Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tiền sản giật hội chứng HELLP là gì? Có nguy hiểm không?

Ngày 17/08/2022
Kích thước chữ

Tiền sản giật hội chứng HELLP ở phụ nữ mang thai là một biến thể của tiền sản giật, chiếm tỷ lệ khoảng 2 - 12% ở bệnh nhân bị tiền sản giật. Vậy, tiền sản giật hội chứng HELLP là gì, có nguy hiểm không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Phần lớn triệu chứng của tiền sản giật xuất hiện vào khoảng ba tháng cuối thai kỳ hoặc sau khi sinh và thường biến mất sau một thời gian. Tiền sản giật có thể xuất hiện và tiến triển âm thầm, đầu tiên đó là tăng huyết áp thai kỳ. Do đó, việc theo dõi thường xuyên huyết áp thai phụ là điều rất quan trọng. 

Tiền sản giật hội chứng HELLP là gì? Có nguy hiểm không?

Hội chứng HELLP là rối loạn liên quan tới tiền sản giật. Đây là dạng nhiễm độc thai nghén chủ yếu xảy ra ở 5 – 8% thai phụ, phổ biến nhất là sau tuần 20 của thai kỳ. Triệu chứng của tiền sản giật hội chứng HELLP thường không rõ, khó nhận biết và chẩn đoán sớm (đặc biệt khi không có hiện tượng huyết áp cao và protein trong nước tiểu) nên khi không chữa trị kịp thời có thể gây tử vong.

Tiền sản giật hội chứng hellp là gì? Có nguy hiểm không? 1 Tiền sản giật hội chứng HELLP ở phụ nữ mang thai là một biến thể của tiền sản giật. 

Theo nghiên cứu, tiền sản giật có thể liên quan đến các triệu chứng tan máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu. Năm 1982, tiến sĩ Louis Weinstein đặt tên cho tình trạng này là hội chứng HELLP dựa trên những đặc điểm như sau: 

  • H – Hemolysis (tan máu);
  • EL – Elevated liver enzymes (tăng men gan);
  • LP – Low platelets (giảm tiểu cầu).

Triệu chứng của tiền sản giật hội chứng HELLP dễ bị nhầm lẫn với viêm dạ dày, cảm cúm, viêm gan cấp tính, bệnh túi mật cũng như các bệnh lý khác trong giai đoạn tam cá nguyệt. Trong đó có 20% sản phụ mắc hội chứng này không hề có biểu hiện của sản giật trước khi sinh.

Điều đáng lo ngại là tiền sản giật hội chứng HELLP có tỷ lệ tử vong khá cao, lên đến 30%. Do đó, thai phụ cần nhận thức được tình trạng cũng như các triệu chứng của bệnh để sớm phát hiện và can thiệp điều trị sớm.

Đối tượng và yếu tố nguy cơ mắc bệnh

Tiền sản giật hội chứng HELLP là một rối loạn hiếm gặp, tuy nhiên khi xuất hiện đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai phụ, thậm chí đe dọa tính mạng của cả mẹ và thai nhi. 

Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao mắc bệnh:

  • Phụ nữ trên 35 tuổi;
  • Người béo phì;
  • Tiền sử mắc các bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận;
  • Thai phụ bị cao huyết áp trong thai kỳ;
  • Tiền sử mắc tiền sản giật trước khi sinh.

Tiền sản giật hội chứng HELLP xuất hiện ở mỗi người với các triệu chứng khác nhau, cụ thể như:

  • Mệt, khó chịu trong vài ngày;
  • Buồn nôn, nôn ói;
  • Đau nhức cơ vai, cổ, thượng vị hoặc vùng bụng trên bên phải;
  • Đau đầu và rối loạn thị giác;
  • Tăng cân do phù toàn thân, và protein niệu trên 1+ (trong 90% các trường hợp);
  • Sưng tấy, nhất là ở khu vực tay hoặc mặt;
  • Đau khi hít thở sâu.
Tiền sản giật hội chứng hellp là gì? Có nguy hiểm không? 2 Điều đáng lo ngại là tiền sản giật hội chứng HELLP có tỷ lệ tử vong khá cao.

Chính vì thế, thai phụ cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời khi phát hiện dấu hiệu khác thường trong thai kỳ. Các bác sĩ sẽ nhanh chóng giúp bạn xác định chính xác nguyên nhân của các triệu chứng này để đưa ra chỉ định phù hợp nhất. 

Nguyên nhân của tiền sản giật hội chứng HELLP vẫn chưa xác định chính xác nhưng hiện tượng đông máu được xem là yếu tố chủ yếu gây ra tình trạng bệnh này. Theo chuyên gia, hội chứng HELLP là dạng tiền sản giật nặng, một tai biến sản khoa do huyết áp cao với tỷ lệ chiếm khoảng 10 – 20% phụ nữ gặp tiền sản giật sẽ tiến triển thành.

Phương pháp chẩn đoán tiền sản giật hội chứng HELLP

Như đã có đề cập ở trên, HELLP là tên viết tắt của các từ Hemolytic anemia (thiếu máu tán huyết), Elevated Liver enzymes (tăng men gan) và Low Platelet count (giảm tiểu cầu) nên phương pháp chẩn đoán bệnh sẽ dựa vào ba đặc điểm chính này. 

  • Tan máu: Hệ quả của sự chuyển vận các tế bào hồng cầu trong lòng các mao mạch máu bị tổn thương (mảnh hồng cầu vỡ, hồng cầu bị biến dạng (schistocytes) trên tiêu bản máu đàn). Ngoài ra các chỉ số như Haptoglobin, bilirubin, LDH tăng.
  • Men gan tăng cao: Tình trạng thiếu máu tại gan dẫn đến nhồi máu với các triệu chứng bao gồm đau thượng vị, nôn, buồn nôn hoặc đau hạ sườn phải, vàng da, men gan tăng cao. Có khoảng 1% các biến chứng nặng như tụ máu dưới bao gan, thậm chí vỡ vào ổ bụng.
  • Giảm tiểu cầu: Do tổn thương vi mạch chủ yếu là tổn thương nội mạch và co thắt mạch, hậu quả của serotonin và thromboxane A2 làm tăng ngưng kết tiểu cầu trong lòng mạch.

Việc chẩn đoán lâm sàng tiền sản giật hội chứng HELLP có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác trong thai kỳ, điển hình như gan nhiễm mỡ cấp, viêm dạ dày ruột, viêm gan, viêm ruột thừa, bệnh lý túi mật, hội chứng kháng phospholipid, tán huyết urê huyết, xuất huyết giảm tiểu cầu, lupus...

Nếu chỉ dựa vào những triệu chứng lâm sàng, hội chứng HELLP khó phân biệt với bệnh lý gan nhiễm mỡ cấp do cả hai có thể cùng xuất hiện ở một thời điểm trong thai kỳ và có những triệu chứng lâm sàng khá giống nhau. Để xác định chính xác, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định thực hiện thêm một số kiểm tra cận lâm sàng để củng cố cơ sở chẩn đoán.

Tiền sản giật hội chứng hellp là gì? Có nguy hiểm không? 3 Thai phụ cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Biến chứng và phương pháp điều trị tiền sản giật hội chứng HELLP

Biến chứng

Hội chứng HELLP là một biến thể của tiền sản giật và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm sau đây nếu bệnh phát hiện muộn, không kịp can thiệp:

  • Vỡ gan;
  • Máu tụ dưới bao gan, nứt gan;
  • Suy thận;
  • Suy hô hấp cấp tính;
  • Chảy máu (băng huyết) quá nhiều trong khi sinh;
  • Đột quỵ;
  • Nhau bong non;
  • Phù phổi cấp;
  • Ngạt chu sinh gây tử vong cả mẹ và thai nhi.

Thường vỡ gan hoặc đột quỵ (phù não hoặc xuất huyết não) là những biến chứng nghiêm trọng khiến người mẹ nguy kịch, thậm chí tử vong. Thậm chí, một số biến chứng có thể xảy ra ngay cả khi điều trị và ảnh hưởng đến mẹ và bé sau khi sinh. Nên thai phụ luôn phải chú ý đến tình hình sức khỏe của mình và thông báo cho bác sĩ chuyên khoa khi thấy bất cứ dấu hiệu khác thường nào. 

Phương pháp điều trị

Một trong những phương pháp can thiệp hội chứng HELLP sau sinh là chấm dứt thai kỳ, đưa thai nhi ra khỏi tử cung người mẹ sớm. Ngoài ra, xử trí ổn định huyết áp (nếu có) cũng như những biểu hiện khác như cơn co giật, DIC, theo dõi thai. 

Đa số các trường hợp bệnh đều sẽ được hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 – 48 giờ hoặc trong vòng năm ngày sau sinh. Lưu ý một số trường hợp có thể kéo dài các triệu chứng đến 14 ngày.

Tiền sản giật hội chứng hellp là gì? Có nguy hiểm không? 4 Phần lớn mẹ bầu mắc hội chứng HELLP đều hồi phục nếu được điều trị sớm.

Có cách nào phòng ngừa tiền sản giật hội chứng HELLP không? Đáng tiếc là cho đến hiện tại chúng ta chưa có phương pháp phòng ngừa nào giúp phòng ngừa hội chứng HELLP hiệu quả. Tuy nhiên, việc duy trì lối sống lành mạnh, chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý có thể giúp sản phụ có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh, đồng thời góp phần phòng ngừa tình trạng tiểu đường thai kỳ hay cao huyết áp.

Ngoài ra, việc khám thai định kỳ, đúng lịch cũng như cung cấp đầy đủ cho bác sĩ sản khoa tiền sử mắc HELLP của gia đình, tiền sản giật hoặc các rối loạn tăng huyết áp khác đóng vai trò rất quan trọng cho một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn. Bởi điều này sẽ giúp bác sĩ phát hiện kịp thời nguy cơ tiền sản giật tiến triển sản giật hoặc hội chứng HELLP; từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. 

Đặc biệt, khi phát hiện ra các dấu hiệu bất thường, thai phụ phải ngay lập tức đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Cách chăm sóc thai phụ mắc tiền sản giật hội chứng HELLP

Như đã nói ở trên, phần lớn mẹ bầu mắc hội chứng HELLP đều hồi phục hoàn toàn nếu tình trạng này được điều trị sớm. Các triệu chứng cũng cải thiện đáng kể sau khi sinh em bé và sẽ biến mất trong vài ngày đến vài tuần sau khi sinh. Tuy nhiên, sản phụ cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ sau sinh để đánh giá bệnh đã được điều trị hoàn toàn.

Đối với thai nhi, HELLP dẫn đến nguy cơ sinh non nên trẻ được sinh ra trước 37 tuần cần theo dõi cẩn thận trong bệnh viện trước khi được về nhà.

Như Quỳnh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin