Long Châu

Tim bẩm sinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tim bẩm sinh là một tình trạng bệnh lý hiếm gặp. Theo thống kê cứ 1000 trẻ được sinh ra thì có 8 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Vậy, đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng tim bẩm sinh và điều trị như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tim bẩm sinh là gì? 

Bệnh tim bẩm sinh hay còn gọi là dị tật tim bẩm sinh là một bất thường về tim ngay từ khi sinh ra như dị tật cơ tim, buồng tim, van tim,… Lúc này, một vài cấu trúc của tim sẽ bị khiếm khuyết dẫn tới những hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng.

Có rất nhiều loại dị tật tim bẩm sinh khác nhau. Chúng bao gồm những tình trạng đơn giản không gây ra triệu chứng tới những tình trạng phức tạp gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Tim bẩm sinh có thể được phát hiện sớm (trong quá trình mẹ mang thai hoặc ngay sau khi trẻ được sinh ra). Nhưng đôi khi, tim bẩm sinh không được chẩn đoán cho tới thời thơ ấu, thanh niên hoặc trưởng thành.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tim bẩm sinh

Tim bẩm sinh thường được phát hiện khi siêu âm thai. Khi bác sĩ nghe thấy nhịp của tim thai bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một vài xét nghiệm như siêu âm thai, chụp X-quang, hoặc MRI để chẩn đoán chính xác bệnh.

Một vài trường hợp, trẻ bị tâm bẩm sinh sẽ không gặp bất cứ triệu chứng nào trong một thời gian ngắn sau khi sinh. Trẻ bị tim bẩm sinh thường có những dấu hiệu như:

  • Ngón tay, ngón chân, môi và da hơi xanh;

  • Bé khó ăn uống;

  • Bé thở khó khăn;

  • Trẻ thiếu cân khi sinh ra;

  • Trẻ chậm phát triển.

Trong những trường hợp khác, những triệu chứng của tim bẩm sinh có thể không xuất hiện cho tới nhiều năm sau khi sinh, hoặc cho tới khi trưởng thành. Một vài dấu hiệu cho thấy tim bẩm sinh ở những thiếu niên hoặc người trưởng thành là:

  • Nhịp tim bất thường;

  • Đau ngực;

  • Cảm thấy chóng mặt, khó thở;

  • Thường xuyên bị ngất xỉu;

  • Cảm thấy mệt mỏi;

  • Phù: Mặt, chân và tay có dấu hiệu bị sưng phù một cách bất thường.

Biến chứng có thể gặp khi bị tim bẩm sinh

  • Rối loạn nhịp tim: Là tình trạng nhịp tim đập không đều. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách người bệnh có thể bị đột quỵ hoặc đột tử.

  • Viêm nội tâm mạc (nhiễm trùng tim): Là tình trạng lớp nội tâm mạc của cơ tim bị nhiễm trùng, xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu và di chuyển tới tim. Viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng hay phá hủy van tim gây ra đột quỵ nếu không được điều trị kịp thời.

  • Thoái hóa van tim: Tim bẩm sinh gây ra những kết nối bất thường giữa các van tim từ đó làm cho chúng gặp trục trặc và bị thoái hóa nhanh hơn bình thường.

  • Tăng huyết áp động mạch phổi: Một vài dị tật tim bẩm sinh làm cho lưu lượng máu tới phổi tăng lên, khiến cho áp lực trong động mạch phổi tăng lên.

  • Suy tim: Tim bẩm sinh gây ảnh hưởng tới chức năng hoạt động của tim. Sau một thời gian, tim dần bị suy yếu, khiến cho tim bơm máu không đủ so với nhu cầu của cơ thể, dẫn tới suy tim.

  • Đột quỵ: Dị tật tim bẩm sinh làm hình thành những cục máu đông ở trong tim và não dẫn tới làm giảm hoặc ngăn chặn cung cấp máu cho não, gây ra tình trạng đột quỵ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tim bẩm sinh

Hiện nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây ra tim bẩm sinh. Theo các nhà khoa học, một số nguyên nhân gây ra tim bẩm sinh là:

  • Yếu tố di truyền.

  • Bị rối loạn nhiễm sắc thể: 13, 18, 22, 21 trong hội chứng Down, hội chứng Klinefelter (47, XXY), hội chứng Turner (XO),…

  • Mẹ bầu bị mắc một số bệnh: Tiểu đường, béo phì, lupus đỏ,…

  • Hút thuốc và uống rượu bia.

  • Sử dụng một số thuốc trong quá trình mang thai: Thuốc ngủ, thuốc trầm cảm, hen phế quản,…

  • Tiếp xúc với X-quang ở 3 tháng đầu thai kỳ.

  • Mang thai khi đã lớn tuổi.

  • Sử dụng thuốc phá thai không rõ nguồn gốc.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) tim bẩm sinh?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị tim bẩm sinh. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) tim bẩm sinh

Nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị tim bẩm sinh:

Gia đình có người bị tim bẩm sinh.

Trong quá trình mang thai, người mẹ bị mắc một số bệnh: Rubella, thủy đậu, tiểu đường, béo phì, lupus đỏ,…

Hút thuốc và lạm dụng rượu bia trong quá trình mang thai.

Mẹ bầu thường xuyên tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm.

Có thai khi tuổi đã cao.

Sử dụng một số thuốc trong quá trình mang thai bao gồm cả statin và thuốc trị mụn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tim bẩm sinh

Một vài trường hợp, tim bẩm sinh thường không gây ra triệu chứng rõ ràng hoặc triệu chứng tới muộn khiến cho việc phát hiện và điều trị trở nên chậm trễ. Do đó, trẻ trước khi xuất viện được sàng lọc tim bẩm sinh bằng việc đo độ bão hòa oxy.

Sau khi nghi ngờ người bệnh bị tim bẩm sinh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm một vài xét nghiệm để chẩn đoán chính xác hơn:

  • Chụp X-quang ngực;

  • Điện tâm đồ ECG;

  • Siêu âm tim;

  • Một vài trường hợp có thể chụp cắt lớp vi tính tim hoặc chụp cộng hưởng từ tim;

  • Khi cần thiết có thể xét nghiệm máu thường quỵ.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị tim bẩm sinh hiệu quả

Việc điều trị tim bẩm sinh sẽ phụ thuộc vào loại cũng như mức độ nghiệm trọng của bệnh. Một vài trẻ bị dị tật tim nhẹ sẽ tự lành theo thời gian mà không cần phải điều trị. Những trường hợp nghiêm trọng thì cần được điều trị bằng những phương pháp khác nhau.

Sử dụng thuốc

Có nhiều thuốc giúp cho tim hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra có thể sử dụng một số thuốc ngăn hình thành cục máu đông hoặc kiểm soát tình trạng nhịp tim không đều.

Thiết bị cấy ghép tim

Một vài biến chứng liên quan tới dị tật tim bẩm sinh có thể được ngăn chặn bằng việc dùng một số thiết bị, như máy khử rung tim cấy ghép (ICD) và máy tạo nhịp tim có thể giúp điều chỉnh nhịp tim bất thường.

Đặt ống thông tim

Phương pháp đặt ống thông cho phép bác sĩ điều trị những dị tật tim bẩm sinh mà không cần tới phẫu thuật mở ngực và tim. Trong thủ tục này, bác sĩ sẽ đưa một ống mỏng vào tĩnh mạch ở chân và luồn lên tim. Khi ống thông ở đúng vị trí, bác sĩ sẽ sử dụng những công cụ nhỏ luồn qua ống thông để điều trị dị tật.

Phẫu thuật mổ tim

Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật tim hở để đóng những lỗ trên tim, sửa chữa van tim hoặc mở rộng những mạch máu.

Ghép tim

Một vài trường hợp tim bị dị tật nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định ghép tim. Trong phẫu thuật này, tim của trẻ sẽ được thay thế bằng một trái tim khỏe mạnh từ người hiến tim.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tim bẩm sinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

Phương pháp phòng ngừa tim bẩm sinh hiệu quả

Để phòng ngừa tim bẩm sinh, người mẹ bầu cần ghi nhớ những điều sau đây trong quá trình mang thai:

  • Không sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không được chỉ định của bác sĩ, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.

  • Bỏ thuốc lá hoặc tránh xa khói thuốc lá.

  • Uống acid folic trước và trong khi mang thai.

  • Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu cần thiết.

  • Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và lành mạnh.

  • Nói với bác sĩ những thuốc đã dùng trước và trong khi mang thai.

  • Tiêm vaccine phòng bệnh sởi và Rubella trước khi mang thai.

  • Kiểm soát tốt một số bệnh trong quá trình mang thai: Tiểu đường, cao huyết áp,…

  • Khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/congenital-heart-disease#treatments

  2. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21674-congenital-heart-disease

Các bệnh liên quan

  1. Tự kỷ

  2. Xơ cứng củ

  3. Hăm tã

  4. Hội chứng Lennox - Gastaut

  5. Dính thắng lưỡi

  6. Thân chung động mạch

  7. Hội chứng Silver - Russel

  8. Sứt môi và hở hàm ếch

  9. Cứng đa khớp bẩm sinh

  10. Thiếu 1 phần não