Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Thời gian sau nhổ răng bao lâu thì lành thương?

Ngày 18/03/2024
Kích thước chữ

Khi răng bị tổn thương, hư vỡ, không thể bảo tồn và gây ảnh hưởng đến các răng bên cạnh và cơ hàm giải pháp nhổ răng là điều trị cần thiết. Nhổ răng tác động vào mô nướu và hình thành vết thương. Vậy thời gian sau nhổ răng bao lâu thì lành thương?

Nhổ răng là quá trình loại bỏ răng trên hàm răng, được thực hiện trong nhiều trường hợp khác nhau, bao gồm khi bạn mắc các bệnh răng miệng gồm răng bị hỏng, vôi răng nặng, hoặc khi cần điều trị chỉnh nha.

Khi nào cần nhổ răng?

Quá trình nhổ răng (tooth extraction) là một thủ thuật nha khoa mà nha sĩ thực hiện để lấy toàn bộ răng bị hư ra khỏi ổ răng. Trước khi thực hiện việc nhổ răng, nha sĩ sẽ tiến hành tách rời nướu, tách dây chằng nha chu, giãn xương ổ răng và sau đó lấy răng ra khỏi ổ răng. Dưới đây là một số trường hợp phổ biến khi cần phải nhổ răng:

Chỉnh nha: Mục tiêu của việc chỉnh nha là sắp xếp răng đúng cách. Trong một số trường hợp, răng quá to, quá nhiều, hoặc mọc lệch sẽ cần phải được nhổ. Nếu có răng dư thừa chiếm chỗ, không đủ không gian cho răng khác mọc, đặc biệt là răng khôn mọc lệch, cũng cần phải nhổ để tạo không gian cho quá trình điều trị chỉnh nha.

thoi-gian-sau-nho-rang-bao-lau-thi-lanh-thuong 1.jpg
Răng khôn mọc lệch cần phải nhổ để điều trị chỉnh nha

Sâu răng: Sâu răng hoặc tổn thương đến tủy răng có thể dẫn đến vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng. Mặc dù có thể điều trị bằng liệu pháp RCT (Root Canal Treatment), nhưng trong một số trường hợp nếu nhiễm trùng quá nặng hoặc không thể chữa khỏi, việc nhổ răng là biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lan rộng của nhiễm trùng.

Bảo vệ hệ miễn dịch: Các bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu do hóa trị hoặc đang chịu cấy ghép nội tạng cần phải nhổ những răng có nguy cơ cao về nhiễm trùng để bảo vệ hệ miễn dịch của họ khỏi các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Xạ trị: Trong quá trình điều trị xạ trị cho các bệnh về vòm họng hoặc khoang miệng, việc nhổ răng nằm trong phạm vi tia xạ là bắt buộc. Tia xạ có thể ảnh hưởng đến tuyến nước bọt và nướu răng, gây hại cho răng hàm trên và dưới. Việc nhổ răng sau khi xạ trị có thể dễ dàng dẫn đến nhiễm trùng.

Răng khôn: Răng khôn thường mọc dưới dạng ẩn và không thể mọc ra ngoài như các răng khác. Điều này có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy nướu, nhiễm trùng, áp xe và làm đau khi nhai. Do đó, việc nhổ răng khôn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Sử dụng bisphosphonates: Trước khi bắt đầu điều trị bằng bisphosphonates tiêm tĩnh mạch để phòng ngừa loãng xương, các bệnh nhân thường cần phải nhổ răng để giảm nguy cơ viêm nhiễm và thoái hóa xương trong tương lai.

Nhổ răng có đau không?

Trước khi thực hiện quá trình nhổ răng, đa số bệnh nhân thường cảm thấy lo lắng và chần chừ do nỗi sợ do cơn đau. Tuy nhiên, nhờ vào kinh nghiệm của bác sĩ và sự hỗ trợ của các thiết bị y tế hiện đại, quá trình nhổ răng ngày nay diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. Một ca nhổ răng đơn giản thường chỉ mất khoảng 5 phút để hoàn thành, trong khi những trường hợp răng mọc ngầm hoặc mọc lệch có thể yêu cầu thời gian và kỹ thuật khó hơn, thường kéo dài dưới 30 phút. Sự kết hợp giữa kỹ thuật và kinh nghiệm của nha sĩ và việc sử dụng thuốc tê giúp bệnh nhân không cảm nhận được sự đau đớn trong suốt quá trình điều trị.

thoi-gian-sau-nho-rang-bao-lau-thi-lanh-thuong 2.jpg
Quá trình nhổ răng diễn ra nhanh chóng và hiệu quả

Tuy nhiên, sau khi quá trình nhổ răng hoàn tất và thuốc tê tan đi, bệnh nhân có thể trải qua một số triệu chứng bình thường, bao gồm đau, chảy máu, sưng miệng, sốt, và khó khăn khi mở miệng. Thời điểm này bệnh nhân nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ để được chăm sóc tốt nhất. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp giảm đau, giảm sưng, và kháng sinh nhằm ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.

Thời gian sau nhổ răng bao lâu thì lành thương?

Mỗi cá nhân có thể trải qua quá trình hồi phục sau khi nhổ răng theo cách riêng, không đồng nhất. Một số người chỉ mất khoảng 2 - 3 ngày để hoàn toàn phục hồi, trong khi đó, có người cần thêm thời gian, từ 1 tuần đến 2 tuần để vết nhổ răng lành hẳn. Quá trình hồi phục sau khi nhổ răng diễn ra như sau:

Trong 24 giờ đầu tiên sau khi nhổ răng: Sau khi tác dụng của thuốc tê tan đi, người bệnh có thể trải qua cảm giác đau và sưng ở vùng răng vừa được nhổ, đây là hiện tượng bình thường. Mức độ đau có thể thay đổi tùy thuộc vào từng người, một số người có thể cần thuốc giảm đau để giảm cơn đau. Một số người khác có thể sử dụng băng lạnh để giảm sưng trong thời gian này và sau đó chuyển sang băng nóng để giúp làm giảm sưng. Sưng thường sẽ giảm dần và biến mất hoàn toàn trong vòng 2 - 3 ngày.

thoi-gian-sau-nho-rang-bao-lau-thi-lanh-thuong 3.jpg
Cảm giác đau và sưng ở vùng răng vừa được nhổ

Ngoài ra, trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi nhổ răng, huyệt lỗ răng sẽ hình thành cục máu đông để dừng chảy máu và bảo vệ vết thương. Trong thời gian này, bệnh nhân cần chú ý vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn của bác sĩ, súc miệng bằng nước muối loãng để làm sạch thức ăn thừa nếu có.

Sau 2 - 3 ngày: Tình trạng sưng miệng và sưng má sẽ bắt đầu cải thiện. Chảy máu từ huyệt lỗ răng cũng sẽ dừng lại.

Trong khoảng 1 - 2 tuần tiếp theo: Khoảng 14 ngày sau khi nhổ răng, vết thương gần như sẽ lành hoàn toàn. Bác sĩ có thể loại bỏ các mũi chỉ vào khoảng từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 để không làm ảnh hưởng đến quá trình lành thương. Đối với hầu hết các bệnh nhân, cơn đau sẽ giảm dần và họ có thể ăn uống một cách nhẹ nhàng.

Sau 3 - 4 tuần: Vết nhổ răng sẽ hoàn toàn lành lại. Trong trường hợp nhổ răng khôn hoặc nhổ răng có nhiều chân, có thể xuất hiện một lỗ nhỏ chưa đầy ở huyệt lỗ răng trong vài tháng. Cảm giác hơi khó chịu khi nhai thức ăn cứng cũng là điều bình thường, nhưng phần lợi đã khôi phục chức năng đủ để ăn uống một cách bình thường.

Sau 2 - 4 tháng: Lỗ hổng từ việc nhổ răng sẽ hoàn toàn được lấp đầy bằng xương. Trong vòng 6 - 8 tháng tiếp theo, phần lợi cũng như các đường viền sẽ trở nên mịn màng hơn so với trước.

Nên làm gì sau khi nhổ răng?

Chăm sóc răng miệng đúng cách sau khi nhổ răng không chỉ giúp rút ngắn thời gian hồi phục mà còn giảm nguy cơ của các biến chứng có thể xảy ra. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà bạn cần chú ý:

Vệ sinh răng miệng đúng cách: Đánh răng hàng ngày với bàn chải lông mềm ít nhất 2 đến 3 lần mỗi ngày là cần thiết. Khi đánh răng, hãy tránh khu vực nhổ răng để không gây tổn thương hoặc làm lây nhiễm. Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng được bác sĩ khuyên dùng để sát trùng vùng vết thương một cách hiệu quả.

thoi-gian-sau-nho-rang-bao-lau-thi-lanh-thuong 4.jpg
Súc miệng bằng nước muối sinh lý để sát trùng vùng vết thương

Chế độ ăn uống hợp lý: Hãy duy trì một chế độ ăn uống cân đối và giàu dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình hồi phục. Ăn các loại thực phẩm mềm, dễ nhai và dễ nuốt để tránh gây tổn thương cho vùng nhổ răng. Tránh các thức ăn quá nóng, quá lạnh, và những thực phẩm cứng, dai, cần nhiều sức để nhai. Bổ sung canxi thông qua sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai sẽ giúp duy trì sức khỏe của răng.

Nghỉ ngơi đầy đủ: Trong 24 giờ đầu tiên sau khi nhổ răng, hãy dành thời gian để nghỉ ngơi hoàn toàn và tránh hoạt động nặng nhọc hoặc tập thể dục quá sức. Nếu có thể, hãy xin nghỉ 1-2 ngày để đảm bảo cơ thể có đủ thời gian để phục hồi.

Tái khám khi cần thiết: Nếu sau 1 - 2 tháng vết thương từ việc nhổ răng vẫn chưa lành hoặc có biểu hiện như chảy máu, đau đớn kèm theo sưng miệng và sốt, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và tư vấn chi tiết từ bác sĩ. Điều này giúp đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề có thể phát sinh.

Xem thêm: Viêm quanh cuống răng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin