Test dị nguyên là gì? Tại sao cần thực hiện? Quy trình ra sao?
Ngày 27/11/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Test dị nguyên là phương pháp sẽ giúp bạn tìm ra các dị nguyên khiến bạn dị ứng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp xét nghiệm y tế này.
Dị nguyên có thể gây ra các triệu chứng khó chịu và đôi khi có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng. Đó là lúc bạn cần phải thực hiện test dị nguyên để biết test dị nguyên là gì, mình bị dị ứng với chất nào, cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Test dị nguyên là gì?
Test dị nguyên là một phương pháp xét nghiệm y tế, giúp xác định xem cơ thể có phản ứng dị ứng với các chất gây dị ứng hay không. Test dị nguyên có thể thực hiện trên da hoặc máu của bệnh nhân, tùy thuộc vào loại dị nguyên và mức độ dị ứng. Test dị nguyên có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây dị ứng, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả cho bệnh nhân.
Tại sao cần thực hiện test dị nguyên?
Test dị nguyên có nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị dị ứng, như:
Giúp bác sĩ xác định chính xác loại dị nguyên gây ra phản ứng dị ứng cho bệnh nhân, từ đó đưa ra phương pháp khắc phục phù hợp và kịp thời.
Giúp bệnh nhân tránh tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng, giảm nguy cơ tái phát và biến chứng của dị ứng.
Giúp bệnh nhân hạn chế sử dụng thuốc giảm dị ứng, giảm tác dụng phụ và chi phí điều trị.
Giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm căng thẳng và lo lắng về dị ứng.
Quy trình test dị nguyên như thế nào?
Test dị nguyên có nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào loại dị nguyên và mức độ dị ứng của bệnh nhân. Dưới đây là một vài loại test dị nguyên phổ biến nhất:
Test lẩy da (Skin prick test)
Đây là một loại test dị nguyên trên da, được sử dụng để kiểm tra dị ứng với các dị nguyên như phấn hoa, bụi, lông thú cưng, thực phẩm, thuốc,… Quy trình thực hiện như sau:
Bước 1: Làm sạch và đánh dấu một vùng da trên cánh tay hoặc lưng của bệnh nhân.
Bước 2: Bác sĩ sẽ nhỏ một giọt chứa khoảng 10 - 50 dị nguyên lên vùng da đã đánh dấu, sau đó dùng một kim nhọn để tiêm vào lớp da hoặc bàn chải để lẩy nhẹ lên da, tạo ra một vết xước nhỏ.
Bước 3: Theo dõi phản ứng của da trong vòng 15 - 20 phút. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với dị nguyên, da sẽ xuất hiện mẩn đỏ, sưng và ngứa ở vị trí lẩy da. Nếu không có phản ứng, có nghĩa là bệnh nhân không bị dị ứng với dị nguyên đó.
Bước 4: Bác sĩ sẽ làm sạch da. Nếu xảy ra các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được tư vấn về phương pháp khắc phục và cách phòng ngừa.
Test nội bì (Intradermal skin test)
Đây là một loại test dị nguyên trên da, được tiến hành khi kết quả âm tính hoặc không có kết quả từ xét nghiệm lẩy da. Phương pháp này nhằm kiểm tra dị ứng với các chất kích ứng trong không khí, thuốc và vết côn trùng cắn. Quy trình test nội bì như sau:
Bước 1: Làm sạch và đánh dấu một vùng da trên cánh tay hoặc lưng của bệnh nhân.
Bước 2: Tiêm một lượng nhỏ chất chứa dị nguyên vào lớp da dưới bì của bệnh nhân, tạo ra một nốt sần nhỏ.
Bước 3: Theo dõi phản ứng của da trong vòng 15 - 20 phút. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với dị nguyên, da sẽ xuất hiện mẩn đỏ, sưng, ngứa, mề đay ở vị trí tiêm và ngược lại.
Bước 4: Bác sĩ sẽ làm sạch da. Nếu xảy ra các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được tư vấn về phương pháp khắc phục và cách phòng ngừa.
Test áp bì (Patch test)
Đây là một loại test dị nguyên trên da, được sử dụng để kiểm tra dị ứng với các dị nguyên gây ra viêm da tiếp xúc như cao su, nước hoa, kim loại, mỹ phẩm,... Quy trình test áp bì như sau:
Bước 1: Làm sạch và đánh dấu một vùng da trên lưng của bệnh nhân.
Bước 2: Dán một miếng băng có chứa dị nguyên lên vùng da đã đánh dấu, để trong vòng 48 giờ.
Bước 3: Gỡ bỏ miếng băng và theo dõi phản ứng của da. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với dị nguyên, da sẽ xuất hiện mẩn đỏ, sưng, ngứa ở vị trí dán băng và ngược lại.
Bước 4: Bác sĩ sẽ làm sạch da. Nếu xảy ra các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được tư vấn về phương pháp khắc phục và cách phòng ngừa.
Test khẳng định (Challenge test)
Xét nghiệm này bắt buộc phải thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ hoặc chuyên gia y khoa. Đây là một phương pháp xét nghiệm dị ứng, được sử dụng để kiểm tra dị ứng với các dị nguyên như thực phẩm, thuốc, chất cảm quang,... Quy trình test khẳng định như sau:
Bước 1: Bác sĩ sẽ tiến hành một cuộc trao đổi ngắn với bệnh nhân để tìm hiểu lịch sử dị ứng, các triệu chứng, các loại dị nguyên nghi ngờ và các xét nghiệm dị ứng trước đó (nếu có).
Bước 2: Chọn một loại dị nguyên để thử nghiệm, bác sĩ sẽ bắt đầu với một liều nhỏ của dị nguyên và tăng dần liều lượng cho đến khi xuất hiện phản ứng hoặc đạt đến liều tối đa an toàn.
Bước 3: Theo dõi phản ứng của bệnh nhân trong suốt quá trình thử nghiệm. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với dị nguyên, bác sĩ sẽ ngừng thử nghiệm và tư vấn các biện pháp cấp cứu nếu cần. Nếu bệnh nhân không có phản ứng, bác sĩ sẽ tiếp tục thử nghiệm với dị nguyên khác hoặc kết thúc thử nghiệm.
Bước 4: Khi kết thúc thử nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá kết quả và tư vấn cho bệnh nhân về phương pháp khắc phục và phòng ngừa dị ứng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về test dị nguyên là gì, nếu bạn là một người thường xuyên bị dị ứng thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và thực hiện kiểm tra ngay nhé. Phương pháp xét nghiệm này sẽ giúp vấn đề ăn uống, sinh hoạt của bạn dễ chịu hơn.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.