Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sơ cứu khi uống nhầm cồn

Ngày 13/05/2022
Kích thước chữ

Uống nhầm cồn là một tình trạng khá thường gặp và gây ra nhiều nguy hiểm cho cơ thể nếu không biết cách sơ cứu kịp thời. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ mang đến cho bạn đọc cách sơ cứu khi uống nhầm cồn và những thông tin liên quan.

Ngày nay, cồn 70 độ hay cồn y tế là một dung dịch rất phổ biến được dùng với mục đích sát khuẩn ngoài da. Tuy nhiên, do vẻ bề ngoài dễ nhầm lẫn nên đã có rất nhiều trường hợp uống phải cồn dẫn tới những hậu quả rất nghiêm trọng.

Trong bài viết này, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu những thông tin về cồn 70 độ và cách sơ cứu khi uống nhầm cồn.

Những điều cần biết về cồn 

Cồn y tế là gì?

Cồn y tế hay còn có tên khác là cồn ethanol hay cồn ancol etylic là một hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H6O. Nồng độ cồn là số đo phần trăm chỉ hàm lượng ethanol có trong một đơn vị thể tích của sản phẩm. Cồn có nhiều nồng độ khác nhau trong khoảng từ 60% tới 90% nhưng cồn 70% thường thông dụng nhất do có khả năng sát khuẩn rất tốt.

Công dụng của cồn 70 độ

Cồn 70% hay cồn 70 độ được dùng để bôi lên bề mặt vết thương do có khả năng sát khuẩn.

Đối với vết thương chảy máu hay vết thương hở như vết rách, vết xây xát nhẹ trên da, vết thương đâm xuyên, việc sử dụng cồn 70 độ để vệ sinh vẫn có tác dụng loại trừ vi khuẩn. Tuy nhiên, dung dịch này cũng sẽ tiêu diệt luôn các tế bào miễn dịch như bạch cầu và tiểu cầu, thậm chí là cả các mô mới lành, khiến cho vết thương lâu khỏi hơn.

Người ta thường không sử dụng cồn 90 độ để sát khuẩn bởi dù có nồng độ cao hơn nhưng lại bay hơi rất nhanh và rất dễ gây kích ứng da.

Cơ chế hoạt động của cồn y tế

Cồn sát khuẩn bằng cách gây biến tính protein của các loại vi sinh vật và nấm. Người trưởng thành nếu cần thiết có thể sát khuẩn tay nhanh bằng cách sử dụng cồn 70 độ.

Sơ cứu khi uống nhầm cồn 1 Cồn 70 độ có tác dụng sát khuẩn nên rất phổ biến

Nên sát khuẩn tay bằng cồn y tế trong bao lâu?

Khi sử dụng các loại dung dịch sát khuẩn có chứa cồn hoặc dùng trực tiếp cồn 70 độ để rửa tay nhanh, tốt nhất bạn nên thực hiện thao tác trong 30 giây. Tiến hành chà xát và đảm bảo sao cho tất cả các vị trí trên tay đều được tiếp xúc với dung dịch sát khuẩn. Sau đó, hãy để tay được khô tự nhiên.

Lưu ý rằng phải sau 3 tới 4 phút sử dụng cồn y tế sát khuẩn thì virus mới bị bất hoạt. Vì vậy, sau khi rửa tay cần chờ 3 đến 4 phút trước khi thực hiện bất kỳ sự tiếp xúc nào bởi virus vẫn có thể lây sang người khác trong khoảng thời gian này.

Tuy nhiên, lượng dung dịch sát khuẩn và thời gian tiếp xúc cũng đóng vai trò quyết định rất lớn tới khả năng diệt vi khuẩn. Cùng một thành phần chính là cồn ethanol nhưng các sản phẩm khác nhau sẽ có cách dùng khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần chú ý đọc hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Uống nhầm cồn có sao không?

Trong thực tế, nếu không cẩn thận quan sát kĩ, mọi người có thể uống nhầm cồn y tế bởi nó khá giống với nhiều thực phẩm khác, ví dụ như rượu trắng. Cồn y tế để không đúng nơi cũng có thể khiến trẻ em tò mò làm đổ vào các vùng niêm mạc mắt, mũi và miệng. Mức độ nguy hiểm đối với sức khỏe khi uống nhầm cồn 70 độ phụ thuộc vào lượng cồn uống vào và chất lượng cồn.

Nếu chỉ uống phải một liều lượng cồn rất nhỏ, bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì lượng đó không đủ để gây nên ngộ độc. Mặc dù vậy, vẫn nên cần theo dõi thêm phòng những biến chứng khác.

Như đã biết, cồn 70 độ là hóa chất có tính sát khuẩn và ăn mòn khá cao. Do đó, người uống nhầm dung dịch cồn có thể có các triệu chứng sau:

  • Niêm mạc miệng nơi tiếp xúc với cồn xuất hiện nề đỏ, loét, bọng nước…
  • Nóng rát miệng và cổ họng, nặng hơn có thể dẫn tới bỏng.
  • Choáng váng, rối loạn ý thức, ói mửa.
  • Đau bụng, tiêu chảy, loét đường tiêu hóa.
  • Ngộ độc gan và thận.
Sơ cứu khi uống nhầm cồn 2 Chóng mặt, đau bụng, buồn nôn do uống nhầm cồn

Thực tế trong cuộc sống có rất nhiều nơi sản xuất cồn không đạt chất lượng, có pha thêm methanol (CH4O) rất độc. Hóa chất này khi đưa vào cơ thể, nó sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde, chất này tiếp tục bị oxy hóa trở thành acid formic (thành phần trong nọc độc kiến). Acid formic tích tục nhiều trong huyết thanh có thể dẫn tới ngộ độc cho người bệnh với những triệu chứng:

  • Tình trạng hôn mê.
  • Nhiễm toan chuyển hóa.
  • Ngộ độc thần kinh.
  • Tử vong trong trường hợp nặng.

Ngoài ra, cồn công nghiệp methanol vừa không có khả năng sát trùng cao mà khi dùng nhiều lần trên bề mặt da sẽ dẫn tới tình trạng ngấm cồn qua da, từ đó gây ngộ độc. Nhưng do nhiều đặc điểm dễ nhầm lẫn cũng như thường được bán tại nhiều quầy thuốc không uy tín khiến loại cồn này dễ dàng được mua và sử dụng.

Cách sơ cứu khi uống nhầm cồn

Khi phát hiện trường hợp uống nhầm cồn, ta cần sơ cứu như sau:

  • Bước 1: Trấn an người bệnh. Uống nhầm cồn y tế với lượng nhỏ có thể không gây ra biến chứng gì nguy hiểm.
  • Bước 2: Cho người bệnh uống thật nhiều nước nhằm pha loãng nồng độ cồn, giảm khả năng gây hại của cồn.
  • Bước 3: Theo dõi tình trạng của người bệnh. Nếu có bất cứ biểu hiện bất thường hay những dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc cồn, đặc biệt là cồn công nghiệp (rượu methanol), cần lập tức gọi cấp cứu để có phương án điều trị kịp thời.
Sơ cứu khi uống nhầm cồn 3 Điều cần nhanh chóng thực hiện trong sơ cứu khi uống nhầm cồn là uống nhiều nước

Lưu ý: Tuyệt đối không cố gắng gây nôn cho người bệnh. Việc gây nôn không những không giúp loại bỏ chất độc mà có thể còn khiến tình hình người uống nhầm cồn trở nên nguy kịch hơn.

Phòng ngừa uống nhầm cồn

Ngày nay, do sự phổ biến của dung dịch cồn y tế, chúng ta có thể mua chúng ở bất cứ đâu. Điều này khiến các vụ tai nạn uống nhầm cồn 70 độ ngày càng có xu hướng tăng. Vì vậy, để phòng ngừa những trường hợp trên, cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Để dung dịch cồn ở những nơi an toàn tránh xa tầm tay trẻ em, không để chung với các loại dung dịch khác.
  • Sau khi sử dụng cồn y tế, cần đóng chặt nắp. Điều này vừa giúp cồn không bay hơi đồng thời cũng giúp trẻ em gặp khó khăn khi cố gắng uống chúng.
  • Không bóc nhãn mác, bao bì của sản phẩm. Đọc kĩ vỏ bao bì, đóng gói của sản phẩm trước khi mua và sử dụng.
  • Nên mua cồn 70 độ có đúng nhãn mác, mua tại những cơ sở phân phối chất lượng như các cơ sở y tế, bệnh viện, nhà thuốc có giấy phép kinh doanh uy tín.
  • Cồn 70 độ chỉ được sử dụng để sát trùng ngoài da, tránh cho cồn tiếp xúc trực tiếp với những bộ phận khác.
  • Tuyệt đối không pha cồn y tế với nước hay bất kì dung dịch nào khác nhằm mục đích uống.

Cồn 70 độ là một loại dung dịch sát khuẩn rất phổ biến trong cuộc sống. Với những kiến thức về cách sơ cứu khi uống nhầm cồn mà Nhà thuốc Long Châu đã cung cấp trong bài viết trên, hy vọng các bạn sẽ biết cách xử lý khi gặp phải vấn đề trên. Đừng quên tiếp tục ủng hộ và theo dõi trang web của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin sức khỏe khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm