Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các bệnh về lưỡi thường gặp: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị

Ngày 18/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lưỡi không chỉ là cơ quan vị giác mà nó còn là bộ phận đa chức năng tham gia vào việc tiêu hóa và giao tiếp của con người. Vì lúc nào chúng ta cũng sử dụng lưỡi nên nếu bạn gặp các bệnh về lưỡi chắc chắn cảm giác sẽ vô cùng khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt, giao tiếp.

Giữ lưỡi luôn khỏe mạnh là điều cần thiết. Chú ý đến vẻ ngoài của lưỡi có thể giúp bạn phát hiện những bất thường về sức khỏe trong miệng, thậm chí là những cơ quan khác trong cơ thể, từ đó có những biện pháp điều trị bệnh kịp thời.

Tổng quan về cơ quan lưỡi ở người

Lưỡi của con người là một cơ quan đa năng, không chỉ cho phép chúng ta cảm nhận được sự phong phú của hương vị mà còn hỗ trợ các quá trình thiết yếu của quá trình tiêu hóa lẫn chức năng ngôn ngữ. Trước khi tìm hiểu các bệnh về lưỡi thường gặp, chúng ta cần biết tổng quan vị trí, chức năng của cơ quan linh hoạt này.

Các bệnh về lưỡi thường gặp: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị 1
Lưỡi là bộ phận quan trọng trong cơ thể người

Vị trí, cấu tạo của lưỡi

Lưỡi nằm ở vị trí trung tâm khoang miệng, bề mặt có các nhú cảm giác hoặc nụ vị giác, cho phép chúng ta phát hiện và cảm nhận nhiều loại vị giác khác nhau.

Bộ phận này có hình dạng trông giống như một khối hình tam giác, gốc lưỡi được cố định chắc chắn vào hàm dưới và xương móng của xương sọ, tạo điều kiện cho lưỡi thực hiện nhiều chuyển động linh hoạt. Các sợi cơ của lưỡi chạy theo cả chiều dọc và chiều ngang, cho phép chúng ta thực hiện các chuyển động phức tạp cần thiết cho việc nhai, nuốt và phát âm.

Chức năng của lưỡi

Vai trò chính của lưỡi là cơ quan vị giác. Nó chứa các chồi vị giác nhạy cảm với bốn vị cơ bản: Ngọt, mặn, chua và đắng, mỗi vị được cảm nhận ở các vùng khác nhau của lưỡi. Khả năng cảm giác này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm ăn uống của chúng ta mà còn đóng vai trò như “người gác cổng”, báo hiệu sự hiện diện của các chất có hại.

Ngoài vị giác, lưỡi còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa. Lưỡi vận chuyển thức ăn trong miệng, hỗ trợ việc nhai và tạo thành một viên thức ăn để nuốt được dễ dàng, giúp việc tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả.

Các bệnh về lưỡi thường gặp: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị 2
Lưỡi đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu hóa thức ăn

Hơn nữa, lưỡi rất quan trọng đối với chức năng ngôn ngữ. Chuyển động của nó góp phần hình thành âm thanh, giúp chúng ta giao tiếp hiệu quả. Do đó, bất kỳ sự bất thường hoặc suy yếu nào của cơ quan lưỡi cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống cũng cản trở việc giao tiếp của chúng ta.

Chưa dừng lại đó, lưỡi cũng đóng vai trò như một chỉ số về sức khỏe. Những thay đổi về hình thức bên ngoài, chẳng hạn như màu sắc hoặc kết cấu, có thể báo hiệu các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cần được theo dõi thường xuyên.

Dấu hiệu nhận biết có bệnh về lưỡi

Lưỡi là một quan kỳ diệu, được tạo thành từ một nhóm cơ cho phép chúng ta nếm thức ăn, nuốt và nói chuyện. Một chiếc lưỡi khỏe mạnh thường có màu hồng và có các nốt nhỏ gọi là nhú. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể phá vỡ tình trạng này, dẫn đến các bệnh về lưỡi với những triệu chứng từ khó chịu nhẹ đến các dấu hiệu cảnh báo sức khỏe nghiêm trọng hơn.

  • Đau hoặc khó chịu;
  • Cảm giác nóng rát lưỡi;
  • Sưng, gây khó khăn khi ăn hoặc nói;
  • Xuất hiện vết loét;
  • Thay đổi màu sắc, từ mảng trắng sang bề mặt đen;
  • Những thay đổi về kết cấu lưỡi.
Các bệnh về lưỡi thường gặp: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị 3
Bệnh về lưỡi ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể

Nguyên nhân của các vấn đề về lưỡi

Nguyên nhân của các vấn đề về lưỡi rất đa dạng vì chúng ta sử dụng lưỡi hầu như cả ngày. Khi lưỡi xuất hiện các tình trạng khác nhau biểu hiện qua cảm giác đau đớn, đổi màu hoặc thay đổi kết cấu thì bạn không được chủ quan vì khả năng bạn mắc phải bệnh về lưỡi.

Theo bác sĩ chuyên khoa, các vấn đề về lưỡi mức độ nhẹ nếu phát hiện và xử lý kịp thời thường sẽ có thể được khắc phục nhanh chóng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các bất thường ở lưỡi cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có thể là ung thư lưỡi, cần được bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Nguyên nhân gây đau và sưng lưỡi

Chấn thương và kích ứng

Những sự cố vô tình chẳng hạn như cắn vào lưỡi hoặc bỏng do đồ uống nóng, có thể dẫn đến lưỡi đau tạm thời. Bên cạnh đó, thói quen mãn tính như việc nghiến răng cũng góp phần gây khó chịu cho cơ quan lưỡi.

Hút thuốc

Hút thuốc lá gây kích ứng đáng kể, có thể dẫn đến đau nhức lưỡi dai dẳng.

Vết loét nhiệt miệng

Các vết loét nhiệt miệng liên quan đến căng thẳng thường trầm trọng hơn trong thời gian chúng ta gặp căng thẳng cao độ.

Các bệnh về lưỡi thường gặp: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị 4
Vết loét nhiệt miệng chứa vi khuẩn gây bệnh

Hội chứng bỏng lưỡi

Đây là tình trạng ảnh hưởng đến phụ nữ sau mãn kinh, đặc trưng bởi cảm giác nóng rát lưỡi mãn tính.

Nhú phì đại

Khi nhú lưỡi bị viêm/bị kích thích, chúng sẽ khiến lưỡi bị đau và sưng.

Tình trạng sức khỏe tiềm ẩn

Bệnh tiểu đường, thiếu máu và ung thư miệng là những tình trạng nghiêm trọng có thể biểu hiện thông qua các triệu chứng bất thường ở lưỡi.

Nguyên nhân của lưỡi trắng

Bạch sản

Sự phát triển quá mức của các tế bào dẫn đến các mảng trắng xuất hiện trên bề mặt lưỡi, thường liên quan đến kích ứng và hút thuốc.

Bệnh nấm miệng

Đây là tình trạng bị nhiễm trùng nấm men dẫn đến các mảng giống như pho mát, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, người già và những người có hệ miễn dịch yếu.

Các bệnh về lưỡi thường gặp: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị 5
Nấm men cũng gây bệnh khoang miệng

Lichen phẳng vùng miệng

Bệnh có biểu hiện đặc trưng đó là xuất hiện một mạng lưới các đường trắng nổi lên trên lưỡi với hình dạng giống như ren. Tình trạng này thường tự khỏi nhưng bạn vẫn cần phải theo dõi.

Nguyên nhân lưỡi đỏ (lưỡi dâu tây)

Thiếu hụt dinh dưỡng

Thiếu axit folic và vitamin B-12 có thể dẫn đến hiện tượng lưỡi dâu tây.

Lưỡi bản đồ

Đây là tình trạng xuất hiện các mảng màu đỏ giống như bản đồ trên lượi. Lưỡi bản đồ thường lành tính, có thể thay đổi vị trí theo thời gian.

Hội chứng sốt tinh hồng nhiệt và Kawasaki

Các bệnh truyền nhiễm này khi mắc phải thường biểu hiện qua một số triệu chứng, trong đó có lưỡi dâu tây. Sốt tinh hồng nhiệt thường phải dùng kháng sinh. Bệnh kawasaki thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, biểu hiện sốt cao lẫn sưng tay chân.

Nguyên nhân lưỡi có lông đen

Nghe lưỡi lông đen nhiều người cảm giác lo ngại nhưng thực tế lưỡi đen và có lông thường không nguy hiểm. Hiện tượng này xuất phát từ sự phát triển quá mức của vi khuẩn, tế bào chết và các mảnh vụn khác bị mắc kẹt trên lưỡi.

Nhú gai trên bề mặt lưỡi thường sẽ phát triển trong suốt cuộc đời của chúng ta. Tuy nhiên, một số người có thể gặp tình trạng nhú gai dài quá mức thay vì bị mài mòn bởi các hoạt động hàng ngày. Nhú gai dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn cư trú và phát triển nhiều hơn. Khi đó, lưỡi chắc chắn trông sẫm màu hơn bình thường, đồng thời nhú gai mọc quá mức cũng trông giống như lông trên bề mặt lưỡi.

Các bệnh về lưỡi thường gặp: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị 6
Lưỡi có lông đen do sự phát triển quá mức của vi khuẩn

Chẩn đoán và điều trị các bệnh về lưỡi

Để có thể điều trị hiệu quả các bệnh về lưỡi, bác sĩ trước tiên sẽ thăm khám lâm sàng. Khi cần thiết, một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm nhằm kiểm tra các bệnh lý chẳng hạn như đái tháo đường hoặc thiếu vitamin có thể gây ra các triệu chứng ở lưỡi. Đặc biệt, nếu bệnh nhân có khối u ở miệng, bác sĩ sẽ tiến hành làm sinh thiết để kiểm tra ung thư.

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị các bệnh về lưỡi. Không phải triệu chứng nào ở lưỡi cũng nghiêm trọng, phần lớn sẽ tự biến mất nếu bạn tuân theo hướng dẫn bác sĩ. Trường hợp có bệnh lý nền, việc điều trị bệnh nền sẽ cải thiện các triệu chứng ở lưỡi.

Với những người bị nấm miệng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc súc miệng và thuốc kháng nấm. Trường hợp lưỡi bị loét hoặc các vấn đề khác gây đau, người bệnh được khuyên tránh ăn thức ăn cay hoặc chua để lưỡi không bị kích ứng.

Nếu là ung thư lưỡi, việc điều trị sẽ bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc có thể điều trị bằng thuốc.

Các bệnh về lưỡi thường gặp: Nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị 7
Nên cẩn thận chăm sóc sức khỏe răng miệng để tránh vi khuẩn gây bệnh

Lưu ý là một số vấn đề về lưỡi có thể liên quan đến sức khỏe răng miệng kém nên bạn cần phải quan tâm, thực hành việc chăm sóc răng miệng đúng cách sạch sẽ. Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo chúng ta nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, bên cạnh đó sử dụng dụng cụ cạo lưỡi mỗi ngày để giúp loại bỏ vi khuẩn lẫn các chất bẩn khác. Nếu nghiện hút thuốc lá, bạn cần quyết tâm cai nghiện.

Tóm lại, mặc dù nhiều tình trạng về lưỡi là lành tính và tự khỏi nhưng việc nhận biết khi nào cần đánh giá chuyên môn là điều cần thiết. Bản thân mỗi chúng ta cũng phải chủ động phòng tránh các bệnh về lưỡi bằng cách duy trì vệ sinh răng miệng tốt, ăn uống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, bỏ hút thuốc và kiểm soát căng thẳng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm