Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng/
  4. Thực phẩm dinh dưỡng

Tác dụng của hoa cúc vàng trong Đông y và Tây y

Ngày 27/04/2023
Kích thước chữ

Hoa cúc từ lâu đã được coi là một loại thảo mộc giúp giảm viêm và nhiễm trùng. Nhưng bạn đã biết hết tác dụng của hoa cúc vàng và vì sao loài hoa này lại được sử dụng nhiều để làm thuốc và thực phẩm chức năng như vậy?

Hoa cúc vàng có tên khoa học là Chrysanthemum indicum L và còn được gọi là kim cúc hay cam cúc. Hoa cúc có nhiều tác dụng làm đẹp, thanh nhiệt, an thần. Đây là một loại thảo dược được sử dụng rộng rãi trong cả Đông y và Tây y. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tác dụng của hoa cúc vàng.

Đặc điểm của hoa cúc vàng

Hoa cúc có nguồn gốc từ Trung Quốc và được trồng ở nhiều nước trên thế giới. Cây được trồng ở môi trường nhiệt đới, trên các loại đất màu mỡ, giàu chất hữu cơ, thoát nước tốt. 

Cúc vàng là cây thân thảo lâu năm cao tới 1m, thân mọc thẳng, lá so le nhau, có lông mịn, cuống lá dài 1 - 2 cm, phiến lá hình bầu dục. Hoa cúc là loài lưỡng tính, có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, vàng, tím, trắng,... và có hình nón.

Tác dụng của hoa cúc vàng trong Đông y

Theo tài liệu cổ, hoa cúc trắng có vị ngọt, đắng, tính hàn. Hoa cúc vàng có vị đắng, tính ôn, tác dụng vào 3 kinh phế, can, thận. Hiện nay, dược liệu này được dùng để chữa nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, cao huyết áp và cảm sốt. Ngoài ra còn được dùng để ướp trà hoặc ngâm rượu uống.

Tác dụng của hoa cúc vàng trong Tây y

Hoa cúc là một nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào. Trong 51 gam hoa cúc cung cấp 48mg vitamin A, 0.09mg vitamin B6, 17mg sắt, 0.481mg mangan, 289mg kali, 0.07mg đồng và 60mg canxi.

Ngoài ra, loài hoa này còn chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe như tinh dầu, tanin, inulin, axit hữu cơ, flavonoid, chất nhầy, chất đắng, chất nhựa,... được tìm thấy trong tất cả các bộ phận của cây và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Điều trị đau đầu, viêm mũi

Hoa cúc từ lâu đã được sử dụng cho mục đích y học. Một nhà thảo dược học từ thế kỷ 16 đã khuyên dùng loài hoa này để điều trị chứng viêm mũi và đau nửa đầu. 

Tác dụng của hoa cúc vàng trong Đông y và Tây y 1
Hoa cúc vàng từ lâu được sử dụng để điều trị đau đầu

Làm nước tonic trị bệnh 

Loài hoa này còn có thể dùng làm nước tonic dùng để lọc máu, viêm màng phổi, viêm cơ quan sinh sản, chữa sốt, ho. Đồng thời kích thích hệ tiêu hóa, gan, túi mật và thận.

Trị các bệnh hô hấp

Nhờ đặc tính chống viêm nên hoa cúc được sử dụng để chữa cảm lạnh, viêm phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp trên,... 

Điều trị bệnh tiêu hóa

Hoa cúc vàng đã được sử dụng điều trị viêm loét dạ dày từ thời xưa. Loài hoa này còn có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, giảm cảm giác thèm ăn để điều trị các chứng rối loạn đường tiêu hóa như viêm dạ dày, tiêu chảy và táo bón nhẹ.

Điều hòa kinh nguyệt

Hoa cúc có thể điều trị đau bụng kinh, đặc biệt là chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, loài hoa này còn được sử dụng rộng rãi để điều trị viêm bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu

Tác dụng của hoa cúc vàng trong Đông y và Tây y 2
Tác dụng của hoa cúc vàng giúp giảm đau vào những ngày kinh nguyệt

Hỗ trợ trị bệnh gút 

Nhiều người sử dụng hoa cúc như một phương pháp tự nhiên chữa viêm da dị ứng, bệnh gút và các bệnh thấp khớp mãn tính.

Giảm viêm, trị mụn 

Ngoài những công dụng của hoa cúc kể trên còn phải kể đến tác dụng làm lành vết thương nhỏ và giảm đau, sưng tấy hay bầm tím.

Rượu ​​hoa cúc có tác dụng trị mụn, làm sạch miệng hoặc dùng làm nước súc miệng thảo dược trị viêm họng, nhiệt miệng. Bạn cũng có thể ăn lá hoa cúc tươi để giảm các triệu chứng loét miệng.

Cách sử dụng hoa cúc vàng trị bệnh

Bài thuốc từ hoa cúc vàng

Hoa cúc nên dùng khoảng 9 - 15g dưới dạng nước sắc uống, có thể dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với các vị thuốc khác. Dùng ngoài da, đắp mụn nhọt. Một số bài thuốc dùng hoa cúc vàng chữa bệnh như:

  • Tang cúc ẩm chữa ho và sốt, cảm lạnh: Chuẩn bị 6g mỗi loại tang diệp, cúc hoa, 4g mỗi loại cam thảo, liên kiều, bạc hà, cát cánh, 600ml nước. Sắc nước các nguyên liệu trên cho đến khi còn 200ml, chia thành 3 lần uống trong ngày.
  • Trà hoa cúc có thể chữa chóng mặt, chảy nước mắt, nghẹt mũi bằng cách chuẩn bị cúc hoa, kinh giới, xuyên khung, khương hoạt, bạc hà, phòng phong, cam thảo, hương phụ, tế tân, khương tàm, bạch chỉ. Liều lượng bằng nhau, trộn đều, tán nhỏ. Sau bữa ăn, pha nước uống mỗi lần 4 - 6g bột này.

Sử dụng hoa cúc vàng trong đời sống

Hoa cúc thường được dùng để pha trà, một loại đồ uống có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Có nhiều cách pha trà hoa cúc với các nguyên liệu khác nhau như mật ong, cam thảo,... 

Các pha trà hoa cúc đơn giản nhất là ngâm hoa cúc khô vào nước nóng khoảng 10 phút thì vớt ra là bạn đã có một tách trà thơm ngon. Bạn nên uống 1 - 3 ly trà nhỏ mỗi ngày để nhận được lợi ích từ hoa cúc vàng.

Bạn cũng có thể ăn lá cúc tươi để kích thích quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng nhờ vị đắng của lá. Lá, hoa, nụ và cánh hoa cúc đều có thể dùng chế biến món ăn. Lá của có thể làm salad với các nguyên liệu khác như lá bồ công anh và lá cây me đất.

Bạn cũng có thể chế biến hoa cúc với rau và thịt. Ở nhiều nơi, giấm hoặc nước sốt được làm từ các cụm hoa. Ngoài ra, nhiều đầu bếp còn dùng hoa cúc để trang trí món ăn thêm đẹp mắt.

Tác dụng của hoa cúc vàng trong Đông y và Tây y 3
Uống trà hoa cúc mỗi ngày để nhận được những lợi ích tốt cho cơ thể

Ai có thể dùng hoa cúc vàng?

Một số trường hợp không nên uống trà hoa cúc để tránh tác dụng phụ ảnh hưởng sức khỏe như: 

  • Người có tiền sử dị ứng nặng, đặc biệt với phấn hoa. Hoa cúc có thể bị nhiễm phấn hoa từ cây khác và gây dị ứng. 
  • Những người từng bị dị ứng với các sản phẩm từ hoa cúc: Nên tránh dùng hoa cúc vì phản ứng dị ứng có thể trầm trọng hơn theo thời gian. 
  • Trà hoa cúc giống như mật ong và một số sản phẩm tự nhiên khác, có thể gây ngộ độc cho trẻ nhỏ vì chưa có sức đề kháng tốt, chưa chống lại nhiễm trùng. Nhiều bác sĩ khuyên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên tránh mật ong và các sản phẩm từ hoa cúc.

Trên đây là những thông tin giải đáp cho tác dụng của hoa cúc vàng. Đặc biệt trà hoa cúc mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu trong quá trình sử dụng trà hoa cúc mà bạn gặp dấu hiệu bất thường nào thì nên dừng sử dụng vì có thể cơ thể đang bị dị ứng.

Cao Hiếu 

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin