Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tìm hiểu các phương pháp sinh thiết tiền liệt tuyến

Ngày 27/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh ung thư phổ biến ở nam giới. Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, sinh thiết tiền liệt tuyến cũng là kỹ thuật được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến.

Theo thống kê, trong số các bệnh ung thư hiện nay thì ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 4 với tỷ lệ mắc rất cao. Bệnh thường tiến triển âm thầm nên người bệnh thường chủ quan dẫn đến chậm trễ trong điều trị. Chẩn đoán bệnh sớm và chính xác sẽ quyết định hiệu quả điều trị, tăng chất lượng sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh. Trong các trường hợp nghi ngờ ung thư, các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện sinh thiết tiền liệt tuyến để đưa ra chẩn đoán chính xác, phác đồ điều trị chuẩn và kịp thời.

Khái niệm và vai trò của phương pháp sinh thiết tiền liệt tuyến

Tuyến tiền liệt thuộc hệ thống sinh sản nam giới nằm phía dưới bàng quang, bao quanh một phần niệu đạo. Tuyến này có hình dạng tương tự như quả óc chó, thực hiện nhiệm vụ tạo ra chất lỏng cho tinh dịch, bao gồm cả tinh trùng sản xuất tại tinh hoàn. Đồng thời, tuyến tiền liệt có vai trò ngăn không để nước tiểu lọt vào trong quá trình xuất tinh.

Tìm hiểu các phương pháp sinh thiết tiền liệt tuyến 1
Tuyến tiền liệt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản

Trong số các bệnh lý thường gặp ở bộ phận này, ung thư tiền liệt tuyến là căn bệnh nguy hiểm và dễ gây tử vong nhất. Để chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, kết quả cận lâm sàng và chỉ định làm thêm sinh thiết để đưa ra kết luận. Sinh thiết tiền liệt tuyến là kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm từ tuyến tiền liệt mang đi kiểm tra dưới kính hiển vi xem có tồn tại tế bào ung thư hay các tế bào bất thường không. Kỹ thuật này thường được thực hiện tại các cơ sở y tế trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và đội ngũ bác sĩ chuyên về tiết niệu, sinh dục nam. Thông qua kết quả sinh thiết, bác sĩ sẽ xác định được người bệnh có bị ung thư không, đồng thời đánh giá mức độ bệnh để đưa ra phương án điều trị tối ưu.

Kỹ thuật này thường được chỉ định trong các trường hợp như:

  • Người bệnh có triệu chứng đau vùng bụng, đau lưng, đau hông, tiểu buốt, tiểu rát, tiểu nhiều về đêm, nước tiểu có màu bất thường, nước tiểu có máu,...
  • Người đã thực hiện xét nghiệm PSA (xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) và có chỉ số cao hơn bình thường so với độ tuổi.
  • Người có khối u hoặc bất thường tại tuyến tiền liệt.
  • Người đã từng sinh thiết cho kết quả bình thường nhưng chỉ số PSA tăng cao.
  • Người có kết quả sinh thiết bất thường ở lần trước nhưng không phải ung thư.
Tìm hiểu các phương pháp sinh thiết tiền liệt tuyến 2
Nam giới thường xuyên bị đau bụng dưới nghi ngờ ung thư cần được sinh thiết tuyến tiền liệt

3 phương pháp sinh thiết tiền liệt tuyến phổ biến

Hiện nay có 3 phương pháp sinh thiết tiền liệt tuyến với quy trình thực hiện khác nhau. Tùy vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và kỹ thuật hiện có, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp sinh thiết phù hợp.

Phương pháp cắt ngang qua trực tràng

Đây là phương pháp sinh thiết tiền liệt tuyến thực hiện thông qua trực tràng được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Với phương pháp này người bệnh cần thay áo của bệnh viện, nằm tư thế nghiêng bên trái, đầu gối cong. Sau đó, người bệnh sẽ được gây tê cục bộ, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ lò xo để đưa kim xuyên qua thành trực tràng vào tuyến tiền liệt. Quá trình này có thể lặp lại nhiều lần để lấy mẫu mô từ những phần khác nhau của tuyến. Sau đó, các mẫu bệnh phẩm này sẽ được mang đi phân tích, kiểm tra. Trong lúc thực hiện, người bệnh có thể thấy hơi khó chịu khi kim đâm vào nhưng hoàn toàn không đau do đã được gây tê.

Phương pháp tầng sinh môn

Kỹ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến sẽ đi qua vùng da giữa trực tràng và bìu. Người bệnh sẽ nằm ở tư thế như phương pháp cắt ngang. Bác sĩ sẽ tiến hành sát trùng vùng da giữa trực tràng và bìu, sau đó tiêm thuốc gây tê cục bộ. Sau khi gây tê, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở trên vùng da này, dùng một ngón tay đeo găng để bôi trơn trực tràng. Tiếp theo, đưa từ từ kim sinh thiết qua vết rạch vào tuyến tiền liệt để lấy mẫu. Kết thúc quá trình lấy mẫu, kim sinh thiết được rút ra, bác sĩ sẽ ấn mạnh vào vị trí này cho đến khi máu ngừng chảy mà không cần dùng đến chỉ khâu.

Phương pháp qua niệu đạo

Với phương pháp sinh thiết qua niệu đạo, người bệnh cần được gây mê toàn thân để bác sĩ dễ dàng thao tác với ống soi bàng quang. Sau khi gây mê, bác sĩ sẽ đưa ống soi bàng quang có gắn thiết bị quan sát vào lỗ ở cuối dương vật, thông qua niệu đạo đến tuyến tiền liệt. Thông qua ống soi bàng quang, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ vào bên trong để lấy mẫu.

Tìm hiểu các phương pháp sinh thiết tiền liệt tuyến 3
Sinh thiết tiền liệt tuyến cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn

Do phải gây mê toàn thân nên sau khi sinh thiết, người bệnh cần được theo dõi ở phòng hồi sức và có thể xuất hiện về nhà nếu sức khỏe ổn định. Nếu chỉ gây tê cục bộ, người bệnh có thể quay trở lại hoạt động bình thường sớm hơn.

Sinh thiết tiền liệt tuyến có nguy hiểm không?

Không có phương pháp sinh thiết nào an toàn tuyệt đối và sinh thiết tiền liệt tuyến cũng như vậy. Một số rủi ro có thể gặp phải sau khi sinh thiết như:

  • Chảy máu tại vị trí sinh thiết;
  • Xuất hiện máu trong tinh dịch, nước tiểu và phân;
  • Gặp khó khăn khi đi tiểu;
  • Nhiễm trùng tuyến tiền liệt, nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tóm lại, sinh thiết tiền liệt tuyến là thủ thuật cần thiết nhằm giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác các bệnh lý ở tuyến này, đặc biệt là ung thư. Kỹ thuật này được đánh giá an toàn, ít đau đớn nhờ gây mê hoặc gây tê. Vì thế, người bệnh cũng không nên quá lo lắng về rủi ro khi phải thực hiện kỹ thuật này.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm