Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sỏi niệu quản nội thành bàng quang là gì? Cách điều trị

Ngày 21/11/2023
Kích thước chữ

Sỏi niệu quản nội thành bàng quang là một dạng của sỏi niệu quản. Tuy nhiên khái niệm này còn khá mới lại đối với nhiều người. Vậy sỏi niệu quản nội thành bàng quang là gì?

Sỏi niệu quản nội thành bàng quang là một bệnh lý nguy hiểm tại đường tiết niệu gây ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe người bệnh. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn chi tiết về bệnh lý trên bao gồm các biến chứng và các phương pháp điều trị.

Sỏi niệu quản nội thành bàng quang là gì?

Niệu quản là đường ống dài khoảng 25 - 30cm, đ­ường kính từ 2 - 3mm có vai trò dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi niệu quản là các tinh thể được hình thành từ quá trình tích tụ muối và khoáng chất hoặc do sỏi thận di chuyển từ trên xuống bị mắc kẹt ở một trong hai niệu quản.

Thông thường bệnh lý được chia làm 3 dạng dựa vào vị trí của sỏi nằm trên ống niệu quản:

  • Sỏi niệu quản 1/3 trên: Vị trí sỏi nằm sát thành thận.
  • Sỏi niệu quản 1/3 giữa: Vị trí sỏi nằm ở giữa thành niệu quản.
  • Sỏi niệu quản 1/3 dưới: Vị trí sỏi nằm ở đoạn sát thành bàng quang.

Do cấu tạo của niệu quản to đều từ trên xuống dưới nên sỏi cũng dễ mắc tại các vị trí như: 10% sỏi mắc tại khúc nối bể thận và niệu quản (sỏi 1/3 trên), 20% sỏi mắc tại đoạn niệu quản bắt chéo bó mạch chậu (sỏi 1/3 giữa) và 70% sỏi mắc tại vị trí niệu quản nội thành bàng quang (sỏi 1/3 dưới).

Do đó, sỏi niệu quản nội thành bàng quang là sỏi nằm ở vị trí 1/3 niệu quản dưới, tiếp giáp với bàng quang.

Biến chứng của sỏi niệu quản nội thành bàng quang

Sỏi niệu quản nằm ở đoạn nội thành bàng quang nếu bị mắc lại lâu ngày sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Tắc nghẽn đường tiểu

Khi niệu quản bị tắc bởi sỏi sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn đường tiểu, lúc này nước tiểu sẽ không thể di chuyển bình thường từ thận xuống niệu quản vào bàng quang và thải ra ngoài.

Sỏi niệu quản nội thành bàng quang là gì? Cách điều trị 1
Tắc nghẽn đường tiểu lâu ngày gây giãn đài bể thận

Tình trạng đường tiểu tắc nghẽn kéo dài khiến cho nước tiểu ứ lại càng nhiều, lâu dẫn làm giãn đài bể thận. Đài bể thận lúc này sẽ bị biến dạng, phồng to, mỏng giống như một túi bóng chứa đầy nước và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào.

Nhiễm trùng đường niệu

Khi sỏi to và sắc ở trong niệu quản sẽ cọ xát vào niêm mạc niệu quản gây tổn thương. Điều này tạo cơ hội cho các vi khuẩn trong nước tiểu tấn công vào các vị trí bị tổn thương và hình thành nhiễm trùng đường tiết niệu.

Suy giảm chức năng thận

Ứ nước tiểu do sỏi niệu quản gây nên có thể làm cho bể thận giãn rộng. Tình trạng này kéo dài sau 6 tuần, nhu mô thận bị tổn thương không thể không hồi phục được gây ảnh hưởng đến cấu trúc của thận. Sự hủy hoại về cấu trúc khiến thận không đảm bảo chức năng lọc từ đó dẫn đến bệnh lý suy thận vô cùng nguy hiểm.

Phương pháp điều trị sỏi niệu quản nội thành bàng quang

Sỏi niệu quản ở nội thành bàng quang gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe do đó người bệnh nên tiếp nhận việc điều trị y khoa sớm. Tùy vào kích thước sỏi và sức khỏe của người bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị hợp lý nhất.

Đối với sỏi niệu quản nội thành bàng quang, vị trí sỏi nằm gần với bàng quang nên điều trị nội khoa sử dụng thuốc và sử dụng nội soi tán sỏi nội thành niệu quản ngược dòng bằng laser là hai phương pháp tối ưu nhất để điều trị bệnh. Cụ thể:

Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser

Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser là phương pháp mới có nhiều ưu việt được áp dụng để điều trị sỏi niệu quản ở nội thành bàng quang. Phương pháp này hoạt động bằng cách đưa 1 ống mỏng có ống soi qua niệu đạo vào bàng quang đến niệu quản để tìm sỏi.

Sỏi niệu quản nội thành bàng quang là gì? Cách điều trị 2
Nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser là phương pháp tối ưu để điều trị bệnh

Sau đó, thực hiện bắn phá sỏi thành vụn kích thước nhỏ bằng tia laser trong ống mỏng trong khoảng 30 - 60 phút. Các vụn sỏi có thể tự thoát ra ngoài thông qua nước tiểu hoặc sử dụng các dụng cụ gắp sỏi.

Ngay sau khi tiến hành nội soi tán sỏi ngược dòng bằng laser người bệnh đã có thể xuống giường đi lại nhẹ nhàng. Các ống dẫn lưu sẽ được rút vào ngày thứ 2 và bệnh nhân có thể xuất viện vào ngày thứ 3 sau phẫu thuật khi đã được siêu âm kiểm tra lại tình trạng sỏi.

Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa bằng thuốc là phương pháp được dùng để điều trị bệnh nhằm thúc đẩy quá trình đào thải sỏi từ nội thành bàng quang xuống bàng quang và ra khỏi cơ thể. Nguyên tắc của phương pháp điều trị là kiểm soát cơn đau bằng thuốc giảm đau đồng thời dùng thuốc tống xuất sỏi. Một số thuốc được dùng để điều trị nội khoa sỏi niệu quản ở nội thành bàng quang như:

  • Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau chống viêm không steroid có tác dụng tốt trong bệnh lý như Diclofenac;
  • Thuốc giãn cơ trơn: Các thuốc như Buscopan, Drotaverin làm giãn cơ trơn niệu quản, từ đó hỗ trợ giảm đau do sỏi niệu quản;
  • Thuốc làm tan sỏi: Các thuốc làm tan sỏi được sử dụng bao gồm hỗn hợp các chất Tecpen (Pinen, Fenchone, Cineol, Borneol, Anethol, Camphen) giúp làm tan và tống sỏi ra ngoài;
  • Thuốc giúp tống sỏi ra ngoài: Các thuốc chẹn kênh Canxi như Nifedipin hay thuốc chẹn alpha - adrenergic như Tamsulosin được sử dụng nhằm giảm co thắt cơ trơn từ đó tống sỏi ra khỏi cơ thể;
  • Thuốc kiềm hóa nước tiểu;
  • Thuốc lợi tiểu;
  • Kháng sinh: Cephalosporin thế hệ 3, Quinolon và các Aminosid được sử dụng để dự phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Liệu trình sử dụng thuốc được hình thành dựa trên quá trình thăm khám, kết quả  xét nghiệm của người bệnh. Thời gian theo dõi điều trị nội khoa trong khoảng từ 4 - 6 tuần, trong lúc đó người bệnh cần phải đảm bảo quá trình sử dụng thuốc là đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng cách để đảm bảo hiệu quả điều trị.

Biện pháp phòng ngừa sỏi niệu quản nội thành bàng quang

Bệnh lý trên có gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm đến người bệnh do đó bạn có thể thực hiện một số biện pháp nhằm phòng tránh sỏi niệu quản nội thành bàng quang như:

Sỏi niệu quản nội thành bàng quang là gì? Cách điều trị 3
Uống nhiều nước là biện pháp phòng ngừa hiệu quả sỏi niệu quản nội thành bàng quang

  • Uống nhiều nước: Khi có nguy cơ hình thành sỏi bạn nên uống tối thiểu 3 lít nước mỗi ngày. Nước có thể là nước lọc, nước ép hoa quả hay rau củ. Việc uống nhiều nước sẽ giúp tăng lượng nước tiểu, giúp nước tiểu không bị cô đặc quá mức.
  • Ăn uống lành mạnh: Bạn nên hạn chế ăn các thực phẩm quá mặn, quá nhiều dầu mỡ, quá nhiều thức ăn nhanh, đạm động vật và thực phẩm chứa oxalate.
  • Không nên nhịn tiểu: Hạn chế nhịn tiểu và ngồi một chỗ quá lâu, bạn cần luyện tập thể dục thể thao thường xuyên bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe của bản thân.
  • Khám sức khỏe định kỳ: Thăm khám sức khỏe định kỳ 3 đến 6 tháng một lần nhằm đảm bảo hệ bài tiết hoạt động tốt hoặc có thể phát hiện bệnh sớm để có phương pháp điều trị kịp thời.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu thêm thông tin về bệnh lý sỏi niệu quản nội thành bàng quang. Khi phát hiện bệnh cần phải điều trị sớm bằng phương pháp điều trị nội khoa hoặc nội soi tán sỏi để tránh những bệnh chứng nguy hiểm đối với sức khỏe.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin