Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thận trọng với những biến chứng viêm amidan nguy hiểm

Ngày 03/10/2019
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ em và cả người lớn. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, viêm amidan có nguy cơ dẫn đến biến chứng tại chỗ hoặc toàn thân. Biến chứng viêm amidan cực kỳ nguy hiểm nên cần đề phòng từ sớm.

Viêm amidan thường tiến triển thành từng đợt và một số biểu hiện viêm amidan gần giống với viêm họng thông thường nên mọi người hay chủ quan về bệnh. Nhưng thực tế, biến chứng viêm amidan nguy hiểm hơn bạn nghĩ rất nhiều.

Thận trọng với những biến chứng viêm amidan nguy hiểmKhông điều trị kịp thời dễ dẫn đến biến chứng viêm amidan

Viêm amidan có nguy hiểm không?

Viêm amidan có nguy hiểm không và biến chứng viêm amidan thế nào còn tùy thuộc vào tình trạng nhiễm trùng của amidan và diễn tiến của bệnh xảy ra nhanh hay chậm.

Viêm amidan cấp tính

Viêm amidan cấp là tình trạng viêm sung huyết, xuất tiết hoặc viêm mủ của amidan. Nguyên nhân gây bệnh thường do virus hoặc vi khuẩn. Nếu do virus gây bệnh thì thường ở mức độ nhẹ. Nhưng nếu do vi khuẩn thì bệnh sẽ ở mức nặng, đặc biệt là bệnh càng nặng hơn nếu do liên cầu tan huyết β nhóm A gây ra. 

Viêm amidan cấp rất hay gặp ở trẻ em và ở độ tuổi thiếu niên.

Triệu chứng chung của viêm amidan cấp thường khởi bệnh đột ngột với cảm giác rét, sốt cao 38 - 39 độ C, hội chứng nhiễm khuẩn như: mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, nước tiểu đỏ... Bệnh nhân còn gặp tình trạng nuốt đau, nuốt vướng, cảm giác khô rát và nóng họng, đặc biệt ở vị trí amidan, đau nhói lên tai, đau khí phế quản gây ho từng cơn, đờm nhầy, khàn tiếng và đau tức ngực. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào từng trường hợp cũng sẽ có các triệu chứng cụ thể:

  • Trường hợp do virus gây bệnh thì toàn bộ niêm mạc họng sẽ trở nên đỏ rực, xuất tiết, amidan sưng to và đỏ, các tổ chức bạch huyết thành sau họng cũng sưng to, kèm theo các triệu chứng: chảy mũi, ho, khàn tiếng, viêm kết mạc. Hạch dưới góc hàm không sưng to. 
  • Trường hợp do vi khuẩn gây bệnh thì amidan sưng to và đỏ, bề mặt có chấm mủ trắng hoặc mảng bựa trắng, hạch dưới góc hàm sưng đau.

Thực tế, việc phân biệt viêm amidan do virus hay vi khuẩn như chỉ có tính chất tương đối, đôi khi viêm amidan do virut có thể có những triệu chứng lâm sàng giống viêm amidan do vi khuẩn và ngược lại. Nếu được quan sát bằng mắt thường bác sĩ cũng rất khó để nhận ra. Tốt nhất là làm xét nghiệm để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp vì biến chứng viêm amidan thường xảy ra trong đợt cấp tính.

Viêm amidan mạn tính

Viêm amidan mạn tính là tình trạng amidan bị viêm tái đi tái lại nhiều lần trong các năm. Đặc điểm của viêm amidan mạn tính cũng không khác nhiều so với viêm cấp tính là xuất hiện tình trạng sưng to và có mủ trắng xung quanh amidan. Nhưng nếu viêm amidan mạn tính ở người lớn tuổi thì amidan lại bị xơ teo đi.

Triệu chứng thường gặp của viêm amidan mạn tính là bệnh nhân hay sốt vặt, cảm giác ngứa vướng, rát họng, khạc nhổ do xuất tiết, hơi thở hôi do mủ chứa trong các hốc của amidan, thường ho khan từng cơn nhất là buổi sáng khi mới ngủ dậy, giọng nói khàn nhẹ, thở khò khè, đêm ngủ ngáy to. Nếu amidan sưng quá to có thể gây khó nuốt, khó thở, thậm chí gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ.

Thận trọng với những biến chứng viêm amidan nguy hiểm 2Ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy... là triệu chứng thường gặp của viêm amidan

Dù là viêm amidan cấp tính hay mạn tính, nếu bạn không biết cách điều trị hợp lý thì những biến chứng viêm amidan đều có thể xảy ra.

Các biến chứng viêm amidan

Viêm amidan biến chứng tại chỗ

Đây là biến chứng tại vị trí amidan. Biến chứng viêm amidan thường gặp nhất là: viêm tấy hoặc áp-xe amidan. 

Hiện tượng này thường xảy ra khi bệnh nhân viêm amidan cấp tính mà không được điều trị đúng lúc, khiến cho tình trạng viêm tái phát nhiều lần gây viêm nhiễm lan rộng. Người bệnh sẽ bị đau họng khó nuốt, họng sưng to, khó nói, hơi thở có mùi hôi, chảy nước bọt, đau đầu, đau tai, sốt cao...

Viêm amidan biến chứng kế cận

Biến chứng viêm amidan không chỉ xảy ra tại khu vực amidan mà còn có thể lan sang các vùng lân cận gây viêm tai giữa, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản - phế quản, viêm tấy hạch dưới hàm, viêm tấy hoặc áp-xe thành bên họng...

Viêm amidan biến chứng toàn thân

Biến chứng amidan nguy hiểm hơn cả là khi chúng làm ảnh hưởng đến các chức năng và bộ phận lớn trong cơ thể. Biến chứng toàn thân do amidan thường gặp là viêm cầu thận, viêm khớp cấp, viêm màng ngoài tim cấp, viêm nội mạc tim, viêm cơ tim, nhiễm khuẩn huyết... 

Khi bệnh nhân bị viêm amidan chẳng may gặp biến chứng toàn thân thì có thể thấy các triệu chứng như nhức đầu, sốt cao, nôn mửa, nổi ban, nổi hạch... kèm theo đó là các triệu chứng đặc trưng bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể gặp phải hội chứng ngưng thở khi ngủ, amidan quá lớn gây khó nuốt, khó thở, khó phát âm.

Điều trị viêm amidan hiệu quả

Để phòng ngừa biến chứng viêm amidan, cách tốt nhất là khi có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra và được bác sĩ tư vấn về cách chữa viêm amidan phù hợp.

Thận trọng với những biến chứng viêm amidan nguy hiểm 3Đến chuyên khoa tai mũi họng để kiểm tra khi có triệu chứng của bệnh

Tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng bệnh của mỗi người mà hướng xử lý sẽ khác nhau. Việc điều trị cơ bản bao gồm điều trị từ nguyên nhân, làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng viêm amidan.

  • Viêm amidan cấp: Sử dụng kháng sinh phổ rộng, tốt nhất theo kháng sinh đồ.
  • Viêm amidan mạn tính: Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt amidan để ngăn tình trạng tái phát.
  • Điều trị triệu chứng: Thuốc giảm đau, kháng viêm, hạ sốt, thuốc làm lỏng chất nhầy, giảm ho.
  • Điều trị tại chỗ: Dùng nước muối sinh lý 0.9% nhỏ mũi, súc miệng hoặc dùng các dung dịch sát khuẩn để làm sạch vòm họng, hạn chế vi khuẩn. Bệnh nhân cũng cần nghỉ ngơi, ăn thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, uống nước đầy đủ để tăng sức đề kháng và mau chóng phục hồi sức khỏe.

Trang

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm