Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sơ cứu ngừng tuần hoàn và những điều cần biết

Ngày 04/05/2022
Kích thước chữ

Ngừng tuần hoàn là trạng thái tim ngừng đập, máu sẽ không tới được các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là não, tim, phổi, thận… Nếu tế bào não không được cung cấp máu qua 4 phút sẽ bị tổn thương vĩnh viễn. Sơ cứu ngừng tuần hoàn đúng và kịp thời sẽ chính là phân định danh giới giữa sự sống và cái chết cho nạn nhân.

Để sơ cứu ngừng tuần hoàn đúng điều đầu tiên cần nhận diện chính xác và nhanh chóng dấu hiệu ngừng tuần hoàn. Trước hết hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về hoạt động hệ tuần hoàn của cơ thể trước nhé!

Tổng quan về hệ tuần hoàn

Hệ thống tuần hoàn bao gồm tim và các mạch máu, chức năng của chúng là đảm bảo cho máu lưu thông liên tục. Nếu ngừng tuần hoàn thì tính mạng sẽ bị đe dọa. Hệ tuần hoàn gồm hai vòng gọi là vòng tuần hoàn lớn và vòng tuần hoàn nhỏ:

  • Vòng tuần hoàn lớn (vòng đại tuần hoàn): Chức năng mang máu giàu oxy cùng các chất dinh dưỡng từ tim trái theo động mạch tới hệ mao mạch tại mô. Tại mao mạch, các tế bào mô được cung cấp oxi và chất dinh dưỡng sau đó máu tập trung về tĩnh mạch để trở về tim phải.
  • Vòng tuần hoàn nhỏ (vòng tiểu tuần hoàn): Có chức năng mang máu ít oxi từ tim phải theo động mạch phổi tới phổi để nhận oxy và thải khí cacbonic. Máu giàu oxi sau đó theo tĩnh mạch phổi trở về tim trái. 

Tim được ví như là “cái bơm” trong hệ tuần hoàn bởi chúng đóng vai trò là động lực chính, hút máu từ tĩnh mạch về đồng thời bơm máu vào động mạch.

Sơ cứu ngừng tuần hoàn và những điều cần biết 1 Tim vai trò như cái bơm phân phát máu cho toàn bộ cơ thể

Nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn

Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào và bất kỳ lúc nào (trên đường phố, trong bệnh viện, trên bàn mổ…). Nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn rất khác nhau, thậm chí nhiều trường hợp không xác định được. Chúng ta có thể liệt kê một số nguyên nhân điển hình dẫn tới ngừng tuần hoàn như:

  • Bệnh tim do thiếu máu cục bộ, suy hô hấp.
  • Tai biến mạch máu não.
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Mất máu quá nhiều.
  • Tai nạn: Ngạt nước, dị vật tại đường hô hấp, điện giật, say nắng…
  • Hít phải khí độc gây hại cho cơ thể.
  • Các loại ngộ độc.
  • Viêm phù nề thanh quản.

Dấu hiệu ngừng tuần hoàn

Một số dấu hiệu để phát hiện trường hợp bệnh nhân ngừng tuần hoàn có thể đánh gia ngay lập tức như:

  • Mất ý thức đột ngột ở người đang ở trạng thái tỉnh táo.
  • Nạn nhân đột ngột ngừng thở.
  • Mất mạch cảnh hoặc mạch bẹn.
  • Da nhợt nhạt do mất máu cấp.

Sơ cứu ngừng tuần hoàn nhanh, chính xác

Chúng ta cần thực hiện sơ cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu đáng ngờ. Các bước tiến hành sơ cứu ngừng tuần hoàn bao gồm:

  • Bước 1: Đánh giá tình trạng ý thức của người bệnh bằng cách gọi lớn, lắc người. Nếu không thấy phản hồi thì cần thực hiện kiểm tra khả năng thở và mạch đập của nạn nhân. Khi có dấu hiệu bất thường (bệnh nhân ngừng thở, mạch không đập), ngay lập tức gọi người hỗ trợ sơ cứu ngừng tuần hoàn.
  • Bước 2: Gọi cấp cứu 115 ngay lập tức.
  • Bước 3: Thực hiện kỹ thuật hồi sức tim phổi.

Quy trình hồi sức tim phổi ngày trước có trình tự là ABC nhưng hiện nay đã được thay thế bằng quy tắc CAB lần lượt như sau: 

C (Circulation): Kiểm soát và hỗ trợ tuần hoàn bằng kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực:

  • Vị trí ép tim tại ½ dưới xương ức. Đối với người trưởng thành ta đặt tay thuận trước rồi đặt tay còn lại xen kẽ các ngón lên trên. Đối với trẻ em từ 1-8 tuổi thì chỉ nên dùng một tay thuận. Còn trong trường hợp là trẻ sơ sinh chỉ được dùng 2 ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay thuận.
  • Dùng lực phần thân trên để thực hiện ép tim. Độ lún khi ép phải đạt ⅓ tới ½ ngực (4 đến 5cm với người trường thành) đủ để sờ thấy mạch khi thực hiện kỹ thuật. Tần số ép tim là 100 tới 120 lần trong một phút. Phương châm động tác này là: Ép nhanh, ép mạnh, không gián đoạn và để ngực phồng lên hết sau mỗi lần ép. 
Sơ cứu ngừng tuần hoàn 2 Ép tim trong sơ cứu ngừng tuần hoàn phải thực hiện chính xác mới mang lại hiệu quả

A (Airway): Kiểm soát đường thở: 

  • Đặt người bệnh nằm ở khu vực có nền phẳng, cứng. Đầu bệnh nhân đặt ngửa, cổ ưỡn. Thực hiện thủ thuật kéo hàm dưới/nâng cằm. Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị chấn thương cổ thì chỉ nâng hàm dưới, tránh di động cổ.
  • Móc và loại bỏ dị vật trong miệng nạn nhân, tháo bỏ răng giả (nếu có).
  • Khi nghi vấn đang có dị vật khiến đường thở bị tắc nghẽn, chúng ta có thể tiến hành thủ thuật Heimlich để khai thông như sau: Đầu tiên, tiến hành ôm xốc người bệnh lên từ đằng sau, nắm tay thuận thu lại đặt ngay dưới mũi xương ức của bệnh nhân, bàn tay còn lại đặt chồng lên trên, giật mạnh vòng tay từ dưới lên trên về phía cơ hoành. Nếu người bệnh nhân quá lớn không xốc lên được thì hãy đặt họ nằm ngửa trên nền cứng, người sơ cứu ngồi cưỡi trên người bệnh, đặt chồng hai bàn tay lên nhau tại vùng thượng vị của nạn nhân thúc mạnh về hướng phía ngực. Nguyên lý của thủ thuật là làm tăng áp lực trong lồng ngực đột ngột. Với nạn nhân là trẻ em, ta có thể cầm 2 chân dốc ngược sau đó dùng tay vỗ mạnh vào vị trí giữa 2 xương bả vai.
  • Chú ý không thực hiện thủ thuật Heimlich khi dạ dày đầy vì có thể dẫn tới trào ngược, đồng thời không nên cố làm nhiều lần nếu không lấy được dị vật vì sẽ tốn thời gian.
Ép tim trong sơ cứu ngừng tuần hoàn 3 Thủ thuật Heimlich trong sơ cứu ngừng tuần hoàn 

B (Breathing): Kiểm soát và hỗ trợ hô hấp: Hà hơi thổi ngạt.

  • Động tác: Bịt mũi của bệnh nhân, hít một hơi thật sâu rồi thổi toàn bộ lượng khí của bản thân vào qua miệng của người bệnh. Đối với trẻ em, ta có thể thổi ngạt qua cả miệng và mũi cùng lúc. Việc thổi ngạt phải đủ cho ta nhìn thấy ngực nạn nhân phồng lên.
  • Nếu bệnh nhân không thở: Thổi ngạt 2 lần liên tiếp rồi kiểm tra mạch. Nếu bệnh nhân có mạch tiếp tục thực hiện kỹ thuật hà hơi thổi ngạt.
  • Nếu bệnh nhân không có mạch: Thực hiện chu kỳ ép tim/thổi ngạt theo tỷ lệ 30/2.

Lưu ý: 

  • Kiểm tra mạch trong vòng 10 giây sau mỗi 5 chu kỳ ép tim/thổi ngạt hoặc sau mỗi 2 phút (1 chu kỳ ép tim/thổi ngạt là 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt).
  • Nếu bắt được mạch thì dừng ép tim đánh giá lại chức năng hô hấp, nếu bệnh nhân tự thở được trở lại thì có thể dừng thổi ngạt.
  • Khi thực hiện sơ cứu ngừng tuần hoàn nên có không gian đủ rộng. Hạn chế tối đa những người không tham gia thực hiện sơ cứu và làm cản trở quá trình làm việc.
  • Đừng bỏ cuộc sớm, hãy cố gắng hết sức tới khi bệnh nhân có tình trạng hồi phục hoặc cấp cứu tới.
  • Theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân tới khi có cấp cứu đến nơi.

Phòng tránh nguy cơ ngừng tuần hoàn

Sơ cứu ngừng tuần hoàn 5 Cách chuẩn bị tốt nhất trước mọi vấn đề bệnh tật có thể xảy ra là ăn ngon, ngủ tốt

Ngừng tuần hoàn là hậu quả của nhiều nguyên nhân rất khác nhau nên chủ yếu để giảm nguy cơ lâm vào tình trạng nguy kịch trên chúng ta cần bảo vệ sức khỏe của bản thân như: 

  • Có một lối sống sinh hoạt và rèn luyện lành mạnh, không hút thuốc, sử dụng chất kích thích…
  • Hạn chế các tai nạn trong công việc và cuộc sống.
  • Nếu có khả năng, hãy tham gia các khóa tập huấn về sơ cứu ngừng tuần hoàn để bảo vệ người thân trong gia đình.

Trên đây chúng tôi đã nêu ra những kiến thức tương đối đầy đủ về sơ cứu ngừng tuần hoàn. Chúng ta nên trang bị chúng bởi các trường hợp này thường xảy ra đột ngột, không dự đoán trước được.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin