Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm quanh cuống răng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ

Nhiều trường hợp mắc phải bệnh viêm quanh cuống răng đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu do phần mô quanh răng của trẻ còn mỏng, yếu và dễ bị tổn thương. Ngoài ra trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị sâu răng nhất - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng viêm quanh cuống răng cho nhiễm khuẩn. Các chấn thương hậu phẫu nha như ung tủy, viêm nhiễm vết mổ,... cũng dẫn đến di chứng viêm quanh cuống răng.

Viêm quanh cuống răng là bệnh răng miệng phổ biến xảy ra ở trẻ khi vi khuẩn gây viêm tác động vào phần mô xung quanh răng. Tình trạng này thường phát sinh sau khi răng bị sâu mà không được điều trị kịp thời, bị viêm sau quá trình điều trị nha khoa hoặc do chấn thương. Nếu không được can thiệp kịp thời, viêm quanh cuống răng có thể tiến triển nghiêm trọng và phải điều trị tủy hoặc nhổ răng. Cùng theo dõi bài viết sau để biết cách phòng tránh và duy trì vệ sinh răng miệng hàng ngày nhé.

Nguyên nhân viêm quanh cuống răng

Viêm quanh cuống răng là một tình trạng tổn thương của các thành phần mô xung quanh cuống răng. Giai đoạn đầu của viêm quanh cuống răng kích thích các dây thần kinh trong khoang chân răng gây ra các cơn đau buốt. Ban đầu, cảm giác đau răng này chỉ là phản ứng với các kích thích bất ngờ như chua, lạnh hoặc nóng nhưng về sau cơn đau sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm quanh cuống răng.

Viêm quanh cuống răng do nhiễm khuẩn, viêm, sâu răng

Viêm quanh cuống răng có thể do vi khuẩn từ mô xung quanh răng xâm nhập vào vùng cuống răng, gây ra tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra, viêm tủy răng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm quanh cuống răng do tủy bị hoại tử. Viêm tủy thường do vi khuẩn xâm nhập từ lỗ sâu, giải phóng một loạt các chất độc hại của vi khuẩn vào mô xung quanh cuống răng, bao gồm:

  • Nội và ngoại độc tố;
  • Các enzyme phá hủy Protein, Phosphatase Acid, ß - Glucuronidase và Arylsulfatase;
  • Các enzyme phá hủy cấu trúc sợi chun và sợi tạo keo;
  • Prostaglandin và Interleukin 6 gây tổn thương xương.
Điều trị viêm quanh cuống răng 1
Viêm quanh cuống răng do nhiễm khuẩn, viêm, sâu răng

Viêm quanh cuống răng do chấn thương răng

Chấn thương răng thường gặp nhất là hai loại phổ biến sau: Chấn thương cấp tính và chấn thương mạn tính. Đảm bảo thăm khám định kỳ và thực hiện các thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách là chìa khóa để phòng tránh các hậu quả tiêu cực do các chấn thương răng gây ra.

  • Chấn thương cấp tính: Chấn thương cấp tính xảy ra khi răng chịu một lực tác động mạnh dẫn đến việc các mạch máu ở cuống răng bị đứt gãy, làm gián đoạn nguồn cung cấp máu. Hậu quả là, khu vực xung quanh cuống răng trở nên dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập, từ đó gây ra viêm quanh cuống răng cấp tính;
  • Chấn thương mạn tính: Chấn thương mạn tính phát triển do các tổn thương nhỏ liên tục tác động đến răng như sang chấn khớp cắn, thói quen nghiến răng, hoặc cắn chỉ, cắn đinh.
Điều trị viêm quanh cuống răng 2
Chấn thương mạn tính phát triển do thói quen nghiến răng

Viêm quanh cuống răng do biến chứng sau điều trị nha khoa

Các vấn đề liên quan đến biến chứng sau khi điều trị nha khoa như điều trị tủy răng hay sang chấn khớp cắn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng của bạn.

Biến chứng sau điều trị khớp cắn: Tình trạng dư chất hàn thừa hoặc lắp đặt chụp răng không đúng, khiến chụp răng cao hơn so với mức bình thường gây khó chịu và có thể dẫn đến các vấn đề về khớp cắn, ảnh hưởng đến cả cấu trúc răng và hàm.

Biến chứng sau điều trị tủy răng: Điều trị tủy răng đòi hỏi sự chính xác và cẩn thận. Tuy nhiên vẫn có một vài sai sót để lại di chứng hậu phẫu:

  • Việc lấy tủy và làm sạch ống tủy có thể đẩy chất bẩn và vi khuẩn ra vùng cuống, gây viêm nhiễm;
  • Tắc nghẽn hoặc thủng ống tủy;
  • Nhiễm khuẩn trong quá trình điều trị do vi khuẩn và dị vật như sợi cellulose từ giấy, bột tan từ găng tay có thể bị đẩy vào vùng cuống răng;
  • Một số vi khuẩn có thể kháng lại thuốc sát trùng dùng trong điều trị tủy gây viêm quanh cuống răng.
Điều trị viêm quanh cuống răng 3
Việc đặt chụp răng quá cao có thể dẫn đến tình trạng viêm quanh cuống răng

Triệu chứng của viêm quanh cuống răng

Việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp ngăn chặn tình trạng nghiêm trọng của bệnh viêm quanh cuống răng. Một vài dấu hiệu cho biết tình trạng của viêm quanh cuống răng đang ở giai đoạn nào để kịp thời điều trị.

Viêm quanh cuống cấp

Bệnh đang ở giai đoạn viêm quanh cuống răng cấp có những biểu hiện đặc trưng như sốt cao trên 38˚C, mệt mỏi, môi khô và lưỡi bẩn. Đặc biệt người bệnh thường cảm thấy đau nhức răng dữ dội và sưng nề tại khu vực răng bị tổn thương. Việc kiểm tra bằng cách gõ răng sẽ gây đau đớn và chụp X-quang thường cho hình ảnh mờ tại vùng cuống răng.

Viêm quanh cuống bán cấp

Những bệnh nhân bị viêm quanh cuống răng bán cấp có biểu hiện ít nghiêm trọng hơn như cảm giác đau âm ỉ, đau đầu, sốt nhẹ hoặc không. Răng bị tổn thương có thể lung lay nhẹ và thường không sưng nề rõ ràng. Ảnh chụp X-quang có thể cho thấy sự mở rộng nhẹ của dây chằng xung quanh cuống răng.

Viêm quanh cuống mạn

Viêm quanh cuống mạn thường gặp ở những người có tiền sử bị viêm tủy hoặc áp xe quanh cuống cấp tính. Biểu hiện thường thấy là răng bị đổi màu, vùng ngách lợi quanh cuống răng sưng nhẹ. Chụp X-quang có thể phát hiện tình trạng tiêu xương ổ răng.

Điều trị viêm quanh cuống răng 4
Viêm quanh cuống răng được chia thành viêm quanh cuống cấp, bán cấp và mạn

Điều trị và phòng ngừa viêm quanh cuống răng

Trong trường hợp điều trị viêm quanh cuống răng mạn, bệnh nhân sẽ được tiến hành loại bỏ mô nhiễm khuẩn, dẫn lưu mô viêm và hàn kín ống tủy để mô cuống hồi phục. Đối với tình trạng viêm cấp và bán cấp, việc dẫn lưu buồng tủy và sử dụng kháng sinh kết hợp thuốc giảm đau là bước đầu tiên trong điều trị. Việc này giúp nâng cao hiệu quả điều trị và hỗ trợ sức khỏe răng miệng lâu dài.

Để duy trì sức khỏe răng miệng và phòng ngừa viêm quanh cuống răng, bạn nên giảm thiểu tiêu thụ đường và đảm bảo vệ sinh răng miệng hàng ngày, bao gồm chải răng đúng cách, sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng và lấy cao răng định kỳ.

Nhà thuốc Long Châu hy vọng qua bài viết này các độc giả đã phần nào nhận biết được tình trạng viêm quanh cuống răng nếu gặp các biểu hiện lâm sàng nêu trên. Hãy giữ vệ sinh răng miệng và thăm khám răng định kỳ 6 tháng/1 lần để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề răng miệng, bao gồm sâu răng và viêm quanh cuống răng.

Xem thêm: Trẻ mọc và thay răng sữa khi nào?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.