Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sinh thiết màng phổi mù: Khái niệm, chỉ định và quy trình thực hiện

Ngày 27/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sinh thiết màng phổi mù là một thủ thuật phổ biến trong chẩn đoán, hỗ trợ điều trị cho một số bệnh lý về phổi ở mức độ tế bào. Sinh thiết màng phổi mù được đánh giá là phương pháp đánh giá bệnh chính xác và tối ưu nhất khi các kỹ thuật cận lâm sàng khác không đủ chuyên sâu để chẩn đoán.

Trong quá trình chẩn đoán và điều trị các bệnh lý, rất nhiều trường hợp người bệnh được chỉ định sinh thiết bằng cách lấy mẫu bệnh phẩm ở màng phổi để phân tích ở mức độ tế bào và xác định tình trạng bệnh lý. Kết quả sinh thiết sẽ cung cấp thông tin chuyên sâu giúp bác sĩ chẩn đoán và lên hướng dẫn điều trị hiệu quả. Phương pháp sinh thiết được dùng phổ biến trong chẩn đoán ung thư.

Khái quát về sinh thiết màng phổi mù

Sinh thiết màng phổi là phương pháp lấy mẫu từ mô và dịch màng phổi bằng kim sinh thiết để kiểm tra quan sát dưới kính hiển vi. Điều này sẽ giúp các bác sĩ tìm nguyên nhân gây ra những triệu chứng, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp.

Sinh thiết màng phổi mù: Khái niệm, chỉ định và quy trình thực hiện 1
Sinh thiết màng phổi mù là kỹ thuật quan trọng hỗ trợ chẩn đoán và điều trị trong một số trường hợp

Phương pháp sinh thiết màng phổi được chia làm 2 loại gồm sinh thiết màng phổi mù (sinh thiết màng phổi kín) và sinh thiết màng phổi nội soi. Trong đó, kỹ thuật sinh thiết màng phổi mù sử dụng kim sinh thiết màng phổi như castelain, abram hoặc cope để chọc qua thành ngực người bệnh vào vùng có dịch trong khoang màng phổi. Khi kim dẫn đường đã vào khoang màng phổi, bác sĩ sẽ rút nòng kim ra đồng thời kìm cắt được đưa vào để lấy mẫu bệnh phẩm. Trong mỗi lần sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy khoảng 3 đến 4 mảnh để tiến hành xét nghiệm mô bệnh học.

Còn sinh thiết màng phổi qua nội soi sẽ được thực hiện trong quá trình nội soi lồng ngực. Bác sĩ sẽ đưa ống soi vào và quan sát khắp bề mặt màng phổi. Nếu phát hiện tổn thương, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết bằng kìm.

Đánh giá và chỉ định phương pháp sinh thiết màng phổi mù

Cả hai phương pháp sinh thiết màng phổi đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Trong đó, sinh thiết màng phổi mù được đánh giá là thủ thuật xâm lấn nhỏ, dễ thực hiện hơn và chỉ cần gây tê nên người bệnh không cần nhập viện mà chỉ cần theo dõi tại bệnh viện vài tiếng sau khi sinh thiết. Còn hạn chế của kỹ thuật này chính là vị trí lấy mẫu bệnh phẩm ở màng phổi nên nếu xác định vị trí không chính xác có thể dẫn đến các biến chứng như chảy máu, tràn khí màng phổi, nguy hiểm hơn là nhiễm trùng.

Đối với sinh thiết màng phổi nội soi, mặc dù phải thực hiện khi gây mê toàn thân và người bệnh phải chịu chi phí khá cao nhưng kỹ thuật này lại sinh thiết chính xác vị trí tổn thương. Nhờ đó kết quả chính xác và tăng hiệu quả chẩn đoán.

Sinh thiết màng phổi mù thường được chỉ định với những trường hợp người bệnh bị tràn dịch màng phổi tiết dịch hoặc dịch đỏ máu. Đây là tình trạng trong khoang màng phổi xuất hiện dịch nhiều hơn mức sinh lý bình thường. Tình trạng này chính là nguyên nhân làm biến đổi trên lâm sàng và X-quang. Tuy nhiên, sinh thiết màng phổi mù vẫn chống chỉ định với một số trường hợp sau đây:

  • Người bị rối loạn đông máu;
  • Người bị rối loạn nhịp tim nặng;
  • Người bị rối loạn huyết động;
  • Người bị suy hô hấp;
  • Người bị suy thận cấp, suy thận mạn tính.
Sinh thiết màng phổi mù: Khái niệm, chỉ định và quy trình thực hiện 2
Người bị tràn dịch màng phổi thường được chỉ định sinh thiết

Quy trình thực hiện sinh thiết màng phổi mù

Để đảm bảo an toàn, sinh thiết màng phổi mù cần được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được đào tạo về chuyên môn và tuân thủ quy trình sau đây:

Chuẩn bị trước khi sinh thiết

Ngoài việc được giải thích về mục đích và các tai biến, người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm đông máu, siêu âm màng phổi, x-quang phổi, CT ngực.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế cần chuẩn bị một số dụng cụ cần dùng trong quá trình sinh thiết màng phổi mù bao gồm bơm tiêm, gạc, dây truyền, lưỡi dao mổ, thuốc chống shock, bộ kim sinh thiết, găng tay vô trùng, săng vô trùng, bình dẫn lưu dịch, ống đựng bệnh phẩm, lọ chứa formol bảo quản bệnh phẩm sau sinh thiết,...

Sinh thiết màng phổi mù: Khái niệm, chỉ định và quy trình thực hiện 3
Trước khi sinh thiết người bệnh cần chụp CT ngực

Tiến hành sinh thiết

Người bệnh được tiêm 1 ống atropin 1/4mg bằng kỹ thuật tiêm dưới da và ngồi ở tư thế cưỡi ngựa. Nhân viên y tế xác định vị trí, tiến hành sát trùng và trải săng lỗ tại vùng sinh thiết. Tiếp theo, gây tê theo từng lớp thành ngực, từ da vào đến lá thành màng phổi rồi sử dụng kim gây tê để chọc thăm dò dịch màng phổi và đánh dấu độ dày thành ngực.

Ở bước này, có thể bơm dung dịch natriclorua 0,9% vào khoang màng phổi nếu có ít dịch. Kế tiếp, đặt ốc định vị trên trocar rồi dao mổ rạch một vết nhỏ tại vị trí định sinh thiết. Sau đó, đưa trocar vào qua vết rạch theo hướng vuông góc với thành ngực rồi rút nòng trocar gắn bơm tiêm 20ml vào vỏ trocar, hút thử thấy dịch nghĩa là trocar đã vào đến khoang màng phổi.

Lúc này, tháo bơm 20ml đồng thời đưa kim cắt vào vỏ của trocar và đặt kim đúng vị trí. Tiếp tục áp sát kim sinh thiết vào thành ngực người bệnh, dùng một tay cố định vỏ trocar, tay còn lại kéo mạnh kim cắt. Đưa từ từ cả 2 kim về tư thế vuông góc rồi rút nhanh kim cắt và thay thế bằng bơm 20ml.

Cuối cùng lấy mảnh màng phổi ở đầu kim cắt để vào đĩa petri có chứa nước muối sinh lý. Tiến hành sinh thiết 3 đến 5 mảnh bệnh phẩm và để vào lọ formol. Vị trí vết thương sẽ được sát trùng cẩn thận và dùng gạc vô trùng che kín để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Theo dõi sau sinh thiết

Sau khi sinh thiết màng phổi mù, người bệnh sẽ được yêu cầu ở lại bệnh viện vài tiếng để theo dõi. Hầu hết trường hợp sinh thiết màng phổi mù được đánh giá an toàn, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể gặp phải một số rủi ro như tràn khí màng phổi, tràn máu màng phổi, nhiễm trùng khoang màng phổi,...

Trên đây là một số thông tin về sinh thiết màng phổi mù và những trường hợp chỉ định thực hiện phương pháp này. Hy vọng nội dung trong bài viết sẽ giúp bạn có thêm kiến thức và không còn lo lắng nếu bạn hoặc người thân trong gia đình phải sinh thiết màng phổi.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm