Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và lưu ý cần nắm

Ngày 21/09/2024
Kích thước chữ

Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi là một trong những biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ. Lúc này, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu và chưa hoàn thiện, do đó rất dễ mắc bệnh. Vậy những tác nhân nào gây ra tình trạng sốt ở trẻ 8 tháng tuổi?

Khi hệ miễn dịch bị tấn công, cơ thể trẻ sẽ có những phản ứng nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh, khó chịu, mệt mỏi. Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề liên quan đến “Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi” bạn đọc hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Dấu hiệu sốt ở trẻ 8 tháng tuổi

Nhiệt độ bình thường của trẻ sơ sinh dao động từ 37 đến 37.8 độ. Tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh không biết, thường lo lắng và nhanh chóng cho con 8 tháng tuổi uống thuốc hạ sốt khi thấy nhiệt độ cơ thể bé đạt 37.5 độ. Điều này là không cần thiết, vì vậy chỉ khi trẻ 8 tháng tuổi sốt từ 38 độ trở lên mới cần can thiệp y tế.

Ngoài biểu hiện chính là nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn mức bình thường thì sốt ở trẻ 8 tháng tuổi còn có một số triệu chứng như sau:

  • Người mệt mỏi, thiếu sức sống, không muốn chơi đùa;
  • Da tái nhợt, xanh xao;
  • Trẻ có biểu hiện lười ăn hoặc không muốn ăn;
  • Thường xuyên quấy khóc và dễ cáu kỉnh;
  • Trẻ khát nước và có biểu hiện nôn mửa;
  • Khi sốt cao, trẻ có thể xuất hiện các cơn co giật.
Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1
Nhiệt độ tăng, mệt mỏi, quấy khóc… là dấu hiệu sốt ở trẻ 8 tháng tuổi

Nguyên nhân gây sốt ở trẻ 8 tháng tuổi

Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi do nhiều nguyên nhân, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Sốt do mặc quá ấm: Việc mặc nhiều lớp quần áo để giữ ấm có thể khiến trẻ bị sốt do cơ thể chưa hoàn thiện khả năng điều nhiệt.
  • Sốt sau tiêm vắc xin: Trẻ có thể bị sốt sau khi tiêm phòng các bệnh như sởi, ho gà, uốn ván…
  • Sốt do nhiễm siêu vi: Trẻ có thể sốt kéo dài đến một tuần hoặc hơn, kèm theo các triệu chứng như đau nhức toàn thân, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, nôn ói, nổi hạch viêm…
  • Sốt do cảm cúm: Trẻ có thể sốt trong 2-3 ngày kèm theo ho, đau họng, sổ mũi.
  • Sốt do mọc răng: Trẻ có thể quấy khóc, biếng ăn và sốt nhẹ khi mọc răng.
  • Sốt do cảm nắng: Thời tiết nóng nực là nguyên nhân phổ biến gây sốt ở trẻ.
  • Sốt xuất huyết: Trẻ có thể sốt cao kèm theo các dấu hiệu như xuất hiện chấm xuất huyết trên da, chảy máu chân răng, mũi, chân tay lạnh, phân đen, đau bụng và mệt mỏi.
  • Sốt do sởi: Trẻ thường ho nhiều, sổ mũi, mắt đỏ và sốt trong 3 ngày, sau đó xuất hiện các vết ban sởi trên da.
  • Sốt do viêm tai: Trẻ có thể sốt cao, biếng ăn, tai đau, chảy mủ và nghe không rõ.
  • Sốt do viêm phổi: Trẻ thường sốt cao, thở khò khè, nôn, bỏ bú và bỏ ăn. Trường hợp nặng, chân và môi trẻ có thể tím tái.
  • Sốt phát ban: Trẻ có thể bị sốt kèm theo các nốt phát ban khắp cơ thể, thường khỏi sau 3-7 ngày.
  • Sốt do viêm màng não: Trẻ có thể bị sốt kèm theo cổ cứng, thóp phồng, mệt mỏi, nôn mửa, ngủ li bì và nhạy cảm với ánh sáng.
  • Sốt do nhiễm trùng máu: Trẻ có thể sốt cao liên tục, thở nhanh, nôn mửa và bỏ ăn.
Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2
Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi do nhiều nguyên nhân như nhiễm virus, viêm tai, cảm cúm…

Trẻ 8 tháng tuổi bị sốt có nguy hiểm không?

Khi trẻ 8 tháng tuổi bị sốt dưới 38 độ, thường thì sức khỏe của bé sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Đôi khi, nhiệt độ cơ thể của bé có thể tăng lên đến 38 độ nếu bé tham gia các hoạt động vui chơi mạnh.

Tuy nhiên, nếu trẻ 8 tháng tuổi bị sốt trên 38 độ và thường sốt vào ban đêm, cha mẹ cần đặc biệt chú ý và có biện pháp xử lý kịp thời. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như viêm tai, viêm phổi, hoặc viêm màng não. Vì vậy, nếu trẻ có những biểu hiện bất thường, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện ngay để được bác sĩ thăm khám và tránh những hậu quả không mong muốn.

Làm gì khi nghi ngờ trẻ 8 tháng tuổi bị sốt?

Khi có nghi ngờ và xác định trẻ có bị sốt hay không, cha mẹ có thể đo nhiệt độ cơ thể của bé tại các vị trí như miệng, nách hoặc trực tràng.

  • Đo nhiệt độ ở nách: Phương pháp này dễ thực hiện nhưng độ chính xác không cao. Mẹ cần lau khô nách của trẻ, sau đó đặt nhiệt kế vào nách và giữ khuỷu tay của trẻ áp vào ngực trong 4-5 phút.
  • Đo nhiệt độ ở miệng: Với phương pháp này, mẹ cần vệ sinh nhiệt kế cẩn thận. Sau đó, đặt nhiệt kế dưới lưỡi của trẻ. Giữ nhiệt kế trong miệng trẻ khoảng 3 phút nếu dùng nhiệt kế thủy ngân hoặc 1 phút nếu dùng nhiệt kế điện tử.
  • Đo nhiệt độ ở trực tràng: Phương pháp này thường được sử dụng cho trẻ sơ sinh và có độ chính xác cao nhất. Mẹ đặt trẻ nằm sấp, bôi chất bôi trơn lên đầu nhiệt kế, sau đó đặt nhiệt kế vào hậu môn của trẻ và giữ yên trong 2 phút nếu dùng nhiệt kế thủy ngân hoặc 1 phút nếu dùng nhiệt kế điện tử.
Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3
Đo nhiệt độ là cách xác định chính xác tình trạng sốt ở trẻ

Cách điều trị sốt ở trẻ 8 tháng tuổi

Khi trẻ bị sốt không quá cao, cha mẹ có thể thực hiện các phương pháp hạ sốt tại nhà như:

  • Bù nước: Cho trẻ uống nhiều nước hoặc các sản phẩm bù nước, bù điện giải như oresol, hydrite. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho trẻ bú nhiều hơn.
  • Mặc quần áo thoáng mát: Tránh mặc quần áo quá dày, kín để giúp trẻ tỏa nhiệt.
  • Nghỉ ngơi: Để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn khi bị sốt.
  • Lau người bằng nước ấm: Dùng khăn mềm và nước ấm lau người trẻ, tập trung vào các vùng trán, thái dương, nách và bẹn.
  • Bổ sung vitamin C: Tăng cường vitamin C để hỗ trợ sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ.
  • Hạ sốt bằng tinh dầu: Pha 6 giọt tinh dầu với 1 muỗng dầu nền, sau đó xoa bóp cơ thể trẻ, đặc biệt chú trọng vào gót chân và phía sau cổ.
  • Sử dụng thuốc hạ sốt: Một số loại thuốc có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt với thành phần chính là paracetamol với tác dụng hạ sốt và chống viêm nhẹ.
Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Lau người bằng khăn mát giúp trẻ hạ sốt

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ 8 tháng tuổi bị sốt

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà, bố mẹ nên tránh các sai lầm sau:

  • Chườm lạnh để hạ sốt: Theo WHO, không nên chườm lạnh vì sẽ làm lỗ chân lông co lại, ngăn cản thân nhiệt thoát ra ngoài. Chườm lạnh còn có thể gây bỏng lạnh và suy hô hấp.
  • Ủ ấm khi trẻ sốt cao: Khi sốt cao, trẻ có thể run và cảm thấy lạnh. Ủ ấm sẽ làm tình trạng nguy hiểm hơn, có thể gây co giật và da tím tái do thân nhiệt bên trong vẫn rất cao, có thể trên 40°C.
  • Không đo và theo dõi nhiệt độ: Nhiều bố mẹ chỉ kiểm tra nhiệt độ bằng tay và cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi thấy nóng. Điều này có thể gây nguy hiểm do tác dụng phụ của thuốc và thiếu biện pháp xử lý kịp thời khi trẻ sốt cao.
  • Kết hợp các loại thuốc hạ sốt: Mong muốn hạ sốt nhanh có thể dẫn đến việc kết hợp nhiều loại thuốc, gây nguy hiểm khi thân nhiệt hạ quá nhanh.
  • Dùng Aspirin hoặc thuốc chứa aspirin: Những loại thuốc này có thể gây đau dạ dày, xuất huyết ruột và hội chứng Reye.

Ngoài ra, nếu trẻ có những biểu hiện lạ sau cha mẹ nên cho trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế ngay:

  • Sốt cao không giảm, trên 38 độ.
  • Ngủ nhiều, li bì hoặc rơi vào trạng thái hôn mê.
  • Có biểu hiện thở nhanh, mạnh hoặc khó thở.
  • Có tình trạng nôn mửa nhiều, co giật mạnh.
  • Mắt trũng, mất nước nhiều…

Trên đây là những thông tin về chủ đề “Sốt ở trẻ 8 tháng tuổi” mà Nhà thuốc Long Châu chia sẻ cho bạn. Nếu bạn đọc còn có những thắc mắc, hãy gửi câu hỏi đến trang web của Nhà thuốc Long Châu để được giải đáp. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt trong hành trình chăm sóc bản thân và gia đình. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin