Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết là giai đoạn nào?

Ngày 30/10/2022
Kích thước chữ

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh và những người xung quanh. Bệnh thường trải qua nhiều giai đoạn. Vậy giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết là giai đoạn nào? Cần lưu ý điều gì khi chăm sóc người bị sốt xuất huyết?

Bệnh sốt xuất huyết biểu hiện qua 3 giai đoạn của bệnh, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh là giai đoạn nguy hiểm, có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Bạn cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để kịp thời đến ngay cơ sở y tế uy tín thăm khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi diễn biến nguy hiểm của bệnh.

Sốt xuất huyết giai đoạn nào nguy hiểm nhất? Cần lưu ý điều gì khi chăm sóc người bị sốt xuất huyết? Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết là giai đoạn nào?

Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết?

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, muỗi vằn cái là vật trung gian truyền bệnh thường sống ở những nơi ẩm thấp, có nước đọng quanh nhà. Trước khi bước vào những giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái quát về căn bệnh này.

Nguyên nhân chính là do muỗi vằn đốt và truyền virus Dengue sang người. Muỗi hút máu bệnh nhân sốt xuất huyết rồi ủ bệnh trong khoảng 10 đến 12 ngày. Trong phần đời còn lại của muỗi, chúng có nguy cơ truyền bệnh cho người. Khi bị đốt, bệnh xuất hiện sau khoảng 4 đến 13 ngày.

Có bốn loại virus Dengue là DEN-1, 2, 3 và 4. Khi bị sốt xuất huyết và khỏi bệnh, cơ thể sẽ hình thành khả năng miễn dịch với virus gây bệnh. Tuy nhiên, loại kháng thể này không bền, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nếu bị muỗi vằn khác truyền bệnh thì vẫn có thể bị sốt xuất huyết. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn cần nhận biết các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết và điều trị kịp thời.

Các triệu chứng của sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có các thể nhẹ và thể nặng, các triệu chứng điển hình như sau:

  • Thể nhẹ: Sốt đột ngột từ 39 đến 40 độ C trong vòng 2 đến 7 ngày và khó hạ sốt. Vùng trán và vùng sau nhãn cầu rất đau. Một số người còn bị phát ban hoặc nổi mẩn ngứa. Sau khoảng 7 đến 10 ngày, các triệu chứng trên thuyên giảm dần và tự khỏi mà không có các biến chứng khác. Đây là những triệu chứng điển hình và có trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
  • Thể nặng: Có dấu hiệu bệnh ở thể nhẹ. Ngoài ra, nó còn kèm theo các biến chứng khác như: Chảy máu cam, chảy máu nướu răng, xuất huyết ngoài da, nôn ra máu, đi ngoài ra phân đen, bầm tím tại chỗ tiêm. Ngoài ra, còn có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tụt huyết áp, người mệt mỏi, chân tay lạnh.

Khi bệnh nhân chuyển sang thể nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị, đặc biệt ở trẻ em, tỷ lệ tử vong có thể cao tới 30 đến 40%.

Khi bệnh nhân chuyển sang thể nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị Sốt xuất huyết thể nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị

Giai đoạn nào là giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết thường trải qua ba giai đoạn, trong đó giai đoạn thứ hai là nguy hiểm nhất. Diễn biến bệnh ở từng giai đoạn như sau.

Giai đoạn ủ bệnh và phát sốt

Giai đoạn này thường xảy ra trong 3 ngày đầu sau khi bệnh khởi phát và được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

  • Sốt cao đột ngột, từ 39 đến 40 độ C.
  • Mệt mỏi về thể chất, đau hốc mắt, đau nhức xương khớp, nhức đầu. Một số người còn bị viêm họng hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp.
  • Chán ăn, buồn nôn.
  • Có thể có ban đỏ giống sốt phát ban nhưng không phải xuất huyết.

Giai đoạn chảy máu, giai đoạn nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết

Sau thời gian ủ bệnh, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết. Cơ thể có thể hạ sốt nhưng một số người vẫn bị sốt trong giai đoạn này. Lúc này, các dấu hiệu xuất huyết dần xuất hiện từ nhẹ đến nặng do giảm tiểu cầu, biểu hiện rất đa dạng. Đây cũng là giai đoạn xảy ra nhiều biến chứng:

  • Biến chứng nhẹ nhất là xuất huyết dưới da kèm theo ngứa.
  • Chảy máu cam, chảy máu nướu răng. Ở phụ nữ, hiện tượng ra máu có thể xảy ra ngay cả khi không phải kinh nguyệt hay rong kinh.
  • Đường tiêu hóa bị xuất huyết. Lúc này người bệnh sẽ đi ngoài ra phân đen, phân có lẫn máu, nôn ra máu tươi hoặc máu đông.
  • Nghiêm trọng hơn là xuất huyết não, xuất huyết ổ bụng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
  • Một số bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, màng bụng.
  • Ngoài ra, giai đoạn này có thể khiến bệnh nhân bị tụt huyết áp do máu cô đặc nên không bù đủ dịch.
  • Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân có thể bị suy tạng, ví dụ như viêm não, viêm gan nặng, viêm cơ tim.

Người nhà cần theo dõi sát sao bệnh nhân. Nếu có dấu hiệu nôn nhiều, bụng đau không rõ nguyên nhân, đau đầu, đi tiểu ít, vật vã, li bì hoặc có dấu hiệu xuất huyết thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức.

Giai đoạn phục hồi

Khi cơn sốt của bệnh nhân đã giảm trên 48 giờ, cơ thể đỡ mệt và khỏe, bắt đầu ăn uống trở lại, đi tiểu nhiều hơn, tiểu cầu trong máu tăng cao thì bệnh nhân bước vào thời kỳ hồi phục.

Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết

Khi người bệnh bước vào giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết, việc chăm sóc và theo dõi của gia đình là vô cùng quan trọng. Để hạn chế điều xấu nhất, khi chăm sóc người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau.

Khi người bệnh đang trong giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết, việc chăm sóc của gia đình là vô cùng quan trọng Chăm sóc của gia đình là vô cùng quan trọng

Điều trị các triệu chứng của bệnh

  • Hạ sốt: Khi người bệnh sốt thấp hơn 38,5 độ C, chỉ cần chườm khăn ấm lên trán, nách, bẹn, mặc quần áo thoáng mát. Nếu sốt trên 38,5 độ C thì nên kết hợp với paracetamol, nhất định không được dùng ibuprofen hay aspirin vì chúng có thể gây xuất huyết.
  • Bù nước và điện giải: Bệnh nhân cần được bù điện giải thông qua việc dùng oresol hoặc hydrit, đồng thời cần uống nhiều nước. Nếu bệnh nhân nôn nhiều, mất nước, không uống được nước thì phải truyền NaCl 0.9% để bù.

Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết

  • Hạn chế để người bệnh hoạt động đi lại, chỉ nên nằm nghỉ tại giường.
  • Uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, oresol và ăn thức ăn dễ tiêu hóa, đặc biệt là thức ăn lỏng.
  • Không ăn thức ăn có màu nâu đỏ, nâu đen để tránh bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Trong quá trình điều trị ngoại trú, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu bệnh trở nặng hoặc không cải thiện. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Tóm lại, giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, lúc này người bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng. Qua đó, bạn cần nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để kịp thời đến ngay cơ sở y tế uy tín thăm khám, chẩn đoán, điều trị và theo dõi diễn biến nguy hiểm của bệnh.

Thuý Nguyễn

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin