Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Gai xương là gì? Những vấn đề cần biết về gai xương

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Gai xương là những phần nhô ra của xương hình thành dọc theo khớp, nhìn thấy rõ trên phim X-quang trong bệnh lý thoái hóa khớp, viêm khớp. Gai xương thường không đau và không có triệu chứng. Tuy nhiên khi viêm các mô lân cận các khớp có thể sưng nóng đỏ và đau làm hạn chế vận động.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Gai xương là gì?

Gai xương (Osteophytes hay Bone spurs) hình thành khi khớp hoặc xương bị tổn thương do viêm khớp, thoái hóa khớp. Khi sụn bị mất đi xương ngày càng lộ ra, cơ thể sẽ phản ứng với tình trạng bằng cách tăng cường lắng đọng canxi tạo ra xương mới, sự phát triển này hình thành gai xương. Gai xương được tạo ra như một cách để cố gắng bình thường hóa sự mất cân bằng lực trên khớp. Gai xương phát triển trong thời gian dài thường ở khớp nơi các đầu xương gặp nhau. Mặc dù chúng có thể phát triển từ bất kỳ xương nào, nhưng gai xương thường xuất hiện ở các khớp sau:

  • Cổ.
  • Vai.
  • Hông.
  • Đầu gối.
  • Xương sống.
  • Bàn tay hoặc ngón tay.
  • Bàn chân, đặc biệt là gót chân (gay gót chân hoặc gai xương gót), ngón chân cái và mắt cá chân.

Triệu chứng

Những triệu chứng của gai xương

Gai xương thường không gây ra bất kỳ vấn đề gì mặc dù có thể nhìn thấy rõ trên phim X-quang. Đôi khi chúng có thể gây ra các triệu chứng khó chịu nếu cọ xát vào xương, cơ, ảnh hưởng đến chuyển động của khớp hay tổn thương các dây thần kinh. Triệu chứng chính của gai xương là đau và cứng khớp. Các triệu chứng khác phụ thuộc vào vị trí hình thành gai xương trên cơ thể. Chúng có thể bao gồm:

  • Biến dạng các khớp: Khớp gối, khớp cổ chân, khớp ngón tay, khớp ngón chân,…
  • Đau khớp: Gai được hình thành tổn thương các phần mềm xung quanh gây đau.
  • Hạn chế vận động khớp: Khi các các gai xương nối nhau tại các đốt sống thắt lưng hình thành các cầu nối xương nối liền các đốt sống với nhau gây hạn chế vận động cột sống thắt lưng.
  • Tê, đau theo rễ thần kinh: Các gai xương hình thành chèn ép các lỗ liên hợp giữa các đốt sống gây chèn ép rễ thần kinh. Khi có sự chèn ép rễ cảm giác gây nên các triệu chứng rối loạn cảm giác (đau, tê, nóng, lạnh, châm chích,…) theo rễ thần kinh.
  • Cứng khớp buổi sáng: Do các khớp tổn thương.
  • Sưng nóng đỏ quanh khớp: Do viêm các khớp.
Gai xương là gì? Những vấn đề cần biết về gai xương 1
Khi gai xương chèn ép các rễ thần kinh gây đau tê lan theo vị trí rễ chi phối cảm giác

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào vị trí của gai:

  • Gót chân: Đau khi đứng, đi bộ, chạy bộ hoặc chạy. Một số người mô tả cơn đau giống như cảm giác như bị kim đâm vào lòng bàn chân.
  • Đầu gối: Đau khi duỗi hoặc co chân.
  • Khớp háng: Đau khi cử động hông và giảm phạm vi chuyển động của hông.
  • Xương sống: Yếu hoặc tê ở cánh tay, chân do gai xương chèn ép vào tủy sống hoặc rễ thần kinh. Hạn chế vận động cúi ngửa, xoay trở cột sống.
  • Khớp vai: Chuyển động hạn chế của vai, sưng tấy hoặc rách ở chóp xoay.
  • Khớp ngón tay: Đau khi cử động ngón tay, khớp ngón tay có thể trông to ra.

Tác động của gai xương đối với sức khỏe

Nếu không có triệu chứng gai xương vẫn có thể tiếp tục diễn tiến nặng. Khi tổn thương các cấu trúc xung quanh và có biến chứng thì gai xương làm người người mắc gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng giấc ngủ, công việc,...

Biến chứng có thể gặp khi mắc gai xương

Biến dạng khớp, dính khớp dẫn đến mất khả năng vận động khớp là biến chứng của gai xương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị gai xương mà không có triệu chứng thì bạn không cần điều trị. Khi bạn bị đau khớp, cứng khớp, hạn chế cử động hoặc tê bạn nên đến gặp các bác sĩ ngay.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây gai xương

Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng gai xương:

  • Thoái hóa: Tổn thương khớp do thoái hóa khớp là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra gai xương. Thoái hóa khớp phát triển khi chúng ta già đi cùng quá trình lão hóa hoặc sau khi bị tổn thương khớp. Trong quá trình thoái hóa này, lớp sụn đệm giữa hai xương bị phá vỡ. Các xương có thể cọ xát vào nhau gây tổn thương. Cơ thể sẽ tìm cách xây dựng lại các mô và xương bị tổn thương bằng cách gây viêm ở khu vực này, điều này có thể dẫn đến sự phát triển của xương.
  • Tuổi: Hầu hết các trường hợp gai xương thuộc loại này. Quá trình lão hóa dẫn đến một loạt các điều kiện thúc đẩy sự phát triển của xương. Bệnh thoái hóa đĩa đệm là một trong những tình trạng chính này. Thông qua sự hao mòn thông thường, các đĩa đệm bị khô, mỏng và gãy. Điều này gây ra sự nén ở cột sống và các đốt sống có thể xếp chồng lên nhau gần nhau hơn. Các đốt sống bắt đầu cọ xát trực tiếp vào nhau. Và nếu không có đĩa đệm đệm đồng hành, tình trạng kích ứng và viêm nhiễm có thể xảy ra. Các dây thần kinh bị chèn ép, cơn đau kéo theo và các gai xương phát triển để cố gắng chống lại tất cả những điều này.
  • Chấn thương: Chấn thương là một nguyên nhân phổ biến khác khiến gai xương phát triển. Chấn thương cột sống có thể dẫn đến tổn thương xương và viêm. Nếu vết thương không lành hoặc khó lành, những xương bị tổn thương này có thể bắt đầu phát triển gai xương để cố gắng giảm bớt tình trạng tổn thương này. Đặc biệt khi bị gãy xương, xương sẽ luôn muốn phát triển để giữ vững tính ổn định.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải gai xương?

Gai xương thường gặp nhất ở những người từ 60 tuổi trở lên, nhưng ngày nay hiện tượng này cũng thường thấy những người trẻ tuổi. Những người mắc bệnh thoái hóa khớp (OA) có nhiều khả năng bị gai xương ở khớp đó hơn. Thoái hóa khớp là một dạng viêm khớp do sự hao mòn sụn khớp đầu xương.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải gai xương

Có nhiều yếu tố góp phần gây ra gai xương:

  • Thoái hóa.
  • Di truyền.
  • Chấn thương
  • Dinh dưỡng.
  • Tư thế xấu.
  • Lối sống tĩnh tại.
  • Viêm khớp.
  • Béo phì.
Gai xương là gì? Những vấn đề cần biết về gai xương 2
Béo phì làm tăng áp lực lên các khớp

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán gai xương

Ngoài việc khai thác các triệu chứng, yếu tố nguy cơ đã kể trên, các bác sĩ cần thực hiện một số hình ảnh học để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh lý như X-quang, CT scan, MRI.

X-quang sử dụng tia X để tìm kiếm những thay đổi trong cấu trúc xương. MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về mô mềm, chẳng hạn như dây chằng và sụn, cơ, thần kinh xung quanh và chụp CT có thể cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về xương và các mô khác ngoài tia X.

Gai xương là gì? Những vấn đề cần biết về gai xương 4
Gai xương ở khớp gối được nhìn thấy trên phim X-quang trong bệnh thoái hóa khớp gối

Để chẩn đoán nguyên nhân một số xét nghiệm sinh hóa cũng được thực hiện như công thức máu, tốc độ máu lắng, yếu tố miễn dịch,...

Phương pháp điều trị gai xương

Một số biện pháp khắc phục tại nhà và thay đổi lối sống giúp giảm bớt các triệu chứng gai xương:

  • Nghỉ ngơi.
  • Chườm đá để giảm sưng.
  • Vận động với tư thế đúng: Giữ lưng thẳng khi mang vác đồ đạc, không đi giày cao gót quá lâu,…
  • Giày hoặc miếng lót giày phù hợp cấu trúc bàn chân.
  • Giảm cân để giảm sức ép cho khớp và xương vùng lưng và gối.
  • Sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol, NAIDS.

Nếu những phương pháp kể trên không làm cơn đau giảm đi các bác sĩ sẽ xem xét các phương pháp sau:

  • Vật lý trị liệu: Các bài tập và giãn cơ có thể làm giảm đau, cải thiện phạm vi chuyển động và tăng cường cơ bắp quanh khớp. Vật lý trị liệu rất hữu ích vì phương pháp này tập trung vào việc tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh khớp bị ảnh hưởng như cột sống, gối,… giúp các cơ có khả năng bù trừ vận động cho các xương tổn thương.
  • Thuốc giảm đau theo toa: Nếu các thuốc giảm đau đơn thuần không giúp giảm đau, các bác sĩ có thể kê thêm các thuốc có tác dụng giảm đau mạnh hơn hoặc tiêm thuốc giảm đau, giãn cơ khác.
  • Phẫu thuật: Nếu các triệu chứng vẫn tiếp tục tiến triển sau sáu tháng đến một năm điều trị nội khoa tích cực bạn có thể cần phải điều trị bằng phẫu thuật. Nếu gai xương nằm ở cột sống, đôi khi có thể đặt một miếng đệm vào đốt sống bị ảnh hưởng để giữ cho gai xương không đè lên dây thần kinh. Gai xương ở vai hoặc đầu gối đôi khi có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật nội soi khớp. Nếu các khớp biến dạng và hoàn toàn không thể vận động, phẫu thuật thay khớp có thể được thực hiện.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Gai xương

Chế độ sinh hoạt:

  • Duy trì tư thế thích hợp khi đứng hoặc ngồi để giúp duy trì sức mạnh của lưng và giữ cho cột sống của bạn thẳng hàng.
  • Điều trị bệnh ngay từ giai đoạn sớm để tránh các biến chứng về sau.
  • Giảm cân giúp giảm áp lực lên các khớp.
  • Tập luyện các bài tập mạnh cơ quanh khớp lưng, gối,... giúp ổn định khớp khi vận động.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...
Gai xương là gì? Những vấn đề cần biết về gai xương 5
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp mạnh cơ và giảm cân

Chế độ dinh dưỡng:

  • Đảm bảo chế độ ăn uống khoa học, cân bằng dinh dưỡng.
  • Tăng cường bổ sung rau xanh và các thực phẩm chứa nhiều vitamin D, vitamin A tốt cho sự phát triển của hệ xương khớp.

Phương pháp phòng ngừa gai xương hiệu quả

Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa gai xương. Nhưng bạn có thể giảm cơ hội phát triển của chúng bằng cách thực hiện một lối sống lành mạnh:

  • Tập luyện thể dục thường xuyên.
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ít chất béo xấu.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh để giảm sức nặng cho xương và khớp.
  • Duy trì tư thế làm việc đúng.
  • Ngăn ngừa chấn thương khớp bằng cách tập luyện vừa sức, điều trị ngay khi có tổn thương khớp.
  • Mang giày vừa vặn.
Nguồn tham khảo
  1. Bone Spurs (Osteophytes): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10395-bone-spurs-osteophytes
  2. What are the Bone Spurs: https://www.medicalnewstoday.com/articles/what-are-bone-spurs
  3. Bone spurs: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bone-spurs/symptoms-causes/syc-20370212
  4. Bone Spurs: What You Should Know About Osteophytosis: https://www.healthline.com/health/bone-spurs-osteophytosis
  5. Bone spurs: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bone-spurs/symptoms-causes/syc-20370212

Các bệnh liên quan

  1. Đau bắp chân

  2. Viêm khớp dạng thấp

  3. Tiêu xương sọ

  4. Gù lưng

  5. Bướu hoạt dịch cổ tay

  6. Cứng khớp

  7. Viêm cơ

  8. Thoái hóa đốt sống cổ

  9. Hội chứng đường hầm xương trụ

  10. Hội chứng Sudeck