Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tác hại của tật đẩy lưỡi là gì?

Ngày 21/07/2024
Kích thước chữ

Thói quen đẩy lưỡi hay còn gọi là nuốt lệch, nuốt ngược, đẩy lưỡi bẩm sinh…, là một thói quen xấu rất phổ biến ở trẻ em, có thể gây ảnh hưởng xấu đến răng, khớp cắn và phát âm. Nếu những thói quen xấu này được phát hiện sớm và loại bỏ kịp thời thì có thể tránh được những hậu quả không đáng có.

Tật đẩy lưỡi bẩm sinh là một thói quen không tốt cho sức khỏe, có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đến răng, khớp cắn và phát âm của trẻ. Ở người lớn, tật đẩy lưỡi có thể khiến các răng cửa bị hô ra và thưa. Tuy nhiên, nếu thói quen xấu này được phát hiện và loại bỏ sớm, bệnh nhân có thể tránh được nguy cơ răng và hàm lệch lạc trong tương lai.

Tật đẩy lưỡi là gì?

Thông thường, lưỡi của mọi người đều nằm hoàn toàn trong miệng. Lưỡi không gây áp lực lên răng. Tuy nhiên, nếu lưỡi đặt giữa răng hàm trên và răng hàm dưới, vị trí lưỡi sai, lưỡi sẽ đẩy vào gót răng cửa hàm trên khi nuốt hoặc ở trạng thái nghỉ, điều này sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không tốt đến thẩm mỹ và chức năng trên bộ răng. Tỷ lệ bị tật đẩy lưỡi ở trẻ em khá cao, lên tới 60% đến 90%.

Tác hại của tật đẩy lưỡi là gì? 1
Tật đẩy lưỡi bẩm sinh là một thói quen không tốt cho sức khỏe

Một người bình thường có động tác nuốt khoảng 1.000 đến 2.000 lần mỗi ngày. Mỗi lần nuốt tạo ra lực đẩy khoảng 1.800g. Nếu lực đẩy này tác động lâu dài lên răng có thể dẫn đến tình trạng răng lệch lạc ở mức độ từ trung bình đến nặng. Triệu chứng rõ ràng nhất của những người bị đẩy lưỡi nặng là gây cắn hở và thưa răng.

Nguyên nhân nào gây tật đẩy lưỡi?

Nhìn chung, nguyên nhân gây tật đẩy lưỡi có thể được chia thành hai nhóm: Đẩy lưỡi tiên phát và đẩy lưỡi thứ phát.

Đẩy lưỡi tiên phát

Đẩy lưỡi tiên phát do rối loạn thần kinh cơ, đặc trưng ở tình trạng trẻ không thay đổi thói quen nuốt từ khi sinh ra. Khi được yêu cầu di chuyển đầu lưỡi chạm lên vòm miệng, bệnh nhân không thể hoặc thực hiện rất khó khăn khi nâng lưỡi lên.

Đẩy lưỡi thứ phát

Liên quan đến răng hàm mọc lệch lạc và các bệnh về tai mũi họng hoặc khoang miệng, cụ thể là:

  • Hậu quả của việc mút ngón tay, ngậm núm vú giả, bú bình.
  • Mất răng sữa sớm có thể khiến lưỡi có xu hướng bít kín khoảng trống còn lại.
  • Dị ứng hoặc viêm nhiễm gây tắc nghẽn đường mũi, gây thở bằng miệng do lưỡi bị đặt ở tư thế thấp trong miệng.
  • Lưỡi to bất thường.
  • Viêm vòm họng, sưng amidan và đau họng dẫn đến khó nuốt.
  • Yếu tố di truyền.
  • Chấn thương tâm lý, căng thẳng.
  • Phanh lưỡi ngắn.

Trong thực tế lâm sàng, có nhiều tình huống khó phân biệt lực đẩy lưỡi tiên phát với đẩy lưỡi thứ phát.

Hậu quả của tật đẩy lưỡi

Đẩy lưỡi có thể gây ra tình trạng khớp cắn hở và hô ra cả 2 hàm, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chức năng của bộ răng. Mức độ ảnh hưởng cũng phụ thuộc vào thời gian và tần suất đẩy lưỡi. 

Tác hại của tật đẩy lưỡi là gì? 2
Đẩy lưỡi có thể gây ra tình trạng khớp cắn hở và hô ra cả 2 hàm

Có nhiều hình thái đẩy lưỡi khác nhau có thể gây ra lệch lạc răng hàm, chẳng hạn như:

  • Cắn hở phía trước: Đây là loại điển hình và phổ biến nhất. Cắn hở là tình trạng hàm trên và hàm dưới không cắn chặt vào nhau khi hai hàm khép lại hết mức. Ở các tư thế nghỉ, môi không khép chặt, miệng mở và lưỡi đẩy ra phía trước. Cắn hở là do lưỡi nằm giữa răng cửa hàm trên và hàm dưới, cản trở các răng mọc lên bình thường. Những người mắc chứng cắn hở thường gặp khó khăn khi phát âm, có thể bị thở miệng, mút ngón tay kết hợp. Kiểu đẩy lưỡi này thường gặp ở trẻ có lưỡi to bất thường.
  • Đẩy lưỡi phía trước: Răng cửa trên nhô về phía trước và răng cửa dưới ngả vào trong.
  • Đẩy lưỡi 1 bên: Có khớp cắn hở 1 bên.
  • Đẩy lưỡi 2 bên: Khớp cắn phía trước đóng, các răng phía sau bị cắn hở cả 2 bên. Loại đẩy lưỡi này khó khắc phục và khó điều trị;
  • Đẩy lưỡi cắn khít: Các răng phía trước ở hàm trên và hàm dưới đều bị nghiêng ra trước và thưa nhau.

Các cách loại bỏ thói quen đẩy lưỡi hiệu quả

Có hai cách để loại bỏ tật đẩy lưỡi, cụ thể là:

  • Sử dụng các khí cụ trong miệng: Là phương pháp điều trị chuyên khoa được bác sĩ nha khoa chỉ định. Các khí cụ thông dụng bao gồm hàng rào chặn lưỡi, nút chặn lưỡi, thanh khẩu cái hỗ trợ tập lưỡi…
  • Luyện tập thói quen răng miệng đúng cách: Đây là bài tập giúp thay đổi kiểu nuốt của bạn và giúp rèn luyện cơ cũng như kết hợp phản xạ nuốt. Tỷ lệ thành công của phương pháp tập luyện này khá cao. Tuy nhiên, để có hiệu quả thì phải luyện tập bằng các khí cụ hỗ trợ răng miệng. Vì vậy, khi điều trị tật đẩy lưỡi, 2 phương pháp trên thường được kết hợp.
Tác hại của tật đẩy lưỡi là gì? 3
Luyện tập thói quen răng miệng đúng cách để loại bỏ tật đẩy lưỡi

Để điều chỉnh thói quen đẩy lưỡi, mọi người cần chú ý tập lưỡi từ khi trẻ khoảng 8 tuổi. Các động tác như sau:

  • Đặt đầu lưỡi của bạn vào bên trong lợi, ngay phía sau răng cửa hàm trên.
  • Cắn 2 hàm lại. Nuốt nhưng căn chỉnh sao cho lưỡi không chạm vào răng cửa. Cách làm đúng là đưa lưỡi đi lên về phía vòm miệng.

Bạn tưởng tượng 3 động tác trên là 3 nhịp đếm, đếm 1 - 2 - 3, thực hiện trong cả ngày. Khi đã thành thạo, bạn có thể luyện tập với một lượng nhỏ thức ăn hoặc nước lọc. Điều quan trọng nhất là phải kiên nhẫn để đẩy lùi tật đẩy lưỡi. Về tần suất thực hiện, bạn nên tập 2 lần mỗi ngày, mỗi lần khoảng 5 phút. Bạn có thể quan sát hiệu quả của bài tập bằng cách sử dụng ngón tay giữ 2 môi mở trước gương, khi nuốt quan sát lưỡi không đẩy vào răng là đạt yêu cầu.

Với trường hợp bị đẩy lưỡi ở tư thế nghỉ, bạn sẽ cảm thấy nó chạm vào răng chứ không phải là lợi. Bài tập được khuyến cáo là đặt đầu lưỡi lên vòm miệng và tạo ra âm thanh tặc tặc liên tục. Mỗi khi bạn phát hiện lưỡi đẩy vào răng nghĩa là bạn có thể luyện tập. Bài tập này giúp giảm tình trạng hô cho người bị lưỡi to kết hợp với tật đẩy lưỡi. Đối với trẻ em, cha mẹ có thể thay đổi phương pháp luyện tập và yêu cầu trẻ phát âm các chữ cái D, T, K, L…, hoặc luyện các bài hát đơn âm theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tật đẩy lưỡi có thể dẫn đến sai lệch khớp cắn, lệch lạc về răng và hàm mặt và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Vì vậy, cần phát hiện và can thiệp sớm để thay đổi những thói quen xấu của người bệnh.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.