Hiện nay các loại thuốc nội tiết tố nữ, thực phẩm chức năng bổ sung nội tiết tố nữ được bán và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dùng thuốc bổ sung nội tiết tố nữ. Vậy uống thuốc nội tiết tố nữ có tác dụng gì và có nên uống hay không?
Thuốc nội tiết tố nữ là thuốc gì?
Thuốc nội tiết tố nữ là loại thuốc có chứa các nội tiết tố (hay còn gọi là hormone) ở phụ nữ. Trong cơ thể phụ nữ, estrogen và progesterone là 2 loại nội tiết tố chủ yếu và quan trọng, có vai trò điều hòa và kiểm soát chức năng. Trong số đó, thuốc tránh thai cũng là một trong những loại thuốc chứa nội tiết tố nữ được sử dụng phổ biến.
Trong cơ thể phụ nữ, estrogen và progesterone là 2 loại nội tiết tố chủ yếu và quan trọng
Công dụng của thuốc nội tiết tố nữ
Thuốc nội tiết tố nữ có chứa estrogen
Thuốc có chứa estrogen có các tác dụng sau:
-
Điều trị tử cung kém phát triển: Thuốc estrogen giúp tăng cả số lượng và chiều dài các sợi cơ tử cung.
-
Điều trị thai chết lưu: Thuốc estrogen làm tăng độ nhạy cảm của cơ tử cung với oxytocin, làm tăng co bóp tử cung để đẩy thai lưu ra.
-
Điều kinh: Nhờ tác dụng tái tạo nhanh niêm mạc nội mạc tử cung, các thuốc chứa estrogen thường được dùng để điều trị kinh không đều và chu kỳ kinh nhân tạo.
-
Điều trị vô sinh: Thuốc nội tiết tố nữ chứa estrogen kích thích tăng tiết chất nhờn, tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng di chuyển đến cơ quan sinh sản và thụ thai.
-
Điều trị viêm, teo âm đạo, âm hộ: Ở phụ nữ đã cắt bỏ buồng trứng và phụ nữ lớn tuổi, sự thiếu hụt nội tiết tố estrogen có thể gây viêm, teo, ngứa âm hộ. Vì vậy, thuốc chứa nội tiết tố nữ chứa estrogen được chỉ định do tác dụng lên sự phát triển của môi lớn và môi bé âm hộ.
-
Điều trị phát triển của tuyến vú: Trong một số trường hợp thiếu hụt nội tiết tố estrogen bẩm sinh dẫn đến tuyến vú kém phát triển có thể sử dụng thuốc nội tiết tố estrogen kích thích tuyến sữa của vú phát triển.
Thuốc nội tiết tố nữ có chứa estrogen mang đến nhiều tác dụng điều trị bệnh
Thuốc nội tiết tố nữ chứa progesterone
Thuốc chứa nội tiết tố nữ progesterone có những tác dụng sau:
-
Điều trị u xơ tử cung: Thuốc progesterone có tác dụng ngăn chặn mô xơ phát triển trong tử cung, cụ thể đối với u xơ tử cung nhỏ.
-
Điều trị giữ thai: Không giống như estrogen, progesterone làm giảm co bóp tử cung nên được dùng để duy trì thai nhi.
-
Điều trị ung thư niêm mạc tử cung hoặc di căn: Nội tiết tố nữ chứa progesterone có thể khiến lớp niêm mạc tử cung co lại. Do đó, bệnh nhân có thể được chỉ định liệu pháp hormone nếu không thể sử dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị khối niêm mạc tử cung hoặc khối u di căn.
-
Điều trị vô sinh: Sự kết hợp giữa estrogen và progesterone giúp làm dày niêm mạc tử cung để trứng làm tổ trong điều trị vô sinh.
-
Điều kinh: Tương tự như estrogen, thuốc nội tiết tố chứa progesterone có tác dụng tạo ra chu kỳ kinh nguyệt nhân tạo.
-
Tránh thai: Trong một số loại thuốc tránh thai có thành phần chính là progesterone.
-
Điều trị u xơ tử cung và phì đại tuyến vú: Khác với estrogen, progesterone có tác dụng làm teo tuyến vú và do đó thường được chỉ định cho tuyến vú phì đại và u xơ tuyến vú.
Công thức của progesterone - một thành phần chủ yếu của thuốc nội tiết tố nữ
Tác dụng phụ của thuốc nội tiết tố nữ
Phụ nữ có thể gặp tác dụng phụ của các thuốc nội tiết tố trong quá trình sử dụng, bao gồm các phản ứng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Các tác dụng phụ của thuốc nội tiết tố phổ biến bao gồm:
-
Đau tức hoặc căng ngực.
-
Chóng mặt, choáng váng.
-
Đau đầu.
-
Tăng cân nhanh chóng.
-
Sưng bàn chân, cẳng chân, chuột rút.
-
Chảy máu âm đạo.
Một số tác dụng phụ của thuốc nội tiết tố hiếm gặp:
-
Khối u ở vú.
-
Thay đổi dịch tiết âm đạo.
-
Tiết dịch núm vú.
-
Buồn nôn và ói mửa.
-
Đau ngực, đau bẹn hoặc chân (đặc biệt là bắp chân).
-
Đau bụng, đau mạn sườn.
-
Đau vùng chậu.
-
Nhức đầu dữ dội hoặc đột ngột.
-
Khó thở không rõ nguyên nhân.
-
Nói ngọng đột ngột.
-
Thay đổi tầm nhìn đột ngột.
-
Vàng da hoặc vàng mắt.
-
Yếu cơ các chi.
Có nên uống thuốc nội tiết tố nữ không?
Do thuốc nội tiết tố nữ có nhiều tác dụng nên khi sử dụng có thể xảy ra một số tác dụng phụ như đã liệt kê ở trên. Ngoài ra, đây cũng là thuốc kê đơn nên chị em không thể tự ý mua khi chưa có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Trước khi sử dụng thuốc nội tiết tố, chị em nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám. Nếu có bất kỳ vấn đề hoặc bệnh lý do nội tiết tố gây ra, tùy vào mức độ và thể trạng từng người, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Các lưu ý khi sử dụng thuốc nội tiết tố nữ
Sự suy giảm nội tiết tố nữ sau khi sinh phổ biến hơn trong hầu hết các trường hợp, nhưng việc bổ sung lại không hề đơn giản. Cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
-
Nếu bạn cảm thấy cơ thể có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào,đừng ngại đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và đưa ra liệu trình phù hợp.
-
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.
-
Estrogen có thể được bổ sung thông qua chế độ ăn uống sau 6 tháng sau sinh.
-
Sau thời gian cho con bú, bạn có thể dùng thuốc tăng cường nội tiết tố do bác sĩ chỉ định để giúp giảm các triệu chứng.
-
Tuyệt đối không sử dụng khi chưa có chỉ định cụ thể của bác sĩ.
-
Trong khi cải thiện nội tiết tố, tránh để cơ thể thừa cân và béo phì vì đây là nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố.
-
Phụ nữ giai đoạn mãn kinh nên dùng liều thấp trong thời gian ngắn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
-
Phụ nữ nghi ngờ có thai, chảy máu âm đạo sau kỳ kinh nguyệt cần lưu ý trước khi dùng thuốc.
-
Không dùng thuốc cho các đối tượng bị bệnh gan, đau tim, đột quỵ hoặc ung thư.
Hi vọng qua bài viết trên bạn đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi có nên uống thuốc nội tiết tố nữ không. Để đảm bảo an toàn, thuốc nội tiết tố chỉ nên được sử dụng sau khi chị em đã được thăm khám bác sĩ và xác định các nguyên nhân gây bệnh do nội tiết tố. Sau khi có kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh sử dụng chế phẩm nội tiết tố nữ phù hợp để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp