Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da: Đối tượng được chỉ định và chống chỉ định

Ngày 14/09/2023
Kích thước chữ

Phương pháp thay van động mạch chủ qua da là một kỹ thuật mới, đem lại nhiều tiến triển trong việc điều trị bệnh. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn phù hợp cho nhiều đối tượng người bệnh. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về phương pháp TAVI nhé!

Bệnh lý van động mạch chủ gây rối loạn, cản trở dòng máu lưu thông chứa oxy cùng dưỡng chất đi nuôi dưỡng cơ thể. Đây là tình trạng thường gặp ở đối tượng người lớn tuổi kèm theo nhiều bệnh lý nền. Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da đã mở ra nhiều hy vọng trong việc điều trị bệnh cho đối tượng người già với tiên lượng tốt, hiệu quả cao và thời gian phục hồi ngắn hơn so với biện pháp mổ mở truyền thống.

Tổng quan về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI)

Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) là phẫu thuật ít xâm lấn đã đánh dấu một bước tiến lớn trong lĩnh vực điều trị bệnh hẹp van động mạch chủ (aortic stenosis) - một bệnh tim mạch nguy hiểm.

TAVI được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2002, đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc cách mạng trong phẫu thuật tim mạch. TAVI là một phương pháp phẫu thuật không cần mở ngực để thay thế van động mạch chủ bị hẹp. Sau đó, TAVI đã trải qua nhiều cải tiến về thiết bị và kỹ thuật, giúp nó trở thành một phương pháp chính thống trong điều trị hẹp van động mạch chủ.

Về ưu điểm, kỹ thuật TAVI không yêu cầu mở ngực, giảm nguy cơ nhiễm trùng, đồng thời giảm thời gian hồi phục so với phẫu thuật truyền thống. Bởi vậy, thay van động mạch chủ qua da thường được áp dụng cho bệnh nhân cao tuổi hoặc có nhiều bệnh lý đi kèm.

Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da: Đối tượng được chỉ định và chống chỉ định 1
Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da là đột phá lớn trong việc điều trị bệnh

Chỉ định điều trị thay van động mạch chủ qua da

Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da (TAVI) đã trở thành một phương pháp điều trị quan trọng, đạt hiệu quả cao cho bệnh nhân mắc hẹp van động mạch chủ. Dưới đây là các chỉ định quan trọng cho việc thực hiện thay van động mạch chủ qua da, bao gồm:

  • TAVI thường được ưu tiên cho bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên. Người già thường có thể trạng kém, nhiều bệnh lý đi kèm khiến việc phẫu thuật truyền thống khó khăn hơn.
  • Người bệnh có độ hẹp van động mạch chủ nặng, có diện tích lỗ van nhỏ hơn 1cm2.
  • Chênh áp qua van (đo bằng độ chênh áp qua van) cũng cần lớn hơn 40 mmHg để xác định tính cần thiết của TAVI.
  • Trên lâm sàng, bệnh nhân cần có triệu chứng của hẹp van động mạch chủ như khó thở, đau ngực… Đồng thời, người bệnh có tiên lượng sống ngắn hơn 1 năm.
  • Đánh giá giải phẫu học của động mạch chủ và động mạch ngoại biên phải phù hợp với kỹ thuật TAVI.
  • Quyết định về việc thực hiện thay van động mạch chủ qua da nên được đưa ra sau khi bệnh nhân đã được giải thích về kỹ thuật, dựa trên nguyện vọng của người bệnh.

Khi đưa ra chỉ định TAVI cần có sự hợp tác giữa các chuyên khoa y tế, bao gồm bác sĩ nội tim mạch, bác sĩ ngoại tim mạch, bác sĩ tim mạch can thiệp cùng bác sĩ gây mê hồi sức. Điều này đảm bảo quyết định thực hiện TAVI được tiến hành một cách an toàn, hiệu quả.

Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da: Đối tượng được chỉ định và chống chỉ định 2
Người già có triệu chứng hẹp van động mạch chủ được cân nhắc thực hiện TAVI

Đối tượng hạn chế kỹ thuật TAVI

Bên cạnh những ưu điểm, không phải tất cả người bệnh van tim đều phù hợp để thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da. Dưới đây là các đối tượng hạn chế cho phương pháp này, cụ thể:

  • Bệnh nhân có cơn nhồi máu cơ tim mới trong khoảng thời gian gần đây (trong vòng 30 ngày) thường không được phép thực hiện TAVI. Nguy cơ mất máu cùng các tiến triển biến chứng bệnh có thể tăng lên sau nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh nhân đã có tai biến mạch máu não mới trong vòng 6 tháng cũng thường không phù hợp với TAVI.
  • Vòng van động mạch chủ quá nhỏ (dưới 17 mm) hoặc quá lớn (trên 25 mm) có thể gây khó khăn trong việc đặt van tim nhân tạo. Tuy nhiên, các ngưỡng giới hạn này thường thay đổi với sự phát triển của thiết bị mới.
  • Bệnh nhân có bệnh cơ tim phì đại kèm theo hoặc không kèm tắc nghẽn có thể không phù hợp với thay van động mạch chủ qua da. Tình trạng cơ tim phì đại làm cho kỹ thuật trở nên khó khăn, có nguy cơ biến chứng cao hơn.
  • Bệnh nhân có chức năng tâm thu thất trái (LVEF) dưới 20% có thể không thích hợp cho TAVI. LVEF thấp thường là dấu hiệu của tình trạng suy tim nghiêm trọng.
  • Bệnh nhân có dị ứng hoặc không dung nạp thuốc chống ngưng tập tiểu cầu có thể không phù hợp cho TAVI.
  • Siêu âm tim có hình ảnh khối u, huyết khối hoặc cục sùi ở tim có thể gây nguy cơ biến chứng trong quá trình TAVI.
  • Bệnh nhân có nhiều bệnh nội khoa nặng kèm theo, kỳ vọng sống ít hơn 12 tháng không được khuyến nghị thực hiện TAVI.

Quyết định về việc thực hiện kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da luôn phải dựa trên một cuộc đánh giá toàn diện của tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, tiền sử bệnh lý cùng các yếu tố nguy cơ.

Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da: Đối tượng được chỉ định và chống chỉ định 3
Người bệnh có nhiều bệnh lý nội khoa nặng kèm kỳ vọng sống thấp không phù hợp TAVI

Lưu ý chăm sóc người bệnh sau TAVI

Sau quá trình can thiệp thay van động mạch chủ qua da, việc chăm sóc bệnh nhân đóng vai trò quan trọng để đảm bảo người bệnh hồi phục một cách an toàn, nhanh chóng. Dưới đây là những lưu ý trong quá trình chăm sóc người bệnh sau can thiệp, bao gồm:

  • Sau TAVI, bệnh nhân cần được theo dõi lâm sàng một cách cẩn thận để nhận biết sớm các biến chứng có thể xảy ra. Bên cạnh đó, kể cả sau khi xuất viện, người bệnh cũng cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Bệnh nhân thường được kê đơn thuốc sau thay van động mạch chủ qua da. Quản lý thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ giúp bệnh nhân hồi phục tốt.
  • Vết thương tại vị trí can thiệp TAVI thường nhỏ nhưng việc chăm sóc vết thương vẫn rất quan trọng. Bệnh nhân cần giữ vùng vết thương sạch sẽ cũng như theo dõi bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào.
  • Người bệnh sẽ được hướng dẫn một số động tác giúp quá trình hồi phục sau phẫu thuật nhanh chóng hơn như tập ho, tập thở sâu. Động tác ho giúp dịch ứ đọng trong đường hô hấp được di chuyển, giảm nguy cơ viêm phổi ở người già. Người bệnh cũng được khuyến khích thay đổi tư thế nằm thường xuyên, tránh nằm một tư thế quá lâu.
Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da: Đối tượng được chỉ định và chống chỉ định 4
Người bệnh cần tái khám thường xuyên để đảm bảo sức khỏe tiến triển tốt

Thông qua bài viết, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về kỹ thuật thay van động mạch chủ qua da. Mong bạn đọc đã có được cho mình kiến thức cần thiết về phương pháp này bao gồm đối tượng phù hợp thực hiện, người chống chỉ định kỹ thuật này cũng như lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau can thiệp. Hiện nay, nhiều phương pháp nghiên cứu tập trung cải thiện điều trị bệnh lý tim mạch, mở ra nhiều hy vọng cho bệnh nhân.

Xem thêm: Hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ thay van tim tốt nhất

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.