Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Sau chuyển phôi bị táo bón có sao không? Khắc phục tình trạng này như thế nào?

Ngày 18/11/2024
Kích thước chữ

Bên cạnh niềm vui sau khi chuyển phôi thành công, nhiều thai phụ cũng gặp phải những vấn đề sức khỏe như táo bón. Vậy sau chuyển phôi bị táo bón do nguyên nhân nào và cách khắc phục tình trạng này ra sao?

Sau khi trải qua quá trình chuyển phôi, nhiều phụ nữ thường phải đối mặt với một số thay đổi về sức khỏe. Và táo bón là một tình trạng khá thường gặp. Vậy vì sao lại xảy ra tình trạng táo bón sau chuyển phôi? Sau chuyển phôi bị táo bón khắc phục thế nào để không ảnh hưởng đến thai kỳ và sức khỏe mẹ bầu?

Nguyên nhân sau chuyển phôi bị táo bón

Sau khi thực hiện thủ thuật chuyển phôi, nhiều phụ nữ có thể gặp phải tình trạng táo bón ở các mức độ khác nhau. Điều này ít nhiều dẫn đến cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến phục hồi sức khỏe sau khi chuyển phôi của người phụ nữ. Có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này như:

Thay đổi từ bên trong cơ thể người phụ nữ

Sau khi chuyển phôi, hầu hết phụ nữ đều trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng, căng thẳng thường trực. Họ chờ đến khi đủ thời gian lý tưởng để thử que, háo hức mong chờ kết quả chuyển phôi thành công. Khi lo lắng, hệ thần kinh tự chủ bị kích thích, dẫn đến việc máu tập trung vào các cơ quan quan trọng như tim, não, bỏ qua hệ tiêu hóa. Cơ thể sẽ tiết ra nhiều hormone cortisol. Điều này làm giảm nhu động ruột, khiến thức ăn di chuyển chậm hơn qua đường tiêu hóa, gây táo bón.

Nếu quá trình chuyển phôi thành công, phôi sẽ làm tổ trong tử cung của người mẹ, khiến nồng độ hormone progesterone tăng cao. Hormone này cũng góp phần làm giảm nhu động ruột, khiến quá trình tiêu hóa chậm lại.

Sau chuyển phôi bị táo bón có sao không? Cách khắc phục tình trạng này 1
Sau chuyển phôi bị táo bón là một tình trạng khá phổ biến

Các nguyên nhân khác

Tác dụng phụ của uống thuốc, đặt thuốc sau chuyển phôi cũng là một trong số những nguyên nhân gây táo bón. Sau khi thực hiện thủ thuật chuyển phôi, người phụ nữ được chỉ định dùng một số loại thuốc để hỗ trợ phôi làm tổ và duy trì thai kỳ. Thuốc Progesterone thường được sử dụng để làm dày niêm mạc tử cung, tạo điều kiện thuận lợi cho phôi làm tổ. Một số trường hợp có thể cần bổ sung estrogen để cân bằng nội tiết tố. Bác sĩ có thể kê thêm các loại thuốc khác như thuốc chống đông máu, thuốc giảm đau. Các loại thuốc này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn trong đường ruột và gây ra táo bón.

Ngoài ra, thay đổi chế độ ăn uống sau chuyển phôi là một trong những nguyên nhân chính gây táo bón. Nếu bạn ăn ít chất xơ, ăn nhiều đạm, nhiều thực phẩm chế biến sẵn, uống ít nước thì nguy cơ bị táo bón là không tránh khỏi. Chế độ ăn thiếu cân bằng này làm giảm nhu động ruột, gây khó khăn trong việc đào thải chất thải và dẫn đến táo bón sau chuyển phôi.

Ngoài ra, tình trạng táo bón xảy ra cũng do phụ nữ sau chuyển phôi thường ít vận động. Sau chuyển phôi, bạn sẽ được khuyến cáo nghỉ ngơi nhiều để tạo điều kiện thuận lợi cho phôi làm tổ. Tuy nhiên, việc nằm nghỉ quá nhiều, ít vận động nhẹ nhàng lại làm giảm nhu động ruột và gây táo bón.

Tác hại của việc bị táo bón sau chuyển phôi

Táo bón vừa cảm giác khó chịu lại vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe của những phụ nữ vừa thực hiện kỹ thuật chuyển phôi. Trước hết, táo bón làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hồi phục sức khỏe sau chuyển phôi. Cảm giác đầy bụng, khó chịu, đau bụng do táo bón gây ra khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn.

Sau chuyển phôi bị táo bón có sao không? Cách khắc phục tình trạng này 2
Táo bón sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ ở nhiều mức độ khác nhau

Việc rặn mạnh khi đi đại tiện có thể làm tăng áp lực lên tử cung, gây ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi và tăng nguy cơ sảy thai. Táo bón kéo dài có thể dẫn đến bệnh trĩ. Việc rặn mạnh và phân cứng gây tổn thương các tĩnh mạch ở hậu môn, hình thành búi trĩ. Khi bị trĩ, người bệnh sẽ bị đau rát và chảy máu khi đi đại tiện. Trong một số trường hợp hiếm, trĩ có thể gây ra các biến chứng như tắc mạch, nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời.

Đối với những phụ nữ đã mang thai, việc rặn mạnh khi đi đại tiện có thể gây ra tình trạng nhau bong non, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Ngoài ra, các chất độc tích tụ trong cơ thể do táo bón cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu.

Khắc phục tình trạng sau chuyển phôi bị táo bón

Sau chuyển phôi bị táo bón nhìn chung không tốt cho phụ nữ. Vì vậy, nếu gặp trường hợp này bạn nên áp dụng ngay một số cách khắc phục dưới đây:

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Trước hết, điều chỉnh chế độ ăn uống là việc vô cùng quan trọng. Phụ nữ sau chuyển phôi nên tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này có tác dụng kích thích nhu động ruột và làm mềm phân, hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi.

Bên cạnh đó, uống đủ nước mỗi ngày cũng giúp làm mềm phân để cơ thể đào thải chất thải một cách dễ dàng. Sữa chua, sữa chua uống giúp bổ sung lợi khuẩn đường ruột, tốt cho tiêu hóa cũng là thực phẩm phù hợp với những người bị táo bón. Ngoài ra, khi bị táo bón, bạn nên hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng vì chúng có thể làm tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.

Sau chuyển phôi bị táo bón có sao không? Cách khắc phục tình trạng này 3
Sau chuyển phôi, việc phòng ngừa và điều trị táo bón rất quan trọng

Vận động nhẹ nhàng để tăng nhu động ruột

Tăng cường vận động cũng là một biện pháp hiệu quả giúp cải thiện chứng táo bón. Dù được khuyên hạn chế vận động nhưng sau chuyển phôi bạn vẫn có thể đi bộ, tập yoga nhẹ nhàng. Các bài tập nhẹ nhàng không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, tăng đề kháng mà còn kích thích nhu động ruột, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra thuận lợi.

Không tự ý dùng thuốc nhuận tràng

Thuốc nhuận tràng chỉ được sử dụng khi cần thiết và cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Phụ nữ sau chuyển phôi không được tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nhuận tràng nào.

Sau chuyển phôi bị táo bón khi nào cần đến bác sĩ?

Sau chuyển phôi bị táo bón kéo dài, không cải thiện khi đã áp dụng những biện pháp trên, bạn nên đến gặp bác sĩ. Táo bón kéo dài có thể là dấu hiệu của bệnh lý về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, bệnh trĩ, bệnh đại tràng,... Nếu phát hiện sớm các bệnh này, việc điều trị sẽ đơn giản hơn và cũng giúp giảm ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe.

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng kèm theo như đau bụng dữ dội, chảy máu hậu môn, hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác như sốt, sụt cân, thay đổi màu sắc phân, bạn cần đến bệnh viện ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của nứt kẽ hậu môn, viêm đại tràng hoặc thậm chí là ung thư đại trực tràng.

Sau chuyển phôi bị táo bón có sao không? Cách khắc phục tình trạng này 4
Sau chuyển phôi bị táo bón nên đi khám khi cần thiết

Cuối cùng, nếu bạn có bất kỳ lo lắng hoặc thắc mắc nào về tình trạng sức khỏe của mình, đừng ngần ngại chia sẻ với bác sĩ. Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây táo bón và phương án điều trị phù hợp. Việc bạn cảm thấy yên tâm hơn, tâm trạng tốt hơn cũng rất quan trọng sau quá trình chuyển phôi.

Sau chuyển phôi bị táo bón là một vấn đề khá phổ biến. Để cải thiện tình trạng này, chị em cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường vận động, uống đủ nước,… Nếu táo bón kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường như kể trên, bạn nên đi khám sớm. Việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn tránh được những biến chứng nguy hiểm và đảm bảo sức khỏe tốt nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin