Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giãn tĩnh mạch là gì? Những vấn đề cần biết về giãn tĩnh mạch

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giãn tĩnh mạch thường ảnh hưởng nhiều nhất đến các tĩnh mạch ở chân vì quá trình đứng và đi lại làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch của phần dưới cơ thể. Đối với nhiều người, chứng giãn tĩnh mạch chỉ đơn giản là vấn đề thẩm mỹ, nhưng với một số người khác bệnh lại gây đau nhức, khó chịu và những vấn đề nghiêm trọng hơn như huyết khối. Việc điều trị có thể bao gồm các biện pháp không dùng thuốc hoặc các biện pháp loại bỏ tĩnh mạch bị giãn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Giãn tĩnh mạch là gì?

Giãn tĩnh mạch là hiện tượng các tĩnh mạch mở rộng, sưng lên, ngoằn ngoèo, thường xuất hiện với màu xanh lam hoặc tím đậm. Chúng thường xảy ra ở chân nhưng đôi khi chứng giãn tĩnh mạch cũng xuất hiện ở các bộ phận khác của cơ thể. Ví dụ như bệnh trĩ là một loại giãn tĩnh mạch phát triển ở trực tràng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của giãn tĩnh mạch

Giãn tĩnh mạch có thể không gây đau hay khó chịu gì cho người mắc bệnh. Dấu hiệu giãn tĩnh mạch là khi bạn nhìn thấy tĩnh mạch có màu tím đậm hoặc xanh xuất hiện xoắn và phồng lên giống như dây leo trên da ở vùng chân. Khi có triệu chứng thì chúng có thể gồm:

  • Cảm giác đau nhức hoặc nặng nề ở chân.
  • Dị cảm ở chân như: Nóng rát, đau nhói, ngứa,...
  • Chuột rút và sưng ở cẳng chân.
  • Thay đổi màu da xung quanh các tĩnh mạch giãn.

Các triệu chứng thường nặng hơn khi thời tiết ấm áp hoặc nếu bạn phải đứng trong thời gian dài. Chúng có thể cải thiện khi bạn đi bộ hoặc nghỉ ngơi và nâng cao chân.

Tác động của giãn tĩnh mạch đối với sức khỏe

Ngoài cảm giác khó chịu vì các triệu chứng, biến chứng của bệnh thì vấn đề thẩm mỹ cũng ngày càng được quan tâm.

Biến chứng có thể gặp khi mắc giãn tĩnh mạch

Mặc dù trong hầu hết các trường hợp, chứng giãn tĩnh mạch chỉ có xu hướng gây khó chịu nhẹ và mất thẩm mỹ. Nhưng đôi khi chúng cũng có thể gây nguy hiểm nếu không được điều trị. Nếu một người không được điều trị đúng cách, chứng giãn tĩnh mạch có thể ngăn cản quá trình lưu thông máu về hệ thống tuần hoàn chung. Điều này có thể khiến cục máu đông được hình thành và có thể dẫn đến thuyên tắc phổi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ khi bạn cảm thấy đau hoặc khó chịu nhiều hơn với chứng giãn tĩnh mạch đang mắc phải, các cơn đau ảnh hưởng giấc ngủ của bạn hay xuất hiện loét da vùng tĩnh mạch bị giãn,...

Giãn tĩnh mạch là gì? Những vấn đề cần biết về giãn tĩnh mạch 4
Hãy đến khám bác sĩ khi các triệu chứng giãn tĩnh mạch diễn tiến xấu đi

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch

Máu di chuyển về tim nhờ các van một chiều trong hệ thống tĩnh mạch. Khi các van bị suy yếu hoặc hư hỏng, khả năng đưa máu quay về tim giảm đi, máu tích tụ trong tĩnh mạch gây giãn tĩnh mạch. 

Một cơ chế khác gây nên bệnh lý này là việc ngồi hoặc đứng trong thời gian dài hay bất kỳ tình trạng nào gây áp lực lên vùng bụng như: Thai kỳ, táo bón, khối u,… vì các hoạt động này làm tăng áp lực về tim của máu tĩnh mạch, khiến máu dồn lại trong tĩnh mạch chân. Sự tích tụ máu ở tĩnh mạch lâu dần gây yếu thành tĩnh mạch và làm hỏng các van. Từ đó, các tĩnh mạch giãn rộng và hiện rõ trên bề mặt da.

Trong một số ít trường hợp, giãn tĩnh mạch là do các tình trạng khác gây ra. Chúng bao gồm:

  • Cục máu đông trước đó;
  • Khối u trong khung chậu;
  • Mạch máu bất thường (bẩm sinh hay mắc phải).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch?

Nữ giới, người lớn tuổi và tiền căn gia đình có người mắc chứng giãn tĩnh mạch là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này.

Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi giãn tĩnh mạch hơn nam giới, có thể là do sự hiện diện của hormone nữ có xu hướng làm giãn thành tĩnh mạch.

Tuổi: Khi bạn già đi, các tĩnh mạch mất tính đàn hồi và các van hoạt động kém hơn gây ra bệnh giãn tĩnh mạch.

Di truyền học: Khi một thành viên thân thiết trong gia đình (quan hệ bậc một như cha mẹ, anh chị em ruột trong gia đình) mắc bệnh này, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải giãn tĩnh mạch

Một số điều có thể làm tăng khả năng phát triển chứng giãn tĩnh mạch bao gồm:

Thừa cân: Thừa cân gây thêm áp lực lên các tĩnh mạch của bạn, điều đó có nghĩa là chúng phải làm việc nhiều hơn để đưa máu trở lại tim. Điều này có thể làm tăng áp lực lên các van khiến chúng dễ tổn thương hơn. Tác động của trọng lượng cơ thể đối với sự phát triển của chứng giãn tĩnh mạch dường như có ý nghĩa hơn ở phụ nữ so với nam giới.

Nghề nghiệp: Một số nghiên cứu cho thấy những công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài (giáo viên, tiếp viên hàng không,...) có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng giãn tĩnh mạch. Điều này là do máu không lưu thông khi bạn đứng trong thời gian dài.

Thai kỳ: Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể người mẹ tăng lên để giúp em bé đang phát triển. Điều này làm tăng thể tích tuần hoàn nói chung và máu trong tĩnh mạch nói riêng. Ngoài ra, nồng độ hormone tăng lên trong thời kỳ mang thai cũng khiến các thành cơ trơn mạch máu giãn ra, điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn. Khi thai nhi phát triển, tử cung cũng mở rộng, nó gây áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng xương chậu và góp phần làm các tĩnh mạch giãn ra. Mặc dù mang thai có thể làm tăng nguy cơ phát triển chứng giãn tĩnh mạch, nhưng hầu hết tình trạng này được cải thiện đáng kể sau sinh.

Giãn tĩnh mạch là gì? Những vấn đề cần biết về giãn tĩnh mạch 5
Nghề nghiệp thường xuyên phải đứng nhiều làm tăng nguy cơ bị giãn tĩnh mạch

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán giãn tĩnh mạch

Bác sĩ có thể chẩn đoán chứng giãn tĩnh mạch dựa trên những triệu chứng của bệnh mặc dù các xét nghiệm sâu hơn có thể được thực hiện nhằm xác định các biến chứng. Bác sĩ sẽ kiểm tra chân của bạn khi bạn đang đứng để kiểm tra các dấu hiệu sưng tấy, lở loét,... Bạn cũng có thể được yêu cầu mô tả bất kỳ cơn đau nào bạn gặp phải và những tình huống nào khiến các triệu chứng tăng nặng thêm.

Bác sĩ cũng sẽ hỏi bệnh sử để biết liệu bạn có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch cao hơn hay không, chẳng hạn như:

  • Có tiền sử gia đình bị giãn tĩnh mạch;
  • Có thai;
  • Chỉ số khối cơ thể (BMI);
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu;
  • Tiền sử chấn thương ở chân (ví dụ: Trước đây bạn từng bị gãy xương ở chân).

Bạn sẽ được chỉ định đến gặp bác sĩ chuyên khoa mạch máu (bác sĩ chuyên về tĩnh mạch) nếu bạn có bất kỳ điều nào sau đây:

  • Giãn tĩnh mạch gây đau, nhức, khó chịu, sưng, nặng hoặc ngứa.
  • Thay đổi màu da ở chân, có thể do vấn đề về lưu lượng máu ở chân.
  • Tình trạng da ảnh hưởng đến chân của bạn, chẳng hạn như bệnh chàm, có thể do vấn đề về lưu lượng máu ở chân.
  • Vết loét ở chân đã lành hoặc chưa lành.

Trong hầu hết các trường hợp, siêu âm mạch máu sẽ được thực hiện để tạo dựng ra hình ảnh các tĩnh mạch ở chân của bạn. Từ những hình ảnh đó có thể thấy lưu lượng máu trong tĩnh mạch và giúp chuyên gia mạch máu xác định vị trí của van bị hư hỏng cũng như tình trạng huyết khối.

Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch hiệu quả

Giãn tĩnh mạch không phải lúc nào cũng cần điều trị. Nếu chứng giãn tĩnh mạch không gây khó chịu cho bạn, bạn có thể không cần phải điều trị. Điều trị chứng giãn tĩnh mạch thường chỉ cần thiết khi:

  • Giảm bớt các triệu chứng: Nếu chứng giãn tĩnh mạch khiến bạn đau hoặc khó chịu.
  • Điều trị các biến chứng: Chẳng hạn như loét chân, huyết khối.
  • Thẩm mỹ: Một số người cũng được điều trị vì lý do thẩm mỹ, nếu chứng giãn tĩnh mạch ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nghiệp hay sức khỏe tâm lý của họ.

Nếu việc điều trị là cần thiết, trước tiên bác sĩ có thể khuyên bạn nên tự chăm sóc tại nhà mà không cần can thiệp. Những biện pháp tự chăm sóc này có thể liên quan đến:

  • Sử dụng vớ áp lực.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Tránh đứng trong thời gian dài.
  • Nâng cao vùng bị ảnh hưởng khi nghỉ ngơi.

Vớ áp lực

Vớ áp lực (vớ nén) không phù hợp với tất cả mọi người. Trước khi điều trị bằng vớ nén, bạn sẽ cần phải thực hiện một cận lâm sàng gọi là Doppler mạch máu để kiểm tra sự lưu thông máu trong tĩnh mạch. 

Vớ nén được thiết kế đặc biệt để ép chặt vào chân bạn nhằm cải thiện tuần hoàn. Chúng thường chật nhất ở mắt cá chân và dần dần lỏng hơn khi lên cao vùng bắp chân và gối. Điều này giúp máu chảy ngược về phía tim dễ dàng hơn. Chúng có thể giúp giảm đau, giảm khó chịu, giảm sưng ở chân,.... Nhưng người ta không biết rõ rằng liệu vớ áp lực có giúp ngăn ngừa tình trạng giãn tĩnh mạch trở nên tồi tệ hơn hay không và liệu chúng có ngăn ngừa chứng giãn tĩnh mạch mới xuất hiện hay không.

Giãn tĩnh mạch là gì? Những vấn đề cần biết về giãn tĩnh mạch 6
Vớ áp lực giúp máu về tim dễ dàng hơn

Bạn có thể phải mang vớ áp lực suốt đời nếu bạn bị suy tĩnh mạch sâu (tắc nghẽn hoặc có vấn đề với các van tĩnh mạch sâu ở chân). Vớ áp lực thường phải được thay thế sau mỗi 3 đến 6 tháng để đảm bảo hiệu quả điều trị. Vớ áp lực nên được giặt bằng tay trong nước ấm và phơi khô trong nhiệt độ phòng để sử dụng tốt hơn.

Liệu pháp xơ hóa bằng bọt hướng dẫn siêu âm

Phương pháp điều trị này bao gồm tiêm bọt đặc biệt vào tĩnh mạch bị giãn. Bọt làm các tĩnh mạch bị xơ sẹo và bịt kín chúng lại. Loại điều trị này có thể không phù hợp nếu trước đây bạn bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Việc điều trị được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. 

Liệu pháp xơ cứng bằng bọt thường được thực hiện dưới hình thức gây tê cục bộ để làm mất cảm giác vùng đang được điều trị và bạn sẽ không cảm thấy đau. Sau khi điều trị, tình trạng giãn tĩnh mạch của bạn sẽ bắt đầu giảm dần sau một vài tuần. Mặc dù liệu pháp xơ cứng đã được chứng minh là có hiệu quả ngắn hạn nhưng vẫn chưa biết liệu pháp xơ cứng bằng bọt có hiệu quả lâu dài như thế nào.

Tắc nghẽn keo Cyanoacrylate

Một thủ tục mới khác là gây tắc nghẽn bằng keo Cyanoacrylate. Đây là phương pháp tiêm một loại keo đặc biệt vào tĩnh mạch bị ảnh hưởng. Chất keo làm bít các tĩnh mạch, ngăn không cho máu vào trong các tĩnh mạch ấy và cải thiện các triệu chứng của bệnh. Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng quy trình này vừa an toàn vừa hiệu quả. Nhưng hiện tại không có nhiều bác sĩ được đào tạo để thực hiện phương pháp này.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của giãn tĩnh mạch

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh đứng lâu: Nếu bạn có công việc yêu cầu bạn phải đứng lâu, hãy cố gắng ngồi nghỉ ngay khi có thể, đồng thời xoa bóp cẳng chân, bàn chân. Bạn cũng có thể thực hiện nhón chân khi đứng nhiều giờ liền để hỗ trợ máu quay về tim.
  • Nâng cao chân: Nâng chân cao hơn thắt lưng giúp máu lưu thông đến tim dễ dàng hơn.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh: Giữ cân nặng hợp lý làm giảm áp lực bên trong mạch máu của bạn.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tổn thương mạch máu, giảm lưu lượng máu và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Bỏ thuốc lá giúp cải thiện các bệnh liên quan mạch máu nói chung, không chỉ riêng bệnh giãn tĩnh mạch.
  • Duy trì hoạt động: Vận động thường xuyên, tránh ngồi yên trong thời gian dài giúp máu lưu thông tốt hơn.
  • Hãy thử dùng vớ áp lực: Vớ áp lực giúp máu lưu thông tốt hơn, điều này có thể ngăn ngừa tình trạng giãn tĩnh mạch trở xấu hơn.
  • Mặc quần áo vừa vặn: Mặc quần áo hay thắt lưng chật làm giảm khả năng hồi lưu máu về tim, vì thế chọn lựa trang phục vừa vặn, thoải mái rất cần thiết.
Giãn tĩnh mạch là gì? Những vấn đề cần biết về giãn tĩnh mạch 7
Vận động giúp cải thiện tuần hoàn trên toàn cơ thể

Chế độ dinh dưỡng: Một chế độ ăn lành mạnh nhiều rau xanh, giảm chất béo động vật giúp cải thiện sức khỏe và giữ cơ thể có một hệ thống mạch máu khỏe.

Phương pháp phòng ngừa giãn tĩnh mạch hiệu quả

Bạn cũng có thể phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch bằng các phương pháp kể trên.

Nguồn tham khảo
  1. Varicose Veins: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/varicose-veins
  2. How to treat, what causes, and how painful are varicose, or spider, veins?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/240129
  3. Varicose Veins: https://www.healthline.com/health/varicose-veins
  4. Varicose Veins: https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/peripheral-venous-disorders/varicose-veins
  5. Varicose veins: https://medlineplus.gov/ency/article/001109.htm

Các bệnh liên quan

  1. Rung nhĩ

  2. Ngoại tâm thu thất

  3. Tai biến mạch máu não

  4. Nhồi máu cơ tim type 2

  5. Cơn đau thắt ngực

  6. Hạ thân nhiệt

  7. Đột quỵ

  8. Loạn sản sợi cơ

  9. Viêm động mạch takayasu

  10. Suy tim