Tại sao xác định chiều dài xương đùi thai nhi lại quan trọng?
Ngày 26/10/2022
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Khi khám thai, một trong số các chỉ số thai kỳ mà các mẹ cần quan tâm là chiều dài xương đùi thai nhi. Chỉ số này sẽ cho biết chiều cao của bé trong tương lai, để các bậc phụ huynh có các giải pháp can thiệp kịp thời, thậm chí ngay từ thai kỳ. Vậy, chiều dài xương đùi thai nhi là gì? Tại sao chỉ số này lại quan trọng?
Chiều dài xương đùi thai nhi là chỉ số quan trọng, ảnh hưởng gián tiếp đến chiều cao của bé sau này. Bên cạnh đó, chiều dài xương đùi cũng phản ánh rõ sự phát triển của thai nhi theo từng tuần tuổi.
Các chỉ số của thai nhi cần được quan tâm
Khi mang thai, mẹ bầu cần được kiểm tra định kỳ để đánh giá sự phát triển của thai và sức khỏe của mẹ. Sự phát triển của thai nhi được thể hiện qua các chỉ số có trong kết quả siêu âm. Có rất nhiều thuật ngữ và ký hiệu về các chỉ số thai nhi, dưới đây là các ký hiệu của các chỉ số thai nhi quan trọng mà gia đình cần chú ý:
GA (Gestational age):Tuổi thai - là khoảng thời gian tính từ ngày đầu của chu kỳ kinh cuối cùng.
BPD (Biparietal diameter): Đường kính lưỡng đỉnh - là đường kính của mặt cắt lớn nhất của hộp sọ thai nhi.
CRL (Crown rump length): Chiều dài đầu mông - độ dài từ đỉnh đầu đến hết mông của thai nhi, do ở nửa đầu chu kỳ, thai nhi cuộn mình nên khó có thể đo được chiều dài đầu - chân. Sang nửa cuối thai kỳ, chiều dài đầu - chân sẽ được sử dụng để thay thế.
GSD (Gestational sac diameter): Đường kính của túi thai - là chỉ số đo được của túi thai trong những tuần đầu thai kỳ, khi thai nhi chưa hình thành các cơ quan.
FL (Femur length): Chiều dài xương đùi thai nhi.
EFW (estimated fetal weight): Cân nặng ước tính của thai nhi.
Vì sao cần đo chiều dài xương đùi của thai nhi?
Việc đo chiều dài xương đùi của thai nhi là một trong những xét nghiệm quan trọng trong quá trình khám thai. Dưới đây là những lý do chính vì sao chỉ số này lại được các bác sĩ đặc biệt quan tâm:
Xác định tuổi thai: Chiều dài xương đùi có mối liên hệ chặt chẽ với tuổi thai. Bằng cách đo chiều dài này, bác sĩ có thể ước tính chính xác hơn tuổi của thai nhi, từ đó lập kế hoạch theo dõi và chăm sóc thai kỳ một cách phù hợp.
Đánh giá tốc độ tăng trưởng: Tốc độ phát triển của xương đùi phản ánh tốc độ tăng trưởng chung của thai nhi, ước tính kích thước và cân nặng của thai. Nếu xương đùi phát triển chậm so với tiêu chuẩn, có thể là dấu hiệu của sự chậm phát triển hoặc thai thiếu dinh dưỡng.
Đánh giá sự phát triển tổng thể: Chiều dài xương đùi cùng với các chỉ số khác như chu vi đầu, chu vi bụng,... giúp bác sĩ đánh giá sự phát triển tổng thể của thai nhi có cân đối hay không.
Phát hiện sớm các bất thường: Sự bất thường về chiều dài xương đùi có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như hội chứng Down, các dị tật bẩm sinh ở xương,... Việc phát hiện sớm các bất thường này giúp bác sĩ đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời.
Độ dài xương đùi thai nhi là một chỉ số quan trọng, gắn liền với sự lớn lên của thai nhi. Vì vậy, chỉ số chiều dài xương đùi thai nhi tiêu chuẩn cũng sẽ thay đổi theo từng tuần tuổi của thai.
Các bà mẹ có thể tham khảo bảng dưới đây để theo dõi sự lớn lên của thai và từ đó điều chỉnh lại chế độ ăn, thói quen hàng ngày để cải thiện chỉ số. Bên cạnh đó, các bố mẹ chỉ nên siêu âm, khám thai tại các mốc định kỳ hoặc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh việc siêu âm quá thường xuyên ảnh hưởng đến sự phát triển của thai.
Chiều dài xương đùi thai nhi ngắn hơn tiêu chuẩn có sao không?
Chiều dài xương đùi thai nhi ngắn không phải là vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên những nguyên nhân tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ thai nhi. Trong một số trường hợp, chỉ số xương đùi của trẻ ngắn hơn so với bình thường, đây có thể là một dấu hiệu có thể làm tăng 2 - 3 lần nguy cơ mắc phải hội chứng Down. Đây chỉ là dấu hiệu nguy cơ chứ không phải là kết luận chính xác, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho mẹ thực hiện các phương pháp chẩn đoán khác như xét nghiệm máu, siêu âm đo độ mờ da gáy,... để xác định rõ hơn.
Theo nghiên cứu của Papageorghiou trên 129 thai nhi có chiều dài xương đùi ngắn hơn tiêu chuẩn thì có 46 trường hợp (36%) có các dấu hiệu khác kèm theo. Và trong 46 trường hợp này có 16 trường hợp gặp bất thường ở hệ xương và 14 trường hợp mắc các hội chứng di truyền. Ở các trường hợp không có dấu hiệu nào khác thì không có trường hợp nào có bất thường hệ xương hoặc bất thường di truyền. Vì vậy, việc đánh giá chiều dài xương đùi thai nhi ngắn hơn tiêu chuẩn có sao không còn cần xem xét thêm các yếu tố như sau:
Khám lâm sàng, cận lâm sàng ở bố mẹ hoặc người thân để tìm ra các yếu tố di truyền, đánh giá tiền sử bệnh.
Siêu âm chi tiết đánh giá các dấu hiệu kèm theo nếu có.
Xét nghiệm di truyền (xâm lấn hoặc không xâm lấn) để tìm ra các hội chứng di truyền.
Xét nghiệm máu để đánh giá nguy cơ các bệnh lý của thai phụ.
Chiều dài xương đùi thai nhi ngắn do đâu?
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến xương đùi thai nhi ngắn:
Yếu tố di truyền
Con cái sẽ được thừa hưởng chiều cao của bố mẹ. Các yếu tố di truyền là một trong những yếu tố quan trọng, chiếm tới 23% những nguyên nhân quyết định chiều dài xương đùi thai nhi. Và yếu tố di truyền là phần gần như không thể thay đổi được.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, sự phát triển của thai hay chỉ số chiều dài xương đùi. Các bà mẹ khi mang thai cần được bổ sung đa dạng các nhóm thực phẩm khác nhau để có thể bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai kỳ.
Nếu chỉ quá chú trọng vào một loại nhóm thực phẩm như đạm hoặc chất béo, tinh bột,... cơ thể người mẹ sẽ thiếu các chất cần thiết khác để tham gia vào các quá trình chuyển hóa để tạo nên cơ thể sống cho em bé.
Thói quen sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Người mẹ có những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như thức khuya, uống nhiều nước ngọt, sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê hay hút thuốc lá,... đều có thể là nguyên nhân khiến thai nhi phát triển không tốt. Bên cạnh đó, tâm lý của các mẹ bầu cũng cần được quan tâm không kém.
Cách cải thiện khi chiều dài xương đùi thai nhi ngắn
Để thai nhi trong bụng có thể phát triển một cách thuận lợi nhất, chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt của mẹ bầu rất cần được chú ý.
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai
Các mẹ khi mang thai cần được bổ sung dinh dưỡng từ nhiều nhóm thực phẩm bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, các vitamin và khoáng chất khác.
Trong suốt thai kỳ, nên tăng cường các loại thực phẩm sau:
Thực phẩm giàu canxi: Sữa, ngũ cốc, bông cải xanh, cải xoăn,… Canxi vừa giúp hệ thống tuần hoàn, cơ bắp và hệ thần kinh của mẹ lẫn thai nhi hoạt động bình thường, vừa làm chắc khỏe xương ở người mẹ và tăng cường tạo xương ở thai nhi.
Thực phẩm giàu vitamin D: Cá hồi, nấm, lòng đỏ trứng,... Vitamin D sẽ tham gia vào quá trình chuyển hóa canxi ở mẹ và bé. Người mẹ cũng có nguy cơ tiền sản giật cao hơn nếu thiếu vitamin D.
Protein (chất đạm): Thịt nạc, cá, trứng, các loại hạt, đậu,… Chất đạm cần thiết cho sự phát triển các mô và cơ quan của thai, đồng thời hỗ trợ phát triển mô vú và tử cung của người mẹ khi mang thai.
Sắt: Thịt đỏ, rau bina, các loại đậu, bông cải xanh,… Trong thai kỳ, thể tích máu của người mẹ tăng 50% để nuôi dưỡng cho thai nhi. Do vậy, mẹ bầu cầu được cung cấp đủ sắt để tăng lượng máu đến thai nhi và bù lại lượng máu bị mất lúc sinh.
Thói quen sinh hoạt khi mang thai
Người mẹ khi mang thai cần duy trì một thói quen sinh hoạt khoa học để bảo vệ sức khỏe của mình và không ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Cần ngủ sớm, ngủ đủ giấc.
Tập thể dục, vận động vừa phải.
Uống đủ nước.
Tránh xa các chất kích thích.
Chiều dài xương đùi thai nhi là một yếu tố cần được quan tâm trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, các bố mẹ cũng không cần quá lo lắng khi chỉ số này thấp hơn tiêu chuẩn. Hãy siêu âm thai định kỳ và nghe theo những hướng dẫn của bác sĩ để đem lại những điều tốt nhất cho em bé của mình!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.