùng cho đến khi có sán trưởng thành khoảng 5 - 6 tuần.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh sán lá phổi?

Ai cũng đều có thể mắc bệnh sán lá phổi. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc bệnh sán lá phổi là người đã từng ăn cua, tôm chưa nấu chín.

Bệnh sán lá phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 5
Ăn tôm cua chưa nấu chín có thể gây bệnh sán lá phổi

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh sán lá phổi

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh sán lá phổi là:

  • Sống trong vùng dịch tễ (tại Việt Nam, các tỉnh thường gặp sán lá phổi là: Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Nghệ An).
  • Nam giới thường mắc bệnh sán lá phổi nhiều hơn nữ: Lý do có thể nam giới thường đánh bắt và ăn tôm cua sống nhiều hơn nữ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh sán lá phổi

Chẩn đoán bệnh sán lá phổi đôi khi gặp nhiều khó khăn vì triệu chứng của bệnh sán lá phổi thường không rõ ràng. Ngoài ra, chẩn đoán nhầm với bệnh lao phổi và ung thư phổi rất dễ gặp vì sự giống nhau về triệu chứng. Thông thường, một người có triệu chứng phải thực hiện nhiều xét nghiệm trước khi bác sĩ chẩn đoán bệnh sán lá phổi. 

Các bước để chẩn đoán bao gồm:

  • Hỏi tiền sử bản thân và gia đình: Bác sĩ sẽ hỏi về việc bạn đã từng ăn cua hoặc tôm chưa nấu chín trước đây chưa.
  • Khám sức khỏe tổng quát: Nghe phổi hoặc khám bụng sẽ được bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng hơn.
  • Xét nghiệm máu: Có thể tăng số lượng bạch cầu ái toan. Định lượng Ig E có thể tăng.
  • Soi tươi: Đờm, phân tích dịch màng phổi tìm trứng sán lá phổi.
  • Xét nghiệm phân: Trứng sán có thể được nhìn thấy trong mẫu phân khi kiểm tra dưới kính hiển vi.
  • Xét nghiệm miễn dịch: ELISA sán lá phổi dương tính.
  • X-quang ngực: Có thể xuất hiện các nốt, đám mờ trong phổi, hình hang nhỏ và chủ yếu vùng thấp của phổi hoặc hình ảnh tràn dịch màng phổi (nếu sán ở trong màng phổi).
  • Chụp CT/ MRI ngực: Dùng chẩn đoán phân biệt với một số bệnh ho ra máu khác. Ngoài ra, có thể chỉ định thêm CT/ MRI đầu hoặc bụng để tìm bất thường liên quan đến não hoặc gan do sán lá phổi gây ra .
  • Nội soi phế quản: Bác sĩ có thể đưa ống nội soi (ống mềm có gắn camera ở đầu) qua mũi hoặc miệng vào phổi. Sán lá hoặc trứng của chúng được thu thập từ các mẫu dịch phổi. Sán hoặc trứng có thể được nhìn thấy dưới kính hiển vi.
  • Chọc dịch màng phổi: Bác sĩ đâm một cây kim xuyên qua thành ngực để lấy mẫu dịch trong trường hợp có tràn dịch màng phổi.

Chẩn đoán xác định bệnh sán lá phổi được thực hiện khi phát hiện trứng sán trong đờm hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Nhưng sán có thể không đẻ trứng cho đến hai tháng sau khi bạn bị nhiễm bệnh. Vì lý do đó mà việc chẩn đoán sớm trở nên khó khăn.

Bệnh sán lá phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 6
Xét nghiệm miễn dịch ELISA là xét nghiệm rất hữu ích để chẩn đoán bệnh sán lá phổi

Chẩn đoán sán lá phổi rất dễ nhầm lẫn với các bệnh ở phổi khác. Vì mỗi bệnh, mỗi nguyên nhân sẽ điều trị khác nhau. Do đó, cần phải có các xét nghiệm và thăm khám kỹ lưỡng để chẩn đoán đúng. Các bệnh cảnh thường nhầm lẫn với sán lá phổi là:

  • Bệnh lao phổi;
  • Giãn phế quản;
  • Ung thư phổi;
  • Bệnh gây tổn thương phổi do nguyên nhân khác như toxocara, sán lá gan lớn, giun lươn, giun móc,…

Phương pháp điều trị bệnh sán lá phổi hiệu quả

Hiện tại có Praziquantel, Triclabendazole là hai thuốc tốt nhất và được khuyến cáo điều trị bệnh sán lá phổi.

Praziquantel

Liều: Theo khuyến cáo của Bộ Y tế là 75 mg/kg/ngày, chia 3 lần cách nhau 4 - 6 giờ x 2 ngày liên tiếp.

Tác dụng không mong muốn: Chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, buồn nôn, khó chịu hạ vị, mẩn ngứa và có thể sốt, các triệu chứng mức độ nhẹ và nhanh hết mà không cần can thiệp gì.

Chống chỉ định:

  • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
  • Suy gan, suy thận, đang nhiễm trùng cấp tính hoặc rối loạn tâm thần.
  • Dị ứng với Praziquantel.

Lưu ý: Phụ nữ không cho con bú trong vòng 72 giờ dùng thuốc.

Triclabendazole

Liều: Chỉ cần 1 - 2 liều với liều lượng thấp hơn so với Praziquantel. Liều được khuyến cáo là 20mg/kg chia làm 2 lần trong ngày, mỗi lần 10mg/kg.

Tác dụng không mong muốn: Chóng mặt, nhức đầu, ngủ gà, buồn nôn, khó chịu hạ vị, mẩn ngứa và có thể sốt, các triệu chứng mức độ nhẹ và nhanh hết mà không cần can thiệp gì.

Chống chỉ định:

  • Phụ nữ có thai 3 tháng đầu.
  • Suy gan, suy thận, đang nhiễm trùng cấp tính hoặc rối loạn tâm thần.
  • Dị ứng với Triclabendazole.

Lưu ý: Phụ nữ không cho con bú trong vòng 72 giờ dùng thuốc.

Trong quá trình điều trị sán lá phổi có thể ho ra nhiều máu một lúc, bạn cần nghỉ ngơi tuyệt đối và uống cầm máu, giảm ho. Ngoài ra, nâng cao thể trạng cũng giúp ích cho quá trình hồi phục.

Theo dõi sau điều trị

Sau điều trị bằng thuốc, bạn nên tái khám mỗi 3 - 6 tháng để bác sĩ theo dõi về triệu chứng và thực hiện lại các xét nghiệm: Công thức máu, chức năng gan thận, xét nghiệm đờm, phân tìm trứng sán, xét nghiệm ELISA và X-quang ngực để bác sĩ đánh giá mức độ hồi phục và đưa ra phương pháp điều trị tiếp theo.

Bệnh sán lá phổi: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 7
Praziquantel, Triclabendazole là hai thuốc được khuyến cáo điều trị bệnh sán lá phổi

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh sán lá phổi

Chế độ sinh hoạt:

  • Thực hiện theo hướng dẫn của các bác sĩ trong quá trình điều trị.
  • Duy trì thái độ sống tích cực, hạn chế stress căng thẳng.
  • Tập thể dục phù hợp với thể trạng.
  • Liên hệ ngay với các chuyên gia y tế khi cơ thể có dấu hiệu bất thường.
  • Thăm khám định kỳ theo hướng dẫn.

Chế độ dinh dưỡng: 

  • Uống nhiều nước ít nhất 2 lít/ngày.
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây. 
  • Không uống rượu bia. 
  • Không hút thuốc lá. 
  • Bổ sung thêm vitamin và các khoáng chất cần thiết.

Phương pháp phòng ngừa bệnh sán lá phổi hiệu quả

Các biện pháp phòng bệnh sán lá phổi, bao gồm:

  • Không ăn cua hoặc tôm chưa nấu chín.
  • Quản lý chất thải như đờm, phân hoặc dịch màng phổi, giữ vệ sinh môi trường.
  • Tuyên truyền giáo dục sức khỏe trong cộng đồng: Ăn chín, uống chín, không ăn cua, tôm chưa nấu chính.
  • Phát hiện bệnh và điều trị càng sớm càng tốt cho người bệnh.
Nguồn tham khảo
  1. Paragonimiasis: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/paragonimiasis
  2. Paragonimiasis: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/31297761/
  3. Paragonimiasis: https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/trematodes-flukes/paragonimiasis
  4. Paragonimiasis: https://emedicine.medscape.com/article/999188-overview
  5. Paragonimiasis: https://www.cdc.gov/parasites/paragonimus/index.html

Các bệnh liên quan

  1. Phổi tắc nghẽn mãn tính

  2. Cúm mùa

  3. Cúm A

  4. Viêm phổi kẽ tróc vảy

  5. U phổi

  6. Nhiễm nấm Coccidioidomycosis

  7. Xơ phổi

  8. Sarcoidosis

  9. Viêm phổi

  10. Viêm phế quản co thắt