Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là khi nào? Gây tác hại ra sao?

Ngày 29/10/2022
Kích thước chữ

Sốt xuất huyết do vi rút Dengue có thời gian ủ bệnh kéo dài, nhiều người không biết mình mắc bệnh vô tình lây truyền vi rút Dengue khắp nơi. Vậy thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là bao lâu? Cần lưu ý gì khi bị sốt xuất huyết?

Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 3 giai đoạn gồm giai đoạn ủ bệnh, giai đoạn sốt xuất huyết và giai đoạn phục hồi. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu chi tiết về thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết và cách phòng ngừa bệnh nhé.

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là giai đoạn nào?

Khi bị muỗi vằn cắn, bạn sẽ nghĩ ngay đến bệnh sốt xuất huyết và thắc mắc không biết thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là khi nào?

Giai đoạn ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là khi nào? Gây tác hại ra sao? 1 Tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn

Giai đoạn ủ bệnh của sốt xuất huyết là giai đoạn cơ thể chống lại virus xâm nhập vào cơ thể bằng cách sản sinh ra sức đề kháng. Đến khi cơ thể không thể chống trả, bệnh bắt đầu biểu hiện bằng các triệu chứng trên cơ thể.

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết kéo dài khoảng 4 - 7 ngày, có thể lên đến 14 ngày. Vì thế nếu người thân lây sốt xuất huyết cho bạn thì thường khi người lây bệnh đã khỏi hoặc gần khỏi thì bạn mới bắt đầu sốt. Nhiều người nghĩ rằng bệnh sốt xuất huyết dễ lây hơn khi phát bệnh nhưng thực chất người bị lây bệnh đã nhiễm vi rút từ trước và đang trong giai đoạn ủ bệnh nên chưa phát hiện ra.

Giai đoạn sốt xuất huyết

Sau thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết, cơ thể sẽ bắt đầu cảm thấy đau nhức, mệt mỏi giống như các triệu chứng của cảm cúm. Người bệnh bắt đầu sốt cao, tăng nhiệt độ một cách đột ngột, liên tục sốt lên tới 39 - 40 độ C trong vài ngày và bị xuất huyết dưới da. Đi kèm là cảm giác buồn nôn hoặc nôn, đau hốc mắt, đau rát họng, sổ mũi, tiêu chảy.... Nhiều người lầm các triệu chứng này với cảm sốt thông thường nên chủ quan cho rằng chỉ cần uống thuốc và nghỉ ngơi là sẽ khỏi, khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Sốt cao kèm tiêu chảy kéo dài dẫn đến cơ thể bị mất nước, người bệnh không được tự ý truyền dịch khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Khi tự điều trị tại nhà bệnh nhân chỉ nên uống oresol để bổ sung chất điện giải và uống nhiều nước.

Tuy nhiên, giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết không phải lúc người bệnh sốt cao mà chính là khi người bệnh đã hết sốt. Do vi rút tấn công khiến hệ miễn dịch suy yếu, làm giảm lượng bạch cầu và tiểu cầu trong máu, nếu không được chăm sóc và theo dõi cẩn thận có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, tràn dịch gây tổn thương các cơ quan nội tạng, trụy tim, xuất huyết não...

Cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay khi thấy người bệnh có những dấu hiệu như chảy máu cam, chảy máu chân răng, phù nề mi mắt, người lạnh toát... để được điều trị kịp thời.

Giai đoạn hồi phục

Đây là giai đoạn người bệnh cần được ăn uống đủ chất, uống nhiều nước, nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe. Bị sốt xuất huyết rồi vẫn có thể tái lại do vi rút Dengue bao gồm bốn típ D1, D2, D3, D4 đều có khả năng gây bệnh, do đó người bệnh không được chủ quan. Mỗi người có thể bị sốt xuất huyết bốn lần trong đời vì mỗi lần bị bệnh là do một típ gây nên.

Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là khi nào? Gây tác hại ra sao? Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết mất khoảng 4 - 7 ngày, có thể kéo dài đến 14 ngày

Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng và nguy cơ tử vong cao gồm:

  • Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn, gây sốc.
  • Xuất huyết nặng.
  • Chảy máu cam nặng, rong kinh nặng, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, xuất huyết trong cơ và phần mềm. Xuất huyết nặng làm đông máu rải rác lòng mạch.
  • Người bệnh dùng các thuốc như dùng corticoid hay aspirin, ibuprofen để hạ sốt hoặc có tiền sử viêm gan mạn, loét dạ dày, tá tràngcũng có thể bị xuất huyết nặng.
  • Suy tạng nặng.
  • Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L.
  • Suy thận cấp: Thiểu niệu, vô niệu, ure và creatinin tăng cao.
  • Rối loạn tri giác hay còn gọi sốt xuất huyết thể não.
  • Viêm cơ tim, suy tim.

Khi nào cần đến bệnh viện 

Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị tích cực khi thấy bất kỳ một trong các dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện từ ngày thứ ba của bệnh sau:

  • Vật vã, li bì, lừ đừ, vã mồ hôi, da lạnh, tím tái.
  • Đau bụng vùng gan hoặc đau khi ấn vùng gan: Đau bụng vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị.
  • Nôn nhiều.
  • Xuất huyết niêm mạc gồm nôn ra máu, chảy máu cam, đái máu, ra máu âm đạo bất thường, rong kinh...
  • Tiểu ít.
  • Xét nghiệm máu cho thấy Hematocrit tăng cao, tiểu cầu giảm nhanh chóng.

Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải đến bệnh viện ngay. Các bệnh nhân bị sốt xuất huyết kèm theo bệnh lý mạn tính như suy thận, suy gan, tăng huyết áp, đái tháo đường, phụ nữ có thai, trẻ em... cần được theo dõi sát.

Lưu ý khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế. Do vậy người bệnh cần chú ý những điều sau khi muốn điều trị tại nhà:

  • Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc tự theo dõi sát tại nhà, đến bệnh viện làm xét nghiệm theo hẹn.
Thời gian ủ bệnh sốt xuất huyết là khi nào? Gây tác hại ra sao? 3 Người bệnh sốt cao nên uống nước cam để bù dịch
  • Nếu sốt cao từ 39 độ C trở lên, bệnh nhân uống thuốc hạ sốt, bận quần áo rộng rãi và lau mát cơ thể bằng nước ấm. Chỉ được dùng paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15mg/kg cân nặng/lần. Ví dụ một người 50kg có thể uống 1 viên paracetamol 500mg/lần, mỗi lần uống cách nhau mỗi 4 - 6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ, nghĩa là một người 50kg không uống quá 3000mg/ngày.
  • Tuyệt đối không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), ibuprofen, analgin để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
  • Bù dịch bằng cách uống Oresol đúng theo hướng dẫn, uống nước cam, nước chanh...
  • Nằm màn để tránh bị muỗi đốt.
  • Nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo cần đến bệnh viện ngay.

Như vậy, sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm, có thể gây các biến chứng nguy hiểm. Nên người bệnh cần làm đúng theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Tốt nhất nên giữ gìn vệ sinh môi trường và không gian sống sạch sẽ, ngăn ngừa tác nhân sốt xuất huyết bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.