Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thuốc Panadol có phải kháng sinh không? Uống nhiều Panadol có sao không?

Ngày 26/01/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thuốc Panadol chứa thành phần Paracetamol giúp giảm đau, hạ sốt hiệu quả. Nhiều người vẫn lo ngại không biết thuốc Panadol có phải kháng sinh không và liệu có gây tác dụng phụ gì nếu uống quá liều không. Vậy mời bạn đọc hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông tin về thuốc Panadol nhé!

Chắc hẳn bạn đã rất quen mặt với các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, chống nhức mỏi như Panadol, Paracetamol, Efferalgan… Nhiều người thậm chí còn tích trữ hẳn Panadol trong tủ thuốc nhà mình để phòng khi có sự cố xảy ra sẽ có thuốc dùng ngay. Một thắc mắc được đặt ra là liệu thuốc Panadol có phải kháng sinh không và có dùng thường xuyên được hay không. Những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về thuốc Panadol.

Các sản phẩm thuốc Panadol trên thị trường

Panadol là loại thuốc không còn xa lạ gì với mọi người. Nó được sử dụng hết sức phổ biến để điều trị những triệu chứng bệnh lý như cảm cúm, sốt, đau nhức xương khớp. Panadol được chia thành nhiều loại khác nhau bao gồm:

  • Panadol cảm cúm với thành phần gồm 500mg paracetamol, 5mg phenylephrine hydrochloride, 25mg caffeine.
  • Panadol xanh hạ sốt, giảm đau với thành phần gồm 500mg paracetamol giúp điều trị đau đầu, đau bụng kinh, đau sau tiêm vaccine, đau cơ, sốt… Thuốc chống chỉ định với bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với paracetamol hoặc bất kỳ tá dược nào của thuốc. Bệnh nhân dị ứng da hoặc mắc bệnh gan cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Panadol Extra cảm cúm với thành phần gồm 500mg paracetamol, 65mg caffeine. Thuốc được dùng để điều trị cơn đau đầu nhẹ, sốt. Thành phần thuốc có chứa caffeine nên phụ nữ mang thai và cho con bú không được sử dụng.
  • Panadol viên nhai dành cho trẻ với thành phần gồm 120mg Paracetamol. Thuốc được dùng để hạ sốt hoặc điều trị các cơn đau nhẹ. Trẻ em dưới 2 tuổi không được dùng.
  • Panadol dạng viên sủi với thành phần gồm 500mg Paracetamol giúp điều trị hắt hơi, sổ mũi, các cơn đau.

Thuốc Panadol có phải kháng sinh không? Uống nhiều Panadol có sao không? 1 Panadol là loại thuốc được sử dụng khá phổ biến

Giải đáp: Thuốc Panadol có phải kháng sinh không?

Panadol là loại thuốc biệt dược có tác dụng giảm đau với thành phần chứa paracetamol. Thuốc được dùng trong việc điều trị các chứng nhức mỏi, cảm cúm, đau đầu, cảm lạnh… Các bác sĩ khuyến cáo bạn nên uống thuốc đúng liều lượng, tránh lạm dụng để không gặp phải các tác dụng phụ hoặc biến chứng nghiêm trọng.

Đối với thắc mắc “Thuốc Panadol có phải kháng sinh không?” thì câu trả lời là không phải. Thành phần Paracetamol trong thuốc có công dụng điều trị các triệu chứng của bệnh, giảm đau hạ sốt ở mức độ nhẹ tới vừa nên khá an toàn.

Mặc dù vậy, trong quá trình sử dụng Panadol để chữa bệnh cảm cúm, người bệnh hãy đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng và tham khảo ý kiến của bác sĩ, nhất là khi bạn dùng Panadol Extra và Panadol cảm cúm. Hai loại thuốc này đều chứa nhiều thành phần Caffeine nên chống chỉ định với nhiều đối tượng.

Thuốc Panadol có phải kháng sinh không? Uống nhiều Panadol có sao không? 2 Thuốc Panadol có phải kháng sinh không là lo lắng của nhiều người

Phụ nữ mang thai uống thuốc Panadol được không?

Mẹ bầu thường gặp phải các triệu chứng như đau nhức cơ thể, đau đầu. Sau khi đã biết thuốc Panadol có phải kháng sinh không, các mẹ thường tìm đến Panadol như một giải pháp giúp giảm đau nhanh chóng. Vậy phụ nữ mang thai có được uống Panadol hay không?

Trên thực tế, chất Paracetamol là thành phần của thuốc Panadol không nằm trong danh sách chống chỉ định sử dụng cho thai phụ. Cho đến thời điểm này, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra bằng chứng chứng minh Panadol có ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ.

Mặc dù vậy, trước khi dùng Panadol để giảm đau, mẹ bầu cần tìm hiểu kỹ lưỡng về loại thuốc Panadol mà mình có thể uống được. Mỗi loại sẽ có thành phần khác nhau nên công dụng cũng có đôi chút khác biệt, có loại sẽ chống chỉ định với thai phụ. Để yên tâm hơn, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhé!

Bạn có biết:

Liều dùng thuốc Panadol được khuyến nghị

Các sản phẩm Panadol đang được bày bán trên thị trường thường có hàm lượng paracetamol khác nhau. Do đó, bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi bác sĩ khám bệnh nhé!

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo liều dùng Panadol được khuyến nghị như sau:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 500 – 1000mg paracetamol cho mỗi lần uống, cách từ 4 - 6 tiếng uống lại. Mỗi ngày không dùng quá 4000mg.
  • Trẻ em từ 6 đến 11 tuổi: 250 – 500mg paracetamol cho mỗi lần uống, uống lại sau 4 - 6 tiếng.
  • Trẻ dưới 6 tuổi: Không khuyến khích dùng thuốc hoặc uống theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc Panadol có phải kháng sinh không? Uống nhiều Panadol có sao không? 3 Người trưởng thành không được uống quá 4000mg Panadol mỗi ngày

Uống nhiều Panadol có sao không?

Uống thuốc Panadol liên tục trong thời gian dài hoặc lạm dụng thuốc sẽ gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe. Chúng bao gồm:

  • Viêm loét, xuất huyết đường tiêu hóa: Dùng thuốc kháng viêm không steroid hoặc Aspirin liều cao khiến các màng nhầy ở dạ dày và hệ tiêu hóa trên bị tổn hại dẫn đến viêm loét, xuất huyết. 
  • Ngộ độ Paracetamol: Tổn thương gan nghiêm trọng, ngộ độc gan với các biểu hiện buồn nôn, chán ăn. Nếu không được điều trị kịp thời, chức năng gan sẽ bị suy giảm, thậm chí là tử vong.
  • Tổn thương thận.

Lưu ý khi dùng thuốc Panadol

Khi uống thuốc Panadol, bạn cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Dưới đây là những điều cần lưu ý khi sử dụng thuốc:

  • Không uống quá liều lượng quy định, tức 4000mg/ngày và quá 1000mg/lần để tránh nhiễm độc gan.
  • Không tự ý sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi nếu chưa có bác sĩ chỉ định.
  • Cần nhai thật kỹ thuốc trước khi nuốt nếu uống dạng viên nén nhai.
  • Đối với Panadol dạng tan rã, bạn không được nhai mà cần đặt ngay trên lưỡi để thuốc tự tan dần.
  • Không uống Panadol sau khi uống rượu bia để tránh làm thuốc tương tác với rượu, tác động xấu đến gan.
  • Trong trường hợp quên uống thuốc đúng thời gian quy định và không cách quá lâu, bạn hãy uống thuốc ngay và kéo dài thời gian uống liều thứ hai. Nếu điều kiện trên không đảm bảo, bạn có thể bỏ qua lần uống đó và dùng lần kế tiếp theo đúng liều lượng và thời gian quy định.
  • Không tự ý dùng thuốc trị ho, cảm lạnh hay bất kỳ loại thuốc giảm đau nào khác trong quá trình sử dụng Panadol nếu không được bác sĩ kê toa. Điều này sẽ hạn chế việc bạn uống thuốc vượt quá liều lượng được cho phép.
  • Tạm ngừng uống Panadol và đến gặp bác sĩ nếu bạn gặp phải tình trạng mắc ói, đau đầu, táo bón, sưng tấy, phát ban, không hạ sốt sau 3 ngày dùng thuốc, không giảm cơn đau sau 5 - 7 ngày dùng thuốc…

Thuốc Panadol có phải kháng sinh không? Uống nhiều Panadol có sao không? 4 Bạn cần uống Panadol đúng liều lượng để tránh gặp tác dụng phụ

Sử dụng thuốc Panadol nói riêng hay bất kỳ loại thuốc giảm đau, hạ sốt nào nói chung cũng cần bạn chú ý liều lượng phù hợp. Mong rằng những chia sẻ trên của Long Châu Pharma đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc thuốc Panadol có phải kháng sinh không một cách chi tiết nhất. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 100 bệnh nhân ngộ độc do uống thuốc có thành phần Paracetamol liều cao. Vì thế, việc cẩn thận khi uống thuốc là điều bạn cần phải lưu ý nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Medlatec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm