Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? Cách phòng ngừa sản giật

Ngày 19/07/2022
Kích thước chữ

Sản giật là biến chứng nặng của tiền sản giật, gây hậu quả nghiêm trọng khi huyết áp tăng cao khiến sản phụ bị co giật khi mang thai. Vậy nếu bị sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không, bài viết này sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Tiền sản giật, sản giật là biến chứng thai sản rất nguy hiểm, thậm chí còn có khả năng gây tử vong. Do đó, thai phụ trong thời gian này cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe cũng như các dấu hiệu bất thường nhằm phòng tránh sớm nguy cơ. "Sản giật là gì, sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không?" là những thông tin chúng ta cùng tìm hiểu sau đây. 

Sản giật là gì?

Sản giật là một biến chứng nặng của tiền sản giật, xảy ra sau tiền sản giật và khi huyết áp cao dẫn đến co giật khi mang thai. Thậm chí có trường hợp không có tiền sử động kinh nhưng thai phụ vẫn bị sản giật.

Sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? Cách phòng ngừa sản giật 1"Mẹ bị sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không?" là nỗi lo lắng của tất cả thai phụ.

Triệu chứng sản giật

Thai phụ có thể có triệu chứng của cả tình trạng tiền sản giật lẫn sản giật. Ngoài ra, một số triệu chứng xảy ra do các tình trạng khác, điển hình như mắc bệnh thận hoặc tiểu đường.

Dưới đây là một số triệu chứng điển hình của tiền sản giật:

  • Huyết áp cao;
  • Sưng ở mặt/tay;
  • Đau đầu;
  • Tăng cân không kiểm soát;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Gặp vấn đề về thị lực, chẳng hạn như mắt nhìn mờ hoặc mất thị lực;
  • Tiểu khó;
  • Đau bụng, đặc biệt là ở vùng bụng trên bên phải.

Thai phụ bị sản giật có thể gặp triệu chứng tiền sản giật kể trên hoặc có thể không. Các triệu chứng phổ biến của sản giật bao gồm: Co giật; mất ý thức; kích động,...

Nguyên nhân gây sản giật

Nguyên nhân chính dẫn đến sản giật ở thai phụ chính là tiền sản giật. Khi thai phụ xuất hiện các triệu chứng như co giật, hôn mê sâu… chính là đã bị sản giật. 

Sự bất thường trong quá trình hình thành và chức năng của nhau thai sẽ dẫn đến nguy cơ sản giật. Khi đó, nhau thai có lưu lượng máu truyền đến không đảm bảo, gây hạn chế trong việc nuôi dưỡng thai nhi. Theo các chuyên gia, hiện tượng này có thể xuất phát từ nguyên nhân:

Huyết áp tăng cao

Biến chứng xảy ra khi huyết áp thai phụ tăng cao, lực truyền máu lên thành động mạch kém, gây ảnh hưởng không chỉ cho động mạch mà còn những mạch máu khác. Hậu quả là các mạch máu trong não và thai nhi đang lớn trong bụng bị sưng tấy. Bên cạnh đó, việc lưu lượng máu bất thường cũng cản trở khả năng hoạt động của não bộ, gây nên những cơn co giật – một trong những triệu chứng đặc trưng của chứng sản giật ở thai phụ.

Sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? Cách phòng ngừa sản giật 2 Việc lưu lượng máu bất thường cũng gây nên những cơn co giật.

Protein niệu

Protein niệu có thể gây tác hại lên chức năng thận. Chúng ta đều biết, chức năng của thận là lọc các chất thải từ máu và tạo ra nước tiểu. Tuy nhiên, thận sẽ giữ lại các chất dinh dưỡng có trong máu như protein niệu (protein trong nước tiểu) để phân phối lại cho cơ thể. 

Trường hợp cầu thận bị hư hỏng khiến cho protein bị rò rỉ và bài tiết vào nước tiểu. Các bác sĩ chuyên khoa có thể tìm protein bằng cách xét nghiệm nước tiểu của thai phụ.

Tóm lại, khi thai phụ đã/đang bị tiền sản giật sẽ có nguy cơ cao bị sản giật. Một số yếu tố nguy cơ khác có thể đưa đến sản giật trong thai kỳ bao gồm:

  • Thai phụ bị tăng huyết áp thai kỳ hoặc mãn tính;
  • Thai phụ mang thai ở độ tuổi trên 35 tuổi, hoặc dưới 20 tuổi;
  • Mang thai đôi/ba;
  • Mang thai lần đầu;
  • Mắc tiểu đường thai kỳ hoặc bệnh lý khác ảnh hưởng đến mạch máu;
  • Có bệnh thận.

Sản giật là tình huống đe dọa tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi do trong cơn co giật, cả mẹ và thai nhi đều có nguy cơ bị thiếu oxy.

Sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Như đã nói ở trên, tiền sản giật hay sản giật đều là những biến chứng thai sản rất nguy hiểm. Nếu chậm phát hiện lẫn xử lý sẽ gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, thậm chí còn có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn con.

Sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? Cách phòng ngừa sản giật 3 Cho dù là tiền sản giật hay sản giật đều có ảnh hưởng tới thai nhi.

Sản giật có biểu hiện lâm sàng là những cơn co giật liên tục rồi đi đến hôn mê. Thai phụ có thể sẽ bị co giật tới lúc tử vong nếu phát hiện trễ và không kịp xử lý. Bên cạnh đó, giai đoạn tiền sản giật còn có khả năng làm tăng nguy cơ bị bong nhau non, ở mức độ nghiệm trọng sẽ khiến thai phụ chảy nhiều máu, đe dọa tới tính mạng của mẹ và thai nhi. 

Như vậy, cho dù là tiền sản giật hay sản giật đều có ảnh hưởng tới thai nhi. Trong thai kỳ, nếu thai phụ đã mắc tiền sản giật thì thai nhi sẽ có nguy cơ mắc một số biến chứng sau:

  • Thai chết lưu ngay khi còn nằm trong bụng mẹ;
  • Thai nhi phát triển khiếm khuyết vì không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu;
  • Trẻ sẽ bị sinh non, suy dinh dưỡng, sức khỏe yếu;
  • Nguy cơ cao tử vong ngay khi vừa sinh bởi tình huống như ngạt, chảy máu phổi, chấn thương,…

Biện pháp phòng ngừa sản giật hiệu quả nhất

Ngay từ ban đầu, khi bác sĩ chẩn đoán thai phụ bị tiền sản giật nhẹ thì phải theo dõi cẩn thận tình trạng và nếu cần thiết sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc để ngăn nguy cơ chuyển thành sản giật. Bên cạnh đó, kiểm soát huyết áp thai phụ luôn trong phạm vi an toàn cho đến khi thai nhi đủ tuần tuổi chào đời.

Trường hợp tiền sản giật hoặc sản giật nghiêm trọng tiến triển nặng, bác sĩ có thể chỉ định sinh con sớm và có kế hoạch chăm sóc mẹ và bé phù hợp, dựa vào khoảng thời gian mang thai và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tốt nhất thai phụ cần nhập viện để bác sĩ theo dõi cho đến khi sinh con.

Trong thời gian này, thai phụ có thể dùng thuốc chống co giật để ngăn ngừa xảy ra cơn co giật; đồng thời có thể dùng thuốc để giảm huyết áp nếu bị cao huyết áp.

Sản giật có ảnh hưởng đến thai nhi không? Cách phòng ngừa sản giật 4 Thai phụ cần tăng cường ăn nhiều trái cây và rau củ quả tươi.

Song song với các việc kể trên, thai phụ trong thai kỳ cần chú ý những điều sau đây:

  • Tập thể dục thường xuyên: Duy trì tập thể dục với cường độ vừa phải, vừa có thể giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, củng cố hệ miễn dịch, giảm viêm, thúc đẩy cơ thể chống lại căng thẳng vừa giúp làm giảm nguy cơ gặp phải biến chứng thai kỳ, bao gồm tiền sản giật.
  • Uống đủ nước: Chú ý bổ sung đủ nước (khoảng 8 ly/ngày) cho cơ thể, hạn chế tiêu thụ các thức uống chứa caffeine, rượu bia để không làm tăng số lần đi tiểu gây mất nước.
  • Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ rất quan trọng với thai phụ, nên dành thời gian ngủ từ 8 giờ trở lên. Buổi trưa phải tranh thủ chợp mắt để cơ thể và đầu óc được thư giãn.
  • Khám thai định kỳ: Đây là việc thai phụ cần nghiêm túc thực hiện theo lịch khám thai định kỳ của bác sĩ. Trường hợp nhận thấy dấu hiệu bất thường (đau bụng dữ dội, mắt mờ, thở nhanh, mệt mỏi quá mức…) cần phải đến ngay cơ sở y tế để kịp thời phát hiện bất kỳ yếu tố nguy cơ nào.
  • Kiểm soát tốt huyết áp: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật, sản giật. Do đó, để tránh nguy cơ mắc phải bệnh này, thai phụ nên ăn nhạt, ăn nhiều thực phẩm giàu kali, tránh dùng kali ở dạng bổ sung để ngăn ngừa huyết áp cao.
  • Tăng cường ăn nhiều trái cây và rau củ quả tươi nhằm giúp cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu cùng lượng chất điện giải cao, bao gồm cả kali. Bơ, chuối, khoai lang, dưa chuột… là những thực phẩm ưu tiên để ngăn ngừa tiền sản giật.
  • Bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết: Thai phụ có thể uống viên bổ sung vitamin chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất, bao gồm: Các vitamin C, B, E; axit folic, sắt, i ốt, phốt pho, magie và canxi… Ngoài ra, các vitamin nhóm B rất quan trọng giúp tăng khả năng sinh sản và thoát khỏi tình trạng ốm nghén. Trong khi đó, trái cây họ cam quýt là một nguồn giàu vitamin C và E, giúp tăng sức đề kháng…

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin