Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tăng áp động mạch phổi: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngày 10/09/2024
Kích thước chữ

Tăng áp động mạch phổi là căn bệnh khá phổ biến mà bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào dù trẻ sơ sinh hay người lớn đều có nguy cơ mắc phải. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ về tình trạng bệnh lý này. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng tăng áp động mạch phổi.

Vậy tăng áp động mạch phổi là gì? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng áp động mạch phổi ra sao? Chẩn đoán và điều trị tăng áp động mạch phổi như thế nào? Tất cả sẽ được Nhà thuốc Long Châu làm sáng tỏ trong bài viết sức khỏe dưới đây.

Tổng quan về tình trạng tăng áp động mạch phổi

Ở người bình thường, tâm thất chịu trách nhiệm bơm máu đến phổi để tiếp nhận oxy và tuần hoàn đi khắp cơ thể. Điều này tạo ra một áp lực lên thành động mạch phổi. Vậy tăng áp động mạch phổi là gì?

Tăng áp động mạch phổi là một dạng tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các động mạch phổi và bên phải của tim. Tăng áp động mạch phổi xảy ra khi áp lực lên thành động mạch phổi tăng lên. Buồng thất phải phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua phổi khi áp suất được xây dựng và theo thời gian, cơ tim sẽ bị suy yếu và cuối cùng là suy hoàn toàn.

Theo đánh giá từ phía các chuyên gia, tăng áp động mạch phổi là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Căn bệnh này thường có xu hướng trở nên tồi tệ dần theo thời gian, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong.

Hiện nay, căn bệnh này vẫn chưa thể được chữa khỏi. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu gây ra bởi tình trạng tăng áp động mạch phổi.

Tăng áp động mạch phổi: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 1
Tăng áp động mạch phổi là tình trạng bệnh lý vô cùng nguy hiểm

Triệu chứng của tăng áp động mạch phổi

Các chuyên gia chỉ ra rằng, ở giai đoạn đầu, tăng áp động mạch phổi thường không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh diễn tiến trong âm thầm và nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển biến trở nên nghiêm trọng. Vậy đâu là triệu chứng của tăng áp động mạch phổi?

Khi mắc tăng áp động mạch phổi, người bệnh có thể phải đối mặt với một số triệu chứng dưới đây:

  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, có thể bị ngất xỉu;
  • Khó thở và mau kiệt sức khi vận động, tập luyện thể dục thể thao;
  • Đau thắt ngực;
  • Nhịp tim và mạch đập nhanh bất thường;
  • Tay, chân, mắt cá chân bị sưng phù;
  • Xuất hiện các vết xanh tím trên da và môi;
  • Chướng bụng, khó tiêu…
Tăng áp động mạch phổi: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 2
Khó thở là một trong những dấu hiệu cảnh báo tăng áp động mạch phổi

Nguyên nhân dẫn đến tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân gây tăng áp động mạch phổi có thể chia thành 2 nhóm chính, bao gồm:

Nguyên nhân tăng áp động mạch phổi nguyên phát

Hiện nay, vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây tăng áp động mạch phổi nguyên phát. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến tình trạng bệnh này, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Do dị tật bẩm sinh;
  • Do đột biến gen hoặc yếu tố di truyền;
  • Tác động của thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc;
  • Do một số bệnh lý liên quan đến mao mạch, tĩnh mạch;
  • Do một số bệnh lý khác, chẳng hạn như xơ gan, HIV…

Nguyên nhân tăng áp động mạch phổi thứ phát

Tăng áp động mạch phổi thứ phát phổ biến hơn so với tăng áp động mạch phổi nguyên phát. Nguyên nhân gây tăng áp động mạch phổi thứ phát có thể kể đến như:

  • Tắc nghẽn động mạch phổi do sự tồn tại của cục máu đông;
  • Các vấn đề bất thường ở phổi như phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi, chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Tim bẩm sinh, suy tim hay một số bất thường liên quan đến tim như phì đại tâm thất trái, hẹp van tim, hở van tim…
  • Rối loạn các mô liên kết (xơ cứng bì, lupus…);
  • Lạm dụng chất kích thích;
  • Người bệnh mắc bệnh gan mãn tính, bệnh thiếu máu tế bào hình liềm…
Tăng áp động mạch phổi: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 3
Sự hình thành cục máu đông có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng áp động mạch phổi

Chẩn đoán và điều trị bệnh tăng áp động mạch phổi

Như đã trình bày phía trên, tăng áp động mạch phổi là tình trạng bệnh lý vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Chính vì thế, việc phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời là điều vô cùng cần thiết. Vậy chẩn đoán và điều trị tăng áp động mạch phổi như thế nào?

Chẩn đoán

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ tăng áp động mạch phổi, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để thăm khám càng sớm càng tốt. Bên cạnh việc khai thác thông tin tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán chẳng hạn như chụp X-quang phổi, siêu âm tim Doppler, điện tim, đặt ống thông tim…

Điều trị

Khi đã xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng khó chịu là do tăng áp động mạch phổi, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị với các biện pháp điều trị phù hợp. Các biện pháp điều trị tăng áp động mạch phổi có thể kể đến như:

  • Sử dụng thuốc: Các thuốc dùng trong điều trị tăng áp động mạch phổi bao gồm thuốc chống đông Warfarin, thuốc lợi tiểu, thuốc trợ tim, thuốc chống loạn nhịp… Tuỳ vào từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định loại thuốc phù hợp.
  • Thở oxy: Người bệnh sẽ được chỉ định thở oxy liên tục nếu áp lực riêng oxy máu động mạch PaO2 dưới 60mmHg hoặc Spo2 dưới 90%.
  • Phẫu thuật: Trong trường hợp sử dụng thuốc không mang lại hiệu quả trong điều trị thì bác sĩ có thể chỉ định người bệnh làm phẫu thuật. Đối với tăng áp động mạch phổi, có 2 phương pháp phẫu thuật chính có thể được cân nhắc đó là phẫu thuật thông vách liên nhĩ và cấy ghép tim - phổi. Tùy theo từng tình trạng bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.
Tăng áp động mạch phổi: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 4
Đến gặp bác sĩ để thăm khám khi có dấu hiệu nghi ngờ tăng áp động mạch phổi

Các biện pháp phòng ngừa tăng áp động mạch phổi

Tăng áp động mạch phổi là tình trạng bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khoẻ như phì đại tâm thất phải, hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu, rối loạn nhịp tim, ho ra máu… Chính vì thế, việc chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này là điều vô cùng cần thiết.

Để phòng ngừa tăng áp động mạch phổi, bạn cần:

  • Thay đổi và duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh: Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, vận động vừa sức, tránh căng thẳng stress, tránh lạm dụng rượu bia, tránh hút thuốc lá…
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng và khoa học: Đảm bảo đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng cần thiết trong khẩu phần ăn, hạn chế lượng muối để ngăn ngừa nguy cơ phù mạch máu, giữ cân nặng và duy trì vóc dáng cân đối…
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần để theo dõi sức khoẻ đồng thời phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn từ đó có hướng can thiệp điều trị kịp thời.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh tình trạng bệnh lý tăng áp động mạch phổi mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý độc giả. Hy vọng rằng, với những thông tin Nhà thuốc Long Châu cung cấp hôm nay, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này đồng thời nắm được các biện pháp phòng ngừa tăng áp động mạch phổi.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin