Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thiếu máu cơ tim cục bộ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 14/02/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thống kê y tế thế giới cho thấy, hàng năm có đến hơn 17 triệu ca tử vong do thiếu máu cơ tim cục bộ. Nếu bệnh nhân không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim… đe dọa tính mạng.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ khá phổ biến và ngày càng trẻ hóa do lối sống, sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học, thậm chí gây hại cho cơ thể. Bệnh có thể có những triệu chứng điển hình, tuy nhiên có không ít trường hợp triệu chứng thầm lặng khiến người bệnh không hề hay biết. Bài viết này sẽ giúp bạn trang bị những kiến thức cần biết về bệnh thiếu máu cơ tim cùng cách phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả. 

Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ

Thiếu máu cơ tim cục bộ (còn gọi thiếu máu cục bộ cơ tim, thiếu máu cơ tim, bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ,...) xảy ra khi tim không nhận đủ lượng oxy cần thiết do lưu lượng máu đến tim bị suy giảm, cản trở. 

Đây là kết quả của việc động mạch vành bị tắc nghẽn một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn khiến cơ tim suy giảm khả năng bơm máu. Bên cạnh đó, nếu một trong những nhánh động mạch nuôi tim bị tắc nghẽn đột ngột có khả năng dẫn đến cơn đau thắt ngực. 

Thiếu máu cơ tim cục bộ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 1 Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim khá phổ biến và ngày càng trẻ hóa.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ thường gặp:

Xơ vữa động mạch vành

Nguyên nhân phổ biến nhất (hơn 90%) gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ là do cholesterol và canxi tích tụ trong lòng mạch vành. Dần dần, những mảng bám này càng dày lên gây hẹp, xơ cứng lòng mạch khiến lưu lượng máu đến nuôi dưỡng tim bị suy giảm, cản trở. Khi tim không nhận được đủ lượng oxy cùng dưỡng chất cần thiết sẽ kéo theo các cơn đau thắt ngực, nặng ngực rất khó chịu.

Huyết khối trong lòng mạch vành

Khi các mảng xơ vữa bị nứt vỡ ra sẽ hình thành cục máu đông (huyết khối) trong lòng mạch vành làm dòng máu đi qua động mạch vành tới nuôi dưỡng tim bị cản trở. Chính các cục máu đông này là thủ phạm khiến người bị thiếu máu cơ tim cục bộ bị những cơn đau thắt ngực không ổn định hành hạ, nghiêm trọng hơn là bị nhồi máu cơ tim xảy ra đột ngột.

Co thắt vành (còn gọi bệnh vi mạch vành)

Một trong những nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim cục bộ và đau thắt ngực chính là bệnh vi mạch vành. Bệnh này làm cơ tim bị thiếu máu ngay cả khi động mạch vành không bị tắc hẹp.

Nguyên nhân gây ra bệnh vi mạch vành là do rối loạn chức năng của nội mô (lớp lót trong của mạch máu) ở hệ vi mạch vành (gồm các mạch máu nhỏ và mao mạch). Tình trạng này làm những mạch máu nhỏ trong tim co thắt đột ngột, cản trở dòng chảy của máu đến tim để cung cấp oxy khiến cơ tim bị thiếu máu.

Triệu chứng điển hình của thiếu máu cơ tim cục bộ

Như đã đề cập bên trên, thiếu máu cơ tim cục bộ dễ nhận biết nhất là người bệnh bị những cơn co thắt ngực hành hạ, cảm giác bị chèn ép, đau đớn như thể tim bị bóp nghẹt, khó thở. Ảnh hưởng của thiếu máu cơ tim cục bộ đến bệnh nhân biểu hiện ở hai thể là đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định (tùy tình trạng bệnh mà có mức độ đau lẫn tần suất xuất hiện cơn đau).

Thiếu máu cơ tim cục bộ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 2 Thiếu máu cơ tim cục bộ dễ nhận biết nhất là người bệnh bị những cơn co thắt ngực.

Đau thắt ngực ổn định

Trong hai thể thì đau thắt ngực ổn định là trường hợp phổ biến hơn do xơ vữa, hẹp thành mạch máu tích lũy làm lưu lượng máu nuôi tim giảm dần. Với trường hợp này, những mảng xơ vữa động mạch đang ổn định, không bị vỡ, nứt gãy nhưng nó có thể xảy ra bất cứ khi nào, tạo thành huyết khối gây tắc mạch máu. 

Với những cơn đau thắt ngực ổn định này theo thời gian sẽ nặng hơn, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, cuộc sống lẫn công việc của bệnh nhân. Tình trạng này sẽ được cải thiện khi bệnh nhân được can thiệp thông tắc mạch máu.

Đau thắt ngực không ổn định

Những cơn đau thắt ngực không ổn định sẽ không dự đoán được, xuất hiện bất ngờ và mức độ đau thường nặng hơn ở những lần sau, dù nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc vẫn không thể cải thiện. Cơn đau qua nhanh hay kéo dài sẽ phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn vì vậy thể bệnh này rất nguy hiểm vì nó cảnh báo cơn nhồi máu cơ tim có thể xảy ra đột ngột.

Ngoài đau thắt ngực, bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ có thể gặp những triệu chứng toàn thân do chức năng cơ tim suy giảm như khó thở, ho, đánh trống ngực, hồi hộp, ngất xỉu, phù chân, hoa mắt chóng mặt,… 

Điều trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính

Thiếu máu cơ tim cục bộ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 3 Bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ cần được phát hiện và điều trị kịp thời với mục tiêu chủ yếu là:

  • Giảm thiểu triệu chứng bệnh, nâng cao chất lượng sống;
  • Tăng cường tưới máu đi nuôi dưỡng tim, hạn chế tình trạng thiếu máu;
  • Ngăn ngừa hiện tượng mạch vành cấp lẫn nguy cơ tử vong.

Phương án điều trị của bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục bộ sẽ được bác sĩ dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể đưa ra. Thông thường, phương pháp được áp dụng cho hầu hết trường hợp thiếu máu cơ tim cục bộ/cơn đau thắt ngực ổn định là điều trị nội khoa cho bệnh nhân.

Điều trị nội khoa

Với biện pháp điều trị nội khoa, bệnh nhân thiếu máu cơ tim cục tim với thể đau thắt ngực ổn định sẽ gồm một số loại thuốc sau đây:

  • Thuốc chống kết tiểu cầu (Aspirin, Clopidogrel, Ticagrelor hay Prasugrel);
  • Thuốc điều trị rối loạn lipid máu (Statin, Ezetimibe);
  • Thuốc ức chế men chuyển (Enalapril, perindopril, lisinopril,…);
  • Thuốc chẹn beta giao cảm (Metoprolol, Bisoprolol, Carvedilol, Nebivolol,..);
  • Thuốc chẹn kênh canxi (Dihydropyridine, non-dihydropyridines); 
  • Dẫn xuất nitrates (Nitroglycerin, Isosorbide dinitrate…).

Việc dùng thuốc trong điều trị nội khoa thiếu máu cơ tim cục bộ đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ theo đúng chỉ định. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc/ngưng thuốc khi chưa có đồng ý của bác sĩ điều trị.

Thiếu máu cơ tim cục bộ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4 Phương án điều trị sẽ được bác sĩ dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể đưa ra.

Điều trị can thiệp

Nếu đã điều trị nội khoa tích cực mà triệu chứng đau ngực vẫn còn, bệnh nhân có thể được bác sĩ điều trị chỉ định can thiệp để tăng khả năng tưới máu cơ tim, bao gồm biện pháp nong mạch vành và đặt stent; phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.

Phòng ngừa thiếu máu cơ tim như thế nào?

Để phòng ngừa thiếu máu cơ tim, bệnh nhân phải chủ động xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh mới có thể giúp phát huy tối đa chức năng cho tim. Một số điều sau đây bạn cần chú ý để phòng ngừa cơ tim thiếu máu:

  • Không hút thuốc lá chủ động/thụ động.
  • Kiểm soát cân nặng (nghiêm túc giảm cân nếu đang thừa cân, béo phì).
  • Tập luyện hoạt động thể chất đều đặn với những bài tập phù hợp với thể trạng.
  • Ăn uống phải khoa học, lành mạnh với nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế mỡ động vật/tạng động vật, hạn chế muối cũng như thực phẩm chứa nhiều muối như dưa/cà muối,…
  • Kiểm soát huyết áp, đường máu và lipid máu.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu được về bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ cùng những nguy hiểm do bệnh gây ra. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bạn nên chú ý sức khỏe bản thân, duy trì các biện pháp phòng ngừa bệnh một cách chủ động, tích cực mới giúp sức khỏe tổng thể lẫn hệ tim mạch được khỏe mạnh.

Nam Anh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm