Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sơ cứu bong gân tay đúng cách

Ngày 06/06/2022
Kích thước chữ

Bong gân là chấn thương xảy ra khi các dây chằng bị giãn quá mức hoặc thậm chí bị rách. Bong gân tay là tình trạng khá phổ biến. Khi bị bong gân tay, bệnh nhân cần xử trí đúng cách để có thể nhanh chóng bình phục cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Khi người bệnh bị bong gân tay thường gặp phải cảm giác đau nhói ở vùng khớp tay bị tổn thương, đặc biệt càng tăng lên khi cử động, di chuyển tại vùng bị tổn thương. Sau đó, các khớp tay sẽ cứng lại và người bệnh không còn cảm thấy đau nữa. Bên cạnh đó, khoảng 1 giờ sau tại vùng khớp bị tổn thương sẽ đau nhức trở lại, sưng tấy và bầm tím do có sự chảy máu ở bên trong hoặc do rối loạn vận mạch gây ra.

Đối với bong gân tay thường xuất hiện như bong gân cổ tay, ngón tay, bàn tay… xảy ra khi có sự tác động mạnh hoặc do người bệnh té ngã có dùng tay chống đỡ. Hầu hết các trường hợp bị bong gân tay đều cần phải chụp X-quang, siêu âm để phân biệt rõ hơn với tình trạng gãy xương.

Các dấu hiệu khi bị bong gân tay

Bong gân tay thường được chia thành 3 cấp độ:

Cấp độ 1 (trường hợp nhẹ): Dây chằng hay gân chỉ bị giãn một ít.

Cấp độ 2 (trường hợp nặng): Dây chằng có thể bị giãn quá mức hoặc rách một phần.

Cấp độ 3 (trường hợp rất nặng): Dây chằng có khả năng bị đứt hoàn toàn, cần phải thực hiện phẫu thuật.

Sơ cứu bong gân tay đúng cách1 Bong gân tay gây cảm giác đau nhói ở vùng khớp tay bị tổn thương

Sơ cứu bong gân tay

Bong gân tay làm cho bệnh nhân khó khăn trong việc vận động cũng như sinh hoạt hằng ngày. Việc sơ cứu đúng cách không chỉ giúp cho bệnh nhân giảm đau hiệu quả, hạn chế biến chứng mà còn giúp cho tình trạng bong gân tay nhanh chóng hồi phục để người bệnh nhanh chóng quay lại với công việc thường ngày. Dù là trường hợp nặng hay nhẹ, việc sơ cứu đúng cách luôn là vấn đề quan trọng khi bị chấn thương. Dưới đây là cách sơ cứu bong gân tay ở dạng nhẹ bệnh nhân có thể tham khảo:

  • Khi bị bong gân, người bệnh nên dừng lại những việc đang làm, không được cố gắng làm nốt hoặc làm cho xong những việc dang dở.
  • Chườm lạnh là vấn đề mà người bị bong gân tay cần nhanh chóng thực hiện. Bước sơ cứu này có khả làm dịu cơn đau ngay lập tức đồng thời giúp giảm sưng hiệu quả. Bệnh nhân có thể thực hiện chườm lạnh 20 phút mỗi lần và nên thực hiện 6 đến 8 lần mỗi ngày  Lưu ý không nên để túi chườm tại 1 vị trí mà nên di chuyển qua lại để tránh gây ra những tổn thương phần mềm tại đó.
  • Tiếp theo, người bệnh có thể tìm băng vải hoặc băng thun dùng để băng ép vùng khớp tay bị bong gân nhằm cố định khớp đồng thời nâng đỡ vùng khớp bị tổn thương.
  • Nên kê hoặc nâng cao vùng khớp tay bị bong gân để hạn chế sưng và bầm tím. Đồng thời hạn chế tì đè lên vùng bị bong gân.

Trong một số trường hợp, người bị bong gân tay là do chơi thể thao, lúc này có thể chuẩn bị ethyl clorua, xịt nhanh chóng vào chỗ bị bong gân tay để làm lạnh tại chỗ, giúp giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, trong trường hợp đau dữ dội hoặc có dấu hiệu viêm, bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có thể dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm. Lưu ý không dùng aspirin trong trường hợp này vì gây chảy máu và thậm chí chống ngưng kết tiểu cầu.

Trên đây là cách sơ cứu bong gân tay nhẹ, dây chằng chỉ bị giãn và không bị đứt hoàn toàn. Sau khi hết đau, người bệnh nên vận động khớp tay một cách nhẹ nhàng để máu được lưu thông. Đối với những trường hợp bị bong gân nặng, rất nặng, người bệnh cần sự trợ giúp từ y tế để được hỗ trợ hoặc băng bột và bất động khớp trong khoảng 4 đến 6 tuần.

Sơ cứu bong gân tay đúng cách2 Sơ cứu bong gân tay đúng cách

Những lưu ý khi bị bong gân tay

Bong gân tay à tổn thương thường gặp do đó hầu hết bệnh nhân thường khá chủ quan và không biết cách xử trí đúng cách. Dưới đây là những lưu ý trong xử trí khi bị bong gân tay mà bạn đọc có thể tham khảo:

  • Không được dùng rượu, cao để xoa bóp hay chườm nóng lên vùng tay bị tổn thương, bởi có thể gây chảy máu bên trong nhiều hơn.
  • Không được tiêm bất cứ thuốc gì chưa có sự chỉ định của bác sĩ vào chỗ bị bong gân nhằm tránh làm giãn mạch, sưng, bầm tím nhiều hơn.
  • Không nên băng ép tại vị trí bị bong gân quá chặt vì có thể gây đau nhức và bầm tím.

Bong gân tay khi nào nên gặp bác sĩ?

Trong nhiều trường hợp, bong gân tay cũng có thể gây ra chấn thương nghiêm trọng bao gồm cả gãy xương. Do đó, khi đã hoàn thành cách bước sơ cứu bong gân tay, sau 2 đến 3 ngày nhưng tình trạng vẫn không cải thiện hoặc có dấu hiệu diễn biến nặng sau, bệnh nhân nên nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị đúng cách:

  • Tay không thể chịu lực.
  • Các khớp có cảm giác lỏng lẻo và không ổn định, tê liệt hoặc thậm chí mất khả năng vận động có thể do dây chằng bị đứt, khớp bị di lệch.
  • Tại vùng bị chấn thương nổi mẩn đỏ, các vệt đỏ lan ra gợi ý cho nguy cơ nhiễm trùng.
  • Cường độ đau tăng dần tại vùng khớp hoặc xương bị chấn thương.
  • Bệnh nhân bị tái chấn thương tại khu vực đã bị thương lần trước đó.

Cách chăm sóc khi bị bong gân tay

Vận động nhẹ nhàng

Bong gân tay có thể mất vài ngày hoặc thậm chí đến vài tháng để hồi phục. Khi cơn đau cũng như tình trạng sưng tấy được cải thiện, bệnh nhân nên vận động khớp tay nhẹ nhàng, hạn chế cố định quá lâu có thể gây ảnh hưởng đến khả năng vận động sau này.

Dùng thuốc giảm đau

Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân cũng có thể kết hợp với một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen và Acetaminophen – Tylenol

Tập vật lý trị liệu

Một trong những lưu ý rất quan trọng giúp bệnh nhân nhanh hồi phục và đảm bảo sự ổn định cho khớp tay bị bong gân là thực hiện các bài tập vật lý trị liệu phù hợp. Bệnh nhân nên trao đổi với các chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn những bài tập giúp tăng cường sức mạnh, tối ưu hóa việc chữa lành cũng như giảm thiểu nguy cơ tái chấn thương.

Sơ cứu bong gân tay đúng cách3 Bệnh nhân nên trao đổi với các chuyên gia vật lý trị liệu

Tăng cường dụng cụ hỗ trợ

Người bị bong gân tay dù nhẹ hay nặng đều sẽ cảm thấy đau khi di chuyển. Do đó, tùy thuộc vào mức độ của chấn thương, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm băng thun hoặc nẹp hỗ trợ. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần được bó bột tay.

Cân bằng chế độ dinh dưỡng

Để hỗ trợ cơ xương khớp nhanh chóng hồi phục sau chấn thương, bệnh nhân nên chú ý cân bằng chế độ dinh dưỡng cũng như bổ sung axit béo Omega-3, canxi, các vitamin A, C, D… nhằm tái tạo mật độ xương, tăng cường sự trao đổi chất, hỗ trợ bảo vệ các khớp tay, chống lão hóa cũng như tăng cường hệ miễn dịch… Lưu ý, nên hạn chế tiêu thụ thức ăn chứa nhiều muối nhằm hạn chế đào thảo sodium và canxi gây loãng xương.

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Sơ cứuBong gân