Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng kháng androgen: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thục Hiền

15/03/2025
Kích thước chữ

Cơ thể con người được điều hòa bởi nhiều loại hormone, trong đó hormone androgen đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển đặc điểm nam giới. Hội chứng kháng androgen là một rối loạn di truyền hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng cơ thể không thể phản ứng bình thường với hormone androgen, dù có sự hiện diện của chúng. Hội chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý mà còn tác động đến tâm lý và cuộc sống của người bệnh.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu hội chứng kháng androgen là gì? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và nó ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh như thế nào? Bên cạnh đó, bài viết cũng chia sẻ một số phương pháp điều trị đang được áp dụng hiện nay. Hãy cùng khám phá chi tiết trong bài viết dưới đây bạn nhé.

Tổng quan về hội chứng kháng androgen

Hội chứng kháng androgen là gì?

Hội chứng kháng androgen là một rối loạn di truyền hiếm gặp do đột biến gen nằm trên nhánh dài của nhiễm sắc thể X, di truyền theo cơ chế gen lặn. Sự đột biến này làm suy giảm hoặc ngăn chặn hoàn toàn khả năng đáp ứng của tế bào với androgen. Khi androgen không thể phát huy tác dụng, sự phát triển của cơ quan sinh dục nam bị gián đoạn hoặc không diễn ra đúng cách trong giai đoạn bào thai, dẫn đến những biểu hiện bất thường về giới tính ở trẻ sơ sinh.

Hội chứng kháng androgen: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Hội chứng kháng androgen là một rối loạn di truyền hiếm gặp liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính

Dựa vào mức độ đáp ứng của cơ thể với androgen, thông thường hội chứng kháng androgen hoàn toàn sẽ ở thai nhi nữ, trong khi hội chứng kháng androgen một phần có thể xuất hiện ở cả nam và nữ. Tình trạng này thường được phát hiện ngay sau khi sinh nhờ những bất thường ở bộ phận sinh dục, tuy nhiên, một số trường hợp nhẹ có thể không được chẩn đoán cho đến tuổi dậy thì.

Mặc dù hội chứng kháng androgen gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, khiến người mắc không thể có con, nhưng hầu hết họ vẫn có sức khỏe thể chất tốt và có thể duy trì cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, do những khác biệt về giới tính, họ có thể đối mặt với thách thức về tâm lý và xã hội. Do đó, việc chẩn đoán sớm, tư vấn di truyền và hỗ trợ tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người mắc hội chứng này có một cuộc sống chất lượng và hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng kháng androgen là gì?

Nguyên nhân của hội chứng kháng androgen chủ yếu bắt nguồn từ đột biến di truyền trên nhiễm sắc thể X, thường được truyền từ mẹ sang con trai. Mặc dù những người mắc hội chứng này có cặp nhiễm sắc thể XY (đặc trưng cho nam giới) nhưng do cơ thể không thể đáp ứng với testosterone khiến quá trình phát triển của cơ quan sinh dục nam bị gián đoạn. Điều này có thể dẫn đến sự phát triển không hoàn toàn của dương vật hoặc trong một số trường hợp hoặc dương vật không hình thành.

Trẻ mắc hội chứng này có thể có bộ phận sinh dục bên ngoài giống nữ giới hoặc ở trạng thái trung gian giữa nam và nữ. Tuy nhiên, dù có hình thái nữ giới, họ vẫn không có buồng trứng và tử cung, do đó không thể mang thai. Thay vào đó, họ có thể có tinh hoàn ẩn trong ổ bụng hoặc không phát triển hoàn chỉnh. Chính những bất thường này khiến việc xác định giới tính của trẻ gặp nhiều khó khăn và thường cần đến các xét nghiệm di truyền để chẩn đoán chính xác.

Hội chứng kháng androgen: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Hội chứng kháng androgen nguyên nhân do đột biến di truyền trên nhiễm sắc thể X

Hội chứng kháng androgen biểu hiện như thế nào?

Trẻ mắc hội chứng kháng androgen lúc mới sinh thường có hình thái bên ngoài giống bé gái bình thường, không có dấu hiệu bất thường rõ rệt về nồng độ testosterone hay cấu trúc sinh dục. Do đó, tình trạng không có tử cung và buồng trứng thường không được phát hiện ngay từ đầu. Dựa vào mức độ đáp ứng của cơ thể với androgen, hội chứng này được chia thành ba dạng chính:

Hội chứng kháng androgen nhẹ

Ở mức độ nhẹ, người mắc vẫn có hình thái nam giới điển hình, và sự phát triển của bộ phận sinh dục không bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, sự không nhạy cảm một phần với androgen có thể tác động đến khả năng sản xuất tinh trùng cũng như sự phát triển của các đặc điểm sinh dục thứ phát ở nam, chẳng hạn như mật độ lông trên cơ thể hay giọng nói trầm.

Hội chứng kháng androgen một phần

Dạng một phần của hội chứng này dẫn đến những bất thường rõ rệt hơn về cơ quan sinh dục và sinh sản. Các đặc điểm giới tính thứ phát có thể bị ảnh hưởng, với các biểu hiện như:

  • Cơ quan sinh dục ngoài bất thường: Có thể có dương vật nhỏ, bìu bị chẻ đôi hoặc tinh hoàn không di chuyển xuống bìu.
  • Hệ thống sinh sản bên trong phát triển không hoàn chỉnh: Mào tinh, ống dẫn tinh, túi tinh có thể hình thành một phần hoặc đầy đủ, nhưng tuyến tiền liệt thường nhỏ.
  • Sự phát triển của đặc điểm giới tính thứ phát: Ngực có thể phát triển lớn hơn bình thường ở nam giới, lông mu thưa, giọng nói cao hơn so với nam giới bình thường.

Hội chứng kháng androgen hoàn toàn

Trường hợp kháng androgen hoàn toàn khiến người mắc có hình thái nữ giới khi sinh. Các dấu hiệu của hội chứng này có thể không rõ ràng cho đến tuổi dậy thì, khi người bệnh không có kinh nguyệt. Một số đặc điểm điển hình bao gồm:

  • Cơ quan sinh dục ngoài giống nữ: Có hình thái ngoài giống nữ nhưng âm đạo thường ngắn hoặc không thông.
  • Hệ thống sinh sản bên trong bất thường: Không có buồng trứng, tử cung, mào tinh, ống dẫn tinh hoặc túi tinh. Tuy nhiên, tinh hoàn vẫn tồn tại nhưng không nằm trong bìu.
  • Đặc điểm giới tính thứ phát: Ngực phát triển do testosterone từ tinh hoàn được chuyển hóa thành estrogen, nhưng lông mu và lông nách rất ít hoặc không có. Ngoài ra, một số người có đặc điểm cơ thể như răng to hơn bình thường, chi dài hơn và không có kinh nguyệt.
Hội chứng kháng androgen: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Hội chứng kháng androgen có thể biểu hiện không rõ ràng cho đến tuổi dậy thì

Chẩn đoán và điều trị hội chứng kháng androgen như thế nào?

Chẩn đoán hội chứng kháng androgen

Do hội chứng kháng androgen có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, việc chẩn đoán cần dựa vào xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ (karyotype) kết hợp với đánh giá nội tiết tố, siêu âm và sinh thiết tinh hoàn (nếu cần).

Phát hiện sớm và tư vấn di truyền có vai trò quan trọng trong việc giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng của mình và có hướng điều trị phù hợp, đồng thời hỗ trợ tâm lý để họ có thể hòa nhập tốt hơn với cuộc sống.

Điều trị hội chứng kháng androgen như thế nào?

Hội chứng kháng androgen không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn tác động sâu sắc đến tâm lý người bệnh do sự không nhất quán về giới tính. Việc nhận thức bản thân khác biệt so với giới tính sinh học thông thường có thể gây hoang mang, lo lắng và thậm chí dẫn đến những tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Do đó, khi quyết định thông báo về tình trạng bệnh, các bác sĩ và gia đình cần đặt lợi ích của người bệnh lên hàng đầu, đảm bảo cung cấp thông tin một cách tinh tế, rõ ràng và phù hợp với tâm lý của họ.

Thông thường, khi biết về tình trạng của mình, người bệnh có thể cảm thấy sốc, bất mãn hoặc mất phương hướng. Vì vậy, việc tư vấn và hỗ trợ tinh thần cần được thực hiện một cách nhất quán, cẩn trọng và tỉ mỉ. Ngoài ra, quá trình điều trị cũng cần được cá nhân hóa, cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và rủi ro của từng phương pháp. Một số hướng điều trị phổ biến hiện nay bao gồm:

Cắt bỏ tinh hoàn: Việc cắt bỏ tinh hoàn ở người mắc hội chứng kháng androgen vẫn còn nhiều tranh cãi. Trong giai đoạn trước dậy thì, tinh hoàn có vai trò sản xuất testosterone – một phần hormone này sẽ chuyển hóa thành estrogen giúp cơ thể phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát nữ. Tuy nhiên, sau dậy thì, tinh hoàn ẩn trong ổ bụng có nguy cơ cao phát triển thành khối u, dù có thể là lành tính hoặc ác tính. Vì vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc thời điểm phù hợp để thực hiện phẫu thuật.

Liệu pháp hormone thay thế (estrogen): Nếu người bệnh đã thực hiện cắt bỏ tinh hoàn, việc bổ sung estrogen là cần thiết để duy trì sự phát triển bình thường của cơ thể, đặc biệt là xương và các đặc điểm sinh dục nữ. Tuy nhiên, progesterone không cần thiết vì người bệnh không có tử cung, do đó không cần duy trì chu kỳ kinh nguyệt nhân tạo.

Hội chứng kháng androgen: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Điều trị hội chứng kháng androgen cần cân nhắc nhiều vấn đề sức khoẻ và tâm lý

Mở rộng âm đạo: Một số người bệnh gặp khó khăn trong quan hệ tình dục do âm đạo hẹp. Trong nhiều trường hợp, âm đạo có thể giãn rộng tự nhiên theo thời gian khi quan hệ tình dục thường xuyên. Tuy nhiên, nếu tình trạng hẹp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp nong âm đạo hoặc can thiệp phẫu thuật tái tạo âm đạo. Dù vậy, phẫu thuật có thể tiềm ẩn những biến chứng như nhiễm trùng, sẹo hoặc mất cảm giác, vì vậy cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về hội chứng kháng androgen. Dù không thể thay đổi yếu tố di truyền, nhưng với sự can thiệp y khoa phù hợp, kết hợp với hỗ trợ tâm lý, người mắc hội chứng này vẫn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh và trọn vẹn. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức và tạo ra một môi trường thấu hiểu, tôn trọng sẽ giúp người bệnh tự tin hơn trong hành trình tìm kiếm bản sắc và hòa nhập với xã hội.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin