Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Sự phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 và lưu ý cha mẹ nên biết khi chăm sóc bé yêu

Ngày 21/04/2024
Kích thước chữ

Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 có nhiều sự thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thần. Vậy cha mẹ cần lưu ý gì giúp bé phát triển toàn diện, khỏe mạnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu phương pháp nuôi trẻ chóng lớn nhé!

Khác với giai đoạn tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh tháng thứ 2 đã quen dần với môi trường xung quanh, có nhiều sự thay đổi đáng kể về cân nặng, chiều cao, các giác quan cũng như điều chỉnh chu trình giấc ngủ phù hợp. Cùng với sự giúp đỡ từ cha mẹ, trẻ sẽ hoàn thiện dần về cả thể chất lẫn tinh thần.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 2

Tháng thứ 2 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh. Đây là lúc trẻ trải qua nhiều thay đổi về thể chất, cho thấy sự phát triển nhanh chóng, khỏe mạnh của cơ thể. Điều này sẽ mang đến nhiều niềm vui và phấn khởi cho các bậc cha mẹ.

Sự phát triển thể chất

Một trong những thay đổi rõ rệt nhất ở trẻ sơ sinh 2 tháng là sự tăng trưởng nhanh về cân nặng và chiều cao. Theo số liệu thống kê, trẻ có thể tăng khoảng 600 - 900 gram cân nặng trong tháng đầu tiên, tiếp tục tăng thêm 450 - 650 gram trong tháng thứ 2.

Con số này gấp khoảng 2 - 3 lần so với tốc độ tăng cân bình thường của người lớn, thể hiện sự phát triển của trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, chiều cao của trẻ cũng tăng thêm khoảng 2 - 3 cm trong tháng này.

Chu trình giấc ngủ của trẻ

Về giấc ngủ, trẻ sơ sinh tháng thứ 2 cần khoảng 15 - 17 giờ ngủ mỗi ngày, trong đó có 6 đến 7 giờ ngủ ban ngày chia làm 3 đến 4 giấc ngắn và 8,5 đến 10 giờ ngủ đêm. Mô hình này giúp trẻ có đủ giấc ngủ để phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.

Từ giữa tuần thứ 6 đến tuần thứ 8, trẻ có xu hướng ngủ giấc đêm dài hơn và tỉnh táo hơn ban ngày. Một số trẻ chỉ cần khoảng 30 phút sau khi ăn là sẽ có dấu hiệu buồn ngủ. Vì vậy, cha mẹ nên giúp trẻ duy trì thói quen này để tránh rối loạn giấc ngủ.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 và lưu ý cha mẹ nên biết khi chăm sóc bé yêu 1
Duy trì thói quen ngủ giúp trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn

Sự hoàn thiện các giác quan

Sự thay đổi rõ rệt nhất ở trẻ sơ sinh tháng thứ 2 là sự phát triển của các giác quan. Đầu tiên là thị giác, mắt trẻ mở to hơn, có thể quan sát các vật trong khoảng cách xa hơn so với khi mới sinh.

Bên cạnh đó, trẻ rất thích ngắm nhìn các vật xung quanh chuyển động. Tuy nhiên, lúc này trẻ mới chỉ có thể nhìn theo hai màu đen trắng. Do đó, cha mẹ nên mua đồ chơi đa màu sắc để kích thích phát triển thị giác của trẻ.

Giác quan thứ 2 là thính giác, trẻ trở nên nhạy cảm hơn với âm thanh từ môi trường xung quanh. Một số trẻ thậm chí còn thể hiện sự thích thú khi nghe giọng nói của cha mẹ hoặc âm thanh từ đồ vật. Tuy nhiên, trẻ cũng rất dễ bị giật mình bởi tiếng động lớn hay ồn ào.

Về vị giác và khứu giác, điều đặc biệt là trẻ 2 tháng tuổi đã có khả năng ghi nhớ mùi hương của mẹ - người gần gũi nhất với trẻ kể từ khi sinh ra. Mùi hương của mẹ giúp trẻ cảm thấy an toàn, ngủ ngon và giảm khóc. Trong khi đó, về vị giác thì trẻ thích vị ngọt và ghét vị đắng.

Cuối cùng là xúc giác. Khả năng tự tiếp cận, sờ nắm đồ vật của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cha mẹ nên chủ động cho trẻ tự cầm nắm và sờ đồ vật xung quanh với các chất liệu khác nhau. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dành thời gian để vỗ về, ôm ấp trẻ nhiều hơn, điều này sẽ giúp phát triển xúc giác cho trẻ.

Sự phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 và lưu ý cha mẹ nên biết khi chăm sóc bé yêu 2
Tương tác với cha mẹ giúp trẻ phát triển các giác quan

Bệnh lý cần đề phòng ở tháng thứ 2 của trẻ

Trong tháng thứ 2 sau khi sinh, bé vẫn trong thời gian phát triển nên hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non nớt, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài. Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến mà cha mẹ nên chú ý ở bé yêu, bao gồm:

  • Ho: Triệu chứng này gây ra do nhiều nguyên nhân như hen suyễn, cảm lạnh hoặc viêm phổi. Trong mùa đông, việc giữ ấm cho trẻ là rất quan trọng. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ được mặc đủ ấm, đặc biệt là ở các vùng nhạy cảm, dễ nhiễm lạnh như cổ, bụng, ngực, lưng, lòng bàn tay và bàn chân. Đối với phòng có điều hòa, nhiệt độ nên được điều chỉnh ở mức vừa phải, tránh để trẻ nằm dưới hướng gió trực tiếp từ máy điều hòa.
  • Hắt hơi: Đường hô hấp của trẻ dễ bị kích ứng bởi các tác nhân như bụi bẩn, lông thú cưng hoặc phấn hoa. Vệ sinh nhà cửa và chăn ga gối đệm cho bé thường xuyên là điều cần thiết. Nếu bé hắt hơi kéo dài và kèm theo sổ mũi, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó điều trị phù hợp.
  • Tưa miệng: Triệu chứng này thường do nhiễm nấm Candida albicans hoặc virus gây ra. Cha mẹ cần chú ý vệ sinh miệng cho bé, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu triệu chứng kéo dài.
  • Trào ngược dạ dày: Dạ dày của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 vẫn chưa hoàn thiện, dễ dẫn đến hiện tượng trào ngược sau khi ăn. Nếu triệu chứng này kéo dài và gây ra những vấn đề như sụt cân, quấy khóc hoặc viêm phổi tái phát, cha mẹ cần đưa bé đi khám để được tư vấn và điều trị y tế.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 và lưu ý cha mẹ nên biết khi chăm sóc bé yêu 3
Cần giữ ấm cho trẻ vào mùa đông giá rét

Cha mẹ nên làm gì giúp trẻ phát triển toàn diện?

Trong giai đoạn sơ sinh, việc chăm sóc và nuôi dưỡng cho trẻ là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bé. Dưới đây là một số phương pháp mà cha mẹ có thể áp dụng giúp trẻ sơ sinh tháng thứ 2 phát triển toàn diện, bao gồm:

  • Chăm sóc dinh dưỡng đúng cách: Một phần quan trọng của việc chăm sóc trẻ sơ sinh là đảm bảo rằng bé được cung cấp đủ lượng sữa cần thiết. Mẹ nên cho bé ăn đủ lượng sữa cả ban ngày lẫn ban đêm để đáp ứng nhu cầu tăng cao trong giai đoạn này. Đặc biệt, việc giảm dần cữ ăn ban đêm cũng như tăng cữ ăn vào ban ngày là một cách để giúp bé phát triển thói quen ngủ đêm tốt hơn.
  • Quản lý giấc ngủ cho bé: Trẻ sơ sinh tháng thứ 2 thường chưa có khả năng phân biệt được giữa ngày và đêm. Cha mẹ có thể giúp bé phát triển thói quen ngủ bằng cách tạo ra môi trường ngủ thuận lợi vào ban đêm, đồng thời tạo sự khác biệt rõ ràng với ban ngày. Việc tắt đèn, tạo ra một không gian yên tĩnh, thoáng đãng vào buổi tối sẽ giúp bé dễ dàng ngủ hơn. Ngoài ra, việc vỗ nhẹ hoặc vỗ ợ hơi cho bé sau khi ăn cũng có thể giúp bé thư giãn cho ngủ sâu hơn.
  • Tương tác, giao tiếp: Thường xuyên tương tác và trò chuyện với bé là một phần quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ cùng khả năng thính giác của bé. Cha mẹ có thể kể chuyện, nói chuyện hoặc hát cho bé nghe để kích thích sự phát triển của bé. Mặc dù bé không hiểu rõ từng từ nhưng việc này giúp bé quen với âm thanh cũng như cách sử dụng ngôn ngữ.
Sự phát triển của trẻ sơ sinh tháng thứ 2 và lưu ý cha mẹ nên biết khi chăm sóc bé yêu 4
Chăm sóc dinh dưỡng đúng cách giúp trẻ chóng lớn

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về các dấu mốc phát triển cùng cách chăm sóc trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi. Việc chăm sóc và nuôi dưỡng cho trẻ sơ sinh tháng thứ 2 yêu cầu sự tỉ mỉ, cẩn thận từ phía cha mẹ. Bằng cách đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, quản lý giấc ngủ và tương tác tích cực với bé, cha mẹ có thể giúp bé phát triển toàn diện, để trẻ khám phá thế giới xung quanh mình một cách tích cực.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin