Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân

Ngày 08/03/2022
Kích thước chữ

Người sử dụng lao động bắt buộc mua bảo hiểm tai nạn cho công nhân nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người lao động trang trải các chi phí về y tế vượt quá chi phí tài chính của họ sau một vụ tai nạn lao động.

Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu được các dạng bảo hiểm tai nạn dành cho công nhân, quyền lợi người lao động được hưởng và các điều khoản trong bảo hiểm.

Vì sao công nhân phải mua bảo hiểm tai nạn?

Tìm hiểu về bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân 1 Công nhân công trình là đối tượng của bảo hiểm tai nạn

Công nhân lao động trong các công trình xây dựng luôn là đối tượng dễ gặp các rủi ro tai nạn lao động gồm những trường hợp như sau:

Tai nạn phổ biến nhất mà công nhân xây dựng có thể gặp phải khi làm việc là té, ngã dẫn đến bị thương tật vĩnh viễn, mất khả năng lao động, thậm chí tử vong.

Công nhân làm việc dưới mặt đất hay các tầng thấp hơn có nguy cơ bị các vật rơi tự do xuống đầu như gạch, ngói, công cụ dụng cụ, thiết bị làm việc hay nhiều vật nặng, sắc nhọn va trúng, dẫn đến tai nạn như bị trầy xước, gãy xương hoặc nặng hơn có thể bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.

Đang làm việc thì bị tai nạn do sập công trình, giàn giáo, hầm, hào. 

Sự cố gây chết người phổ biến tại công trường, chỉ sau tai nạn do té, ngã là bị giật điện.

Gặp sự cố cháy nổ do chập điện, bị bén lửa từ tàn thuốc ở nơi có nhiều vật dễ cháy hay sự cố cháy nổ từ bất cứ dụng cụ, thiết bị điện, sử dụng hóa chất. 

Dễ bị phơi nhiễm hoặc bệnh nghề nghiệp khi làm công việc xây dựng phải tiếp xúc và sử dụng qua rất nhiều hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân.

Công nhân thường phải mang vác vật nặng, gây các bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống, khớp cổ tay và nhiều vị trí xương, khớp khá, lâu ngày gây đau nhức, thương tật như cong vẹo, lệch xương…

Khi làm việc với sắt, thép, máy trộn xi măng, máy cắt và nhiều dụng cụ, thiết bị, máy móc tiềm ẩn nguy cơ gây nên những chấn thương cho công nhân như trầy xước da, nặng có thể bị gãy tay, gãy chân, thậm chí đứt lìa các chi, dẫn đến tử vong.

Khi công nhân gặp tai nạn lao động, gánh nặng về chi phí điều trị tai nạn sẽ đè lên vai của người công nhân và cả chủ công trình. Bảo hiểm tai nạn công nhân ra đời nhằm hỗ trợ, gánh vác phần nào những rủi ro tai nạn tại công trường. 

Sản phẩm bảo hiểm tai nạn con người là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, được thiết kế phù hợp cho những người làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn như những người làm việc trong các công trường, nhà máy, nhà xưởng... Sản phẩm còn hữu ích cho tất cả các đối tượng như hộ gia đình, những người muốn đề phòng các rủi ro tai nạn có thể xảy ra trong sinh hoạt, vui chơi và công việc hàng ngày.

Bảo hiểm tai nạn lao động theo Thông tư 329

Theo Thông tư 329/2016 TT-BTC ngày 26 tháng 12 năm 2016, hiện nay khi ký hợp đồng thi công công trình, một số nhà thầu đã ký với chủ đầu tư trong đó có phần mua bảo hiểm cho công nhân lao động trong công trường là bắt buộc.

Thông tư này cũng hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 115/2015NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định trong đầu tư xây dựng bắt buộc phải mua bảo hiểm cho công nhân.

Đối tượng áp dụng theo Thông tư 329

Trong trường hợp phí bảo hiểm công trình đã được tính vào giá hợp đồng, đối tượng liên quan bảo hiểm là chủ đầu tư xây dựng, nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Nhà thầu tư vấn.

Nhà thầu thi công xây dựng.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động đầu tư xây dựng có liên quan đến bảo hiểm bắt buộc.

Trong thông tư quy định rõ nhà thầu bắt buộc phải mua bảo hiểm cho người lao động trong quá trình thi công công trình. Trong hợp đồng bảo hiểm, việc mua bảo hiểm quy định rõ các nội dung như đối tượng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, hồ sơ giải quyết bồi thường.

Tìm hiểu về bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân 2 Bảo hiểm tai nạn chi trả cho người bị thương tật, chết do tai nạn

 Đối tượng bảo hiểm

Đối tượng bảo hiểm là người lao động thi công trên công trường. Đây là trách nhiệm dân sự của nhà thầu thi công xây dựng đối với người lao động thi công trên công trường theo quy định của pháp luật.

Số tiền bảo hiểm

Trong trường hợp bảo hiểm đối với người lao động thi công trên công trường, số tiền bảo hiểm tối thiểu là 100 triệu đồng/người/vụ.

Phạm vi bảo hiểm

Khi người lao động bị thương tật, tử vong do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra do thực hiện công việc thi công trên công trường, công ty bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho nhà thầu thi công xây dựng những khoản tiền mà nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bồi thường cho người lao động theo quy định của thông tư.

Thời hạn bảo hiểm và phí bảo hiểm

Thời hạn bảo hiểm

Đối với người lao động thi công trên công trường, thời hạn bảo hiểm bắt đầu kể từ ngày thực hiện công việc thi công trên công trường đến hết thời gian bảo hành công trình theo quy định pháp luật.

Căn cứ vào hợp đồng lao động và văn bản xác nhận của nhà thầu thi công xây dựng về thời gian người lao động làm việc thực tế trên công trường để xác định thời hạn bảo hiểm cụ thể đối với người lao động thi công trên công trường.

Phí bảo hiểm 1 năm

Bảo hiểm loại 1 với mức đóng 600.000đ/năm đối với người lao động gián tiếp, làm việc chủ yếu trong văn phòng, bàn giấy hoặc những công việc ít đi lại khác như kế toán, nhân viên hành chính.

Bảo hiểm loại 2 với mức đóng 800.000 đồng/năm đối với người có nghề nghiệp không phải lao động chân tay nhưng có mức độ rủi ro lớn hơn loại 1, đòi hỏi phải đi lại nhiều hoặc bao gồm cả lao động chân tay nhưng không thường xuyên và lao động chân tay nhẹ như kỹ sư dân dụng, cán bộ quản lý thường xuyên đến công trường.

Bảo hiểm loại 3 với mức đóng 1.000.0000 đồng/năm đối với những nghề lao động chân tay và những công việc có mức độ rủi ro cao hơn loại 2 như kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, công nhân làm việc trên công trường.

Bảo hiểm loại 4 với mức đóng 1.200.000 đồng/năm đối với những ngành nghề nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn và không được quy định ở ba loại nghề nghiệp trên.

Phí bảo hiểm ngắn hạn

Đến 3 tháng: 40% phí bảo hiểm năm.

Từ trên 3 tháng đến 6 tháng: 60%.

Từ trên 6 tháng đến 9 tháng: 80%.

Từ trên 9 tháng đến 1 năm: 100%.

Tìm hiểu về bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân 3 Công nhân có thể mua bảo hiểm tai nạn tự nguyện

Bảo hiểm tai nạn tự nguyện cho công nhân

Đối tượng nhận bảo hiểm

Mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam có độ tuổi từ 15 đến 70 tuổi.

Phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm

Số tiền bảo hiểm là số tiền cao nhất công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm chi trả khi người được bảo hiểm gặp rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm.

Trường hợp tử vong: Công ty bảo hiểm trả toàn bộ số tiền bảo hiểm.

Trường hợp thương tật bộ phận vĩnh viễn: Công ty bảo hiểm trả theo bảng tỷ lệ thương tật hoặc theo chi phí thực tế không vượt quá tỷ lệ thương tật phụ thuộc vào từng gói bảo hiểm.

Phí bảo hiểm 1 năm: Số tiền bảo hiểm 20.000.000 - 100.000.000 đồng.

Quyền lợi bảo hiểm

Tùy theo số tiền bảo hiểm đã đóng mà người lao động sẽ được hưởng  quyền lợi bảo hiểm, ví dụ như sau:

Số tiền bảo hiểm đến 50 triệu đồng

Người được bảo hiểm chết do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, công ty bảo hiểm sẽ trả toàn bộ số tiền bảo hiểm ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm.

Người được bảo hiểm bị thương tật thân thể do tai nạn, công ty bảo hiểm trả theo bảng tỷ lệ thương tật thân thể theo quy định của công ty.

Số tiền bảo hiểm từ 50 - 100 triệu đồng

Người được bảo hiểm chết do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, công ty bảo hiểm trả toàn bộ số tiền bảo hiểm ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm

Trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật thân thể do tai nạn, công ty bảo hiểm sẽ thanh toán toàn bộ chi phí y tế thực tế phát sinh bao gồm thuốc, phẫu thuật, điều trị  hay sử dụng các thiết bị y tế theo chỉ định của bác sĩ, các chi phí hộ lý, thuê phòng, thuê xe cấp cứu...; thanh toán tiền trợ cấp trong thời gian nằm viện mức 0,1% STBH /ngày, tối đa 180 ngày /năm. Mức bồi thường tối đa không vượt quá tỷ lệ thương tật áp dụng cho trường hợp thương tật đó.

Bảo hiểm tai nạn lao động cho công nhân là một trong những phương pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của công nhân mà các nhà thầu bắt buộc phải thực hiện.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin