Khi điều trị lao bằng thuốc, bệnh nhân cần chú ý rất nhiều vấn đề. Đặc biệt phải luôn ghi nhớ dùng thuốc đúng liều, đúng thuốc và đúng thời điểm theo chỉ định của bác sĩ.
Thời gian điều trị lao phổi bao lâu?
Theo nghiên cứu, bệnh lao phổi có khả năng lây nhiễm qua không khí rất cao và cần phải điều trị đúng liệu trình mà bác sĩ đưa ra, thời gian điều trị lao phổi phụ thuộc vào bốn nhóm yếu tố sau:
Yếu tố 1. Tuỳ vào bộ phận bị lao
-
Lao màng phổi, lao phổi, lao màng bụng: Bệnh nhân sẽ điều trị tối thiểu trong 6 tháng
-
Lao hạch: Bệnh nhân cần điều trị ít nhất 12 tháng.
Yếu tố 2. Tùy theo biến thể lao nặng hoặc nhẹ
-
Lao mới nhiễm: Bệnh nhân điều trị trong 6 tháng.
-
Lao tái phát: Phải được điều trị ít nhất 12 tháng.
Yếu tố 3: Thời gian điều trị lao phổi
-
Lao thông thường: Người bệnh có thể được điều trị trong vòng 6 tháng.
-
Lao kháng thuốc: Đối với chủng này phải điều trị liên tục trong 18-24 tháng.
Yếu tố 4: Tùy thuộc vào tiến triển bệnh
Thông thường, đối với những trường hợp lao tiến triển chậm, thời gian điều trị bệnh lao phổi tại nhà có thể sẽ kéo dài hơn.
Bệnh lao cần được phát hiện và chữa trị kịp thời để tránh để lại di chứng và những hậu quả gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thời gian dùng thuốc để điều trị lao phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Các nguyên tắc uống thuốc lao đúng cách
Phối hợp các thuốc chống lao
Mỗi loại thuốc chống lao sẽ có tác dụng khác nhau trên những loại vi khuẩn lao khác nhau (thuốc giúp diệt khuẩn, kìm khuẩn…), do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao với nhau mới mang lại hiệu quả toàn diện. Với lao nhạy cảm với thuốc: phối hợp ít nhất 3 loại thuốc chống lao trong giai đoạn tấn công và ít nhất 2 loại trong giai đoạn duy trì. Với bệnh lao đa kháng: phối hợp ít nhất 5 thuốc có hiệu lực.
Phải dùng thuốc đúng liều
Các thuốc chống lao tác dụng bổ trợ lẫn nhau, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không có hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây quá liều. Đối với trẻ em bị lao thì liều thuốc sử dụng cần điều chỉnh hàng tháng theo cân nặng. Do đó cần tuân thủ đúng liều lượng do bác sĩ chỉ định.
Phải dùng thuốc đều đặn
Uống thuốc lao sau bao lâu thì được ăn? Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và cách xa bữa ăn ít nhất 1 tiếng để đạt hiệu quả hấp thu thuốc tối đa.
Nên dùng thuốc điều đặn để tránh tình trạng lao kháng thuốc
Phải dùng thuốc đủ và đúng và theo 2 giai đoạn
-
Giai đoạn tấn công: Kéo dài 2, 3 tháng đầu nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương của cơ thể để ngăn chặn các vi khuẩn lao sản sinh và đột biến kháng thuốc.
-
Giai đoạn duy trì: Kéo dài từ 4 đến 6 tháng để tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát. Phác đồ cá nhân có thể thay đổi thời gian sử dụng thuốc và loại thuốc tùy vào kết quả kháng sinh đồ, tiền sử điều trị và khả năng dung nạp thuốc.
Bổ trợ cho việc điều trị bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Sức đề kháng và hệ thống miễn dịch của người bị bệnh lao thường bị suy yếu. Hơn nữa, người bị bệnh lao rất dễ bị chán ăn, quá trình hấp thu chất dinh dưỡng kém, quá trình chuyển hóa và trao đổi chất cũng bị thay đổi nên dẫn đến tình trạng sụt cân và thiếu dưỡng chất. Do đó, Bổ trợ cho việc điều trị bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ làm tăng hiệu quả điều trị bệnh lao, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục.
Đối với người bị bệnh lao thì năng lượng nạp vào là tùy cơ địa mỗi người. Nếu bệnh nhân quá gầy phải ăn nhiều để đạt chỉ số BMI trên 18,5. Nếu thể trạng bình thường thì năng lượng nạp vào không thay đổi.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý để quá trình điều trị bệnh được rút ngắn
Điều quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của bệnh là phải đủ bốn nhóm thực phẩm: đường, đạm, dầu mỡ vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần ưu tiên lượng đường từ quả chín để tốt cho gan trong quá trình thải độc do tác dụng phụ của thuốc.
Vitamin và khoáng chất cần ưu tiên bổ sung cho bệnh nhân lao đó là:
-
Kẽm: Do cơ chế hoạt động của các loại thuốc điều trị lao nên dễ gây nên tình trạng thiếu hụt kẽm ở người bệnh dẫn đến chán ăn, suy giảm hệ miễn dịch. Người bệnh nên chọn thực phẩm giàu kẽm như: sò, hến, con hàu, đậu tương, củ cải, lòng đỏ trứng gà, thịt lợn nạc…
-
Vitamin A, E, C: Đây là những chất quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ niêm mạc, chống nhiễm khuẩn, chống oxy hóa nhưng người bị bệnh lao lại dễ bị thiếu hụt. Bổ sung những loại vitamin này bằng các loại rau tươi có màu xanh đậm, quả chín có màu vàng đỏ như cam, xoài, đu đủ, cà chua, gan, các loại thịt đỏ,...
-
Sắt: Người bệnh lao có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt rất cao, dễ dẫn đến các bệnh lý về nhiễm khuẩn, tim mạch… Cần bổ sung những thực phẩm giàu sắt vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày như: mộc nhĩ, nấm hương, đậu nành, lòng đỏ trứng, thịt nạc, gan…
-
Vitamin K, B6: Do người bệnh hấp thu kém, dễ gặp rối loạn tiêu hóa nên khả năng tổng hợp vitamin K cũng bị suy giảm, gây trở ngại quá trình đông máu. Vitamin K có nhiều trong thực phẩm như: gan, các loại rau màu xanh đậm. Bổ sung vitamin B6 thông qua các thực phẩm như: thịt lợn nạc, thịt gà, đậu, đỗ các loại, khoai tây, ngũ cốc nguyên hạt…
Trên đây là một số thông tin về thời gian điều trị lao phổi cũng như các nguyên tắc uống thuốc đúng cách. Hi vọng qua bài viết trên, quý đọc giả đã có thể tự tìm được lời giải đáp cho những thắc mắc của mình. Từ đó có quá trình điều trị bệnh lao hợp lý, nhanh chóng khỏi bệnh.
Như Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp