Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phù hoàng điểm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Phù hoàng điểm là một dấu hiệu, hoặc một biến chứng không đặc hiệu của vô số bệnh khác nhau, bao gồm bệnh ở mắt và bệnh toàn thân. Phù hoàng điểm có thể dẫn đến suy giảm thị lực đáng kể. Điều quan trọng là phải nhận ra nguyên nhân và can thiệp kịp thời để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực vĩnh viễn cho người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phù hoàng điểm là gì?

Phù hoàng điểm được định nghĩa là tình trạng phù cục bộ ở vùng hoàng điểm, dẫn đến tăng độ dày võng mạc trung tâm. Trong giai đoạn đầu, chất lỏng tích tụ, có thể liên quan đến khoang võng mạc nội bào hoặc ngoại bào. Và phù hoàng điểm là một triệu chứng hoặc biến chứng không đặc hiệu của vô số các bệnh ở mắt cũng như bệnh toàn thân khác nhau.

Hoàng điểm là một vùng dễ bị phù nề nhất do các đặc điểm giải phẫu độc đáo. Khi hoàng điểm bị phù, có thể dẫn đến biến dạng nhìn, suy giảm thị lực. Nếu không được điều trị, phù hoàng điểm thậm chí có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn không thể hồi phục.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phù hoàng điểm

Tầm nhìn mờ và trở nên xấu hơn theo thời gian là triệu chứng phổ biến của phù hoàng điểm. Có thể tầm nhìn mờ không ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày, tuy nhiên, nó sẽ gây ảnh hưởng đến các công việc đòi hỏi sự chi tiết, phải nhìn về phía trước như đọc sách, lái xe.

Các triệu chứng phổ biến khác của phù hoàng điểm ở một hoặc cả hai mắt bao gồm:

  • Tầm nhìn trung tâm mờ hoặc lượn sóng;
  • Màu sắc trông nhạt nhòa hoặc khác biệt;
  • Khó khăn khi đọc hoặc lái xe.
Phù hoàng điểm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Phù hoàng điểm khiến bạn khó khăn khi thực hiện công việc đòi hỏi sự chi tiết như đọc sách

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh phù hoàng điểm

Phù hoàng điểm thực chất có liên quan đến tình trạng suy giảm thị lực, mất thị lực tiến triển không hồi phục. 

Các phương pháp điều trị khác nhau cho tình trạng phù hoàng điểm cũng có các biến chứng nhất định. Biến chứng nghiêm trọng nhất liên quan đến điều trị bằng quang đông hồng ngoại là bỏng. Các biến chứng khác bao gồm xơ sẹo dưới võng mạc, bỏng lan rộng. Tiêm nội nhãn có liên quan đến biến chứng viêm nội nhãn. Các biến chứng khác như xuất huyết thuỷ tinh thể, đục thuỷ tinh thể, tắc động mạch trung tâm võng mạc do tăng nhãn áp và bong võng mạc.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy bất cứ dấu hiệu của phù hoàng điểm nào, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt. Vì nếu không được điều trị, phù hoàng điểm có thể gây giảm thị lực nghiêm trọng hoặc thậm chí là mù loà.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến phù hoàng điểm

Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến phù hoàng điểm, bao gồm:

  • Đái tháo đường: Đái tháo đường với lượng đường huyết cao có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ ở mắt cũng như dẫn đến phù hoàng điểm.
  • Thoái hoá hoàng điểm liên quan đến tuổi tác: Các mạch máu bất thường có thể dẫn đến rò rỉ dịch và phù.
  • Tắc tĩnh mạch võng mạc: Đối với các bệnh về mạch máu như tắc tĩnh mạch võng mạc, tĩnh mạch bị nghẽn có thể dẫn đến máu và chất lỏng rỉ vào hoàng điểm.
  • Di truyền: Chẳng hạn như bệnh võng mạc hoặc viêm võng mạc sắc tố.
  • Viêm mắt: Các tình trạng như viêm màng bồ đào có thể dẫn đến phù hoàng điểm.
  • U mắt: Các khối u lành tính hay ung thư mắt đều có thể dẫn đến phù hoàng điểm.
  • Phẫu thuật mắt: Trong các trường hợp sau phẫu thuật tăng nhãn áp, đục thuỷ tinh thể, cũng có thể dẫn đến phù hoàng điểm.
  • Chấn thương: Chấn thương ở mắt.
  • Thuốc: Một số loại thuốc có thể dẫn đến phù hoàng điểm.
Phù hoàng điểm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Phù hoàng điểm do đái tháo đường là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến mất thị lực

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải phù hoàng điểm?

Ai cũng có thể mắc phù hoàng điểm, bất kể tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, mắc một số bệnh lý nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc phù hoàng điểm. Trong đó, phù hoàng điểm do đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người lao động trên toàn thế giới. Với tỷ lệ lưu hành ở người bệnh đái tháo đường type 1 là 4,2% đến 7,9% và tỷ lệ ở người bệnh đái tháo đường type 2 là 1,4% đến 12,8%.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải phù hoàng điểm

Phù hoàng điểm không phải là một bệnh, đây là triệu chứng hoặc biến chứng của một bệnh khác. Bạn có thể có nguy cơ mắc phải phù hoàng điểm nếu gặp phải một trong các tình trạng sau:

  • Lão hoá;
  • Bệnh lý như đái tháo đường;
  • Các bệnh lý di truyền;
  • Các bệnh lý mạch máu;
  • Chấn thương mắt hay phẫu thuật mắt;
  • Khối u ở mắt;
  • Viêm ở mắt.
Phù hoàng điểm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Chấn thương hay phẫu thuật ở mắt có thể dẫn đến phù hoàng điểm

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm phù hoàng điểm

Bên cạnh việc hỏi bệnh và thăm khám, bác sĩ nhãn khoa có thể thực hiện nhỏ thuốc giúp giãn đồng tử, từ đó dễ quan sát võng mạc của bạn.

Ngoài việc thăm khám, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm khác nhau để cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về mắt của bạn, bao gồm:

  • Chụp cắt lớp quang học (OCT): Đây là xét nghiệm hình ảnh học giúp quan sát kỹ võng mạc, bác sĩ có thể quan sát và đánh giá phù hoàng điểm.
  • Chụp mạch huỳnh quang: Xét nghiệm hình ảnh học này có sử dụng thuốc được tiêm vào mạch máu của bạn, hình ảnh này có thể đánh giá được hệ thống mạch máu của võng mạc.

Điều trị phù hoàng điểm

Nội khoa

Cách tốt nhất cho việc điều trị phù hoàng điểm đòi hỏi phải giải quyết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Do đó, tuỳ thuộc vào mỗi nguyên nhân khác nhau mà phù hoàng điểm sẽ được điều trị khác nhau, bao gồm:

  • Thuốc: Có các loại thuốc tiêm như thuốc chống yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) được sử dụng để giảm các mạch máu bất thường ở võng mạc.
  • Steroid: Trong một số loại phù hoàng điểm, steroid có thể được sử dụng để chống viêm. Steroid có thể dùng ở dạng thuốc nhỏ, thuốc viên hoặc thuốc tiêm.
  • Thuốc nhỏ mắt: Bác sĩ có thể kê toa một vài loại thuốc nhỏ mắt steroid hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), hay dorzolamide trong vài tháng.
Phù hoàng điểm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Các loại thuốc nhỏ mắt chứa steroid hoặc NSAID có thể được sử dụng để điều trị

Ngoại khoa

Các thủ thuật ngoại khoa được sử dụng để điều trị phù hoàng điểm có thể bao gồm:

  • Điều trị bằng laser: Mục đích nhằm ổn định thị lực bằng cách bịt kín các mạch máu bị rò rỉ dẫn đến phù hoàng điểm.
  • Phẫu thuật cắt dịch kính: Được sử dụng trong trường hợp phù hoàng điểm do thuỷ tinh thể kéo hoàng điểm. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của phù hoàng điểm

Chế độ sinh hoạt:

Điều quan trọng để hạn chế diễn tiến của phù hoàng điểm là phát hiện và điều trị kịp thời. Việc tuân thủ điều trị có thể hạn chế biến chứng của phù hoàng điểm, đặc biệt là tình trạng mất thị lực vĩnh viễn không hồi phục.

Các việc bạn có thể làm để hạn chế diễn tiến bệnh bao gồm:

  • Tuân thủ theo việc điều trị của bác sĩ, bao gồm việc sử dụng các thuốc nhỏ, thuốc uống.
  • Tái khám bác sĩ mắt đúng hẹn để kiểm tra tình trạng hồi phục của bệnh.
  • Cần quản lý tốt các bệnh lý nền (nếu có) như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu để hạn chế biểu hiện bệnh ở mắt và toàn thân.
  • Sinh hoạt và tập thể dục điều độ, tùy thuộc vào bệnh lý nền của bạn đang mắc phải.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể cho phù hoàng điểm. Tuy nhiên, ăn một chế độ ăn lành mạnh, đặc biệt tuân thủ theo chế độ ăn của các bệnh lý là nguyên nhân dẫn đến phù hoàng điểm, để có thể giúp hạn chế diễn tiến bệnh. Ví dụ như bạn có tăng huyết áp, hãy chú ý giảm lượng muối (Na) nạp vào. Bạn nên hạn chế các chất béo chuyển hóa nếu mắc rối loạn lipid máu, đồng thời tăng cường rau củ quả, các thực phẩm như cá, các loại ngũ cốc.

Phòng ngừa phù hoàng điểm

Để phòng ngừa phù hoàng điểm, cách tốt nhất là bạn ngăn ngừa, quản lý tốt các nguyên nhân dẫn đến chúng. Đồng thời cố gắng kiểm tra, phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Bạn nên tái khám đúng hẹn, tuân thủ điều trị nếu mắc các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, để hạn chế biến chứng lên mắt như phù hoàng điểm.

Các người bệnh mắc đái tháo đường type 2 cũng được khuyến cáo nên sàng lọc các biến chứng mắt ngay tại thời điểm chẩn đoán và sau mỗi 1 năm. Người bệnh đái tháo đường type 1 nên được sàng lọc nhãn khoa trong vòng 5 năm kể từ khi chẩn đoán và sau đó lặp lại mỗi năm 1 lần. Việc tái khám, sàng lọc nhãn khoa giúp phát hiện sớm các biến chứng ở mắt (phù hoàng điểm) để kịp thời điều trị.

Các câu hỏi thường gặp về phù hoàng điểm

Tôi mắc phù hoàng điểm thì có khả năng bị mù không?

Phù hoàng điểm nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau. Trong đó, mất thị lực vĩnh viễn không hồi phục là một biến chứng quan trọng. Do đó, nếu mắc phù hoàng điểm, bạn cần được điều trị ngay lập tức?

Các bệnh lý nào có thể dẫn đến phù hoàng điểm?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến phù hoàng điểm như chấn thương, u ở mắt, các bệnh lý về mạch máu ở mắt. Đặc biệt đáng chú ý, phù hoàng điểm do đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người lao động trên toàn thế giới.

Tôi có cần phẫu thuật điều trị phù hoàng điểm không?

Điều trị phù hoàng điểm sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Bạn có thể chỉ cần dùng thuốc trong một số trường hợp. Nhưng ở một số khác, ví dụ như thuỷ tinh thể co kéo hoàng điểm, bạn có thể cần phải phẫu thuật.

Tôi cần điều trị bao lâu thì hết phù hoàng điểm?

Cũng tương tự như việc điều trị, thời gian hồi phục cũng tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng triệu chứng của bạn. Trong thời gian đó, bạn cần tuân thủ theo kế hoạch điều trị và tái khám của bác sĩ, để đảm bảo về việc đáp ứng điều trị của mình.

Tôi nên dùng thuốc nhỏ mắt nào nếu bị phù hoàng điểm?

Điều quan trọng là bạn không thể tự mua thuốc để điều trị phù hoàng điểm. Bác sĩ có thể kê cho bạn một số loại thuốc nhỏ mắt để điều trị phù hoàng điểm, có thể bao gồm thuốc nhỏ mắt chứa steroid hay NSAID.

Nguồn tham khảo
  1. Macular Edema: https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/macular-edema
  2. Macular Edema: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK576396/
  3. Macular Edema: https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-macular-edema
  4. Macular Edema: https://www.asrs.org/patients/retinal-diseases/20/macular-edema
  5. Overview of Macular Edema: https://www.healthline.com/health/eye-health/macular-edema 

Các bệnh liên quan