Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Thoái hóa tủy cổ: Cơ chế gây bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 31/12/2024
Kích thước chữ

Thoái hóa tủy cổ hay bệnh lý tủy cổ do thoái hóa là một trong những căn bệnh khá phổ biến ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, có không ít độc giả vẫn chưa hiểu rõ về bệnh lý này. Ở bản tin sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích về tình trạng thoái hóa tủy cổ.

Vậy bệnh thoái hóa tủy cổ là bệnh gì? Triệu chứng của bệnh thoái hóa tủy cổ ra sao? Hướng chẩn đoán và điều trị tình trạng thoái hóa tủy cổ như thế nào? Câu trả lời sẽ được Nhà thuốc Long Châu chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Bệnh thoái hóa tủy cổ là bệnh gì?

Bệnh thoái hóa tủy cổ xảy ra do hậu quả của sự chèn ép tủy – rễ cổ thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm sự thoái hóa các cấu trúc cột sống như mấu khớp, đĩa đệm, dây chằng và các mô liên kết của đốt sống. Đây là một quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, tuy nhiên cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chấn thương, thoát vị đĩa đệm, bướu hoặc viêm.

Các cơ chế gây bệnh lý thoái hóa tủy cổ bao gồm:

  • Cơ chế tĩnh: Gây giảm đường kính ống sống và chèn ép tủy do thoái hóa đĩa đệm, dẫn đến mất nước, giảm chiều cao và phát triển gai xương. Khi gai xương phát triển quá mức, chúng có thể chèn ép ống sống, nhất là khi đường kính thu hẹp khoảng 30%, gây triệu chứng tủy cổ.
  • Cơ chế động: Cử động cổ như cúi hoặc ngửa làm nặng thêm triệu chứng. Cúi cổ kéo căng tủy sống, cọ vào gai xương, ngửa cổ làm dây chằng phồng vào ống sống, thu hẹp không gian và gây tổn thương cho tủy sống.
  • Cơ chế thiếu máu cục bộ: Xuất hiện trong giai đoạn muộn của thoái hóa cột sống cổ, mặc dù có dấu hiệu thiếu máu, cơ chế chính xác vẫn chưa được làm rõ.

Ngoài ra, một số yếu tố như lao động nặng và tư thế không đúng trong công việc hoặc sinh hoạt và yếu tố di truyền có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống cổ.

Thoái hóa tủy cổ: Cơ chế gây bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 1
Bệnh thoái hóa tủy cổ là bệnh gì?

Triệu chứng của bệnh lý thoái hóa tủy cổ

Bệnh lý thoái hóa tủy cổ có thể tiến triển âm thầm và từ từ với các triệu chứng ngày càng nặng dần theo thời gian. Dưới đây là những triệu chứng điển hình của bệnh:

Cứng cổ và đau cổ

Bệnh nhân thường cảm thấy cứng cổ, đặc biệt là khi cử động, có thể có tiếng kêu răng rắc khi xoay hoặc cúi cổ. Đau sâu một hoặc hai bên cổ, đau có thể lan xuống vai và cánh tay tạo cảm giác khó chịu và hạn chế khả năng vận động.

Đau lan tỏa xuống tay

Đau thường nhức dọc theo trục cánh tay, có thể lan xuống khuỷu tay, cổ tay hoặc ngón tay. Bệnh nhân cảm thấy đau âm ỉ, tê, buốt ở bàn tay và các ngón tay. Đặc biệt, cảm giác đau và tê có thể tăng lên khi cử động cổ.

Teo cơ và mất cảm giác

Các triệu chứng nặng hơn có thể dẫn đến teo cơ bàn tay (thường là cơ đối chiếu ngón cái) kèm theo mất cảm giác hoặc giảm cảm giác ở vùng bàn tay và cánh tay. Các phản xạ có thể tăng lên, nhất là khi có sự chèn ép tủy sống.

Dáng đi cứng và vụng về

Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển với các biểu hiện có dáng đi cứng hoặc vụng về giống như dáng đi của robot. Điều này xảy ra do sự ảnh hưởng của bệnh lý lên các dây thần kinh điều khiển vận động.

Dấu hiệu Lhermitte

Dấu hiệu Lhermitte là cảm giác giống như điện giật chạy dọc từ cổ xuống giữa lưng, thường xuất hiện khi bệnh nhân cúi cổ về phía trước. Đây là dấu hiệu đặc trưng cho sự chèn ép tủy sống.

Có thể thấy rằng, các triệu chứng của bệnh lý thoái hóa tủy cổ chủ yếu liên quan đến sự chèn ép của tủy sống hoặc rễ thần kinh cổ. Đau cổ, tê bì, teo cơ và các triệu chứng liên quan đến vận động đều là những dấu hiệu quan trọng cần lưu ý trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Khi các triệu chứng này xuất hiện, bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thoái hóa tủy cổ: Cơ chế gây bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 2
Đau cứng cổ là triệu chứng cảnh báo tình trạng thoái hóa tủy cổ

Chẩn đoán và điều trị thoái hóa tủy cổ

Thoái hóa tủy cổ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bạn. Chính vì thế, ngay khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ thoái hóa tủy cổ, bạn cần đến khám bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời và phù hợp.

Về chẩn đoán

Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán thoái hóa tủy cổ có thể kể đến như:

  • Chụp X quang: Đây là phương pháp hình ảnh đầu tiên giúp đánh giá sơ bộ tình trạng cột sống cổ, có thể thấy các dấu hiệu thoái hóa như gai xương, hẹp khe đĩa đệm.
  • Chụp CT: Cung cấp hình ảnh chi tiết về xương, giúp đánh giá tốt hơn các vấn đề liên quan đến xương như cốt hóa dây chằng dọc sau, gai xương và các tổn thương khác gây chèn ép tủy sống.
  • Cộng hưởng từ (MRI): Đây là phương pháp hình ảnh quan trọng để đánh giá mức độ hẹp ống sống, sự chèn ép tủy sống và phát hiện các tổn thương trong tủy như bướu hoặc viêm
Thoái hóa tủy cổ: Cơ chế gây bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 3
Chụp cộng hưởng từ là một trong những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán thoái hóa tủy cổ

Về điều trị

Điều trị bệnh lý tủy cổ do thoái hóa có thể được thực hiện bằng phương pháp bảo tồn hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.

Điều trị bảo tồn được áp dụng chủ yếu trong giai đoạn sớm và khi bệnh không có dấu hiệu tiến triển mạnh. Điều trị bảo tồn bao gồm:

  • Bệnh nhân cần tránh các động tác làm tình trạng bệnh nặng thêm và nên nghỉ ngơi khi đau nhiều. Nghỉ ngơi tại giường khi đau mạnh có thể giúp giảm áp lực lên tủy sống.
  • Sử dụng nẹp cổ để giữ cột sống cổ ở tư thế sinh lý, giúp giảm áp lực lên tủy và các rễ thần kinh.
  • Sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm: Các loại thuốc như NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) có thể được sử dụng để giảm đau và viêm. Trong một số trường hợp, corticoid hoặc thuốc giãn cơ có thể được sử dụng. Vitamin nhóm B cũng có thể giúp cải thiện chức năng thần kinh.
  • Vật lý trị liệu: Giúp giảm đau, cải thiện sự linh hoạt của cổ và tăng cường cơ bắp hỗ trợ cột sống cổ. Các bài tập kéo giãn, xoa bóp, và nhiệt trị liệu có thể giúp giảm cứng cơ và đau.

Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh lý tủy cổ không đáp ứng với điều trị bảo tồn hoặc khi tình trạng bệnh tiến triển nặng (chèn ép tủy nặng, liệt cơ, mất cảm giác…). Mục tiêu chính của phẫu thuật là giải ép tủy và mở rộng ống sống để giảm áp lực lên tủy sống.

Thoái hóa tủy cổ: Cơ chế gây bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 4
Phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị thoái hóa tủy cổ

Đến đây chắc hẳn bạn đọc đã phần nào hiểu rõ hơn về căn bệnh thoái hóa tủy cổ rồi phải không. Hy vọng rằng, với những chia sẻ hôm nay của Nhà thuốc Long Châu sẽ phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý này. Cảm ơn quý độc giả đã luôn ở đây, tin tưởng và đồng hành cùng Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin