Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Trong thời kỳ mang thai, cả mẹ và bé đều có nhiều sự thay đổi theo thời gian. Đặc biệt, ở tuần thứ 21 của thai kỳ là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của bé. Lúc này cả mẹ và bé đều có những cảm nhận rõ nét về sự tồn tại của nhau. Nắm bắt những đặc điểm của thai nhi 21 tuần tuổi là rất cần thiết, giúp mẹ bầu có những kế hoạch chăm sóc bản thân và bổ sung dinh dưỡng phù hợp.
Thai nhi 21 tuần tuổi tức là mẹ bầu đã bước vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Ở giai đoạn này, cơ thể bé cũng phát triển tương đối hoàn chỉnh, mặc dù kích thước cơ thể vẫn nhỏ nhưng thai nhi đã mang hình hài của một em bé với đầy đủ các chi tiết trên gương mặt và các bộ phận trên cơ thể, các giác quan của bé cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Nếu mẹ vẫn chưa biết rõ sự thay đổi của bé khi được 21 tuần tuổi thì hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Bước sang tuần thứ 21 của thai kỳ, mẹ sẽ thấy nhiều sự thay đổi của bé. Lúc này, bé có kích cỡ tương đương một quả cà rốt với chiều dài khoảng 28cm và nặng khoảng 450g. Mặc dù kích thước nhỏ bé, nhưng đã bắt đầu mang hình dáng của một đứa trẻ sơ sinh. Nhiệm vụ chính của thai nhi ở giai đoạn này là phát triển và hoàn thành các cơ quan trong cơ thể.
Các bộ phận trên gương mặt như mắt, môi, mí và lông mày dần trở nên rõ nét hơn, chồi răng bên dưới lợi cũng đã bắt đầu hình thành. Ở thời kỳ này, tuy mắt của bé chưa mở được nhưng vẫn có thể cảm nhận được ánh sáng và bóng tối, thậm chí có thể phản ứng rõ ràng với ánh sáng. Đặc biệt lúc này, tai của thai nhi đã hoàn thiện và hoạt động, bé có thể nghe được âm thanh từ bên ngoài. Đây là lúc bố mẹ nên trò chuyện, bày tỏ tình yêu với con thường xuyên để kích thích não bộ và tư duy bé phát triển, giúp bố mẹ gần gũi với con nhiều hơn sau khi con chào đời.
Vào tuần 21, xúc giác của thai nhi cũng đã bắt đầu hoạt động, bé có thể gián tiếp nếm được mùi vị của những thực phẩm mẹ bầu ăn thông qua nước ối. Hệ thống tiêu hóa của bé vẫn đang dần hoàn thiện để chuẩn bị cho cuộc sống độc lập bên ngoài. Ruột của thai nhi đã phát triển và có thể hấp thụ một lượng nhỏ các loại đường và dưỡng chất có trong nước ối, chính vì vậy lượng phân su tăng lên đáng kể.
Lúc này, các dây thần kinh của thai nhi đã phát triển ổn định và nhịp tim cũng đã hoạt động đều đặn hơn. Tuyến tụy đã bắt đầu đảm nhiệm vai trò của nó là sản xuất các nội tiết tố cần thiết cho cơ thể.
Trong tuần thứ 21 của thai kỳ, tuỷ xương của bé đã dần hoàn thiện và bắt đầu thay thế vai trò của gan và lách trong việc hình thành các tế bào máu. Kể từ lúc này về sau, tuỷ xương sẽ là cơ quan chính để sản xuất tế bào máu, gan và lách sẽ kết thúc nhiệm vụ này vài tuần trước khi bé chào đời.
Cùng với sự phát triển của thai nhi 21 tuần tuổi, bụng của mẹ cũng đã to lên khá nhiều. Đôi lúc mẹ sẽ có cảm giác đau lâm râm quanh bụng, rốn hay bẹn. Nguyên nhân là do các cơ, da và dây chằng ở bụng phải giãn ra để tạo không gian cho sự phát triển của bé. Trong giai đoạn này, cơ thể mẹ bầu cũng có thể xuất hiện những vết rạn da trên bụng. Việc tăng cân nhanh chóng khiến cho lớp da của mẹ bị rách khi da căng ra, dẫn đến sự xuất hiện các vết rạn cả ở mông, đùi, ngực và hông.
Bắt đầu giai đoạn này, bởi hầu hết các cơ quan của bé đã dần được hoàn thiện và đi vào hoạt động, thai nhi lúc này khá nhạy cảm, các cử động trong bụng mẹ trở nên nhộn nhịp hơn với những cú đá, cú huých mạnh mẽ. Bé cũng có thể cảm nhận được những cảm xúc vui, buồn, tức giận của mẹ. Vì vậy, mẹ bầu hãy cố gắng giữ tâm trạng thoải mái, vui vẻ để không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
Vào giai đoạn này, da có thể sẽ tiết dầu nhờn nhiều hơn, tạo điều kiện cho sự hình thành mụn trứng cá ở trên mặt và các bộ phận khác trên cơ thể. Sự tăng sắc tố trong thai kỳ cũng có thể gây ra nám sạm, các mẹ lưu ý vệ sinh da sạch sẽ, tránh nắng để bảo vệ da và không dùng các thuốc điều trị mụn khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bên cạnh đó, dịch âm đạo tiết ra nhiều hơn, có màu trắng hoặc trong, thường lỏng và không mùi. Nếu dịch tiết có màu sắc hay mùi khác biệt, mẹ bầu cần đi khám bác sĩ để được khám và chẩn đoán tình trạng hiện tại.
Bước vào tuần thứ 21 của thai kỳ, cả cơ thể mẹ và bé đều to lên gây tăng cân. Khi cân nặng tăng lên gây áp lực lên tĩnh mạch ở chân, dẫn đến tình trạng giãn tĩnh mạch. Cẳng chân và bàn chân của mẹ dễ bị sưng lên vào ban đêm, tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường, sẽ tự biến mất sau khi sinh.
Sự gắn kết giữa mẹ và bé yêu sẽ ngày càng rõ nét hơn, bởi những chuyển động của tay chân hay những cú đạp mạnh mẽ của con trong bụng mẹ. Mẹ hãy nhẹ nhàng xoa lên bụng để cảm nhận được rõ ràng hơn.
Để có thể đảm bảo thai kỳ của mẹ ổn định, thoải mái và khỏe mạnh, mẹ bầu có thể tham khảo một số lưu ý dưới đây.
Khám thai định kỳ là một trong những điều quan trọng trong suốt quá trình mang thai. Đặc biệt, ở tuần thứ 21 mẹ cần theo dõi sự phát triển của trẻ, thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết để đánh giá sức khỏe tổng quát. Trao đổi với bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, khi có thắc mắc mẹ bầu cũng nên hỏi bác sĩ để được nhận được sự tư vấn tốt nhất.
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự hình thành và phát triển đầy đủ, khoẻ mạnh của thai nhi. Bên cạnh chế độ ăn uống đủ chất (chất đạm, chất béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất) mẹ cũng cần tăng cường bổ sung sắt thông qua việc bổ sung thực phẩm giàu sắt và uống thuốc sắt. Bởi thai nhi cần có đủ sắt để sản xuất hồng cầu, từ đó duy trì phát triển của nhiều cơ quan trong cơ thể. Một số thực phẩm giàu sắt như thịt nạc đỏ, thịt lợn, cá, rau chân vịt,… Ăn nhiều rau xanh giúp mẹ bổ sung thêm vitamin B cho cơ thể.
Mẹ không nên uống trà hoặc cà phê vì nó làm cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng, tiết axit dạ dày và gây ra chứng ợ nóng. Thay vào đó, mẹ nên bổ sung đủ nước lọc khoảng 6 - 8 cốc mỗi ngày. Đặc biệt, mẹ bầu nên duy trì thói quen uống sữa bầu mỗi ngày, bởi trong sữa có chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu, giúp mẹ khỏe mạnh và thai nhi phát triển tốt. Mẹ đừng quên bổ sung thêm các loại hoa quả ít ngọt như dừa, cam,…
Mẹ chỉ nên sử dụng các loại kem dưỡng dành riêng cho bà bầu để đảm bảo sự lành tính và an toàn. Không nên dùng các loại thuốc trị mụn đường uống và chỉ dùng các sản phẩm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi thuốc có thể đi qua nhau thai gây nguy hiểm cho thai nhi.
Ở giai đoạn tuần thứ 21 của thai kỳ, mẹ bắt đầu xuất hiện các vết rạn, mẹ có thể dùng các loại kem dưỡng với nguồn gốc thiên nhiên để cải thiện tình trạng này. Uống nước nhiều có thể giúp cơ thể giải độc, giữ ẩm cho da, góp phần cải thiện tình trạng rạn da.
Một tinh thần thoải mái, vô tư, không căng thẳng sẽ mang lại rất nhiều lợi ích về sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Mẹ có thể đọc sách, nghe nhạc, xem phim hay ngồi thiền để tinh thần thật thoải mái. Mẹ hãy giao tiếp, tâm sự với con để tăng sự gắn kết giữa hai mẹ và con.
Theo thời gian, cơ thể mẹ bầu sẽ càng nặng nề hơn, các sinh hoạt hằng ngày diễn ra không nhẹ nhàng như trước, mẹ bầu cũng có thể xuất hiện các triệu chứng gây khó chịu cho cơ thể. Việc duy trì các hoạt động thể chất như đi bộ, leo cầu thang, tập yoga,… có thể hỗ trợ giảm đau, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đồng thời cũng giúp cải thiện tinh thần cho mẹ bầu.
Bài viết bên trên đã cung cấp một số kiến thức cơ bản về sự phát triển của thai nhi 21 tuần tuổi. Bên cạnh sự phát triển của cơ thể thai nhi, cơ thể sản phụ cũng có những thay đổi nhất định. Để có một thai kỳ khỏe mạnh mẹ hãy nhớ chú ý đến chế độ nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ chất và tham gia các hoạt động giúp tăng cường thể chất, mẹ nhé!
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.