Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân gây tiền sản giật là gì và cách điều trị như thế nào?

Ngày 25/05/2024
Kích thước chữ

Nỗi lo lớn nhất của hầu hết phụ nữ trong và sau khi mang thai là đối mặt với các biến chứng sản khoa. Một trong số đó là tiền sản giật khi mang thai, đây là tiền căn của sản giật và được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh.

Tiền sản giật là một bệnh liên quan đến thai nghén ở phụ nữ, nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho mẹ và thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu cần hiểu rõ về tiền sản giật để biết cách phòng ngừa cũng như đến cơ sở y tế kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng bất thường.

Tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật được xem là một biến chứng thai kỳ được đặc trưng bởi huyết áp cao và dễ gây tổn thương đến các cơ quan khác, thường là gan và thận. Hiện tượng này có thể xảy ra sớm sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nhưng rất hiếm. Hầu hết các triệu chứng chỉ xuất hiện sau tuần thứ 34 của thai kỳ. Ở một số phụ nữ mang thai, triệu chứng lại xuất hiện sau khi lâm bồn, thường là trong vòng 48 giờ. May mắn thay, những triệu chứng này có xu hướng tự biến mất trong vòng vài tuần sau đó.

nguyen-nhan-gay-tien-san-giat-la-gi-va-cach-dieu-tri-nhu-the-nao 1.jpg
Tiền sản giật được xem là một biến chứng thai kỳ được đặc trưng bởi huyết áp cao

Tiền sản giật là nguyên nhân gây sản giật, một tai biến sản khoa nghiêm trọng có thể đe dọa sức khỏe của mẹ và bé. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Triệu chứng tiền sản giật thường gặp khi mang thai

Ở một số phụ nữ mang thai, bệnh này đôi khi xảy ra và tiến triển âm thầm mà không có dấu hiệu gì. Tăng huyết áp thai kỳ là dấu hiệu đầu tiên, vì vậy, bà bầu cần theo dõi huyết áp ngay từ ngày đầu tiên của thai kỳ và kiểm tra huyết áp thường xuyên trong suốt thai kỳ. Huyết áp vượt quá 140/90mmHg được ghi nhận 2 lần, cách nhau ít nhất 4 giờ được đánh giá là bất thường.

Ngoài ra còn có các biểu hiện khác, ví dụ như:

  • Nước tiểu có lượng protein dư thừa.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Thị lực thay đổi, bao gồm mất thị lực tạm thời hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
  • Đau vùng bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải;
  • Buồn nôn và nôn.
  • Lượng nước tiểu giảm.
  • Mức độ tiểu cầu trong máu giảm.
  • Chức năng gan suy giảm.
  • Tích tụ chất lỏng trong phổi gây khó thở.
  • Tăng cân đột ngột hơn 2kg mỗi tuần.
  • Sưng, phù nề, đặc biệt là ở mặt, cánh tay và chân.

Nguyên nhân nào gây nên tình trạng tiền sản giật?

Theo các bác sĩ sản khoa, tiền sản giật khi mang thai xảy ra do lưu lượng máu đến nhau thai, cơ quan nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ giảm.

nguyen-nhan-gay-tien-san-giat-la-gi-va-cach-dieu-tri-nhu-the-nao 2.jpg
Tiền sản giật khi mang thai xảy ra do lưu lượng máu đến nhau thai giảm

Đầu thai kỳ, các mạch máu mới phát triển để vận chuyển máu đến nhau thai một cách hiệu quả. Ở phụ nữ mắc hội chứng này, các mạch máu này dường như không phát triển hoặc vận hành đúng chức năng. Chúng hẹp hơn các mạch máu bình thường, khiến lưu lượng máu chảy qua bị hạn chế.

Nguyên nhân của tình trạng phát triển bất thường này là:

  • Lưu lượng máu cung cấp không đủ cho tử cung.
  • Tổn thương mạch máu.
  • Suy giảm hệ miễn dịch hoặc hệ miễn dịch có vấn đề.
  • Một số gen bất thường.

Khi nào mẹ bầu nên đi gặp bác sĩ ngay?

Hãy nhớ đi khám thai định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi tình trạng huyết áp của mẹ bầu. Gọi ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây: Nhức đầu dữ dội, suy giảm thị lực, bụng đau quặn hay thở dốc.

Vì nhức đầu, nôn mửa và đau nhức cơ thể là những triệu chứng phổ biến khi mang thai nên rất khó để biết liệu các triệu chứng mới là một phần của thai kỳ hay chúng là điều gì đó nghiêm trọng hơn, đặc biệt nếu đây là lần mang thai đầu tiên của bạn. Nói chung, khi gặp các triệu chứng bất thường, bạn nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ ngay.

Cách điều trị tiền sản giật

Điều trị tiền sản giật giai đoạn nhẹ

Thai phụ có thể được điều trị và theo dõi ngoại trú bằng cách đo huyết áp 2 lần/ngày.

  • Thai phụ cần nghỉ ngơi và nằm nghiêng về bên trái.
  • Theo dõi hàng tuần, nếu thấy nặng hơn phải nhập viện và điều trị.
  • Nên chấm dứt thai kỳ ở tuyến chuyên khoa nếu thai đã đủ tháng.
  • Uống 2 đến 3l nước mỗi ngày, ăn tăng đạm và ăn nhạt.

Điều trị tiền sản giật giai đoạn nặng

Mẹ bầu cần phải nhập viện, theo dõi huyết áp và được điều trị tích cực. Huyết áp cần được theo dõi 4 lần/ ngày, kiểm tra cân nặng và protein niệu hàng ngày, xét nghiệm đếm tiểu cầu, Hct, siêu âm và theo dõi tim thai liên tục.

nguyen-nhan-gay-tien-san-giat-la-gi-va-cach-dieu-tri-nhu-the-nao 3.jpg
Khi bị tiền sản giật giai đoạn nặng, mẹ bầu cần phải nhập viện, theo dõi huyết áp và được điều trị tích cực

Chế độ điều trị cơ bản cho mẹ bầu như sau:

Điều trị nội khoa

  • Cho mẹ bầu nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái.
  • Sử dụng thuốc an thần: Diazepam tiêm hoặc uống.
  • Sử dụng Magnesium Sulfate.
  • Khi có huyết áp cao (160/110mmHg) cho sử dụng thuốc hạ huyết áp.
  • Dùng thuốc có tác dụng làm giãn các tiểu động mạch, tăng lưu lượng máu đến tim và thận, làm tăng lượng máu đến bánh rau.
  • Khi có đe dọa phù phổi cấp và thiểu niệu mới sử  dụng thuốc lợi tiểu

Điều trị sản khoa và ngoại khoa

  • Nếu tiền sản giật nặng không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc xảy ra sản giật thì nên chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai. Trước khi bác sĩ chỉ định chủ động chấm dứt thai kỳ cần ổn định tình trạng mẹ bầu trong vòng 24 đến 48 giờ.
  • Nếu đủ điều kiện mẹ bầu nên sinh thủ thuật hoặc mổ lấy thai nhi khi có chỉ định của bác sĩ sản khoa hoặc cần nhanh chóng chấm dứt thai kỳ.

Tóm lại, tiền sản giật là một biến chứng sản khoa nghiêm trọng, xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ và cần được theo dõi chặt chẽ vì tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé. Các biến chứng có thể được ngăn ngừa sớm nếu bạn tuân thủ khám thai đầy đủ và theo dõi thai kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.