Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sơ cứu sốc phản vệ đúng cách và hiệu quả

Ngày 18/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốc phản vệ là một thuật ngữ y khoa chỉ một phản ứng dị ứng đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng. Sơ cứu sốc phản vệ cần được thực hiện nhanh chóng và đúng cách, bởi sốc phản vệ có thể xảy đến rất nhanh, chỉ cần vài giây hoặc vài phút sau khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên. Nếu không được cấp cứu đúng cách bằng Adrenalin, người bệnh có thể tử vong.

Sơ cứu sốc phản vệ là một kĩ năng hết sức quan trọng. Người bệnh bị sốc phản vệ cần được tiêm Adrenalin ngay lập tức và nhanh chóng được vận chuyển đến phòng khám cấp cứu. Thái độ xử trí khẩn trương là yếu tố tiên quyết cứu sống người bệnh bị sốc phản vệ.

Sốc phản vệ là gì?

Sơ cứu sốc phản vệ đúng cách và hiệu quả 1 Những tác nhân gây sốc phản vệ tồn tại xung quanh cuộc sống, thường có trong thực phẩm

Sốc phản vệ là kết quả phản ứng của hệ thống miễn dịch, hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể, khi nó phản ứng quá mức với một tác nhân kích hoạt. Tác nhân gây bệnh thường là thứ mà người bệnh dị ứng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng vậy. Các tác nhân sốc phản vệ thường gặp bao gồm:

  • Thực phẩm - bao gồm các loại hạt, sữa, cá, động vật có vỏ, trứng và một số loại trái cây.
  • Thuốc - bao gồm một số thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aspirin, hay một số loại thuốc kháng sinh. Thuốc gây tê, thuốc gây mê cũng có thể là một tác nhân gây dị ứng.
  • Côn trùng đốt, ví dự như ong.
  • Chất cản quang - loại thuốc được sử dụng trong một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, để giúp một số vùng nhất định trên cơ thể bạn hiển thị tốt hơn khi quét.
  • Latex - một loại cao su được tìm thấy trong một số găng tay cao su và bao cao su.
  • Một số trường hợp không tìm thấy tác nhân gây bệnh rõ ràng. Đây được gọi là sốc phản vệ vô căn.

Dấu hiệu nhận biết sốc phản vệ

Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng (kết hợp kháng nguyên với kháng thể IgE), cấp tính, nguy kịch nhất và dễ gây tử vong, là hậu quả giải phóng ồ ạt các chất trung gian hoá học gây tác động tới nhiều cơ quan đích. Sốc phản vệ thường là một phản ứng quá mẫn qua trung gian IgE (loại 1) liên quan đến việc giải phóng nhiều chất trung gian hóa học từ sự phân hủy tế bào mast sau khi tiếp xúc lần thứ hai với một kháng nguyên cụ thể. Các chất trung gian hóa học được giải phóng mạnh mẽ bao gồm histamin, tryptase, carboxypeptidase A và proteoglycan.

Thông qua sự hoạt hóa của các enzyme phospholipase A, cyclooxygenase và lipoxygenase, chúng tạo thành các chất chuyển hóa axit arachidonic bao gồm leukotrienes, prostaglandin và các yếu tố hoạt hóa tiểu cầu. Histamin làm tăng tính thấm thành mạch và giãn mạch dẫn đến giảm tưới máu các mô. Cơ thể phản ứng với những thay đổi này bằng cách tăng nhịp tim và sức co bóp của tim. Prostaglandin D có vai trò như một chất gây co thắt phế quản, đồng thời co thắt mạch máu phổi và tim. Nó cũng làm tăng giãn mạch ngoại vi do đó góp phần làm giảm tưới máu cho các cơ quan quan trọng.

Sơ cứu sốc phản vệ đúng cách và hiệu quả 2 Sốc phản vệ là tình trạng cần xử lý cấp cứu nhanh chóng

Leukotrienes thêm vào sự co thắt phế quản, tính thấm thành mạch và tạo ra sự tân tạo lại đường thở. Yếu tố hoạt hóa tiểu cầu cũng có tác dụng làm co phế quản và tăng tính thấm thành mạch. TNF-alpha kích hoạt bạch cầu hạt trung tính và tăng tổng hợp chemokine. Hậu quả tất yếu của các quá trình này là sẽ gây giãn mạch, làm mất thể tích tuần hoàn trong lòng mạch vào khoảng kẽ, mà biểu hiện rõ nhất trên lâm sàng là người bệnh tụt huyết áp đột ngột.

Cần phải nghĩ đến phản vệ khi xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng sau:

  • Mày đay trên da, phù.
  • Mạch nhanh.
  • Khó thở, tức ngực, thở rít.
  • Đau bụng hoặc nôn.
  • Tụt huyết áp hoặc ngất.
  • Rối loạn ý thức.

Phân độ sốc phản vệ

4 mức độ của phản vệ được phân chia như sau:

  • Nhẹ (độ I): Mày đay, ngứa, phù mạch (các triệu chứng chỉ biểu hiện ở da, tổ chức dưới da, niêm mạc).
  • Nặng (độ II): Có từ 2 dấu hiệu trở lên trong các dấu hiệu sau:
    • Xuất hiện mày đay, phù mạch một cách nhanh chóng.
    • Chảy nước mũi, khàn tiếng, tức ngực, khó thở nhanh nông.
    • Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn.
    • Huyết áp có thể tăng hoặc bình thường, nhịp tim thường nhanh.
Sơ cứu sốc phản vệ đúng cách và hiệu quả 3 Sốc phản vệ có thể gây co thắt đường thở dẫn đến tử vong nhanh chóng
  • Nguy kịch (độ III): Mức độ biểu hiện nặng hơn ở các cơ quan:
    • Đường thở: Phù thanh quản, tiếng rít thanh quản.
    • Rối loạn nhịp thở, khó thở, thở nhanh, tím tái, khò khè.
    • Rối loạn ý thức: Kích thích nhiều, co giật, hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ.
    • Tuần hoàn: Mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt (sốc).
  • Ngừng tuần hoàn (độ IV): Người bệnh ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp.

Sơ cứu sốc phản vệ đúng cách, nhanh chóng

Sơ cứu sốc phản vệ cần được tiến hành nhanh chóng vì sốc phản vệ là một trường hợp cấp cứu y tế. Nó có thể rất nghiêm trọng và đe dọa tính mạng người bệnh. Thuốc Adrenalin luôn luôn là lựa chọn đầu tay. Nếu ai đó có các dấu hiệu thở khò khè, ho dai dẳng hoặc khàn giọng sau khi ăn, tiếp xúc với một chất nào đó, ngay cả khi không có triệu chứng ngoài da, bạn cũng cần nghĩ đến một trường hợp sốc phản vệ. Khi đó, hãy thật bình tĩnh và thực hiện sơ cứu sốc phản vệ theo các hướng dẫn sau đây:

Bước 1: Tiếp cận người bệnh

  • Nếu người bệnh bất tỉnh, đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn.
  • Với trẻ nhỏ, đặt trẻ nằm thẳng trên giường, không bế trẻ lên.
  • Nhanh chóng kiểm tra mạch (vị trí mạch cảnh, mạch bẹn) và xem bệnh nhân còn thở hay không, nếu không thấy mạch đập hoặc bệnh nhân ngừng thở, lập tức tiến hành các biện pháp hồi sinh tim phổi cơ bản (ép tim - thổi ngạt).
Sơ cứu sốc phản vệ đúng cách và hiệu quả 4 Tiếp cận và sơ cứu sốc phản vệ bằng thuốc Adrenalin

Bước 2: Nếu có sẵn thuốc Adrenalin, tiêm khẩn cấp Adrenalin

  • Adrenalin phải được tiêm bắp ngay sau khi chẩn đoán sốc phản vệ từ độ II trở lên. Đây là loại thuốc quan trọng hàng đầu cứu sống người bệnh sốc phản vệ.
  • Liều tiêm Adrenalin: Thuốc Adrenalin có nồng độ 1mg/ml trong 1 ống, tiêm bắp (cánh tay hoặc đùi):
    • 0,2ml (tương đương 1/5 ống): Trẻ sơ sinh hoặc < 10kg.
    • 0,25ml (1/4 ống): Trẻ khoảng 10 kg.
    • 0,3ml (1/3 ống): Trẻ khoảng 20 kg.
    • 0,5ml (1/2 ống): Trẻ > 30 kg.
    • 0,5 - 1ml (1/2-1 ống): Người lớn.

Bước 3: Khẩn trương gọi cấp cứu y tế

Gọi 115 để đưa bệnh nhân đến cơ quan y tế gần nhất để được theo dõi chuyên sâu.

Bước 4: Tiếp tục theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh trong khi chờ xe cấp cứu

  • Theo dõi huyết áp mỗi 3 - 5 phút/lần.
  • Tiêm nhắc lại Adrenalin liều như trên mỗi 3 - 5 phút/lần cho đến khi mạch và huyết áp ổn định.

Thông qua bài viết này, Nhà thuốc Long Châu hi vọng bạn đã phần nào nắm được nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và đặc biệt là phương pháp sơ cứu sốc phản vệ. Hãy chia sẻ bài viết này để lan tỏa mạnh mẽ thông tin về kĩ năng sơ cứu sốc phản vệ cho mọi người xung quanh, bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm