Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phương pháp chẩn đoán tiền sản giật và các biện pháp điều trị

Ngày 17/01/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chẩn đoán tiền sản giật được bác sĩ đánh giá thông qua sự ảnh hưởng của nó ở sáu phạm vi chính như hệ thống thần kinh trung ương, thận, gan, hệ thống huyết học, mạch máu và đơn vị thai nhi - nhau thai với mức độ nhẹ, trung bình và nặng khác nhau.

Tiền sản giật là một dạng biến chứng trong thai kỳ. Nó khiến cho thai phụ bị tăng huyết áp và nồng độ protein niệu bất thường đi kèm triệu chứng phù. Biến chứng này là nỗi ám ảnh của thai phụ bởi nguy cơ đe dọa đến mạng sống của họ. Vậy phương pháp để chẩn đoán tiền sản giật là gì? Cách phòng ngừa tiền sản giật thế nào? Thông tin sẽ được đề cập chi tiết trong bài viết này.

Tìm hiểu sơ lược về tiền sản giật

Tiền sản giật là dạng biến chứng xảy ra trong thai kỳ. Biến chứng này được xếp vào danh sách 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu có nguy tử vong cao ở thai phụ và thai nhi. Tiền sản giật xảy ra do sự gia tăng của huyết áp và sự xuất hiện của các dấu hiệu tổn thương hệ cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là thận.

Phương pháp chẩn đoán tiền sản giật và các biện pháp điều trị bệnh 1
Tiền sản giật và các nguy cơ nguy hiểm

Tiền sản giật là thời điểm xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Giai đoạn sản giật thường kéo dài trong vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân. 

Các yếu tố chủ yếu gây ra bệnh tiền sản giật

Hiện nay, nguyên nhân gây ra tiền sản giật vẫn chưa được phát hiện rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố chủ yếu đã góp phần gây ra tình trạng tiền sản giật bao gồm:

  • Thai phụ mắc chứng rối loạn máu khó đông hoặc có tiền sử mắc các bệnh như bệnh đái tháo đường, bệnh thận, tăng huyết áp mạn,... hoặc bệnh tự miễn (lupus ban đỏ) trước đó.
  • Thai phụ mang thai khi trên 35 tuổi.
  • Người đã có thành viên trong nhà (bà, mẹ, cô, dì hay chị em ruột,...) mắc tiền sản giật.
  • Người bị bệnh béo phì hoặc tăng cân đột ngột trong thai kỳ.
  • Người mang đa thai, thai to hoặc mang con đầu lòng.
  • Phụ nữ bị thiếu máu cục bộ tử cung và nhau thai. 

Những dấu hiệu và triệu chứng nhận biết bệnh tiền sản giật

Khi mắc phải tiền sản giật, thai phụ có thể xuất hiện một số các triệu chứng để nhận biết như tăng huyết áp, protein niệu, phù,...

Phương pháp chẩn đoán tiền sản giật và các biện pháp điều trị bệnh 2
Triệu chứng cơ bản giúp bệnh nhân nhận biết tiền sản giật

Tăng huyết áp

Bạn cần lưu ý các tình trạng tăng huyết áp khi mang thai vì:

  • Dấu hiệu thường gặp và xuất hiện sớm nhất được dùng để chẩn đoán tiền sản giật, theo dõi và tiên lượng bệnh.
  • Huyết áp tăng tối đa ≥ 140mmHg hoặc tối thiểu ≥ 90mmHg (đo 2 lần và đo lại sau 4 giờ nghỉ ngơi, thường xảy ra ở thai phụ khoảng 20 tuần tuổi và có huyết áp bình thường trước đó).
  • Huyết áp tăng tối đa hơn 30mmHg hoặc tối thiểu hơn 15mmHg với trị số huyết áp khi chưa mang thai có nguy cơ gây ra tiền sản giật.
  • Huyết áp càng cao, tiên lượng mắc tiền sản giật càng nặng.
  • Huyết áp tâm thu ≥ 160mmHg hoặc tâm trương ≥ 110mmHg cần phải dùng thuốc hạ áp đúng lúc.
  • Nếu sau khi sinh khoảng 6 tuần, huyết áp vẫn cao sẽ có nguy cơ trở thành tăng huyết áp mạn. Bệnh nhân nên khám tại chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Protein niệu

Protein niệu nằm ở mức dương tính khi lượng protein > 0,3g/lít/mẫu nước tiểu 24 giờ hoặc > 0,5g/lít/mẫu nước tiểu ngẫu nhiên.

Phù

Người có nguy cơ bị tiền sản giật sẽ có dấu hiệu bị phù như:

  • Phù trắng, có độ mềm, ấn vào bị lõm cần được phân biệt với phù sinh lý ở thai phụ bình thường khoảng 3 tháng cuối, chỉ phù chân nhẹ, phù vào chiều và nằm nghỉ ngơi kê cao chân sẽ khỏi.
  • Phù bệnh lý: Bị phù toàn thân, phù từ buổi sáng và nằm kê cao chân không hết. Ở tình trạng nặng có thể làm tràn dịch đa màng (màng phổi, màng bụng) và phù não.
  • Phát hiện phù qua việc ấn trên bề mặt cứng kèm triệu chứng thai phụ tăng cân nhanh, tăng  hơn 500gram/tuần hay hơn 2250gram/tháng.
  • Phân biệt cụ thể các dạng phù: Phù tim, phù dinh dưỡng, phù thận và phù giun chỉ.
Phương pháp chẩn đoán tiền sản giật và các biện pháp điều trị bệnh 3
Phù nề chân có thể là triệu chứng của tiền sản giật

Các triệu chứng đi kèm thể hiện tiền sản giật nặng

Một số triệu chứng như:

  • Thiếu máu: Cơ thể mệt mỏi, xanh xao và niêm mạc nhợt.
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.
  • Thần kinh: Đau vùng chẩm, lờ đờ và uống thuốc giảm đau không khỏi.
  • Thị giác: Chóng mặt, sợ ánh sáng hoặc suy giảm thị lực.
  • Tràn dịch đa màng: Bụng, tim và phổi. 

Phương pháp để chẩn đoán tiền sản giật

Chẩn đoán tiền sản giật bằng việc khám lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm. Các xét nghiệm gồm:

  • Khám lâm sàng: Tăng huyết áp và bị phù nề.
  • Xét nghiệm: Xét nghiệm nước tiểu (protein niệu) và xét nghiệm máu (đánh giá chức năng của thận). 
Phương pháp chẩn đoán tiền sản giật và các biện pháp điều trị bệnh 4
Thăm khám và chẩn đoán tiền sản giật

Chẩn đoán mức độ nặng hoặc nhẹ của bệnh nhân. Khi bị tiền sản giật ở mức độ nặng sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Protein niệu test nhanh 2+ trở lên hoặc > 2g/24 giờ;
  • Đau vùng thượng vị hoặc vùng hạ của sườn phải;
  • Giảm tiểu cầu;
  • Xuất hiện dấu hiệu suy tim hoặc phù phổi cấp;
  • Rối loạn tri giác.

Tổng hợp các biện pháp điều trị tiền sản giật hiệu quả

Cách điều trị tiền sản giật sẽ được phân thành 3 phương pháp cơ bản là điều trị tiền sản giật nặng, điều trị tiền sản giật nhẹ và điều trị sản khoa - ngoại khoa.

Điều trị tiền sản giật nặng

Khi tiền sản giật nặng, bệnh nhân cần nhập viện, theo dõi huyết áp và điều trị tích cực. Theo dõi huyết áp 4 lần/ngày, theo dõi cân nặng, protein niệu hàng ngày kết hợp xét nghiệm tiểu cầu, HCT, siêu âm và theo dõi tim thai. Chế độ điều trị cơ bản bao gồm:

  • Điều trị nội khoa;
  • Nghỉ ngơi và tư thế nằm nghiêng về bên trái;
  • Dùng thuốc an thần: Diazepam dạng tiêm hoặc uống;
  • Sử dụng Magnesium Sulfate;
  • Dùng thuốc hạ huyết áp khi có huyết áp cao (160/110mmHg);
  • Thuốc có công dụng giãn các tiểu động mạch, tăng lưu lượng máu đến tim, thận hoặc tăng lượng máu đến bánh rau;
  • Thuốc lợi tiểu: Sử dụng khi có nguy cơ phù phổi cấp và thiểu niệu.

Điều trị tiền sản giật nhẹ

Các phương pháp điều trị sản giật nhẹ:

  • Điều trị và theo dõi ngoại trú bằng việc đo huyết áp khoảng 2 lần 1 ngày.
  • Nghỉ ngơi hợp lý và nên nằm tư thế nghiêng về bên trái.
  • Theo dõi sức khỏe hàng tuần, nếu bệnh trở nặng cần phải nhanh chóng nhập viện và điều trị tích cực.
  • Nếu thai đã đủ tháng, người bệnh cần chấm dứt thai kỳ ở tuyến chuyên khoa.
  • Uống đầy đủ nước (2 – 3l nước/ngày), tăng lượng đạm và ăn thức ăn nhạt.

Điều trị sản khoa - ngoại khoa

Điều trị ngoại khoa tình trạng tiền sản giật khi:

  • Nếu tiền sản giật trở nặng và không đáp ứng được điều trị hoặc xảy ra sản giật, thai phụ cần chấm dứt thai kỳ với mọi tuổi thai. Trước khi chủ động chấm dứt thai kỳ, tình trạng thai phụ phải được ổn định trong vòng 24 - 48 giờ.
  • Hãy sinh với thủ thuật hỗ trợ sinh khó nếu đáp ứng đủ điều kiện hoặc mổ lấy thai khi có chỉ định của sản khoa hoặc nhanh chóng chấm dứt thai kỳ.

Tiền sản giật phải được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Hiện nay, vẫn chưa có các biện pháp giúp phòng tránh tiền sản giật hiệu quả. Phương pháp duy nhất để có thể bảo vệ thai kỳ là thai phụ nên có lịch trình khám thai định kỳ theo bác sĩ chuyên khoa. Thông qua khám thai, thai phụ sẽ thực hiện đo huyết áp, làm xét nghiệm, siêu âm theo dõi thai,... để biết được tình trạng sức khỏe của mẹ và bé.

Xem thêm:

Hội chứng tiền sản giật là gì? Những điều cơ bản mẹ bầu cần biết

Khi nào nên xét nghiệm tiền sản giật?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm