Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về cơ chế tác dụng của kháng sinh

Ngày 23/05/2024
Kích thước chữ

Kháng sinh là nhóm thuốc giúp loại trừ vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể. Việc sử dụng kháng sinh tại bệnh viện và trong cộng đồng cần phải được quản lý và theo dõi, nhằm phòng tránh tình trạng đề kháng kháng sinh. Cơ chế tác dụng của kháng sinh khác nhau là không giống nhau, do đó bác sĩ sẽ cân nhắc tùy loại bệnh mà lựa chọn thuốc phù hợp.

Cơ chế tác dụng của kháng sinh rất đa dạng, có thể từ tấn công vào cấu trúc của vi khuẩn, cho đến ức chế các phản ứng tổng hợp protein. Khi bạn bị nhiễm khuẩn, tùy theo tác nhân và vị trí gây bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.

Cơ chế tác dụng của kháng sinh

Kháng sinh sau khi vào cơ thể sẽ đi theo dòng máu đến cơ quan mà nó tác động. Trong y học thường phân loại kháng sinh theo cơ chế tác dụng của kháng sinh, bao gồm các nhóm như:

  • Kháng sinh ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn: Nhóm kháng sinh này tiêu biểu bao gồm các kháng sinh như Beta-lactam, vancomycin hay fosfomycin. Cơ chế tác dụng của kháng sinh beta-lactam là ngăn cản tổng hợp lớp peptidoglycan (một thành phần cần thiết cấu tạo nên thành tế bào vi khuẩn), chấm dứt quá trình nhân lên của vi khuẩn.
  • Kháng sinh làm rối loạn tính thấm màng tế bào: Tiêu biểu là nhóm kháng sinh Lipopeptid (Daptomycin). Màng tế bào vi khuẩn có chức năng chính trong việc thẩm thấu các chất cần thiết. Nếu màng bị rối loạn, các thành phần ion trong vi khuẩn sẽ thay đổi, làm cho vi khuẩn chết.
  • Kháng sinh ức chế tổng hợp protein: Cơ chế tác dụng của kháng sinh ức chế tổng hợp protein là nó ức chế hoạt động của ribosome, từ đó ngăn cản quá trình dịch mã. Kháng sinh có thể tác động vào tiểu phần 30s hoặc tiểu phần 50s của ribosome, từ đó ngăn cản không cho phân tử protein được tạo thành.
  • Kháng sinh ức chế tổng hợp acid nucleic: Sự ức chế tổng hợp acid nucleic của kháng sinh được chia làm 3 loại, bao gồm ức chế quá trình sao chép của ADN mẹ sang ADN con, ngăn chặn tổng hợp ARN và ức chế tổng hợp các chất cần thiết cho giai đoạn nhân đôi tế bào.
tim-hieu-ve-co-che-tac-dung-cua-khang-sinh 1
Tìm hiểu tổng quan về cơ chế tác dụng của kháng sinh

Như vậy có thể thấy cơ chế tác dụng của kháng sinh rất đa dạng, có thể tấn công vào nhiều cấu trúc cũng như quá trình nhân đôi của vi khuẩn, từ đó cho tác động diệt khuẩn.

Khi điều trị các bệnh nhiễm khuẩn bằng kháng sinh, nếu không uống thuốc đủ liều và đủ thời gian, có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng đề kháng kháng sinh. Khi vi khuẩn còn sống sót sau khi bạn uống kháng sinh, chúng sẽ phát triển gen đề kháng và nhân lên với tốc độ chóng mặt. 

Phối hợp kháng sinh trong điều trị

Phối hợp kháng sinh được hiểu là dùng cùng lúc 2 kháng sinh trở lên, nhằm mục đích tăng cường hiệu quả điều trị. Trước khi phối hợp kháng sinh bác sĩ sẽ cân nhắc về tính an toàn, mức độ hiệu quả và cơ chế tác dụng của kháng sinh. Sự phối hợp kháng sinh được sử dụng nhằm các mục đích như:

  • Phối hợp kháng sinh nhằm ngăn chặn việc xuất hiện chủng vi khuẩn đề kháng: Tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn gây bệnh giúp ngăn chặn nguy cơ chúng sống sót và sinh ra những đột biến mới kháng kháng sinh. Thông thường, việc phối hợp kháng sinh được sử dụng trong điều trị bệnh lao, phong và một số bệnh lý mãn tính khác.
  • Phối hợp kháng sinh để điều trị đa nhiễm khuẩn: Một số bệnh có thể do nhiều loại vi khuẩn tấn công cơ thể bạn. Do đó, phối hợp kháng sinh để mỗi kháng sinh sẽ tiêu diệt một loại vi khuẩn. Từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian phục hồi.
tim-hieu-ve-co-che-tac-dung-cua-khang-sinh 2
Phối hợp kháng sinh giúp tăng cường hiệu quả điều trị các bệnh nhiễm khuẩn

Bên cạnh tác dụng chính là tiêu diệt vi khuẩn, mỗi kháng sinh cũng sẽ gây ra ít hoặc nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Mức độ nặng nhẹ của tác dụng phụ sẽ tùy thuộc vào thể trạng người bệnh, số lượng kháng sinh và loại kháng sinh.

Ngoài lợi ích giúp tăng hiệu quả điều trị khi phối hợp kháng sinh, nguy cơ gặp các tác dụng phụ cũng từ đó mà tăng lên. Chính vì vậy, bác sĩ sẽ cân nhắc kỹ trước khi kê đơn thuốc cho bạn, nhằm đảm bảo các nguyên tắc phối hợp kháng sinh hợp lý.

Trường hợp hiệp đồng khi phối hợp kháng sinh

Hai kháng sinh được cho là có tác động hiệp đồng, khi việc phối hợp chúng làm tăng hiệu quả điều trị. Nguyên nhân có thể được lý giải như sau:

  • Tăng thêm cơ chế tác dụng của kháng sinh, giúp mở rộng phổ tác động lên vi khuẩn.
  • Tăng cường hiệu lực kháng khuẩn khi cùng lúc ức chế nhiều quá trình sinh học của vi khuẩn.
  • Kháng sinh này tạo điều kiện cho kháng sinh khác phát huy tác dụng.

Tuy vậy, không phải cứ sử dụng hai kháng sinh có tác dụng hiệp đồng là sẽ tăng cường được tác dụng kháng khuẩn. Việc lựa chọn phối hợp kháng sinh cần phải được cân nhắc về tính an toàn, các quá trình chuyển hóa của thuốc trong cơ thể và vị trí của tác nhân gây bệnh. Chính vì vậy, việc phối hợp kháng sinh cần phải được dựa trên cơ sở khoa học, nghiên cứu lâm sàng và kinh nghiệm điều trị.

tim-hieu-ve-co-che-tac-dung-cua-khang-sinh 3
Phối hợp kháng sinh có tác dụng hiệp đồng giúp mở rộng phổ kháng khuẩn

Trường hợp đối kháng khi phối hợp kháng sinh

Trong trường hợp phối hợp kháng sinh cho tác dụng đối kháng với nhau, sẽ làm giảm hiệu quả điều trị, thậm chí làm cho thuốc không có tác dụng. Một số ví dụ của việc phối hợp kháng sinh không hợp lý như:

  • Kết hợp kháng sinh kìm khuẩn và kháng sinh diệt khuẩn. Ví dụ như kháng sinh nhóm Penicillin và Tetracyclin.
  • Cơ chế tác dụng của kháng sinh trong đơn thuốc phối hợp giống nhau, có cùng tác dụng hoặc cùng gây độc cho một cơ quan trong cơ thể. Việc phối hợp như vậy có thể làm giảm hiệu quả điều trị, thậm chí có thể gây ra suy gan, suy thận,...
  • Phối hợp kháng sinh làm vi khuẩn dễ sinh ra chủng đề kháng. Ví dụ như phối hợp Penicillin và Cefoxitin.

Những khó khăn khi phối hợp kháng sinh

Như vậy bạn đọc đã biết được một vài cơ chế tác dụng của kháng sinh và một số lợi ích khi phối hợp kháng sinh đúng cách. Ngoài những nguyên tắc cơ bản, việc phối hợp kháng sinh trong điều trị còn phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Cơ chế tác dụng của kháng sinh.
  • Dược động học, tính chất lý hóa của nhóm thuốc kháng sinh.
  • Loại vi khuẩn gây bệnh.
  • Tình trạng thực tế của bệnh nhân.

Phối hợp kháng sinh cần dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, dữ liệu lâm sàng và kinh nghiệm trong điều trị của người bác sĩ. Việc phối hợp kháng sinh nếu không mang lại hiệu quả có thể gây ra một số vấn đề như:

  • Làm bệnh nhân có tâm lý không an tâm khi điều trị, tìm kiếm phương pháp khác điều trị dứt điểm bệnh.
  • Phối hợp nhiều kháng sinh không hợp lý có thể làm xuất hiện nhiều tác dụng phụ, tương tác thuốc và độc tính.
  • Làm gia tăng chi phí điều trị nhưng có thể hiệu quả lại không thay đổi.
tim-hieu-ve-co-che-tac-dung-cua-khang-sinh 4
Phối hợp kháng sinh không hiệu quả có thể làm gia tăng chi phí điều trị không cần thiết

Bài viết đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về cơ chế tác dụng của kháng sinh và một vài lưu ý khi phối hợp kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh cần phải được theo dõi và cân nhắc kỹ từ bác sĩ, tránh việc lạm dụng quá mức có thể làm tăng tốc độ vi khuẩn đề kháng thuốc, từ đó giảm hiệu quả điều trị.

Xem thêm: Tổng quan về cơ chế hoạt động của kháng sinh

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin