Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Kế hoạch mang thai

Thực đơn sau chuyển phôi cần có gì và kiêng gì?

Ngày 25/11/2024
Kích thước chữ

Bạn vừa trải qua quá trình chuyển phôi và đang mong chờ một kết quả tốt đẹp? Bên cạnh việc nghỉ ngơi hợp lý, việc xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng cũng đóng vai trò quan trọng. Cùng tìm hiểu thực đơn sau chuyển phôi để tăng khả năng thành công nhé!

Sau khi trải qua quá trình chuyển phôi trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), một trong những yếu tố quan trọng giúp đảm bảo sự thành công là chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thực đơn sau chuyển phôi không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi mà còn hỗ trợ sức khỏe tổng thể của người mẹ trong giai đoạn quan trọng này. Việc chọn lựa thực phẩm phù hợp có thể giúp tối ưu hóa khả năng thụ thai, hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và đảm bảo sức khỏe cho mẹ. 

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về thực đơn sau chuyển phôi, những thực phẩm cần bổ sung và những thực phẩm nên kiêng cữ để có thể tăng tỷ lệ thành công của quá trình IVF.

Sau chuyển phôi nên ăn gì?

Sau khi chuyển phôi, cơ thể người phụ nữ cần có sự hỗ trợ dinh dưỡng để tạo điều kiện thuận lợi cho phôi phát triển trong tử cung. Một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất không chỉ giúp phôi thai bám vào thành tử cung mà còn giúp mẹ duy trì sức khỏe, tránh mệt mỏi, căng thẳng. Dưới đây là một số nhóm thực phẩm nên bổ sung vào thực đơn sau chuyển phôi:

Thực phẩm giàu protein

Protein là thành phần dinh dưỡng thiết yếu giúp cơ thể phục hồi và duy trì sức khỏe tốt trong giai đoạn này. Đặc biệt, protein đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển các cơ quan sinh sản, giúp điều chỉnh sự sản xuất hormone và cải thiện chất lượng trứng. Các thực phẩm giàu protein sẽ giúp tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của phôi trong tử cung. Những nguồn protein nên bổ sung gồm:

  • Thịt đỏ (heo, bò, dê);
  • Thịt trắng (gà, vịt, ngan);
  • Cá, trứng, sữa;
  • Đậu và các loại hạt (đậu nành, đậu xanh, hạt chia, hạt hạnh nhân).
Thực đơn sau chuyển phôi cần có gì và kiêng gì? 1
Protein là thành phần dinh dưỡng thiết yếu giúp cơ thể duy trì sức khỏe tốt

Thực phẩm giàu carbohydrate

Carbohydrate cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể, giúp duy trì sức khỏe và giúp mẹ không bị mệt mỏi trong giai đoạn nhạy cảm này. Các thực phẩm giàu carbohydrate có lợi cho quá trình chuyển phôi bao gồm:

  • Bánh mì nguyên cám;
  • Ngũ cốc nguyên hạt;
  • Rau xanh (rau bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh);
  • Trái cây tươi (chuối, táo, cam);
  • Gạo lứt và khoai lang.

Chất béo lành mạnh

Chất béo lành mạnh là nguồn dinh dưỡng cần thiết giúp cơ thể dự trữ năng lượng và cải thiện chất lượng trứng, phôi thai. Việc bổ sung các loại chất béo lành mạnh trong khẩu phần ăn cũng giúp hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Các thực phẩm giàu chất béo lành mạnh bao gồm:

  • Cá hồi, cá thu, cá ngừ;
  • Dầu ô liu, dầu hạt cải;
  • Quả bơ, hạt chia, hạt óc chó.

Cần tránh xa các thực phẩm chứa chất béo bão hòa như bánh quy, bánh ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, vì những loại này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình thụ thai.

Thực phẩm chống viêm

Viêm có thể gây ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình thụ thai và gây ra nhiều vấn đề trong thai kỳ. Để giảm nguy cơ viêm, nên bổ sung các thực phẩm có tính chống viêm vào chế độ ăn hàng ngày. Các thực phẩm này giúp bảo vệ cơ thể và tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của phôi:

  • Rau củ và trái cây tươi (dâu tây, việt quất, cam, cải bắp, cà chua);
  • Các loại hạt (hạt lanh, hạt hướng dương);
  • Gia vị chống viêm như nghệ, gừng.
Thực đơn sau chuyển phôi cần có gì và kiêng gì? 2
Rau củ và trái cây tươi có tính chống viêm

Thực phẩm bổ máu

Chế độ dinh dưỡng sau chuyển phôi cần bổ sung thực phẩm giàu chất sắt để đảm bảo cung cấp đầy đủ oxy cho các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là các tế bào trong tử cung để hỗ trợ sự phát triển của phôi. Một số thực phẩm giàu sắt bao gồm:

  • Thịt bò, thịt gà;
  • Cà rốt, bông cải xanh, củ cải đường;
  • Các loại hạt (hạt bí ngô, hạt óc chó).

Uống đủ nước

Nước là yếu tố quan trọng để duy trì sự cân bằng trong cơ thể. Uống đủ nước giúp cải thiện lưu thông máu, cân bằng hormone và giúp thành tử cung dày lên, tạo điều kiện thuận lợi cho phôi thai làm tổ. Bạn nên uống từ 2 - 3 lít nước mỗi ngày, và có thể bổ sung nước ép trái cây tươi hoặc nước lọc.

Gợi ý thực đơn sau chuyển phôi

Để hỗ trợ sự phát triển của phôi, dưới đây là thực đơn mẫu trong 7 ngày giúp bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu:

Ngày 1:

  • Bữa sáng: Cháo cá chép, 1 ly sữa không đường.
  • Bữa trưa: Cơm, thịt bò xào đậu bắp, sườn non rim, rau luộc, 1 quả lê.
  • Bữa tối: Cơm, trứng, tôm rim, canh mồng tơi thịt băm, 1 ly bơ dằm.

Ngày 2:

  • Bữa sáng: Cháo cá chép, 1 ly sữa đậu nành.
  • Bữa trưa: Cơm, thịt gà, đậu bắp luộc, trứng, mía hấp.
  • Bữa tối: Cơm, cá chép hấp, bí xanh luộc, thịt dê xào, 1 quả táo.

Ngày 3:

  • Bữa sáng: Cháo chim bồ câu, khoai lang, 1 ly nước ép cam.
  • Bữa trưa: Cơm, thịt bò, bắp cải xào, tràng lợn luộc, 1 quả chuối.
  • Bữa tối: Cơm, thịt lợn viên, gà ác hầm, rau luộc, khoai luộc, 1 hộp sữa chua.

Ngày 4:

  • Bữa sáng: Cháo thịt băm, trứng gà, 1 ly sữa không đường.
  • Bữa trưa: Cơm, tôm rim, đậu hũ nhồi thịt, canh bí thịt băm, 1 quả táo.
  • Bữa tối: Cơm, tim lợn hầm, rau mồng tơi, trứng, 1 cốc bơ dằm.
Thực đơn sau chuyển phôi cần có gì và kiêng gì? 3
Gợi ý thực đơn sau chuyển phôi giúp bổ sung dinh dưỡng

Ngày 5:

  • Bữa sáng: Cháo cá chép, 1 ly sữa đậu nành.
  • Bữa trưa: Cơm, thịt bò rim, bông cải xanh luộc, trứng rán, 1 quả cam.
  • Bữa tối: Cơm, tôm hấp, đậu bắp luộc, tràng lợn, 1 hộp sữa chua.

Ngày 6:

  • Bữa sáng: Cháo chim bồ câu, 1 ly sữa không đường, 1 quả lê.
  • Bữa trưa: Cơm, sườn non rim, canh mồng tơi thịt băm, mía hấp.
  • Bữa tối: Cơm, thịt gà rang, củ cải luộc, trứng, 1 quả chuối.

Ngày 7:

  • Bữa sáng: Phở bò, 1 ly sữa đậu nành, khoai lang.
  • Bữa trưa: Cơm, gà ác hầm, thịt lợn kho, rau, khoai lang luộc, 1 hộp sữa chua.
  • Bữa tối: Cơm, cá chép hấp, đậu bắp xào, canh bí đỏ, 1 ly sinh tố bơ.

Kiêng ăn gì sau chuyển phôi?

Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung, có một số loại thực phẩm cần hạn chế hoặc kiêng cữ để không làm ảnh hưởng đến sự thành công của quá trình chuyển phôi:

  • Thực phẩm chế biến sẵn: Tránh các sản phẩm như xúc xích, dăm bông, thịt xông khói.
  • Thực phẩm có nhiều đường: Kiểm soát lượng đường tiêu thụ, hạn chế thực phẩm chứa đường tinh luyện và chất tạo ngọt nhân tạo.
  • Thực phẩm cay nóng: Những món ăn cay hoặc gia vị mạnh có thể gây kích thích không tốt cho cơ thể.
  • Thực phẩm có khả năng gây sảy thai: Tránh rau răm, đu đủ sống, măng, khổ qua, vì chúng có thể gây tác dụng không tốt đối với quá trình mang thai.
  • Caffeine: Nên hạn chế hoặc tránh các loại đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà đen, nước ngọt có gas.
Thực đơn sau chuyển phôi cần có gì và kiêng gì? 4
Sau chuyển phôi, nên hạn chế hoặc tránh các loại đồ uống chứa caffeine

Thực đơn sau chuyển phôi đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe của mẹ và hỗ trợ sự phát triển của phôi thai. Việc duy trì một chế độ ăn khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu và kiêng cữ những thực phẩm không tốt sẽ giúp tăng khả năng thành công của quá trình thụ thai.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin