Nguyên nhân thiếu máu và các xét nghiệm đánh giá thiếu máu bạn cần biết
Ngày 14/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Thiếu máu là nguyên nhân của tử vong hàng đầu thế giới và có nhiều nguyên nhân thiếu máu khác nhau. Vì máu liên quan đến nhiều thành phần nên các loại xét nghiệm dùng để chẩn đoán thiếu máu cũng khá đa dạng.
Vậy các nguyên nhân thiếu máu là gì và xét nghiệm nào được sử dụng để chẩn đoán bệnh lý này, hãy cùng Long Châu tìm hiểu qua bài viết sau.
Tóm lược về bệnh lý thiếu máu
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu qua về bệnh lý thiếu máu. Thiếu máu được định nghĩa là sự giảm sút số lượng hồng cầu trong máu hoặc hồng cầu hoạt động không đúng cách.
Huyết sắc tố - Hemoglobin là một protein có trong hồng cầu, nó có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các mô khắp cơ thể. Vì vậy, thiếu máu có thể khiến cơ thể bạn mệt mỏi, cảm giác khó thở, chóng mặt, đau đầu hoặc nhịp tim không đều.
Bệnh lý thiếu máu có nhiều dạng, được phân loại theo cơ chế bệnh sinh hoặc theo hình thái và kích thước hồng cầu. Chi tiết hơn sẽ được đề cập ở phần nguyên nhân dưới đây.
Các nguyên nhân thiếu máu
Tình trạng thiếu máu xảy ra do nhiều nguyên nhân, ứng với nhiều loại thiếu máu khác nhau.
Thiếu máu do mất máu
Lượng hồng cầu trong máu giảm có thể do bạn bị mất máu. Việc này có thể xảy ra từ từ hoặc nhanh và đột ngột, các nguyên nhân thiếu máu do mất máu có thể kể đến như:
Các tình trạng viêm - loét dạ dày, trĩ, ung thư có thể gây xuất huyết;
Nhóm thuốc NSAIDs (chống viêm không steroid);
Kinh nguyệt ở phụ nữ;
Sau phẫu thuật hoặc bị tai nạn dẫn đến mất máu;
Mất máu sau sinh và giai đoạn hậu sản.
Thiếu máu do giảm sản xuất hồng cầu hoặc sản xuất hồng cầu lỗi
Thiếu máu loại này xảy ra nếu cơ thể bạn không sản xuất đủ số lượng hồng cầu cần thiết, hoặc đủ nhưng chúng hoạt động sai. Tình trạng này có thể là vì tế bào hồng cầu của bạn gặp vấn đề, hoặc cơ thể không cung cấp đủ những thành phần để hồng cầu được trưởng thành bình thường.
Tủy xương và tế bào gốc gặp vấn đề
Tế bào gốc là những tế bào có khả năng rất đặc biệt. Chúng có thể tự phát triển thành các loại tế bào khác của cơ thể. Tế bào gốc nằm trong tủy xương có khả năng biệt hóa thành hồng cầu lưới - là tiền đề của hồng cầu trưởng thành.
Các loại thiếu máu do vấn đề về tủy xương và tế bào gốc bao gồm:
Thiếu máu bất sản: Xảy ra khi cơ thể bạn không thể sản sinh ra hồng cầu mới nữa. Bệnh lý này có thể do di truyền hoặc do tủy xương bị tổn thương bởi các tác nhân như thuốc và nhiễm trùng.
Ngộ độc chì: Chì có thể làm xương không phát triển được, từ đó dẫn đến việc quá trình sinh hồng cầu giảm đi.
Thalassemia - Tan máu bẩm sinh: Là bệnh lý di truyền liên quan tới sự hình thành bất thường của hemoglobin - protein chứa sắt có ở tế bào hồng cầu. Hậu quả là máu của bạn sẽ có rất ít hồng cầu khỏe mạnh.
Thiếu máu do thiếu sắt
Sắt là nhân tố chính để hình thành nên hemoglobin. Protein này là protein đảm nhận việc vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Các nguyên nhân của tình trạng thiếu máu do thiếu sắt có thể bao gồm:
Chế độ ăn uống không đủ chất sắt, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, trẻ em và những người ăn chay.
Bệnh Crohn.
Những người đã cắt bỏ một phần dạ dày hoặc ruột non.
Hiến máu quá thường xuyên.
Thiếu máu hồng cầu hình liềm
Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một vấn đề bị ảnh hưởng bởi gen, lúc này cơ thể sẽ sản sinh ra những tế bào hồng cầu có hình lưỡi liềm thay vì hình dẹt tròn. Các hồng cầu với hình dạng bất thường này sẽ bị phá vỡ nhanh chóng, và có thể mắc kẹt trong các mạch máu nhỏ gây đau.
Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và vitamin B9
Vitamin B9 và vitamin B12, hay còn gọi với cái tên folate và cobalamin, là hai loại vitamin cần thiết trong quá trình tạo ra hồng cầu. Loại thiếu máu này có thể được gây ra bởi:
Thiếu hụt trong chế độ ăn.
Thiếu máu megaloblastic (thiếu máu hồng cầu to): Xảy ra khi bạn không nhận đủ B12, B9 hoặc cả hai.
Thiếu máu ác tính: Cơ thể bạn không hấp thụ được đủ lượng B12.
Thiếu máu do tăng hủy hồng cầu
Nếu tế bào hồng cầu của bạn yếu đi, chúng không chịu được áp lực khi di chuyển trong cơ thể và vỡ ra, gây hiện tượng thiếu máu tán huyết. Đôi khi nguyên nhân của tình trạng này không rõ ràng, nhưng có thể bao gồm:
Sự tấn công của hệ miễn dịch vào thẳng các tế bào máu, chẳng hạn trong các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ.
Các bệnh có tính di truyền.
Độc tố từ bệnh gan hoặc thận tiến triển.
Ghép mạch máu, van tim giả.
Các xét nghiệm đánh giá thiếu máu
Sau đây là những xét nghiệm có thể thực hiện để biết được bạn có đang bị thiếu máu hay không.
Xét nghiệm công thức máu toàn phần (Complete blood count - CBC)
Xét nghiệm công thức máu toàn bộ thường là xét nghiệm đầu tiên được chỉ định trong chẩn đoán thiếu máu. Xét nghiệm này sẽ đo toàn bộ lượng hồng cầu, bạch cầu, hemoglobin và tiểu cầu trong máu bạn.
Các giá trị dùng để tham chiếu trong việc đánh giá thiếu máu thường là:
Hồng cầu: 5 - 6 triệu tế bào/mcL với nam, 4 - 5 triệu tế bào/mcL với nữ;
Hemoglobin: Trên 14g/dL với nam, trên 12g/dL với nữ.
Nếu giá trị của bạn nằm dưới các mức này, bạn có thể đang bị thiếu máu.
Các xét nghiệm về sắt
Nếu bác sĩ nghi ngờ tình trạng của bạn có thể là thiếu máu do thiếu sắt, họ có thể yêu cầu những xét nghiệm liên quan đến lượng sắt trong máu. Giá trị ở mức bình thường của những xét nghiệm như sau:
Ferritin, một loại protein dự trữ sắt: 204 - 360 mg/dL;
Sắt huyết thanh: 40 - 160 mcg/dL;
Độ bão hòa transferrin: 20 - 50%;
TIBC - Khả năng liên kết sắt: 255 - 450 mcg/dL.
Số lượng hồng cầu lưới
Mục đích của xét nghiệm số lượng hồng cầu lưới là xác định xem tủy xương còn khả năng tạo máu hay không. Xét nghiệm này khá quan trọng vì nó giúp xác định đúng nguyên nhân thiếu máu.
Lấy một ví dụ cụ thể, dữ liệu từ phân tích máu cho thấy số lượng hồng cầu của bạn giảm, tuy nhiên chỉ số hồng cầu lưới lại ở mức cao. Điều này cho thấy khả năng tạo hồng cầu của cơ thể bạn vẫn còn nhưng các hồng cầu này không thể phát triển, dẫn đến tình trạng thiếu máu
Phết máu ngoại biên
Thực hiện phương pháp phết máu giúp đánh giá đặc điểm hình thái của các tế bào hồng cầu, phương pháp này rất quan trọng trong việc xác định các trường hợp thiếu máu do hồng cầu có hình dạng không bình thường, bao gồm cả bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Các xét nghiệm khác
Nếu nghi ngờ thiếu máu thuộc loại do tăng hủy hồng cầu, các xét nghiệm sau đây có thể được thực hiện:
Xét nghiệm Lactate dehydrogenase (LDH): LDH là một loại enzyme biến đường thành năng lượng, có ở hầu hết các mô trong cơ thể. Mức LDH cao chứng tỏ một số mô trong cơ thể bạn đã bị tổn thương do bệnh (bao gồm thiếu máu) hoặc chấn thương.
Xét nghiệm haptoglobin: Giúp xác định nguyên nhân làm tăng sự phá hủy hồng cầu.
Bilirubin gián tiếp: Nồng độ này có thể tăng lên nếu sự hủy hồng cầu diễn ra quá mức.
Việc tiến hành kiểm tra nồng độ folate B9 và cobalamin B12 là cần thiết để xác định hoặc ngăn chặn khả năng phát triển của tình trạng thiếu máu, một tình trạng có thể xuất phát từ sự thiếu hụt của hai loại vitamin quan trọng này.
Coombs Test - Bài kiểm tra này được chỉ định khi nghi ngờ nguyên nhân thiếu máu đến từ một bệnh tự miễn.
Bài viết do Long Châu biên soạn đã trình bày những thông tin cần biết về nguyên nhân thiếu máu cũng như các phương pháp kiểm tra liên quan, giúp bạn nắm bắt rõ và chú ý hơn về sức khỏe của mình.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.