Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe/
  4. Tin y dược

Thuốc kháng VEGF là gì? Chỉ định điều trị và biểu hiện có thể xảy ra sau khi tiêm thuốc kháng VEGF

Ngày 16/10/2024
Kích thước chữ

Thuốc kháng VEGF là gì? Đây phương pháp đã và đang chứng tỏ hiệu quả vượt trội trong việc điều trị các bệnh lý nghiêm trọng về mắt như thoái hóa hoàng điểm, phù hoàng điểm, và viêm nội nhãn. Đây là một bước tiến lớn trong lĩnh vực nhãn khoa, mang lại hy vọng mới cho hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới.

Thuốc kháng VEGF đã mang đến một bước tiến lớn trong điều trị các bệnh lý về đáy mắt, với hiệu quả cao trong việc kiểm soát các bệnh thoái hóa hoàng điểm hoặc phù hoàng điểm. Các loại thuốc như ranibizumab đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn. Vậy cụ thể, thuốc kháng VEGF là gì?

Thuốc kháng VEGF là gì?

Thuốc kháng VEGF (yếu tố tăng sinh mạch máu nội mô) đã mở ra một kỷ nguyên mới trong điều trị các bệnh lý về đáy mắt, đặc biệt là các bệnh liên quan đến thoái hóa hoặc phù hoàng điểm.

Trước năm 2005, nhiều phương pháp điều trị đã được sử dụng nhưng mỗi phương pháp đều tồn tại những hạn chế nhất định mà không mang lại hiệu quả điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, từ khi thuốc kháng VEGF ra đời, đặc biệt với sự xuất hiện của ranibizumab và bevacizumab, lĩnh vực nhãn khoa đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Vậy thuốc kháng VEGF là gì? Ranibizumab là một trong những thuốc kháng VEGF được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt trong điều trị các bệnh lý về mắt. Đây là một mảnh kháng thể đơn dòng đã được nhân hóa, có khả năng ức chế tất cả các dạng hoạt động của yếu tố VEGF-A là một yếu tố quan trọng trong quá trình tăng sinh mạch máu bất thường.

VEGF-A tăng cao thường thấy trong bệnh thoái hóa hoàng điểm thể ướt do tuổi già cùng các bệnh võng mạc khác như phù hoàng điểm do đái tháo đường, tắc tĩnh mạch võng mạc. Được sản xuất chuyên biệt cho nhãn khoa, ranibizumab giúp giảm thiểu tối đa sự phơi nhiễm của cơ thể với thuốc, tối ưu hóa hiệu quả điều trị, giúp bệnh nhân phục hồi chức năng võng mạc, giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống liên quan đến thị lực.

Đối với bệnh thoái hóa hoàng điểm do tuổi già, ranibizumab đã chứng minh hiệu quả vượt trội trong việc cải thiện và duy trì thị lực. Trong năm đầu tiên điều trị, thuốc giúp khoảng 95% bệnh nhân duy trì được thị lực ổn định. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy ranibizumab giúp giảm nguy cơ mù lòa lên đến 50% - 60% ở những bệnh nhân bị thoái hóa hoàng điểm thể ướt, mang lại hy vọng lớn cho những người mắc bệnh này.

Bệnh phù hoàng điểm do đái tháo đường cũng được điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng VEGF như ranibizumab. Bằng cách ngăn ngừa sự rỉ dịch từ các mạch máu bị tổn thương, thuốc giúp giảm phù, cải thiện thị lực cho bệnh nhân.

Thuốc kháng VEGF là gì? Chỉ định điều trị và biểu hiện sau tiêm thuốc người bệnh nên biết 1
Thuốc kháng VEGF là gì?

Ranibizumab đã trở thành loại thuốc ức chế VEGF đầu tiên được phê duyệt cho chỉ định điều trị phù hoàng điểm do đái tháo đường tại nhiều quốc gia kể từ năm 2011, mở ra cơ hội điều trị mới cho hàng triệu bệnh nhân mắc bệnh võng mạc do đái tháo đường trên toàn thế giới.

Ngoài ra, ranibizumab còn được phê duyệt để điều trị bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc, một tình trạng thường gây suy giảm thị lực nghiêm trọng do phù hoàng điểm thứ phát. Ranibizumab là thuốc kháng VEGF đầu tiên được chấp thuận sử dụng cho cả hai loại tắc tĩnh mạch nhánh và tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc, giúp cải thiện thị lực cho những bệnh nhân bị tổn thương võng mạc nghiêm trọng.

Chỉ định dùng thuốc kháng VEGF

Phương pháp tiêm nội nhãn thuốc kháng VEGF (anti-VEGF) đã trở thành lựa chọn điều trị tiên tiến, hiệu quả đối với một số bệnh lý nghiêm trọng về mắt, đặc biệt là các bệnh liên quan đến võng mạc.

Bệnh thoái hóa hoàng điểm

Thoái hóa hoàng điểm (hay thoái hóa điểm vàng) là một trong những bệnh lý phổ biến nhất được chỉ định dùng thuốc kháng VEGF. Đây là tình trạng giảm thị lực nghiêm trọng do tổn thương tế bào thần kinh thị giác ở võng mạc, kèm theo tổn thương lớp tế bào biểu mô sắc tố và sự hình thành của các tân mạch dưới võng mạc.

Bệnh chủ yếu xảy ra ở những người trên 50 tuổi và được xem là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa không hồi phục tại các quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, thoái hóa hoàng điểm ở tuổi già thường ảnh hưởng đến cả hai mắt, mặc dù mức độ tổn thương giữa hai mắt không đồng đều nhau.

Thống kê cho thấy khoảng 14% bệnh nhân bị mù lòa là do thoái hóa hoàng điểm, tần suất mắc bệnh gia tăng theo tuổi tác. Việc tiêm nội nhãn thuốc kháng VEGF trong những trường hợp này giúp ngăn chặn sự hình thành tân mạch dưới võng mạc, cải thiện hoặc duy trì thị lực cho bệnh nhân.

Thuốc kháng VEGF là gì? Chỉ định điều trị và biểu hiện sau tiêm thuốc người bệnh nên biết 2
Thuốc kháng VEGF điều trị hiệu quả bệnh thoái hóa hoàng điểm

Điều trị bệnh phù hoàng điểm

Phù hoàng điểm cũng là một chỉ định quan trọng cho việc sử dụng thuốc kháng VEGF. Phù hoàng điểm xảy ra khi dịch tích tụ trong hoàng điểm, dẫn đến biến dạng tầm nhìn. Nguyên nhân chính gây phù hoàng điểm thường là các bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm mạch võng mạc, hoặc tắc tĩnh mạch võng mạc.

Sự tích tụ dịch không chỉ làm hoàng điểm sưng lên mà còn gây giảm thị lực nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân. Trong những trường hợp này, việc tiêm thuốc kháng VEGF có tác dụng ngăn ngừa sự rỉ dịch từ các mạch máu tổn thương, từ đó giảm phù nề và giúp cải thiện thị lực cho người bệnh.

Viêm nội nhãn

Viêm nội nhãn là một bệnh lý khác được chỉ định sử dụng thuốc kháng VEGF. Đây là tình trạng viêm nghiêm trọng của các mô bên trong mắt, thường là kết quả của nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc nấm.

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, cần điều trị kịp thời để tránh mất thị lực vĩnh viễn. Thuốc kháng VEGF được sử dụng trong các trường hợp viêm nội nhãn nhằm giảm thiểu tình trạng viêm, ngăn chặn tổn thương thêm cho mắt, duy trì chức năng thị giác.

Thuốc kháng VEGF là gì? Chỉ định điều trị và biểu hiện sau tiêm thuốc người bệnh nên biết 3
Thuốc kháng VEGF được chỉ định điều trị viêm nội nhãn

Biểu hiện sau khi tiêm thuốc kháng VEGF

Việc tiêm nội nhãn thuốc kháng VEGF (anti-VEGF) đã trở thành phương pháp điều trị phổ biến cho nhiều bệnh lý về mắt, đặc biệt là bệnh thoái hóa hoàng điểm cùng các bệnh lý ở đáy mắt khác. Tuy nhiên, như với bất kỳ phương pháp điều trị nào, người bệnh có thể trải qua một số biểu hiện sau khi tiêm.

Sau khi tiêm, người bệnh thường cảm thấy hơi khó chịu, đau nhức nhẹ tại vị trí tiêm. Cảm giác này thường không kéo dài lâu, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi khoảng một tiếng tại bệnh viện trước khi có thể trở về nhà trong ngày. Thông thường, cơn đau này sẽ giảm dần và khỏi hoàn toàn sau vài ngày.

Ngoài cảm giác đau nhẹ, một số biến chứng tạm thời cũng có thể xảy ra nhưng tỷ lệ xuất hiện thường thấp, bao gồm:

  • Chảy máu: Người bệnh có thể gặp tình trạng chảy máu nhẹ. Tình trạng này thường tự khỏi sau khoảng 5 ngày mà không cần điều trị. Một biến chứng hiếm gặp hơn là tình trạng chảy máu nhiều bên trong dịch kính có thể xảy ra trong khi tiêm. Điều này có thể dẫn đến mất thị lực nhưng tỷ lệ xảy ra rất thấp.
  • Tăng nhãn áp: Đây là hiện tượng tạm thời, thường không gây nguy hiểm nghiêm trọng. Tăng nhãn áp có thể được theo dõi và xử lý nếu cần thiết.
  • Tình trạng viêm mắt: Nếu người bệnh cảm thấy có dấu hiệu viêm, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng viêm để điều trị tình trạng này.
  • Bong võng mạc: Mặc dù rất hiếm, bong võng mạc có thể xảy ra như một biến chứng nghiêm trọng, cần phải được can thiệp y tế kịp thời.
  • Tổn thương thủy tinh thể: Việc tiêm có thể dẫn đến tổn thương thủy tinh thể, gây ra tình trạng đục thủy tinh thể.
  • Viêm nội nhãn: Đây cũng là một biến chứng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra, cần được phát hiện, điều trị kịp thời.
Thuốc kháng VEGF là gì? Chỉ định điều trị và biểu hiện sau tiêm thuốc người bệnh nên biết 4
Người bệnh có thể bị tổn thương thủy tinh thể

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về thuốc kháng VEGF. Tiêm nội nhãn thuốc kháng VEGF là một phương pháp hiệu quả trong điều trị các bệnh lý về mắt. Mặc dù có thể gặp một số biểu hiện không mong muốn, hầu hết chúng đều tạm thời, có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu người bệnh gặp phải bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến mắt sau khi tiêm sẽ cần thăm khám tại bệnh viện chuyên khoa mắt để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin