Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Một số yếu tố nguy cơ gây sỏi thận có thể bạn chưa biết

Ngày 01/05/2023
Kích thước chữ

Sỏi thận là một bệnh lý đường tiết niệu khá phổ biến và cũng rất nguy hiểm. Không chỉ gây đau đớn cho người mắc, sỏi thận còn gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy sỏi thận là gì? Đâu là yếu tố nguy cơ gây sỏi thận? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu khám phá trong bài viết dưới đây nhé.

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 10 - 14% người có sỏi trong thận. Tại Mỹ, kết quả khảo sát cho thấy 7 - 10% người từng bị sỏi thận mà không hề hay biết. Một câu hỏi đặt ra: Yếu tố nguy cơ gây sỏi thận bao gồm những yếu tố nào? Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là những phần tử rắn được hình thành do sự kết tinh tự nhiên của các tinh thể vô cơ bao gồm muối và các khoáng chất lắng cặn trong thận. Sau khi hình thành, sỏi thận có thể nằm yên trong thận hoặc di chuyển đến niệu quản.

Đa số các trường hợp sỏi nhỏ thường được bài tiết ra ngoài thông qua nước tiểu và không gây đau. Một số trường hợp sỏi lớn, chúng di chuyển từ bể thận xuống niệu quản, bàng quang gây tổn thương đường tiết niệu khiến người bệnh đau đớn.

Đây là một bệnh lý khá phổ biến, nhất là ở các quốc gia vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, ước tính có khoảng 5% nữ giới và 10% nam giới sẽ gặp phải bệnh lý này trước 70 tuổi và bệnh lý này còn có nguy cơ tái phát cao ở những người từng có tiền sử bị sỏi thận trước đó.

Một số loại sỏi thận thường gặp bao gồm:

  • Sỏi canxi: Đây là loại sỏi phổ biến nhất. Loại sỏi này có nguy cơ tái phát cao và thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 20 - 30 tuổi. Canxi có thể kết hợp cùng các gốc carbonat, phosphat hay oxalat để kết tinh thành những tinh thể muối lắng cặn và hình thành sỏi. 
  • Sỏi axit uric: Loại sỏi này hình thành do sự rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể và thường có liên quan đến bệnh gout. 
  • Sỏi cystin: Gặp ở những trường hợp rối loạn cystin niệu di truyền, được hình thành do sai sót của việc tái hấp thu cystine trong ống thận.
  • Sỏi phosphat: Chủ yếu là sỏi amoni magie photphat hay còn gọi là sỏi nhiễm trùng gây ra bởi nhiễm trùng niệu lâu ngày, có kích thước lớn.
  • Sỏi struvite: Thường gặp chủ yếu ở nữ giới, gây ra bởi nhiễm khuẩn do tắc nghẽn đường tiết niệu.
Sỏi thận là gì? Một số yếu tố nguy cơ gây sỏi thận có thể bạn chưa biết 1
Sỏi thận là gì? Một số loại sỏi thường gặp

Yếu tố nguy cơ gây sỏi thận

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây sỏi thận, bắt nguồn từ sự kết tinh và lắng đọng tinh thể trong hệ tiết niệu. Theo các chuyên gia, sỏi hình thành do nước tiểu chứa quá nhiều hóa chất, trong đó phải kể đến acid uric, calci, cystine… Trên thực tế, có đến 85% số lượng sỏi hình thành do sự lắng đọng canxi.

Các yếu tố nguy cơ gây sỏi thận tiêu biểu bao gồm:

  • Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh: Thói quen ăn quá nhiều đồ dầu mỡ, giàu protein động vật, ít chất xơ và ăn mặn có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
  • Thói quen uống ít nước dẫn đến lượng nước trong cơ thể không đủ để duy trì tuần hoàn thận. Điều này khiến chức năng thận bị suy giảm, nước tiểu đặc chứa nồng độ ion muối khoáng cao dễ kết tinh và hình thành sỏi thận.
  • Thường xuyên nhịn tiểu cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến hình thành sỏi thận. Việc nước tiểu tích tụ nhiều ở bàng quang khiến các chất khoáng tích tụ ở bể thận trong một thời gian dài gây ra sỏi thận.
  • Mắc phải một số bệnh lý: Người mắc một số bệnh lý như bệnh về đường ruột (bao gồm bệnh Crohn, viêm loét đại tràng) hay một số bệnh lý khác như đái tháo đường tuýp 2, bệnh gout, cường cận giáp và toan ống thận. Thêm vào đó, ở những người thừa cân béo phì, tỷ lệ mắc sỏi thận cũng cao hơn bình thường.
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng trong một thời gian dài, thuốc kháng axit dựa trên canxi trong điều trị loãng xương hay thuốc điều trị chứng trầm cảm và đau nửa đầu cũng có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
  • Tình trạng nhiễm trùng đường sinh dục và tiết niệu do vệ sinh kém cũng làm tăng tỷ lệ mắc sỏi thận. 
  • Yếu tố bẩm sinh: Người có dị tật bẩm sinh về đường tiết niệu. 
  • Yếu tố di truyền: Trong gia đình có người từng bị sỏi thận thì nguy cơ mắc phải bệnh này sẽ cao hơn.
Sỏi thận là gì? Một số yếu tố nguy cơ gây sỏi thận có thể bạn chưa biết 2
Thói quen uống ít nước là một trong những yếu tố nguy cơ gây sỏi thận

Triệu chứng của sỏi thận

Các triệu chứng điển hình của sỏi thận bao gồm:

Cơn đau quặn thận

Đây là triệu chứng phổ biến và điển hình nhất của bệnh sỏi thận. Tùy vào vị trí của sỏi mà người bệnh sẽ có cảm giác đau tại các vị trí khác nhau. Đặc điểm của đau sỏi thận đó là:

  • Đau quặn thận và đau dữ dội: Đau sỏi thận khởi phát từ thắt lưng một hoặc 2 bên vùng hạ sườn sau đó lan dần từ hố thắt lưng xuống dưới hoặc ra trước hố chậu đùi, thậm chí có thể lan sang cả phần sinh dục.
  • Đau nhẹ và âm ỉ vùng thắt lưng và hông: Đây là dấu hiệu khi bị sỏi nhỏ và vừa ở bể thận hoặc sỏi nhỏ ở niệu quản.
  • Sỏi ở cổ bàng quang hoặc lọt ra niệu đạo thì đau sẽ kèm theo triệu chứng bí đái.
  • Đau khi ngồi lâu hoặc khi thay đổi tư thế một cách đột ngột: Có thể sỏi thận đã phát triển thành những viên sỏi to và gây áp lực lên các mô xung quanh thận và gây đau.
  • Đau co thắt từ bên trong, nằm ở bất cứ tư thế nào cũng đau: Cơn đau thường kéo dài 20 - 60 phút, thậm chí lâu hơn. Đau thường kèm sốt hoặc ớn lạnh, đi tiểu ra máu.
Sỏi thận là gì? Một số yếu tố nguy cơ gây sỏi thận có thể bạn chưa biết 3
Đau quặn bụng là triệu chứng điển hình của bệnh sỏi thận

Nôn hoặc buồn nôn

Buồn nôn và nôn có thể là dấu hiệu sỏi thận đang bị tắc nghẽn. Việc niệu quản bị tắc nghẽn một phần hay toàn bộ sẽ ngăn không cho nước tiểu di chuyển xuống bàng quang ảnh hưởng đến đường tiêu hóa cụ thể là kích thích các dây thần kinh tại đó khiến dạ dày co thắt và khó chịu, gây buồn nôn và nôn.

Mót tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt

Mót tiểu, tiểu rắt thường xảy ra khi sỏi đã di chuyển xuống niệu quản và bàng quang gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu. Người bệnh thường đi tiểu nhiều lần với lượng nước tiểu ít. Có đôi khi, sỏi thận kích thích gây rối loạn cơ thắt cơ trơn của bàng quang tạo tín hiệu mót tiểu hay còn gọi là buồn tiểu giả.

Tình trạng tiểu buốt xảy ra khi sỏi thận di chuyển, cọ sát vào niêm mạc niệu quản, bàng quang và niệu đạo gây cảm giác đau buốt và nóng rát khi đi tiểu.

Một số triệu chứng khác

Ngoài các triệu chứng điển hình nêu trên, người bệnh còn có thể gặp phải một số triệu chứng như:

  • Sốt và ớn lạnh là dấu hiệu cho thấy bạn đang có nhiễm trùng đường tiết niệu. Đây là biến chứng do sỏi thận gây ra.
  • Đi tiểu ra máu gặp trong trường hợp sỏi thận gây tổn thương niêm mạc đường tiết niệu gây chảy máu. Nước tiểu thường có màu đỏ, hồng hoặc nâu.
  • Vô niệu một phần hoặc hoàn toàn gặp trong trường hợp sỏi niệu quản.
  • Ở giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị sưng vùng thận biểu hiện là vùng bụng chứa thận hay háng bị sưng.
  • Mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, hơi thở có mùi hôi.
Sỏi thận là gì? Một số yếu tố nguy cơ gây sỏi thận có thể bạn chưa biết 4
Người mắc bệnh sỏi thận có thể sốt hoặc ớn lạnh do nhiễm trùng đường tiết niệu

Sỏi thận là căn bệnh có diễn biến âm thầm do đó người mắc sỏi thận rất khó phát hiện bệnh cho đến khi bệnh xuất hiện những triệu chứng rõ rệt. Hy vọng với những chia sẻ hôm nay của Nhà Thuốc Long Châu có thể giúp bạn đọc trang bị các kiến thức về bệnh sỏi thận, các triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ gây sỏi thận. Hãy chia sẻ bài viết này đến những người xung quanh nếu thấy bài viết hữu ích bạn nhé.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.