Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thoái hóa điểm vàng: Nguyên nhân và hướng dẫn điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thoái hóa điểm vàng hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm, là một dạng bệnh lý về mắt, gây mất dần thị lực trung tâm, ảnh hưởng đến khả năng nhìn. Thoái hóa điểm vàng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực cho người trên 50 tuổi. Hãy cùng tham khảo bài viết bên dưới để có thêm thông tin về bệnh lý này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thoái hóa điểm vàng là gì? 

Điểm vàng, hay còn gọi là hoàng điểm là vùng nhạy cảm, nằm ở vùng trung tâm võng mạc. Đây là nơi tập trung hàng triệu tế bào cảm quan, đóng vai trò quan trọng trong thu nhận hình ảnh, giúp nhận biết được màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh.

Thoái hóa điểm vàng, hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm là sự thoái hóa của các tế bào tại vùng điểm vàng, làm mất khả năng nhìn rõ các chi tiết ở vùng trung tâm thị giác, làm giảm thị giác.

Thoái hóa điểm vàng gồm có hai loại: Thoái hóa điểm vàng thể khô và thoái hóa điểm vàng thể ướt.

  • Thoái hóa điểm vàng thể khô: Phổ biến nhất trong các trường hợp bệnh nhân mắc thoái hóa điểm vàng. Bệnh xuất hiện và diễn biến âm thầm trước khi có tình trạng suy giảm thị lực xảy ra do các tế bào võng mạc chết dần di.

  • Thoái hóa điểm vàng thể ướt: Bệnh thường diễn tiến nặng, thị lực của người bệnh bị giảm đột ngột và nghiêm trọng trong thời gian ngắn.

Triệu chứng

Dấu hiệu và triệu chứng của thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng thể khô và thể ướt đều không gây triệu chứng đau mắt. Người bệnh cảm giác mắt mờ, khó khăn khi đọc, lái xe hoặc các công việc đòi hỏi tính chính xác cao.

  • Thoái hóa điểm vàng thể khô: Ban đầu chỉ xuất hiện ở một mắt, người bệnh vẫn không cảm nhận sự thay đổi thị lực rõ ràng, cho đến khi bệnh tiến triển ở cả hai mắt.

  • Thoái hóa điểm vàng thể ướt: Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết là người bệnh nhìn đường thẳng như cửa sổ, thước kẻ,… thành đường cong hoặc hình lượn sóng. Có thể xuất hiện điểm mù làm mất thị lực trung tâm.

Biến chứng có thể gặp khi mắc thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng không gây mù hoàn toàn, nhưng gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn, đọc, nhận dạng màu sắc và sự tương phản yếu do hình ảnh mà người bệnh nhìn thấy được bị mờ nhòe, méo mó, biến dạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thoái hóa điểm vàng thường phát triển âm thầm và ít hoặc không có biểu hiện triệu chứng. Thăm khám sức khỏe định kỳ rất cần thiết dành cho bệnh nhân hoặc khi nhận thấy sự bất thường cũng như sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, khó khăn trong việc chữa trị và có thể gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa điểm vàng

Dưới sự tác động của môi trường bị ô nhiễm, nhiều khói bụi, chế độ ăn hàng ngày cùng với quá trình lão hóa do tuổi già, điểm vàng dần bị thoái hóa và tổn thương, làm suy giảm chức năng của điểm vàng, từ đó, thị lực của mắt cũng bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, sự loạn dưỡng điểm vàng cũng là nguyên nhân gây thoái hóa điểm vàng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng?

Thoái hóa điểm vàng thường gặp ở người già, nhưng ngày nay, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Đây là căn bệnh gây mất thị lực hàng đầu trên thế giới, bệnh diễn tiến âm thầm và gây nguy hiểm cho người bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải thoái hóa điểm vàng

Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc bệnh cho bệnh nhân, như:

  • Tuổi tác.

  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh thoái hóa điểm vàng hoặc các bệnh về mắt khác.

  • Hút thuốc lá.

  • Bất thường về di truyền.

  • Bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch (xơ vữa động mạch, tăng huyết áp,...).

  • Béo phì.

  • Mắt phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng do thường xuyên làm việc ngoài trời.

  • Chế độ ăn nghèo ít omega-3.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thoái hóa điểm vàng

Phương pháp chẩn đoán thoái hóa điểm vàng bao gồm:

  • Kiểm tra thị lực;

  • Soi đáy mắt;

  • Đo nhãn áp;

  • Kiểm tra thị lực với lưới Amsler để phát hiện sự biến dạng hình.

Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa điểm vàng

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị thoái hóa điểm vàng mà chỉ có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Phương pháp điều trị thoái hóa điểm vàng còn tùy thuộc vào loại thoái hóa điểm vàng mà người bệnh mắc phải:

Thoái hóa điểm vàng thể khô

Các thuốc bổ sung thường được chỉ định trong điều trị như kẽm, beta carotene, Vitamin C và E liều cao nhằm giúp chậm sự tiển triển thoái hóa điểm vàng thể khô tệ hơn.

Thoái hóa điểm vàng thể ướt

Liệu pháp tiêm anti-VEGF: 

Tiêm các thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu gồm: Ranibizumab, Aflibercept, Pegaptanib và Bevacizumab để ức chế hoặc ngăn chặn sự rò rỉ dịch và sự phát triển của các mạch máu mới bất thường ở võng mạc, làm chậm quá trình mất thị lực của người bệnh do thoái hóa điểm vàng gây nên.

Với phương pháp điều trị này, người bệnh cần được tiêm nhiều mũi tiêm, với tần suất phụ thuộc vào loại dược phẩm được chỉ định, có thể là mỗi tháng một lần hoặc ít hơn.

Tác dụng phụ:

  • Mắt đỏ, ngứa, tăng nhạy cảm với ánh sáng.

  • Chảy nước mắt hoặc đổ nhiều ghèn.

  • Nhiễm trùng mắt.

  • Nhức đầu.

  • Đục thủy tinh thể…

Liệu pháp quang động học:

Sử dụng tia laser lạnh, kết hợp với verteporfin.

Phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của thoái hóa điểm vàng

Chế độ sinh hoạt:

  • Không nên tự ý điều trị tại nhà khi gặp các vấn đề về mắt.

  • Mang kính râm hoặc các đồ bảo hộ cho mắt khi thường xuyên làm việc ngoài trời.

  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.

  • Giữ tinh thần lạc quan, tránh stress,…

  • Tuân thủ theo đúng lời dặn của bác sĩ và tái khám định kỳ để theo dõi diễn tiến của bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Lutein, zeaxanthin, thường có trong các loại rau lá xanh và một số loại củ, quả.

  • Bổ sung omega-3 từ thực phẩm (cá, ngũ cốc, trứng,…) hoặc dạng viên uống.

  • Beta-carotene hoặc vitamin A có trong các loại rau củ như cà rốt, cà chua, bí đỏ,…

Phương pháp phòng ngừa thoái hóa điểm vàng hiệu quả

Các biện pháp hạn chế diễn tiến của thoái hóa điểm vàng bao gồm:

  • Ăn nhiều trái cây, rau củ, cá và tránh các thực phẩm có nhiều chất béo.

  • Không hút thuốc.

  • Kiểm tra mắt định kỳ và tuân theo các chỉ định của bác sĩ.

  • Chỉ đọc sách hoặc làm những việc mang tính tập trung cao khi có ánh sáng đầy đủ.

Các bệnh liên quan

  1. Suy giảm thị lực

  2. Lão thị

  3. Viêm tắc tuyến lệ

  4. Tật không nhãn cầu

  5. Hắc võng mạc trung tâm

  6. Khô mắt

  7. Mộng thịt

  8. Viêm tổ chức hốc mắt

  9. Ngứa mắt

  10. Viêm màng bồ đào