Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Thai nhi 11 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Ngày 22/08/2024
Kích thước chữ

Trứng sau khi được thụ tinh sẽ bắt đầu một quá trình phức tạp để hình thành nên một em bé. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu sự phát triển và thay đổi của thai nhi 11 tuần tuổi, cùng khám phá ngay nhé!

Thai nhi 11 tuần tuổi được xem là cột mốc đánh dấu bước phát triển của cả mẹ và em bé trước khi bước sang chu kỳ mang thai thứ 2. Lúc này, cơ thể mẹ sẽ xảy ra một số thay đổi về mặt thể chất nên sẽ cảm thấy dễ chịu và khỏe mạnh hơn. Vậy ở giai đoạn này thai nhi phát triển như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Thai nhi 11 tuần tuổi phát triển như thế nào?

Thai nhi 11 tuần tuổi nằm trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ. Lúc này, em bé mới chính thức được miêu tả bằng từ "thai nhi".

Ở tuần thứ 11 của thai kỳ, thai nhi phát triển rất nhanh và hình dáng bên ngoài đã bắt đầu rõ nét hơn. Đầu của thai nhi chiếm khoảng một nửa tổng chiều dài cơ thể, trong khi phần thân bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Khi đó, thai nhi có kích thước tương đương một quả dâu tây với chiều dài từ đầu đến mông khoảng 4,1 - 4,5 cm và cân nặng trung bình khoảng 10gr. Bộ não và hệ thần kinh gần như đã phát triển hoàn thiện. Các cơ và dây thần kinh bắt đầu hoạt động đồng bộ, giúp em bé thực hiện những cử động nhỏ, giật cục trong tử cung.

Thai nhi 11 tuần tuổi phát triển như thế nào? 2
Thai nhi 11 tuần tuổi nằm trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ

Khuôn mặt của thai nhi bắt đầu rộng ra, hai mắt dần tách xa nhau và mí mắt khép lại. Tai gần như đạt hình dạng hoàn chỉnh, mũi bắt đầu hình thành đường khí đạo. Trong miệng, lưỡi và hàm ếch đã xuất hiện, mầm răng tương lai đang hình thành. Núm vú cũng có thể nhìn thấy được. Tay và chân không còn hình dạng mái chèo nữa, mà đã xuất hiện rõ các ngón tay, ngón chân. Hồng cầu bắt đầu được tạo ra trong gan thai nhi. Đến cuối tuần thứ 11, bộ phận sinh dục ngoài của bé cũng bắt đầu phát triển, dần hình thành dương vật ở bé trai hoặc âm vật và môi lớn ở bé gái.

Để hỗ trợ cho sự phát triển này, các mạch máu trong nhau thai đang mở rộng cả về kích thước lẫn số lượng nhằm cung cấp đủ dưỡng chất cho thai nhi.

Mẹ bầu sẽ có những thay đổi gì khi thai nhi 11 tuần tuổi?

Nhiều mẹ bầu mới mang thai lần đầu thường thắc mắc không biết thai nhi 11 tuần tuổi thay đổi như thế nào. Theo các chuyên gia sản khoa, cơ thể mẹ bầu khi mang thai ở tuần thứ 11 sẽ trải qua một số thay đổi sau:

  • Đi tiểu nhiều hơn: Hormone hCG tiết ra trong thai kỳ khiến cho mẹ bầu thường xuyên buồn tiểu. Tuy nhiên, mẹ cũng không cần lo lắng mà giảm lượng nước uống. Thay vào đó, nên hạn chế các thức uống chứa caffeine.
  • Ngực nhạy cảm hơn: Ở giai đoạn này, thai phụ sẽ có cảm giác ngực căng lên và nhạy cảm hơn. Sự thay đổi này có thể gây khó chịu cho một số mẹ bầu.
  • Buồn nôn và thay đổi khẩu vị: Tin tốt là các triệu chứng ốm nghén thường sẽ giảm dần và kết thúc vào khoảng tuần thứ 12 đến 14.
  • Vấn đề tiêu hóa: Mẹ bầu có thể gặp phải tình trạng táo bón do hormone làm chậm quá trình tiêu hóa, cũng như ợ nóng do hormone khiến van giữa dạ dày và thực quản bị giãn.
  • Sự thay đổi trên da và tóc: Da mặt có thể sẫm màu hơn hoặc xuất hiện các mảng nám, gọi là "mặt nạ thai kỳ". Ngoài ra, da của mẹ bầu có thể trở nên nhờn hơn và xuất hiện nhiều đốm nâu. Ở giai đoạn này, nhiều mẹ bầu nhận thấy mái tóc dày và bóng hơn.
  • Đau vùng bụng: Vòng bụng bắt đầu to ra, các cơ và dây chằng bị căng, có thể gây đau quanh bụng. Nếu cảm thấy đau nhiều, mẹ bầu cần phải đi khám ngay.
  • Nhiệt độ cơ thể tăng: Lượng máu trong cơ thể mẹ bầu tăng đến 50% để nuôi dưỡng tử cung, điều này có thể khiến mẹ cảm thấy nóng, ra mồ hôi nhiều và chóng mặt. Vì vậy, cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tâm trạng thay đổi: Ở những tuần đầu của thai kỳ, em bé được nuôi dưỡng bằng túi noãn hoàng nhưng từ khoảng 11 tuần tuổi trở đi, nhau thai sẽ đảm nhận vai trò cung cấp dưỡng chất và loại bỏ chất thải. Sự thay đổi này có thể làm mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, dễ xúc động và thay đổi tâm trạng.
Thai nhi 11 tuần tuổi phát triển như thế nào? 3
Mẹ bầu mang thai 11 tuần sẽ có xuất hiện kèm triệu chứng ốm nghén

Mẹ bầu cần lưu ý gì khi thai nhi 11 tuần tuổi?

Thời điểm 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn rất nhạy cảm. Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, cha mẹ cần chú ý một số điều sau:

  • Nhận biết các dấu hiệu mang thai sớm, cũng như nguy cơ ngộ độc thai nghén và tình trạng ra máu trong thai kỳ.
  • Khám thai lần đầu cần thực hiện đúng thời điểm, tránh việc khám quá sớm hoặc quá muộn.
  • Tiến hành sàng lọc dị tật thai nhi ở tuần thứ 12 để phát hiện và can thiệp sớm các dị tật nguy hiểm.
  • Biết cách phân biệt giữa chảy máu âm đạo thông thường và chảy máu âm đạo do bệnh lý để kịp thời có biện pháp giữ thai.
  • Kiểm tra sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong 3 tháng đầu để phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra trước và trong khi sinh.

Siêu âm thai nhi 11 tuần tuổi có phát hiện dị tật bẩm sinh không?

Mẹ bầu có thể thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy của thai nhi từ tuần thứ 11 để sớm phát hiện nguy cơ hội chứng Down. Việc đo độ mờ da gáy được khuyến cáo thực hiện trong giai đoạn từ tuần thứ 11 đến muộn nhất là 13 tuần 6 ngày. Bởi kết quả trong khoảng thời gian này là chính xác nhất. Nếu siêu âm quá sớm khi thai còn nhỏ, việc quan sát sẽ khó khăn hơn, còn nếu đo quá muộn sau tuần thứ 14, kết quả sẽ không còn giá trị chẩn đoán hội chứng Down.

Thai nhi 11 tuần tuổi phát triển như thế nào? 1
Mẹ bầu có thể thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy khi thai nhi được 11 tuần tuổi

Các chỉ số về độ mờ da gáy:

  • Ở thai nhi 11 tuần tuổi, độ mờ da gáy thường khoảng 2 mm.
  • Ở thời điểm 13 tuần 6 ngày, độ mờ da gáy có thể lên đến 2,8 mm.
  • Độ mờ da gáy ở mức dưới 2,5 mm được coi là trong giới hạn cho phép.

Rõ ràng, siêu âm ở thai nhi 11 tuần tuổi có ý nghĩa rất lớn trong việc sàng lọc hội chứng Down cho thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu nên thực hiện siêu âm theo đúng mốc thời gian được khuyến cáo để theo dõi sức khỏe thai nhi, sàng lọc và phát hiện kịp thời những bất thường nhằm có hướng xử lý thích hợp.

Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về sự thay đổi của cơ thể mẹ và sự phát triển của thai nhi 11 tuần tuổi. Từ đó đưa ra được kế hoạch chăm sóc thai kỳ phù hợp nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin